Mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia: nhìn từ góc độ hiến pháp trên thế giới và một số gợi mở cho việt nam

01/05/2013

TS. ĐẶNG MINH TUẤN

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia là một trong những vấn đề cơ bản của Luật quốc tế. Mối quan hệ này thường được quy định trong Hiến pháp của mỗi quốc gia. Mặc dù rất khác biệt trong việc xác định (1), Hiến pháp các nước có xu hướng công nhận tính áp dụng trực tiếp, ưu thế của các điều ước quốc tế (ĐUQT) so với pháp luật quốc gia (2), nhưng thấp hơn Hiến pháp (3). Qua những sự đa dạng và xu hướng chung về vị trí hiến định mối quan giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia, một số gợi mở có thể hữu ích cho việc sửa đổi Hiến pháp ở nước ta hiện nay (4). 
Untitled_494.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Tính đa dạng trong mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia
Hiến pháp hoặc các quy phạm có tính chất Hiến pháp của các nước thường quy định mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia xuất phát từ tầm quan trọng của nó. Tuy nhiên, các Hiến pháp khác nhau lại có những quy định rất khác nhau. Sự khác biệt cơ bản đầu tiên xuất phát từ các quan điểm khác biệt của hai trường phái:nhất nguyên và nhị nguyên[1]. Tuy vậy, mức độ, tính chất áp dụng hai trường phái ở mỗi nước lại khác nhau, phụ thuộc vào nhiều yếu tố,bao gồm:
Thứ nhất, Hiến pháp các nước quy định vị thế khác nhau của điều ước hay tập quán quốc tế trong mối quan hệ với pháp luật quốc gia. Hiến pháp Hà Lan (1983) xếp các ĐUQT cao hơn Hiến pháp, và tuyên bố rõ ràng rằng các đạo luật trái với luật quốc tế thì không có giá trị. Nhưng Hiến pháp này lại không đặt vị thế tương tự đối với các tập quán quốc tế. Trong khi đó, ở Đức, Italy, Áo, tập quán pháp luật quốc tế lại có giá trị cao hơn so với các đạo luật trong nước, nhưng các điều ước lại chỉ có giá trị ngang với các đạo luật trong nước, được xác định tùy thuộc vào từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Theo Điều 9, Hiến pháp Áo, “Các nguyên tắc được chấp nhận chung của luật quốc tế" được coi là một bộ phận của luật quốc gia”[2]. Điều 25, Luật cơ bản của Đức quy định : “Các nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế là một bộ phận không tách rời của pháp luật Liên bang. Chúng có giá trị ưu tiên so với các đạo luật và trực tiếp làm phátsinh quyền và nghĩa vụ cho những người cư trú trên lãnh thổ Liên bang”. Hiến pháp của Nga khẳng định tính ưu thế của tất cả các quy tắc pháp luật quốc tế so với pháp luật quốc gia: “Các nguyên tắc và quy định pháp luật quốc tế được thừa nhận chung cũng như các thỏa thuận quốc tế của Liên bang Nga là một phần của pháp luật của Liên bang. Nếu một thỏa thuận quốc tế của Liên bang Nga đặt ra các quy tắc khác với các quy định trong nước, thì các quy tắc của thỏa thuận quốc tế được áp dụng”. Hiến pháp của Pháp coi các công ước có giá trị cao hơn so với các đạo luật, nhưng lại không quy định vị trí của các tập quán pháp luật quốc tế. 
Thứ hai, việc áp dụng trực tiếp hay chuyển hóa luật pháp quốc tế trong pháp luật quốc gia không chỉ được quy định trong Hiến pháp, mà còn được quy định trong từng điều ước cụ thể hoặc một đạo luật chuyên biệt. Ở các nước cho phép áp dụng trực tiếp ĐUQT, Hiến pháp thường đặt ra các nguyên tắc chung áp dụng ĐUQT. Về nguyên tắc, thông qua việc chấp nhận hiệu lực và sự ràng buộc của ĐUQT, các quốc gia đã chấp nhận khả năng ĐUQT có thể phát sinh trực tiếp quyền và nghĩa vụ pháp lý đối với các thể nhân, pháp nhân trong nước. Bên cạnh đó, một số nước quy định việc áp dụng trực tiếp hay nội luật hóa ĐUQT được quy định, tuyên bố cụ thể trong từng điều ước bởi cơ quan ký kết hoặc thông qua ĐUQT[3].
Thứ ba, việc áp dụng trực tiếp hay phải nội luật hóa ĐUQT không chỉ căn cứ vào các quy định chung của Hiến pháp mà còn dựa vào những điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Mặc dù Hiến pháp có quy định chung, nhưng không phải đương nhiên có thể áp dụng được tất cả các quy tắc pháp luật quốc tế, mà cần phải có điều kiện áp dụng trực tiếp các quy tắc đó như đủ chi tiết, rõ ràng tạo ra quyền và nghĩa vụ để áp dụng cho các chủ thể pháp luật trong nước. Các tòa án (trong đó có Tòa án hiến pháp) thường được trao thẩm quyền phán xét về khả năng áp dụng trực tiếp các ĐUQT. Ngoài ra, việc áp dụng trực tiếp một điều ước cụ thể cũng được quyết định bởi cơ quan có thẩm quyền chấp nhận hoặc thông qua điều ước (thường là cơ quan lập pháp). Trong trường hợp này, vai trò chính không phải là tòa án, mà chính là cơ quan lập pháp (hoặc hành pháp được ủy quyền)[4].
Thứ tư, ở các quốc gia theo hệ thống luật chung (common law) như Anh và Mỹ, các tập quán pháp luật quốc tế được coi là một phần của luật chung, và có giá trị áp dụng trực tiếp. Sự thay đổi trong tập quán pháp luật quốc tế đương nhiên được thừa nhận trong hệ thống luật chung. Tuy nhiên, Anh lại là nước theo trường phái nhị nguyên; theo đó, Nghị viện có thể ban hành các đạo luật trái với ĐUQT trước đó, và các quy định của điều ước chỉ có thể được áp dụng khi được chuyển hóa vào pháp luật trong nước. Nhưng khác với Anh, Mỹ lại ủng hộ việc áp dụng trực tiếp các ĐUQT trong Hiến pháp: “Hiến pháp này, các đạo luật được ban hành theo Hiến pháp này; mọi ĐUQT đã hoặc sẽ được ký kết dưới thẩm quyền của Hoa Kỳ sẽ là luật tối cao của quốc gia; thẩm phán ở mỗi bang phải tuân theo các quy định đó, mọi quy định trái ngược trong Hiến pháp cũng như luật của các bang đều không có giá trị” (Điều VI.2).  Nhưng đặc biệt, các ĐUQT về nhân quyền không có giá trị áp dụng đương nhiên, mà được quyết định bởi cơ quan lập pháp. Khi phê chuẩn Công ước 1966 về các quyền dân sự và chính trị vào năm 1992[5], Thượng viện Hoa Kỳ tuyên bố không áp dụng trực tiếp các quy định của Công ước[6]. Trong bản báo cáo về Công ước, Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ giải thích: "Vì những lý do cẩn trọng, chúng tôi đề nghị có một tuyên bố rằng những quy định về nội dung của Công ước không có giá trị tự thực thi (self-executing). Mục đích của Tuyên bố này là để làm rõ rằng Công ước không làm phát sinh quyền của các cá nhân trước các toà án của Hoa Kỳ"[7]. Tuyên bố tương tự về không thừa nhận giá trị áp dụng trực tiếp cũng được Thượng viện Hoa Kỳ đưa ra khi phê chuẩn tất cả các ĐUQT quan trọng khác về quyền con người[8].
Như vậy, mặc dù nguyên tắc tận tâm thực hiện ĐUQT (Pacta sunt ser vanda) được ghi nhận chính thức trong Công ước Viên năm 1969 về Luật ĐUQT là một nguyên tắc cơ bản trong luật quốc tế, nhưng cách thức các quốc gia thực hiện các công ước quốc tế thì lại rất đa dạng. Luật quốc tế không quy định bắt buộc phương thức thực hiện các ĐUQT, mà cho phép các quốc gia có thể lựa chọn cách thức phù hợp.
2. Xu hướng áp dụng trực tiếp và ưu thế của các điều ước quốc tế
Mặc dù có có sự đa dạng trong mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia, ngày càng có nhiều Hiến pháp ủng hộ việc áp dụng trực tiếp các ĐUQT, đặc biệt khi mà ngày càng có nhiều các ĐUQT về nhân quyền. Việc công nhận áp dụng trực tiếp ĐUQT cho phép các chủ thể pháp luật trong nước có thể sử dụng ngay các quy tắc của ĐUQT để bảo vệ quyền và nghĩa vụ của mình mà không cần phải đợi đến khi có nội luật hóa các quy tắc đó.
Đặc biệt, quan niệm về các ĐUQT có nhiều thay đổi lớn từ sau Thế chiến thứ 2: ĐUQT không chỉ quy định về mối quan hệ giữa các quốc gia như trước kia mà ngày càng có nhiều các điều ước quy định về các quyền và tự do cá nhân. Sau Hiến chương Liên hiệp quốc năm 1945 và Tuyên ngôn thế giới về quyền con người 1948, nhiều văn kiện quốc tế về quyền con người đã ra đời. Mặc dù, cũng như các công ước quốc tế khác, các công ước quốc tế về quyền con người không yêu cầu các quốc gia bắt buộc áp dụng trực tiếp, mà có quyền lựa chọn phương thức áp dụng phù hợp. Tuy nhiên, với tính đặc thù quy định bảo vệ các quyền con người có mục đích, khả năng phát sinh và áp dụng trực tiếp quyền và nghĩa vụ cho các chủ thể pháp luật trong nước, ngày càng có thêm Hiến pháp thừa nhận giá trị áp dụng trực tiếp của các tập quán, công ước quốc tế liên quan đến lĩnh vực này (từ 6% trước 1914 đến 9% trong giai đoạn 1914-1944, rồi tăng lên 13% sau năm 1944)[9]. Các quốc gia châu Âu đi đầu trong việc áp dụng trực tiếp luật nhân quyền quốc tế, đặc biệt là Công ước về các quyền dân sự và chính trị và các công ước nhân quyền khu vực, bởi các tòa án quốc gia[10]. Trên thực tế, các tòa án ở nhiều nước đã đóng vai trò quan trọng trong việc dẫn chiếu, sử dụng các ĐUQT trong hoạt động xét xử. Ví dụ ở Nam Phi, trong tổng số 359 phán quyết của Tòa án hiến pháp (tính đến cuối năm 2007), có 130 phán quyết dẫn chiếu Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, 49 phán quyết dẫn chiếu đến Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội[11].
Vị trí hiến định của các tập quán pháp luật quốc tế (TQPLQT) và Công ước quốc tế[12]
 
Trước 1914 (N=36)
1914-1944
(N=33)
Sau 1944
(N=296)
Tổng
(N=365)
Các Hiến pháp đề cập TQPLQT
28% (10)
18% (6)
23% (67)
23% (83)
TQPLQT áp dụng trực tiếp
6% (2)
9% (3)
13% (37)
12% (42)
Các Công ước có giá trị cao hơn các đạo luật
0% (0)
0% (0)
23% (67)
18% (67)
Bảng trên cho thấy, cùng với việc quy định về các quyền con người cơ bản, các ĐUQT cũng ngày càng có ưu thế so với các đạo luật quốc nội. Tính ưu thế của các ĐUQT về quyền con người trong trật tự pháp luật quốc gia còn thể hiện ở quá trình hiến pháp hóa các ĐUQT, thông qua hai con đường:
Thứ nhất, một số nước còn dẫn chiếu hoặc sáp nhập các ĐUQT về quyền con người vào Hiến pháp. Theo kết quả của một nghiên cứu (xem bảng ở dưới), quá trình hiến pháp hóa các ĐUQT chủ yếu liên quan đến các công ước về quyền con người (chiếm khoảng 10% số các Hiến pháp thông qua từ năm 1945). Trong số các văn kiện quốc tế về quyền con người, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người thường xuyên được dẫn chiếu hoặc sáp nhập vào Hiến pháp các nước nhất, tiếp theo là Đại hiến chương của Liên hiệp quốc và Hiến chương châu Phi về các quyền con người. Ví dụ, Hiến pháp Nicaragua tuyên bố “áp dụng đầy đủ các quyền được quy định tại Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, Tuyên ngôn châu Mỹ về các quyền và nghĩa vụ của con người, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế và xã hội, Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự, và Công ước châu Mỹ về quyền con người của Tổ chức các nước châu Mỹ”. Tương tự, Hiến pháp Cộng hòa Công-gô “tuyên bố… Đại hiến chương của Liên hiệp quốc, Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, Hiến chương châu Phi về các quyền con người là một phần không tách rời của Hiến pháp”. Hiến pháp của Tây Ban Nha năm 1978, tại Điều 10.2 quy định:“Các quy định về các quyền, tự do cơ bản được thừa nhận trong Hiến pháp này phải được giải thích phù hợp với Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền và các điều ước, thoả thuận quốc tế có liên quan đã được phê chuẩn bởi Tây Ban Nha”.
Các Hiến pháp[13] dẫn chiếu hoặc sáp nhập các Công ước quốc tế chọn lọc
về quyền con người[14]
Các Công ước
Được dẫn chiếu trong Hiến pháp
Được sáp nhập vào Hiến pháp
Tuyên ngôn thế giới về quyền con người của Liên hiệp quốc (1948)
69
24
Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp (1789)
10
0
Đại hiến chương của Liên hiệp quốc (1945)
27
6
Công ước châu Âu về các quyền con người (1950)
2
2
Công ước quốc tế về các quyền chính trị và dân sự (1966)
7
1
Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, văn hóa và xã hội (1966)
4
1
Công ước châu Mỹ về quyền con người (1969)
2
1
Hiệp ước Helsinki (1966)
1
1
Hiến chương châu Phi về các quyền con người (1981)
23
4
Thứ hai, các quy định về quyền con người trong Hiến pháp các nước ngày càng có sự tương thích với các văn kiện quốc tế về quyền con người. Nói cách khác, các Hiến pháp đã được xây dựng, bổ sung để phù hợp với các quy tắc quốc tế về quyền con người. Hầu hết các quyền con người theo luật nhân quyền quốc tế đã được ghi nhận trong Hiến pháp của các quốc gia trên thế giới với những mức độ khác nhau. Trong các bản Hiến pháp đã được các quốc gia thông qua trên thế giới từ năm 1980 đến nay, các quyền con người được các Hiến pháp ghi nhận đã tăng liên tục để phù hợp với các công ước quốc tế về quyền con người mà các nước tham gia. Hiến pháp đóng vai trò là công cụ pháp lý cơ bản để hiện thực hóa các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người ở các quốc gia[15].
Quá trình hiến pháp hóa các ĐUQT bằng việc sáp nhập các ĐUQT có giá trị áp dụng trực tiếp hoặc đưa các nội dung của điều ước vào Hiến pháp đã giúp nâng cao vị thế áp dụng của các ĐUQT trong xã hội. Khi đó, các quy tắc pháp luật quốc tế trở thành các quy tắc Hiến pháp, có giá trị pháp lý tối cao và bắt buộc đối với mọi chủ thể trong một quốc gia, kể cả các cơ quan nhà nước. Quá trình này phản ánh sự cam kết của các nhà lập hiến với các công ước quốc tế được thừa nhận có mục đích dân chủ hóa đời sống xã hội, đặt ra cho nhà nước các nghĩa vụ thực thi các công ước quốc tế, đảm bảo các quyền và lợi ích của các chủ thể khác nhau trong xã hội.
3. Mối quan hệ giữa Hiến pháp và điều ước quốc tế
Với tính cách là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất trong hệ thống pháp luật quốc gia, Hiến pháp phản ánh mối quan hệ giữa pháp luật quốc gia với pháp luật quốc tế. Mặc dù các nước đều có những quy định rõ ràng về mối quan hệ giữa các ĐUQT và các đạo luật thường quốc nội, nhưng lại rất ít khi đề cập đến tính thứ bậc giữa Hiến pháp và các ĐUQT. Hiến pháp Hà Lan (1983) là một trong số rất ít Hiến pháp xếp các ĐUQT cao hơn Hiến pháp.
Hiến pháp của Pháp không quy định rõ về tính thứ bậc giữa Hiến pháp và ĐUQT, nhưng lại đặt ra vấn đề xử lý sự xung đột giữa hai loại quy phạm này trong quá trình gia nhập ĐUQT. Hiến pháp Pháp cho phép đưa vào nội dung của ĐUQT mà Pháp là một bên ký kết hoặc tham gia những điều khoản có nội dung trái với Hiến pháp; tuy nhiên, trước khi chấp nhận ràng buộc quy định này (phê chuẩn/phê duyệt) thì phải tiến hành sửa đổi Hiến pháp. Nếu việc sửa đổi Hiến pháp bị thất bại, thì coi như ĐUQT đó mặc dù đã được ký hoặc gia nhập nhưng không có hiệu lực pháp lý đối với Pháp. Trên thực tế, Pháp đã phải sửa đổi Hiến pháp bốn lần để ký kết hoặc gia nhập các ĐUQT sau: Hiệp ước Maxtrict, Hiệp ước Amxtecdam, Hiệp ước thành lập Tòa hình sự quốc tế (ICC), Hiến chương về các ngôn ngữ trong khu vực. Mặc dù không quy định trong Hiến pháp, nhưng cũng như Pháp, nhiều quốc gia thường có quy trình kiểm tra tính hợp hiến của các ĐUQT trước khi gia nhập, và chỉ phê chuẩn/phê duyệt điều ước khi các quy định của ĐUQT không trái với Hiến pháp. Trong trường hợp Hiến pháp xung đột với các ĐUQT, thì phải sửa đổi, bổ sung Hiến pháp trước khi phê chuẩn/phê duyệt ĐUQT.
Nước Anh là một trường hợp đặc biệt với truyền thống Hiến pháp bất thành văn và nghị viện tối cao. Theo những truyền thống này, Nghị viện có quyền làm luật, sửa đổi bất kỳ một đạo luật nào bất cứ khi nào; và hơn nữa, không ai, tổ chức nào được pháp luật Anh công nhận có quyền đình chỉ hoặc bãi bỏ các đạo luật của Nghị viện. Điều này có nghĩa, Nghị viện không bị giới hạn bởi các tòa án cũng như bởi các thể chế quốc tế; Nghị viện có quyền tự do thông qua các đạo luật trái với các công ước mà Anh đã phê chuẩn. Quan điểm này của Anh đã vấp phải sự phản đối của Cộng đồng châu Âu và Tòa án châu âu về quyền con người khi mà Anh đã cam kết về tính ưu thế của pháp luật châu Âu. Tuy vậy, lý thuyết Nghị viện tối cao vẫn tiếp tục duy trì.
Trong quá trình áp dụng các ĐUQT có thể xảy ra xung đột giữa Hiến pháp với các ĐUQT mà các nước đã chấp nhận tham gia. Theo thông lệ, các nước đều tuyên bố Hiến pháp là đạo luật có giá trị pháp lý tối cao trong trật tự pháp luật, do đó có giá trị pháp lý cao hơn các công ước quốc tế. Theo trường phái nhất nguyên, Hiến pháp vẫn được coi là đạo luật tối cao của một trật tự pháp luật thống nhất. Hoa Kỳ theo trường phái này, theo đó Hiến pháp có giá trị pháp lý cao hơn các công ước quốc tế. Theo trường phái nhị nguyên, thì việc chuyển hóa các ĐUQT trong pháp luật quốc nội là bắt buộc cho phép đảm bảo tính phù hợp của các quy tắc pháp luật quốc nội, tính ưu thế của pháp luật quốc nội so với pháp luật quốc tế. Trong trường hợp này, Hiến pháp đương nhiên có giá trị tối cao so với các công ước quốc tế.
Mặc dù Hiến pháp có giá trị pháp lý tối cao so với các công ước quốc tế mà các nước tham gia, nhưng để phù hợp với nguyên tắc tận tâm thực hiện ĐUQT, các quốc gia phải có trách nhiệm nghiêm chỉnh thực hiện ĐUQT đã ký kết, chấp nhận sự ràng buộc, “không thể viện những quy định của pháp luật trong nước của mình làm lý do để không thi hành một điều ước mà mình đã cam kết” (Điều 27 - Công ước Viên). Trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa Hiến pháp và các ĐUQT, ngày càng có nhiều quốc gia đã thực hiện quá trình hiến pháp hóa các ĐUQT để thể hiện cam kết đối với các ĐUQT mà họ đã chấp nhận tham gia.
4. Chuyển hóa các quy định của điều ước quốc tế vào Hiến pháp Việt Nam
Không giống Hiến pháp nhiều nước trên thế giới, Hiến pháp Việt Nam không quy định về mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia, mà chỉ quy định về thẩm quyền của Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ trong quan hệ đối ngoại và ký kết, thực hiện ĐUQT. Trong khi đó, vấn đề này được đề cập tại Điều 6, Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện ĐUQT 2005, cụ thể:
1. Trong trường hợp văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và ĐUQT mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của ĐUQT.
2. Việc ban hành VBQPPL phải bảo đảm không làm cản trở việc thực hiện ĐUQT mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định về cùng một vấn đề.
3. Căn cứ vào yêu cầu, nội dung, tính chất của ĐUQT, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ khi quyết định chấp nhận sự ràng buộc của ĐUQT đồng thời quyết định áp dụng trực tiếp toàn bộ hoặc một phần ĐUQT đó đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong trường hợp quy định của ĐUQT đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; quyết định hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành VBQPPL để thực hiện ĐUQT đó.
Qua quy định trên đây, có thể rút ra một số nhận định sau:
- ĐUQT có giá trị cao hơn so với các VBQPPL (từ các đạo luật trở xuống). Việc ban hành các VBQPPL phải phù hợp với các ĐUQT mà Việt Nam ký kết. Khi có mâu thuẫn giữa ĐUQT và các VBQPPL thì áp dụng các quy phạm ĐUQT;
- ĐUQT không có giá trị áp dụng trực tiếp một cách đương nhiên, mà được quyết định trong từng trường hợp cụ thể: Thứ nhất, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ sẽ quyết định về việc áp dụng trực tiếp ĐUQT vào thời điểm chấp nhận sự ràng buộc của từng ĐUQT cụ thể trong trường hợp các quy định của ĐUQT đã đủ rõ, chi tiết để thực hiện; Thứ hai, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ chuyển hóa các quy định của ĐUQT vào pháp luật quốc gia thông qua việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ và ban hành các VBQPPL để thực hiện ĐUQT đó. Như vậy, việc xác định áp dụng trực tiếp phải được quyết định vào thời điểm chấp nhận sự ràng buộc của từng điều ước; trong trường hợp không chấp nhận áp dụng trực tiếp hoặc không có quy định về việc áp dụng trực tiếp các ĐUQT, thì ĐUQT đó phải được chuyển hóa trong pháp luật quốc gia.
Thực tiễn ở Việt Nam cho thấy, ít các điều ước quy định áp dụng trực tiếp, trong khi đa phần các điều ước đều phải được nội luật hóa để áp dụng. Các ĐUQT cho phép áp dụng trực tiếp thường liên quan đến thương mại quốc tế, như áp dụng trực tiếp các quy định của ĐUQT liên quan đến các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Không giống với xu hướng áp dụng trực tiếp các ĐUQT về nhân quyền ở một số nước hiện nay, Việt Nam thường nội luật hóa các ĐUQT về nhân quyền. Việt Nam cũng tuyên bố không áp dụng trực tiếp Công ước chống tham nhũng của Liên hiệp quốc. Thực tế xét xử cũng cho thấy, các tòa án mới chỉ sử dụng luật thương mại quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp về hợp đồng, thương mại, đầu tư, giao nhận, bảo hiểm, trong khi tòa án chưa bao giờ viện dẫn các văn kiện quốc tế về quyền con người để giải quyết các vụ việc dân sự và hình sự có liên quan.
Như vậy, Việt Nam chú trọng việc nội luật hóa các ĐUQT, đặc biệt các điều ước về quyền con người trong pháp luật quốc gia. Các quy định Bộ luật nhân quyền quốc tế cũng được chuyển hóa trong Hiến pháp và pháp luật của Việt Nam. Theo một nghiên cứu[16], hầu hết các quyền cơ bản mà Bộ luật nhân quyền quốc tế đề cập đều đã được liệt kê trong Hiến pháp 1992. Tuy nhiên, Hiến pháp hiện hành cũng có nhiều thiếu hụt, bất cập cả về nội dung, hình thức quy định, cơ chế bảo vệ các quyền và tự do so với Bộ luật nhân quyền quốc tế. Những vấn đề này cũng được thảo luận ở nhiều diễn đàn khác nhau trong quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đang diễn ra. Theo Dự thảo đã được công bố, các quy định về quyền con người trong Dự thảo đã đầy đủ hơn rất nhiều so với Hiến pháp hiện hành trong tương quan với Bộ luật nhân quyền quốc tế. Đó cũng là một xu hướng chung của thế giới.
Qua phân tích những kinh nghiệm thế giới và thực tiễn ở Việt Nam, chúng tôi kiến nghị:
Thứ nhất, bổ sung vào Hiến pháp quy định về mối quan hệ giữa pháp luật quốc tế và pháp luật quốc gia; 
Thứ hai, Hiến pháp ghi nhận nguyên tắc áp dụng trực tiếp đương nhiên các ĐUQT khi đủ khả năng áp dụng, trừ các trường hợp khác được quy định trong từng công ước;
Thứ ba, sửa đổi, bổ sung Hiến pháp nhằm đảm bảo sự phù hợp của Hiến pháp với các công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, đặc biệt là các công ước về quyền con người.

 


[1] Trường phái nhất nguyên cho rằng luật quốc tế và luật quốc gia hợp thành một hệ thống pháp luật chung, trong đó luật quốc tế có vị trí ưu thế so với pháp luật trong nước. Hệ thống pháp luật trong nước phải phù hợp, không được trái với pháp luật quốc tế. Tính ưu thế này luôn được đảm bảo, dù luật quốc tế có được chuyển đổi/nội luật trong hệ thống pháp luật trong nước hay không. Điều này cũng có nghĩa, pháp luật quốc tế được áp dụng trực tiếp mà không cần phải nội luật hóa. Trái lại, trường phái nhị nguyên cho rằng luật quốc tế và luật quốc gia là hai hệ thống pháp luật riêng biệt. Không thể viện dẫn một ĐUQT trước Tòa án quốc gia, trừ khi điều ước đó đã được chuyển hóa vào nội luật bằng những quy định pháp luật trong nước cụ thể. Pháp luật quốc tế có giá trị ràng buộc giữa các quốc gia, nhưng để áp dụng đối với các chủ thể trong mỗi quốc gia thì cần phải có sự chuyển đổi/nội luật hóa vào hệ thống pháp luật trong nước. Khi không có sự chuyển hóa, có thể xảy ra trường hợp một hành vi được coi là phù hợp với quy định của pháp luật trong nước, nhưng lại trái với pháp luật quốc tế, và trong trường hợp này, trường phái nhị nguyên cho phép các tòa án áp dụng pháp luật quốc gia. 
[2] Hurst Hannum, The Status of the Universal Declaration of Human Rights in National and International Law, Georgia Journal of International and Comparative Law, Vol.25, 1996, p. 293.
[3] Nguyễn Tiến Vinh, Áp dụng trực tiếp và chuyển hóa quy định của các ĐUQT về nhân quyền, Tài liệu tham khảo, tr. 3.
[4] Nguyễn Tiến Vinh, tlđd.
[5] Hoa Kỳ phê chuẩn ngày 8/6/1992, Công ước có hiệu lực với Hoa Kỳ từ ngày 8/9/1992.
[6] Senate Comm. on Foreign Relations, Report on the Int'l Covenant on Civil and Political Rights, S. Exec. Rep. No. 23, 102d Cong., 2d Sess. 6-20 (1992).
[7] Senate Comm. on Foreign Relations, tlđd.
[8] David Sloss, The Domestication of International Human Rights: Non-Self-Executing Declarations and Human Rights Treaties, The Yale Journal of International Law, Vol. 24, 1999, pp. 129-221; David N. Cinotti, The New Isolationism: Non-Self-Execution Declarations and Treaties as the Supreme Law of the Land, Georgetown Law Journal, Vol. 91, 2003, pp. 1277- 1301. Xem thêm Nguyễn Tiến Vinh, tlđd.
[9] Comparative Constitutions Project at the University of Illinois, trích từ Tom Ginsburg, Svitlana Chernykh, and Zachary Elkins, Public international law and economics: Commitment and disffusion: How and why national Constitutions incorporate international law, University of Illinois Law Review, 2008 U. Ill. L. Rev. 201.
[10] Lã Khánh Tùng, Quyền cá nhân trong Hiến pháp Việt Nam qua lăng kính của Bộ luật nhân quyền quốc tế, trong Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm TT, TV &NCKH, Văn phòng Quốc hội, Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Tập II-Quyền con người, quyền công dân, Chế độ kinh tế, bảo hiến và một số vấn đề khác, Nxb. Hồng Đức, tr. 92.
[11] Số liệu của Malcolm Langford, South Afica: Constitutional Fautl Lines, Courts and the ICCPR, Trung tâm nhân quyền Na Uy, trích từ Lã Khánh Tùng, Quyền cá nhân trong Hiến pháp Việt Nam qua lăng kính của Bộ luật nhân quyền quốc tế, tlđd, tr.96.
[12] Comparative Constitutions Project at the University of Illinois, tlđd.
 
[13] Số Hiến pháp được thông qua từ năm 1945 đến nay là 283.
[14] Comparative Constitutions Project at the University of Illinois, tlđd.
[15] TS. Vũ Công Giao, Quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp trên thế giới và Hiến pháp Việt Nam: Sơ bộ phân tích so sánh, trong Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội và Trung tâm TT, TV &NCKH, Văn phòng Quốc hội, Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Tập II-Quyền con người, quyền công dân, Chế độ kinh tế, bảo hiến và một số vấn đề khác, Nxb. Hồng Đức, tr. 32, 34.
[16] Lã Khánh Tùng, Quyền cá nhân trong Hiến pháp Việt Nam qua lăng kính của Bộ luật nhân quyền quốc tế, tlđd, tr. 102-106.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 9(241), tháng 5/2013)