Quy trình, thủ tục giám sát của quốc hội pháp tại phiên họp toàn thể và một số vấn đề đặt ra đối với hoạt động giám sát của quốc hội việt nam

01/04/2013

TS. TRƯƠNG THỊ HỒNG HÀ

Viện Nhà nước và Pháp luật, Học viện chính trị, hành chính quốc gia Hồ Chí Minh

Trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam hiện nay, vấn đề quy trình, thủ tục hoạt động của Quốc hội nói chung, thủ tục giám sát nói riêng đang được xem là một trong những vấn đề quan trọng nhằm đảm bảo cho Quốc hội thực sự là cơ quan “vận hành trong ánh sáng” với những trình tự, thủ tục khoa học, khả thi, minh bạch và công khai. Thông qua việc cải cách trình tự, thủ tục hoạt động của mình, hoạt động giám sát của Quốc hội thực chất hơn, hiệu quả cao hơn, góp phần tích cực trong việc xác lập mối quan hệ giữa Quốc hội với cử tri, đảm bảo Quốc hội thực sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Bài viết tập trung phân tích quy trình, thủ tục giám sát của Quốc hội Pháp và kiến nghị giải pháp hoàn thiện quy trình, thủ tục giám sát của Quốc hội Việt Nam trong phiên họp toàn thể.
Untitled_502.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Quy trình, thủ tục giám sát của Quốc hội Pháp
Nhà nước Pháp được tổ chức theo mô hình chính thể hỗn hợp (còn gọi là lưỡng tính): bên cạnh Tổng thống do dân trực tiếp bầu ra, lãnh đạo Chính phủ, thì Quốc hội (Nghị viện) có quyền phê chuẩn Chính phủ do Tổng thống lập ra. Đồng thời, Quốc hội có quyền ra nghị quyết khiển trách đối với Chính phủ, thậm chí có thể dẫn đến việc Chính phủ phải từ chức. Nhưng Tổng thống lại có quyền giải tán Quốc hội. Đây là quyền năng mà nếu so sánh thì quyền hạn của Tổng thống Pháp đối với Quốc hội Pháp mạnh hơn quyền của Tổng thống Mỹ đối với Hạ viện Mỹ[1].
Hoạt động giám sát của Quốc hội Pháp đối với Chính phủ Pháp thể hiện sinh động qua hoạt động của các nghị sĩ Pháp. Tuy nhiên, theo luật, các nghị sĩ có quyền thành lập các nhóm đảng phái phù hợp với quan điểm chính trị của mình. Mỗi nhóm như vậy không có dưới 20 thành viên. Các nghị sĩ được tính đến khi phân bổ các ghế dành cho các nhóm chính trị trong các ủy ban. Các đảng phái đề cử các ứng cử viên của mình vào các cơ quan khác nhau của Quốc hội. Các nhóm đảng phái có trong ủy ban thường trực số lượng ghế tỷ lệ thuận với số lượng thành viên của đảng mình trong Quốc hội. Do đó, nếu phái đa số trong Quốc hội ủng hộ Chính phủ thì các đại diện của phái này cũng chiếm đa số trong các ủy ban và ngược lại, trong trường hợp các đại diện của phái đa số trong Quốc hội chiếm số ít trong các ủy ban thì khả năng các cuộc giám sát của Quốc hội sẽ gia tăng.
Cơ sở pháp lý cho hoạt động giám sát của Quốc hội với Chính phủ Pháp là các quy định trong Hiến pháp năm 1958 (được sửa đổi năm 1995, năm 2008) và Luật Thủ tục hoạt động của Quốc hội năm 2008 (Luật TTHĐQH). Đây là hai văn bản pháp lý được thiết lập và tồn tại hợp hiến vì đã được Hội đồng lập hiến giám sát trước khi ban hành.
Phần 1 của Chương III Luật TTHĐQH Pháp quy định cụ thể về “Hoạt động giám sát của Quốc hội Pháp” trong đó nhấn mạnh đến ba quy trình: quy trình Quốc hội nhận thông tin và tiến hành giám sát, quy trình bỏ phiếu tín nhiệm của Chính phủ Pháp và trách nhiệm hình sự của Tổng thống Pháp và các thành viên Chính phủ Pháp.
Đối với quy trình Quốc hội nhận thông tin và tiến hành giám sát,Luật TTHĐQH Pháp đề cập cụ thể đến việc Quốc hội nhận thông tintừ các báo cáo của Chính phủ, từ hoạt động của các ủy ban điều tra, thông tin của các ủy ban thường trực hoặc chuyên trách, sự giám sát về tài chính, bản điều trần, đề xuất từ các tổ chức Liên minh Châu Âu...
Điều 132 Luật TTHĐQH Pháp quy định, một trong những hình thức giám sát của Quốc hội Pháp là giám sát các báo cáo của Chính phủ tại phiên họp toàn thể. Chính phủ được quyền đưa ra Quốc hội các báo cáo hoạt động, báo cáo về các chính sách của mình. Báo cáo của Chính phủ gồm hai loại: Báo cáo của Chính phủ để Quốc hội thảo luận và Báo cáo của Chính phủ không đi cùng với sự thảo luận. Trình tự và thủ tục cho mỗi loại giám sát các báo cáo là khác nhau.
- Với báo cáo của Chính phủ để Quốc hội thảo luận thì Hội nghị các Chủ tịch Ủy ban của Hạ nghị viện sẽ định thời gian cho việc thảo luận và Chủ tịch Hạ nghị viện sẽ phân bổ thời gian đó cho các phái tỷ lệ theo số lượng thành viên của họ. Cụ thể: mỗi một đảng phái có 10 phút (trước đây là 30 phút) để diễn giả của mình phát biểu; thời gian bổ sung được các đảng phái phân bổ giữa hai diễn giả tiếp theo để mỗi người có thêm ít nhất là 5 phút; vị nghị sĩ được ghi tên đầu tiên tham gia thảo luận và không thuộc đảng phái nào được 10 phút; cuối cùng, Thủ tướng hoặc các thành viên của Chính phủ sẽ trả lời câu hỏi của các nghị sĩ. 
- Với các báo cáo của Chính phủ Pháp không đi cùng với sự thảo luận thì Chủ tịch Hạ viện có thể cho phép Chính phủ trả lời chỉ cho một diễn giả. Việc bỏ phiếu về hoạt động thảo luận bản báo cáo của Chính phủ không được đặt ra.
Ngoài ra, Luật TTHĐQH sửa đổi (có hiệu lực từ năm 1993) quy định, khi bắt đầu phiên họp chiều, Chính phủ sẽ phát biểu về vấn đề mà nội dung của nó đã được Chính phủ báo cáo từ trước. Sau phát biểu của Chính phủ, mỗi đại biểu của các nhóm đại biểu được 5 phút để phát biểu, còn Chính phủ có thể đề nghị được trả lời ngắn gọn tùy theo nội dung vấn đề được đề cập đến.
Hình thức, quy trình chất vấn của Quốc hội Pháp với Chính phủ Pháp, được thể hiện dưới hai dạng: chất vấn bằng miệng (chất vấn trực tiếp qua đối thoại) và chất vấn bằng văn bản.
- Hình thức chất vấn qua đối thoại:
 Điều 48, đoạn 6 của Hiến pháp nước Cộng hòa Pháp quy định: “Ít nhất mỗi tuần, kể cả trong trường hợp Nghị viện họp bất thường theo quy định tại Điều 29, có một phiên họp được dành cho việc hỏi đáp giữa các nghị sĩ và thành viên Chính phủ”.
 Luật TTHĐQH Pháp quy định:
“1. Cuộc chất vấn trực tiếp tại phiên họp toàn thể của Quốc hội Pháp phải được tổ chức hàng tuần để phù hợp với Điều 48, khoản 6 của Hiến pháp với mỗi câu hỏi của nghị sĩ và câu trả lời của Chính phủ. Hoạt động chất vấn cũng được tổ chức trong các khóa họp bất thường.
2. Mỗi tuần, một nửa các câu hỏi sẽ được đưa ra trong phiên họp toàn thể để đáp ứng các câu hỏi của các nghị sĩ của nhóm đối lập.
3. Mỗi nhóm được hỏi ít nhất một câu hỏi trong mỗi một phiên họp.
4. Quyền đưa ra những câu hỏi đầu tiên sẽ thuộc về một phe đối lập hoặc nhóm thiểu số hoặc một nghị sĩ không thuộc bất kỳ nhóm nào.
5. Hội đồng Chủ tịch có trách nhiệm xác định các điều kiện để cho phép các nghị sĩ không thuộc nhóm nào đưa ra các câu chất vấn” (Điều 133, Luật TTHĐQH Pháp).
Các câu chất vấn được đưa ra bằng cách hỏi trực tiếp cùng với các cuộc thảo luận và không có thảo luận là khác nhau. Theo quy định thì một tuần có một phiên họp dành để trả lời các câu hỏi được đưa ra trực tiếp qua đối thoại. Mỗi nghị sĩ muốn đặt câu hỏi thì chuyển câu hỏi cho Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Hạ viện sẽ thông báo cho Chính phủ. Văn phòng Quốc hội sẽ phân loại các câu hỏi thành câu hỏi có thảo luận và câu hỏi không có thảo luận. Hàng tuần sẽ có một phiên họp vào chiều thứ tư hoặc thứ sáu để thảo luận các câu hỏi của nghị sĩ và đây cũng là dịp để Chính phủ trả lời trực tiếp.
Điều 135 Luật TTHĐQH Pháp 2008 quy định: “Một nghị sĩ có thể đặt câu hỏi bằng văn bản cho một Bộ trưởng. Các câu hỏi liên quan đến chính sách chung của Chính phủ sẽ được yêu cầu Thủ tướng Chính phủ trả lời”. Trước đây Điều 135, Luật TTHĐQH Pháp quy định cụ thể về thời gian để một người đưa ra chất vấn trực tiếp có tranh luận từ 10 đến 20 phút. Bộ trưởng trả lời chất vấn có thể trì hoãn trả lời sau khi tuyên bố rằng, tại một trong những phiên họp gần nhất sẽ có báo cáo của Chính phủ về vấn đề đã nêu. Tuyên bố như vậy sẽ làm ngừng các cuộc chất vấn có kèm theo thảo luận. Sau khi Bộ trưởng trả lời, Chủ tịch Hạ viện bắt đầu tiến hành điều khiển cuộc thảo luận dựa theo danh sách các diễn giả đã đăng ký. Nghị sĩ đưa ra câu hỏi chất vấn được ưu tiên phát biểu nhưng không quá 10 phút[2].
Các câu hỏi chất vấn trực tiếp bằng đối thoại không có thảo luận chỉ được dành cho không quá hai phút. Sau khi Bộ trưởng trả lời, người chất vấn được 5 phút để phát biểu. Bộ trưởng có thể trả lời câu hỏi đó (Điều 136). Nếu trường hợp tác giả đưa ra câu chất vấn trực tiếp không thể có mặt tại phiên họp toàn thể thì người đó có thể ủy quyền cho một trong những đồng nghiệp của mình. Chỉ có Thủ tướng và các Bộ trưởng tương ứng mới có thể trả lời các câu hỏi chất vấn. Nếu Bộ trưởng vắng mặt thì câu hỏi chất vấn dành cho vị này phải được ghi vào phần đầu danh sách của phiên họp hàng tuần cho các câu hỏi chất vấn trực tiếp qua đối thoại của tuần tiếp theo. Chủ tịch Hạ viện thông báo điều này cho Thủ tướng (Điều 137). Tuy nhiên, hiện nay, các điều 135, 136,137 đã được bỏ đi vì các quy định đó không được áp dụng trong thực tế. Theo thống kê của Quốc hội Pháp thì việc chất vấn trực tiếp bằng đối thoại không được các nghị sĩ ủng hộ, một phần là do việc đưa ra các câu hỏi chất vấn thường không có người nghe lẫn người trả lời vì cuộc họp toàn thể hầu như vắng tanh[3]; phần khác là do các hình thức chất vấn khác - kể cả chất vấn bằng văn bản - được sử dụng phổ biến hơn. Chính vì không có sự hưởng ứng trong thực tiễn tổ chức hoạt động chất vấn nên không cần thiết phải quy định trình tự cụ thể về chất vấn thông qua đối thoại trực tiếp. Vậy nên, hiện nay, hoạt động chất vấn trực tiếp bằng đối thoại chỉ được quy định mang tính nguyên tắc tại điều 132, 133, theo hướng: việc đưa ra thảo luận, đăng ký, công bố các câu chất vấn trực tiếp cần phải do Chủ tịch Hạ viện quyết định. Trình tự tiến hành các phiên họp để đưa ra các câu chất vấn trực tiếp cũng được quy định bởi Chủ tịch Hạ viện (Điều 134, Luật TTHĐQH hiện hành).
- Hình thức chất vấn bằng văn bản:
Hình thức này được quy định tại Điều 135, Luật TTHĐQH Pháp. Cụ thể:
“1. Một nghị sĩ có thể đặt câu hỏi bằng văn bản cho một Bộ trưởng, các câu hỏi liên quan đến chính sách chung của Chính phủ sẽ được yêu cầu Thủ tướng Chính phủ trả lời.
2. Câu hỏi bằng văn bản phải được soạn thảo ngắn gọn và phải giới hạn vấn đề cần tìm hiểu. Đồng thời phải không có mục đích cáo buộc đối với các cá nhân khác trong số những người đã được nêu tên.
3. Nghị sĩ muốn đặt câu hỏi bằng văn bản phải chuyển văn bản cho Chủ tịch Hạ viện và vị này có trách nhiệm thông báo cho Chính phủ nội dung câu hỏi đó.
4. Câu hỏi bằng văn bản phải được công bố trong tạp chí “Journal officiel” bất kể Quốc hội có đang họp hay không.
5. Câu trả lời của Bộ trưởng phải được công bố trong vòng một tháng. Thời hạn này không thể bị vi phạm.
6. Tuy nhiên, trong thời gian này các Bộ trưởng có thể công bố bằng văn bản rằng, các lợi ích quốc gia không cho phép họ trả lời các câu hỏi đã được nêu, hoặc là trong trường hợp đặc biệt, có thể yêu cầu thêm thời gian (không quá một tháng) để thu thập các thông tin cần thiết.
7. Khi hết thời hạn nêu trên, trưởng nhóm (nghị sĩ) có thể gút lại các câu hỏi chưa được trả lời. Các câu hỏi đó được đăng tải trong Tạp chí “Journal officiel”. Các Bộ trưởng phải trả lời các câu hỏi đó trong vòng mười ngày”.
- Hình thức giám sát thông qua nộp các đơn thỉnh cầu đến Quốc hội Pháp.
Đây là một trong những hình thức giám sát khá thông dụng và có hiệu quả trong thực tiễn hoạt động của Quốc hội Pháp. Đơn thỉnh nguyện xuất phát từ một cuộc họp của một nhóm người tại nơi công cộng không thể được Chủ tịch tiếp nhận hoặc đưa ra thảo luận.Việc nộp các đơn thỉnh cầu được thể hiện ở cả hình thức các khiếu nại đối với cơ quan điều hành. Quy trình thủ tục chuyển đơn thỉnh cầu được Luật TTHĐQH Pháp quy định khá chặt chẽ ở điều Điều 147 và điều Điều 148.
Theo Điều 147, các đơn thỉnh cầu được chuyển đến thông qua các nghị sĩ hoặc trực tiếp gửi cho Chủ tịch Hạ viện. Trong đơn thỉnh cầu cần phải ghi rõ chỗ ở của người nộp đơn cũng như chữ ký của người đó.
Điều 148, Luật TTHĐQH quy định cách thức tiếp nhận đơn thỉnh cầu:
“1. Các đơn thỉnh cầu được đưa vào danh sách chung theo thứ tự thời gian chúng được gửi đến. Tất cả các đơn thỉnh cầu phải được đánh số thứ tự.
2. Chủ tịch Hạ viện gửi đơn thỉnh cầu đến các Ủy ban có thẩm quyền để xem xét.
3. Ủy ban chỉ định một báo cáo viên và sau khi nghe báo cáo viên trình bày, tùy theo tình hình, Ủy ban này quyết định: không tiếp nhận điều gì theo đơn thỉnh cầu, chuyển nó sang một Ủy ban thường trực khác của Quốc hội hoặc đến một Bộ trưởng thích hợp, đệ trình Quốc hội xem xét.
4. Nếu như đơn thỉnh cầu được gửi đến một Ủy ban thường trực khác thì Ủy ban này có thể quyết định hoặc là không tiếp nhận điều gì từ nó, hoặc là gửi nó đến một Bộ trưởng thích hợp, hoặc là đệ trình để Quốc hội xem xét. Trong bất cứ trường hợp nào, người nộp đơn thỉnh cầu đều phải được thông báo về quyết định của Ủy ban.
5. Trả lời của Bộ trưởng sẽ được thông báo cho người nộp đơn thỉnh cầu. Nếu như trong thời hạn ba tháng đầu tiên, Bộ trưởng không trả lời đơn thỉnh cầu do Ủy ban chuyển đến thì Ủy ban có thể thông qua quyết định chuyển đơn thỉnh cầu lên Quốc hội xem xét.
6. Nếu quyết định của Ủy ban theo quy định của khoản 3,4,5 trình thỉnh nguyện đến Quốc hội thì bản báo cáo gửi cho Quốc hội phải được sao chép toàn bộ nội dung đơn, yêu cầu và báo cáo đó được in và phân phát”.
Bên cạnh đó, các bản danh mục có nội dung vắn tắt của các đơn thỉnh cầu và những quyết định đã được thông qua về chúng được phổ biến rộng rãi đến các thành viên của Quốc hội. Trong vòng 8 ngày sau khi bản danh sách được phổ biến rộng rãi, nếu một nghị sĩ không đồng ý với quyết định của Ủy ban có thể yêu cầu Chủ tịch Quốc hội chuyển đơn thỉnh cầu cho Hạ viện xem xét. Yêu cầu này được gửi đến Hội nghị các Chủ tịch Ủy ban và Hội nghị đó ra quyết định về yêu cầu này. Nếu như thời hạn nêu trên kết thúc hoặc Hội nghị bác yêu cầu đó thì quyết định của Ủy ban trở thành kết luận cuối cùng và được công bố trên tạp chí “Journal officiel”. Nếu Chủ tịch Hạ viện có yêu cầu thì báo cáo về các thỉnh cầu được công bố trong bản tin sẽ được thảo luận, in ấn và phân phát. Các báo cáo phải sao chép toàn bộ văn bản của đơn thỉnh nguyện.
Các báo cáo được đưa ra thảo luận theo khoản 6 của Điều 148 và khoản 4 của Điều 149 có thể được đưa vào chương trình nghị sự chính thức của Quốc hội theo quy định của Điều 148, Luật TTHĐQH.
Quy trình của việc xét đơn thỉnh nguyện tại phiên họp toàn thể của Quốc hội được tuân theo như sau: bắt đầu bằng bài phát biểu do báo cáo viên của Ủy ban trình bày; nghị sĩ nhận đơn thỉnh nguyện trình bày các yêu cầu và nêu các yêu cầu, lý do mà nó phải được trình ra phiên họp toàn thể; Chủ tịch Hạ viện mời các nghị sĩ có liên quan đã đăng ký phát biểu và xác định thời gian cho mỗi phát biểu của nghị sĩ; Chính phủ đưa ra các lý do vì sự chậm trễ hoặc không trả lời thỉnh nguyện thỏa đáng; sau khi diễn giả cuối cùng phát biểu, Chủ tịch nhấn mạnh các công việc cần phải làm để giải quyết thỏa đáng yêu cầu mà đơn thỉnh nguyện đưa ra.
Như vậy, quy trình trên đã thể hiện các bước tiến hành thảo luận về các bản báo cáo đã được hoàn thành sau khi chuyển đơn thỉnh cầu cho Quốc hội. Đây là các công đoạn được xác định cần phải được tiến hành công khai trong phiên họp toàn thể của Quốc hội Pháp và quy định khá chặt chẽ về trình tự cho thấy sự phức tạp và quan trọng của hoạt động xem xét đơn thỉnh cầu của Quốc hội Pháp.
- Đối với quy trình bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ Pháp:Luật TTHĐQH Pháp cũng quy định về các cuộc thảo luận về chương trình hay tuyên bố về chính sách chung của Chính phủ, các nghị quyết khiển trách và chất vấn. Cơ sở pháp lý về vấn đề tín nhiệm Chính phủ là đoạn 1 Điều 49  Hiến pháp Cộng hoà Pháp. Theo đó, việc đặt vấn đề tín nhiệm cần phải căn cứ theo đề xuất của Thủ tướng khi thông qua một chương trình của Chính phủ hoặc một tuyên bố về chính sách chung. Đoạn 2 Điều 49, Hiến pháp Cộng hoà Pháp quy định: “Hạ viện truy cứu trách nhiệm của Chính phủ thông qua bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ. Thủ tục bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ chỉ được chấp nhận khi có chữ ký của ít nhất 10% số Hạ nghị sĩ. Việc bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ được tổ chức chỉ sau 48 giờ kể từ lúc trình kiến nghị. Khi kiểm phiếu, chỉ cần tính các phiếu thuận không tín nhiệm Chính phủ và việc bất tín nhiệm Chính phủ được thông qua khi đạt đa số phiếu của các thành viên của Hạ viện. Trong trường hợp quy định dưới đây, trong một khoá họp thường kỳ của Hạ viện, một thành viên Nghị viện không thể đứng tên đề xuất quá ba ý kiến bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ và trong khoá họp bất thường của Hạ viện thì không thể quá một kiến nghị bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ”.
 Điều 152, Luật TTHĐQH quy định: “Hội nghị các Chủ tịch Ủy ban tổ chức các cuộc thảo luận và các cuộc thảo luận này cũng được tiến hành theo trình tự giống như các cuộc thảo luận về các báo cáo của Chính phủ. Sau khi kết thúc các cuộc thảo luận, các diễn giả (mỗi đảng phái chỉ được chỉ định một người) có thể trình bày trong vòng 15 phút về các lý do bỏ phiếu bất tín nhiệm và các diễn giả khác tiếp tục trình bày trong vòng 5 phút. Vị Chủ tịch sẽ nêu vấn đề bỏ phiếu về việc thông qua chương trình hoặc báo cáo của Chính phủ. Để thông qua quyết định, cần phải đạt được đa số tuyệt đối phiếu ủng hộ của những người có mặt”.
Quy trình bỏ phiếu bất tín nhiệm còn được xác định về đặt vấn đề tín nhiệm theo đề xuất của Thủ tướng khi thông qua một văn kiện nhất định. Đây là trình tự được Hiến pháp ghi nhận tại Điều 49. Tuy nhiên, Hiến pháp cũng không quy định rõ là những văn kiện nào cần phải lấy phiếu tín nhiệm. Trình tự xem xét văn kiện này cũng được quy định tương tự khi đặt vấn đề theo sự đề xuất của Thủ tướng. Việc thảo luận vấn đề này chỉ diễn ra trong 24 giờ. Tuy nhiên, trong thời hạn này, quyết nghị khiển trách có thể được trình lên Chủ tịch Hạ viện ngay cả trong trường hợp Hạ viện không tổ chức họp. Hết thời hạn này, Hạ viện họp để hoặc là thông qua bản văn kiện hoặc là đưa ra quyết nghị khiển trách. Trong vòng 24 giờ, nếu không đưa ra được nghị quyết khiển trách thì văn kiện sẽ được coi là được thông qua mà không cần thảo luận và bỏ phiếu.
Thủ tướng phải nộp cho Tổng thống đơn xin từ chức nếu trường hợp Hạ viện bỏ phiếu bất tín nhiệm Chính phủ hoặc không thông qua chương trình hoặc bản tuyên bố chính sách chung của Chính phủ (Điều 50 của Hiến pháp). Trong trường hợp Tổng thống bác vấn đề bỏ phiếu tín nhiệm Chính phủ, Tổng thống có quyền giải tán Hạ nghị viện nếu thấy điều đó là cần thiết.  
-  Đối với quy trình xác định trách nhiệm hình sự của Tổng thống và các thành viên của Chính phủ, theo Điều 68 Hiến pháp Cộng hoà Pháp thì “Tổng thống Pháp chỉ chịu trách nhiệm về các hành vi thực hiện trong khi thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình khi các hành vi đó cấu thành tội đại phản quốc. Tổng thống chỉ bị đưa ra xét xử theo quyết định thống nhất của hai viện trong Nghị viện. Quyết định này phải được biểu quyết công khai và phải đạt được đa số tuyệt đối tổng số phiếu của các thành viên của Nghị viện; Tổng thống do Toà án Công lý tối cao xét xử”. Hiến pháp đồng thời xác định: “Thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm hình sự về các hành vi thực hiện trong khi thực thi chức năng, nhiệm vụ của mình trong trường hợp phạm tội nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng theo quy định của pháp luật vào thời điểm thực hiện hành vi đó. Thành viên Chính phủ do Toà án Công lý tối cao xét xử”.
2. Nhận xét so sánh và kiến nghị hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục giám sát của Quốc hội Việt Nam
a) Một số nhận xét, so sánh:
Các quy định về giám sát của Quốc hội Pháp trong Hiến pháp của nước Cộng hòa Pháp và Luật TTHĐQH Pháp cho thấy những vấn đề như sau:
Thứ nhất, tại các phiên họp toàn thể, quy trình, thủ tục giám sát tập trung vào hoạt động chất vấn, thảo luận chất vấn, hoạt động thỉnh cầu và thảo luận đơn thỉnh cầu (nếu các Ủy ban có liên quan không giải quyết thỏa đáng hoặc chậm trễ trong việc giải quyết), hoạt động bỏ phiếu tín nhiệm và thủ tục xác định trách nhiệm của Tổng thống, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ. Việc giám sát các báo cáo của Chính phủ được xem là một hình thức thu thập thông tin và thảo luận chỉ diễn ra đối với các báo cáo mà các nghị sĩ độc lập hoặc đảng đối lập còn nghi ngờ về sự chính xác về số liệu trong các bản báo cáo.
Thứ hai, các hình thức giám sát nêu trên có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao tính hiệu quả và chuyên nghiệp của Quốc hội Pháp. Tuy nhiên, nếu chỉ là các hình thức giám sát tại phiên họp toàn thể được Hiến pháp ghi nhận thì chưa đủ. Các hình thức giám sát còn được quy định cụ thể trong Luật TTHĐQH Pháp về trình tự, thủ tục và các điều kiện thích hợp để tiến hành các hoạt động giám sát.
Thứ ba, vấn đề đảng phái trong Quốc hội quyết định đến các quy định về trình tự, thủ tục giám sát. Hầu như các đảng đối lập, các đảng nhỏ và các nghị sĩ không liên kết với các đảng phái nào đều được ưu tiên đưa ra các ý kiến chất vấn. Đây là sự đề cao tính độc lập tương đối của các nghị sĩ khi tham gia hoạt động giám sát. Bên cạnh đó, có một thực tế là nhóm nghị sĩ của đảng cầm quyền hiếm khi lại tiến hành chất vấn bằng đối thoại với Thủ tướng và chính sách của Chính phủ do đảng đó đưa ra.
Thứ tư, về kỹ thuật lập pháp điều chỉnh hoạt động giám sát của Quốc hội với Chính phủ, Luật TTHĐQH Pháp đã thể hiện sự pháp điển hóa về các quy trình thủ tục cả lập pháp và giám sát. Các quy định lại được sửa đổi theo xu hướng chú trọng tính nguyên tắc nên chỉ quy định chung, không quy định cụ thể.
Thứ năm, vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm được xác định cả đối với chính sách của Chính phủ và văn kiện do Chính phủ ban hành. Cách xác định quy trình, thủ tục rõ ràng với hậu quả pháp lý cụ thể đi kèm làm cho các quy định đó mang tính khả thi hơn.
Thứ sáu, hình thức chất vấn được xác định bằng hai loại thủ tục: thủ tục chất vấn trực tiếp bằng đối thoại và chất vấn bằng văn bản. Mặc dù đều được quy định rõ ràng để dễ thực hiện, song thực tiễn chất vấn của Quốc hội Pháp cho thấy, hình thức chất vấn bằng văn bản có ưu thế hơn. Tuy nhiên, việc đưa ra thảo luận chất vấn tại cuộc họp toàn thể đối với các loại chất vấn là ngang nhau. Tương ứng với các hình thức, các trình tự, thủ tục chất vấn và các loại chất vấn đều có các quy định xác định cụ thể trách nhiệm của Chính phủ và các thành viên Chính phủ đối với từng loại chất vấn.  
Thứ bảy, vấn đề công khai và tỷ lệ tham gia của các nghị sĩ luôn được nhấn mạnh trong Luật TTHĐQH Pháp. Điều này cho thấy, Quốc hội Pháp luôn chú trọng tới sự liên kết giữa các nghị sĩ và tính minh bạch trong các hoạt động liên kết, liên danh của từng nghị sĩ, nhất là các nghị sĩ của Đảng chiếm số ít trong Quốc hội.
b)Kiến nghị hoàn thiện các quy định về trình tự, thủ tục giám sát của Quốc hội Việt Nam
- Quốc hội Pháp thiết lập một đạo luật riêng: Luật TTHĐQH. Đạo luật này chỉ quy định về thủ tục hoạt động của Quốc hội, bao gồm cả thủ tục, quy trình thủ tục lập pháp, quy trình giám sát v.v.. Trong khi đó ở Việt Nam, bên cạnh Hiến pháp, Luật Tổ chức và hoạt động của Quốc hội thì mỗi phương diện hoạt động của Quốc hội lại được quy định riêng trong một luật như: quy trình lập pháp quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, quy trình giám sát quy định trong Luật về Hoạt động giám sát của Quốc hội. Luật riêng có ưu điểm là cụ thể hóa các quy định cho từng quy trình, song lại dẫn đến hiện tượng mâu thuẫn, chồng chéo của luật này với luật khác, thủ tục này với thủ tục khác, thiếu tính liên thông trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của cùng một chủ thể là Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, cũng cần phải xem xét thêm khi xác định phiên họp toàn thể của Quốc hội là nơi thể hiện phương thức hoạt động quan trọng của Quốc hội. Phương thức này cần được điều chỉnh bằng Luật thì hiện nay mới dừng lại ở hình thức Quy chế hoạt động.
- Các quy định về trình tự, thủ tục của từng hình thức giám sát trong Luật TTHĐQH Pháp đều chú trọng tới vấn đề tổ chức giám sát trong phiên họp toàn thể. Đó là các quy định cụ thể về thời gian, đối tượng đưa câu hỏi chất vấn, hình thức chất vấn. Trước hết, đó là khoảng thời gian nhất định để tổ chức giám sát trong tuần làm việc của Quốc hội, tiếp đến là thời gian quy định cho từng chủ thể tiến hành chất vấn. Thời gian chất vấn tại hội trường khá dài cho mỗi diễn giả bởi quy định 2 phút, 5 phút, 10 phút đối với từng công đoạn nhất định.
Điều đáng lưu ý là cách tổ chức phiên chất vấn không vào buổi sáng mà vào buổi chiều. Đây là thời gian thích hợp để các nghị sĩ có thể có mặt tại phiên họp toàn thể nhiều hơn so với việc tổ chức vào buổi sáng. Các chất vấn đưa ra trong phiên họp toàn thể có sự tham gia của số đông nghị sĩ sẽ nhận được sự hậu thuẫn của các phe, đảng phái để từ đó gây áp lực với Chính phủ và các thành viên Chính phủ. Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu thực tiễn hiệu quả chất vấn trực tiếp tại phiên họp toàn thể với chất vấn bằng văn bản[4]. Điểm đặc biệt là ở Pháp chỉ sử dụng chất vấn trực tiếp tại phiên họp toàn thể nếu thông qua chất vấn bằng văn bản mà các câu trả lời chất vấn chưa thỏa mãn.
- Nghiên cứu trình tự, thủ tục của hoạt động giám sát Quốc hội không chỉ dừng lại ở vấn đề hình thức là trình tự, thủ tục thuần túy mà cần phải xem xét bản chất vấn đề của quy trình giám sát của Quốc hội. Ở Pháp, trình tự, thủ tục giám sát được quy định chặt chẽ để các đảng phái giám sát lẫn nhau thông qua vai trò giám sát của Quốc hội. Trong khi đó, ở Việt Nam, vấn đề hết sức nhạy cảm và khó giải quyết là tính chất nhất nguyên trong Quốc hội. Sự giám sát của Quốc hội đối với toàn bộ hoạt động của Nhà nước cần phải hướng đến tính hiệu quả và thực chất của hoạt động giám sát. Do đó, yêu cầu của quy trình, thủ tục trong giám sát cần phải tính đến áp lực của người dân, các đoàn thể và cử tri đối với Quốc hội để Quốc hội nỗ lực giám sát. Đồng thời cũng cần phải quy định trình tự rõ ràng cho hoạt động chất vấn bằng văn bản và giải quyết các chất vấn bằng văn bản. Theo quan niệm của các nghị sĩ Pháp thì giám sát bằng văn bản thực chất hơn, các đối tượng bị chất vấn sẽ có thời gian và thông tin đầy đủ để trả lời chất vấn. Việc không gây áp lực cho đối tượng giám sát thông qua hình thức chất vấn bằng văn bản sẽ làm các cá nhân bị chất vấn bình tĩnh và khách quan trong việc trả lời chất vấn. Tuy nhiên, yếu tố công khai luôn phải chi phối quá trình này. Do đó, ở Quốc hội Pháp việc đăng công bố toàn văn về việc trả lời chất vấn bằng văn bản trong tờ Thông tin của Quốc hội luôn được chú trọng.
- Từ quy trình giám sát của Quốc hội Pháp, chúng ta thấy cần phải bổ sung vào pháp luật Việt Nam vấn đề bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với chính sách của Chính phủ và các đề án do Chính phủ ban hành bên cạnh hình thức bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Điều này sẽ làm cho hoạt động giám sát của Quốc hội Việt Nam khả thi hơn.
Như vậy, giám sát và quy trình giám sát của nghị viện ở mỗi nhà nước là khác nhau, tuy nhiên vẫn có những điểm tương đồng nên vẫn có thể nghiên cứu, rút ra các bài học kinh nghiệm để xây dựng quy trình, thủ tục giám sát hiệu quả.

 


[1] Mặc dù Tổng thống Mỹ có rất nhiều quyền, song Tổng thống Mỹ không có quyền giải tán Hạ viện.
[2]Cách tổ chức thời gian chất vấn Chính phủ đã được thay đổi từ tháng 2/2008: Thời gian dành cho mỗi câu hỏi bao gồm cả câu trả lời của Bộ trưởng giảm xuống còn 4 phút. Trong Hội trường có gắn dụng cụ tính thời gian để các nghị sĩ tôn trọng quy định này.
[3] Theo Frangsoi Duluc: Trong kỳ họp 2008 – 2009 đã có 15 phiên chất vấn được tổ chức với 414 câu hỏi chất vấn được đưa ra; có 816 câu chất vấn đưa ra cho Chính phủ trong 61 phiên họp.
[4]Theo Frangsois Duluc “Giám sát lập pháp ở Cộng hoà Pháp” thì số lượng chất vấn bằng văn bản ngày càng tăng: năm 1959 có 3.700 chất vấn; năm 2008 có 25.300 chất vấn; Kỳ họp 2008-2009 có 18.206 chất vấn được trả lời.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 7(239), tháng 4/2013)


Thống kê truy cập

32954216

Tổng truy cập