Nguyên tắc công bằng trong phân định biển và thực tiễn áp dụng

27/09/2022

THS. NGUYỄN THỊ HỒNG VÂN

Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Phân định biển là quá trình hoạch định đường ranh giới phân tách giữa hai hay nhiều quốc gia có các vùng biển liền kề hoặc tiếp giáp đối diện. Luật biển quốc tế hiện đại đã thành công khi thiết lập được một trật tự pháp lý cho các vùng biển, đại dương và góp phần hình thành nên các nguyên tắc công bằng trong phân định biển giữa các quốc gia. Trong đó, “thoả thuận” là giải pháp tối cao cho nguyên tắc phân định, nhưng “công bằng” mới là kết quả mà các bên hướng tới. Do vậy, việc phân định luôn phải được thực hiện theo phương pháp công bằng có tính đến các hoàn cảnh liên quan để bảo đảm lợi ích công bằng cho các bên.
Từ khóa: Nguyên tắc công bằng, phân định biển, luật biển quốc tế, Công ước Luật biển năm 1982.
Abstract: Maritime delimitation is the process of demarcating a demarcation line among two or more countries with the opposite or adjacent zones. Modern international law of the sea has succeeded in stipulating a legal framework for the seas and oceans and contributing to the formation of equitable principle in maritime delimitation among the countries. In which, "agreement" is the ultimate solution for the principle of delimitation, while "equitability" is the outcome that the parties aim for. Therefore, the delimitation must always be carried out in a equitable manner taking into account relevant circumstances to ensure equitable benefits for the parties.
Keywords: Equitable principle; maritime delimitation; international law of the sea; the United Nations Convention on the Law of the Sea of 1982.
 BIỂN.jpg

Ảnh minh họa: Nguồn internet

1.    Phân định biển và nguyên tắc công bằng trong luật biển quốc tế hiện đại

Trước khi có Công ước Luật biển năm 1982 (UNCLOS), nguyên tắc công bằng đã là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật quốc tế nói chung và luật biển nói riêng, được hình thành trong quá trình phát triển của luật biển quốc tế và chính thức ghi nhận trong các Công ước Geneva năm 1958[1]. Luật biển quốc tế không định nghĩa rõ ràng về sự công bằng trong phân định biển, nhưng thừa nhận sự công bằng chính là kết quả của sự thoả thuận giữa các bên liên quan về một ranh giới đạt được trong quá trình phân định các vùng biển. Khái niệm này được giải thích trong vụ tranh chấp thềm lục địa giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ (ICJ, 1978): “phân định biển là việc phân chia vùng biển chồng lấn giữa các quốc gia có bờ biển liền kề, đối diện nhau bằng cách xác định đường ranh giới phân chia”[2]. Và tuỳ theo tính chất của vùng biển chồng lấn thuộc chủ quyền hoặc quyền chủ quyền của các quốc gia hữu quan có thể là lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa. Việc phân chia công bằng các vùng biển chồng lấn sẽ giúp các quốc gia giải quyết các tranh chấp, quản lý và khai thác hiệu quả các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của họ.
Về phân định lãnh hải, Điều 12 Công ước Geneva năm 1958 về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải, và Điều 15 Công ước Luật biển đều quy định trường hợp các quốc gia có bờ biển liền kề hoặc đối diện nhau, không quốc gia nào được quyền mở rộng lãnh hải ra quá đường trung tuyến mà mọi điểm nằm trên đường đó cách đều các điểm gần nhất của đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia ven biển, trừ khi có sự thoả thuận ngược lại. Đây là một quy định đưa ra hướng giải quyết một cách công bằng mang tính nguyên tắc và thể hiện rõ thoả thuận giữa các bên sẽ là cách thức mang lại sự công bằng nhất để bảo đảm lợi ích của các bên liên quan. Tuy nhiên, cũng tại những điều luật này đã nêu rõ: “quy định này không áp dụng trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử hoặc có các hoàn cảnh đặc biệt khác cần phải hoạch định ranh giới lãnh hải của hai quốc gia một cách khác”. Theo tinh thần của điều luật này thì phương pháp phân định đường trung tuyến, cách đều sẽ không bắt buộc phải áp dụng khi vùng biển giữa hai nước có khu vực tạo thành danh nghĩa lịch sử hoặc có một hoàn cảnh đặc biệt nếu không được tính đến sẽ làm mất đi sự công bằng vốn có của nó. Tuy nhiên, cả hai công ước đều không có một sự giải thích rõ ràng về “hoàn cảnh đặc biệt” hay là “danh nghĩa lịch sử”, để hiểu rõ các thuật ngữ này tuỳ thuộc vào từng hoàn cảnh cụ thể đã được Toà công nhận.
Về phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, Điều 6 Công ướcnăm 1958 về thềm lục địa quy định trường hợp hai hoặc nhiều quốc gia có thềm lục địa tiếp giáp, đối diện nhau và hai quốc gia có thềm lục địa liền kề thì ranh giới thềm lục địa sẽ xác định theo sự thoả thuận giữa các bên. Quy định này tiếp tục đề cao phương pháp thoả thuận trừ khi có một đường ranh giới được biện minh bởi các trường hợp đặc biệt thì đường ranh giới là đường trung tuyến, cách đều[3] như quy định tại Điều 12 Công ướcnăm 1958 về lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải. Như vậy, liên quan đến phân định thềm lục địa thì Công ướcnăm 1958 đã không đề cập đến “danh nghĩa lịch sử” nhưng vẫn thừa nhận “trường hợp đặc biệt” sẽ được loại trừ khi áp dụng nguyên tắc đường trung tuyến, cách đều. Trong khi đó, Công ước năm 1982 về Luật biển tại Điều 74 về hoạch định ranh giới vùng đặc quyền kinh tế và Điều 83 hoạch định ranh giới thềm lục địa, mặc dù đều nhắc tới “giải pháp công bằng” nhưng hoàn toàn không đề cập đến “trường hợp đặc biệt” hay “danh nghĩa lịch sử”[4]. Như vậy, Công ước năm 1982 đã không đưa ra “trường hợp đặc biệt” hay “danh nghĩa lịch sử” khi phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa các quốc gia mà theo hướng mở rộng sự thoả thuận giữa các bên tranh chấp để đạt được một “giải pháp công bằng”.
Quá trình phát triển của luật biển quốc tế cho thấy, phân định biển là vấn đề hết sức phức tạp nên nguyên tắc thoả thuận luôn được đề cao, và khi các bên không đạt được sự thoả thuận thì tranh chấp vẫn phải được giải quyết trên nguyên tắc công bằng[5]. Bởi lẽ, ngay phần mở đầu trong Công ước năm 1982 đã nhấn mạnh: việc pháp điển hóa và sự phát triển theo chiều hướng ngày càng tiến bộ của Luật biển được quy định trong Công ước sẽ góp phần tăng cường hòa bình, an ninh, hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa tất cả các dân tộc phù hợp với các nguyên tắc công bằng.           
2. Trường hợp đặc biệt khi áp dụng nguyên tắc công bằng trong phân định biển

     Công bằng trong phân định biển là việc phân chia các vùng biển chồng lấn giữa các bên phải đảm bảo sự công bằng có tính đến những hoàn cảnh đặc biệt hay còn được gọi là hoàn cảnh liên quan[6]. Thực tiễn phân định biển giữa các quốc gia cho thấy, có những trường hợp đặc biệt ảnh hưởng đến quá trình phân định, chủ yếu liên quan đến hoàn cảnh địa lý do định dạng, cấu trúc của bờ biển hoặc do sự hiện diện của đảo trong khu vực phân chia. Trong nhiều trường hợp tranh chấp[7], các bên cho rằng sẽ không công bằng nếu không xem xét các hoàn cảnh đặc biệt để điều chỉnh một tỷ lệ phân chia phù hợp bảo đảm lợi ích công bằng. Trong vụ phân định thềm lục địa biển Bắc giữa Đức và Đan Mạch, và giữa Đức và Hà Lan (ICJ, 1969), Toà cho rằng đường ranh giới phân chia thềm lục địa giữa các bên cần được vẽ theo nguyên tắc công bằng của luật quốc tế (equitable menthods). Trong trường hợp này, phía Đức đã đưa ra định nghĩa “hoàn cảnh đặc biệt” khi nhiều lần khẳng định việc phân chia công bằng ranh giới thềm lục địa giữa các quốc gia có thềm lục địa tiếp giáp nhau nếu có hoàn cảnh địa lý tác động dẫn đến sự phân chia không công bằng thì những hoàn cảnh đó đủ “đặc biệt” để biện minh cho một đường ranh giới khác[8].

Liên quan đến hình dạng bờ biển, cũng trong Vụ Thềm lục địa biển Bắc, Toà cho rằng bờ biển của Hà Lan và Đan Mạch có cấu trúc lồi ra theo hướng của bờ biển, trong khi đó bờ biển của Đức bị lõm sâu vào phía đất liền và trường hợp này nếu áp dụng đường cách đều để phân chia thì Đức sẽ chỉ được một khu vực thềm lục địa rất hẹp, như vậy sẽ không mang lại sự công bằng. Do vậy, Toà quyết định việc phân định phải được xác định theo thoả thuận phù hợp với nguyên tắc công bằng có tính đến các yếu tố liên quan để đạt được một mức độ phân chia tương xứng, phù hợp nhất cho mỗi bên sao cho không có sự xâm phạm vào phần thềm lục địa kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền của mỗi quốc gia[9].

Vụ kiện phân chia thềm lục địa giữa Tunisia và Libya Arab Jamahiriya (ICJ, 1982), Toà cũng cho rằng việc áp dụng phương pháp cách đều (equidistance method) đối với trường hợp này sẽ không dẫn đến một kết quả công bằng. Mặc dù cả hai bên Tunisia và Libya đều nỗ lực thuyết phục các thẩm phán rằng việc phân chia thềm lục địa giữa họ cần tập trung vào yếu tố “kéo dài tự nhiên” của thềm lục địa, các bên đều đưa ra bằng chứng về địa chất và địa lý chứng minh phần kéo dài tự nhiên của thềm lục địa có lợi cho bên mình. Tuy nhiên, trong trường hợp này, Toà cho rằng việc phân chia theo sự kéo dài tự nhiên của thềm lục địa không đồng nghĩa với việc áp dụng nguyên tắc công bằng; trong khi đó, Toà được cả hai bên yêu cầu áp dụng nguyên tắc công bằng để phân chia thềm lục địa giữa họ, do đó ngoài yếu tố kéo dài tự nhiên của thềm lục địa thì Toà sẽ xem xét các yếu tố liên quan khác[10]. Căn cứ thực tiễn thềm lục địa liền kề giữa hai bên, Toà chia thành hai khu vực phân định, cụ thể: Phân đoạn một, gần bờ là điểm phân định bắt đầu từ biên giới Ras Adjir chạy theo hướng Đông Bắc một góc khoảng 26o,Toà lưu ý về việc có bằng chứng về thoả thuận lịch sử đối với ranh giới trên biển; Phân đoạn hai, đường phân định xoay một góc 52o về hướng Đông có tính đến sự thay đổi hướng của bờ biển Tunisia về phía Bắc của vịnh Gabes và quần đảo Kerkennah[11]. Như vậy, trong quá trình phân định, Toà đã xem xét những hoàn cảnh liên quan bao gồm điểm lõm sâu nhất vào bờ của vịnh Gabes, sự chuyển hướng đột ngột của bờ biển Tunisia và sự hiện diện của quần đảo Kerkennah. Bên cạnh đó, Tunisia còn yêu sách về “quyền lịch sử” trong việc đánh bắt các loài cá sống ở thềm lục địa trong khu vực tranh chấp là một hoàn cảnh liên quan nhưng không được Toà chấp nhận.
Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết tranh chấp, có những trường hợp không được Toà chấp nhận là hoàn cảnh đặc biệt theo yêu sách của các bên, ví dụ trong Vụ Vịnh Maine (Canada/United States of America), trong khi Toà thừa nhận sự khác biệt về độ dài của chu vi bờ biển của Hoa Kỳ lớn hơn nhiều so với Canada là hoàn cảnh đặc biệt được tính đến, nhưng Toà lại bác bỏ yêu sách của Canada khi yêu cầu phần lõm của vịnh phải được xem là hoàn cảnh đặc biệt để điều chỉnh đường cách đều[12]. Tương tự như vậy, trong Vụ Cameroon/Nigeria (Cameroon v. Nigeria: Equatorial Guinea intervening; ICJ, 2002), Toà cho rằng hình dáng địa lý không phải là yếu tố để Toà điều chỉnh đường phân định. Bởi lẽ, theo Toà, trong Báo cáo về Vụ Thềm lục địa biển Bắc[13] thì đặc thù địa lý nhất định của các khu vực hàng hải có thể được xem xét để Toà điều chỉnh phân định, nhưng Tòa không bắt buộc phải xem xét tất cả các đặc thù địa lý hiện hữu để điều chỉnh hoặc di chuyển đường phân định tạm thời[14]. Và đối với trường hợp này, sau khi xem xét cụ thể, Toà cho rằng khu vực đường bờ biển mà hai quốc gia yêu cầu phân định không đủ độ lõm để được tính là hoàn cảnh đặc biệt liên quan để điều chỉnh đường cách đều.
Thực tiễn giải quyết tranh chấp của Toà án quốc tế đã hình thành một số tiêu chuẩn của nguyên tắc công bằng, trong Vụ vịnh Maine (ICJ, 1984), Toà đã đưa ra năm tiêu chí để đảm bảo sự công bằng: i) Đất thống trị biển; ii) Phân đều, trong trường hợp không có các hoàn cảnh đặc biệt, các vùng biển chồng lấn cả vùng đáy biển một cách tương ứng với bờ biển của các quốc gia ven biển; iii) Không ngăn cản bờ biển của một quốc gia hướng ra biển liền kề với bờ biển của một các quốc gia hữu quan; iv) Cần phải tránh trường hợp làm gián đoạn sự tự nhiên hướng ra biển của bờ biển hoặc một phần bờ biển của một trong các quốc gia hữu quan; v) Tính hữu ích mang lại cũng như những hậu quả thích đáng của việc không công bằng có thể xảy ra trong việc mở rộng bờ biển của các quốc gia trong cùng một khu vực phân định[15]. Trên cơ sở các quy tắc này, Toà đã áp dụng luật quốc tế để xem xét, cân nhắc các yếu tố liên quan theo ba phân đoạn tuơng ứng với ba khu vực của đường phân định nhằm đạt được sự công bằng trong việc phân chia vịnh Maine giữa Canada và Hoa Kỳ.
Trong vụ phân chia thềm lục địa giữa Libya và Malta (ICJ, 1985), Toà đã đưa ra quy tắc áp dụng luật quốc tế cho việc phân định để đạt được sự công bằng: Một là, việc phân định phải được thực hiện theo các nguyên tắc công bằng và có tính đến các trường hợp liên quan để mang đến một kết quả công bằng; Hai là, trong trường hợp này khu vực thềm lục địa được xác định thuộc về hai bên không quá 200 dặm tính từ bờ biển và không áp dụng nguyên tắc kéo dài tự nhiên theo cấu trúc vật lý. Toà cho rằng các yếu tố được tính là hoàn cảnh liên quan để đạt được sự phân định công bằng bao gồm: i) cấu hình chung về bờ biển của các Bên, sự đối lập và mối quan hệ của chúng với nhau trong bối cảnh địa lý chung; ii) sự chênh lệch về độ dài của bờ biển các bên liên quan và khoảng cách giữa chúng; iii) Sự cần thiết phải tránh trong việc phân định với bất kỳ sự không cân xứng nào giữa phạm vi của khu vực thềm lục địa liên quan đến các quốc gia ven biển và chiều dài của bờ biển liên quan đến quốc gia đó được đo theo hướng chung của bờ biển. Do đó, một kết quả công bằng sẽ đạt được bằng cách vẽ giai đoạn đầu theo đường trung tuyến mỗi điểm cách đều nhau căn cứ vào mực nước thấp của bờ biển Malta (ngoại trừ đảo nhỏ Filfla) và Libya, sau đó điều chỉnh đường phân định theo những hoàn cảnh và yếu tố liên quan đã được Toà thừa nhận[16].
Liên quan đến sự hiện diện của các đảo trong khu vực tranh chấp, tuỳ từng trường hợp nếu một đảo có kích thước, vị trí cũng như ý nghĩa kinh tế, chính trị thì khi phân định các bên sẽ thoả thuận về hiệu lực của đảo trong việc hoạch định đường phân chia. Nếu có sự xuất hiện của đảo thoả mãn các điều kiện theo khoản 2 Điều 121 Công ước Luật biển năm 1982 thì lợi thế về hiệu lực của đảo sẽ được tính đến với một tỷ lệ nhiều hơn so với một đảo không phù hợp cho một đời sống kinh tế riêng (khoản 3 Điều 121). Tuy nhiên, trong thực tế thì vấn đề thoả thuận giữa các quốc gia về hiệu lực của đảo được tính trong việc xác định đường phân chia là vô cùng khó khăn và phức tạp để có thể đạt được hiệu lực toàn bộ, hiệu lực một phần hay không có hiệu lực trong việc phân định.
Trường hợp quần đảo Kerkennah của Tunisia trong vụ phân định biển giữa Tunisia với Libya, khi tính đến vị trí, kích thước, độ cao của đảo khi thuỷ triều xuống cùng với sự bao quanh của các đảo nhỏ đã tạo nên một hoàn cảnh được tính đến cho việc phân định, và Toà đã công nhận hiệu lực một nửa cho Kerkennah[17]. Trong khi đó, đảo Jerba thì không được tính liệu lực trong việc phân định vì Toà cho rằng sự hiện diện của đảo này không ảnh hưởng đến việc phân định giữa các bên. Trường hợp vịnh Maine, Toà đã không tính đến hiệu lực của sự hiện diện các đảo nhỏ, đá và các hình dạng nhỏ mà sự tác động của chúng không làm mất cân xứng, và Toà cũng cho rằng các đảo nhỏ, đảo đá không có người ở và có độ cao so với mực thuỷ triều ở mức độ thấp nằm khá xa đất liền thì sẽ không được tính hiệu lực và vẽ một đường tạo sự phân chia bằng nhau[18]. Bên cạnh đó, đảo Seal và kế cận là đảo Mud có “kích thước và vị trí địa lý đặc biệt không thể không tính đến” nên Toà công nhận hiệu lực một nửa cho hai đảo này[19]. Như vậy, trong rất nhiều vụ phân định biển, các đảo nhỏ có độ cao so với mặt nước biển khi thuỷ triều lên thấp, đảo đá không có người ở hoặc có vị trí địa lý bị cho là ít quan trọng hoặc xa bờ thường sẽ bị bỏ qua hiệu lực trong quá trình phân định.
Thực tiễn phân định biển giữa Việt Nam với các nước, vấn đề sự hiện diện của các đảo trong khu vực tranh chấp đã đạt những thành công nhất định trong quá trình đàm phán để đạt đuợc sự công nhận hiệu lực một phần. Trường hợp phân định vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc (năm 2000). Trong đó, có đảo Bạch Long Vĩ là một đảo nhỏ của Việt Nam (diện tích khoảng 2,5 km2) có vị trí nằm gần như giữa Vịnh Bắc Bộ (cách bờ biển Việt Nam khoảng 110 km, cách bờ đảo Hải Nam - Trung Quốc khoảng 130 km), tạo ra một hoàn cảnh đặc biệt nên đường phân định được hai bên thoả thuận đảo được hưởng hiệu lực 25%, đường phân định được điểu chỉnh đi cách đảo Bạch Long Vĩ 15 hải lý, tức đảo được hưởng lãnh hải rộng 12 hải lý, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 3 hải lý. Ðảo Cồn Cỏ cũng là một đảo nhỏ nhưng nằm gần bờ của Việt Nam hơn (cách bờ khoảng 13 hải lý) nên được hưởng 50% hiệu lực trong việc phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tại đường đóng cửa Vịnh[20]. Theo Hiệp định ranh giới biển giữa Việt Nam và Thái Lan được hai nước ký kết vào ngày 9/8/1997 và chính thức có hiệu lực kể từ ngày 26/2/1998, thì đảo Thổ Chu của Việt Nam, có vị trí các bờ biển Việt Nam 87 hải lý với diện tích khoảng 10 km2, có khoảng hơn 500 cư dân sinh sống, được hai bên thoả thuận điều chỉnh đường phân định công nhận hiệu lực một phần là 32,5% diện tích khu vực chồng lần giữa hai nước. Như vậy, kết quả quá trình phân định biển giữa Việt Nam và các nước đã thể hiện rõ quan điểm của các bên dường như đã tiệm cận với thông lệ quốc tế để đạt được sự công bằng trong những trường hợp đặc biệt về độ dài, hình dạng của bờ biển và đặc biệt là sự hiện diện của các đảo trong khu vực tranh chấp.
Luật quốc tế không đưa ra khái niệm về hoàn cảnh đặc biệt, nhưng thực tiễn tranh chấp trong quá trình phân định biển cho thấy, khi gặp các trường hợp do cấu tạo địa lý khác biệt của bờ biển, sự hiện diện các đảo hay có sự xuất hiện của danh nghĩa lịch sử từ lâu đời... thì tuỳ vào từng trường hợp cụ thể có thể được xem xét, điều chỉnh đường cách đều theo một tỷ lệ phân chia hợp lý, nhằm bảo đảm nguyên tắc công bằng phù hợp với quyền lợi các bên liên quan. Các hoàn cảnh đặc biệt không có một thước đo duy nhất để xác định, tuỳ từng trường hợp sẽ do các bên thoả thuận hoặc do Toà quyết định trên cơ sở bảo đảm sự công bằng. Do đó, “hoàn cảnh đặc biệt” chính là thực tế sự tồn tại của nó làm cho việc áp dụng đường cách đều một cách tuyệt đối sẽ dẫn đến sự không công bằng trong phân định biển, và trong trường hợp đặc biệt này cần phải có sự điều chỉnh phù hợp để mang lại sự công bằng.
3. Về danh nghĩa lịch sử khi áp dụng nguyên tắc công bằng trong phân định biển
Công ước Geneva năm 1958 và UNCLOS năm 1982 quy định ngoại trừ trường hợp các bên tự thoả thuận phân chia thì việc phân định lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải của các quốc gia có bờ biển liền kề, đối diện sẽ áp dụng nguyên tắc đường trung tuyến, cách đều, nhưng sẽ không áp dụng nguyên tắc này trong trường hợp do có những danh nghĩa lịch sử. Trong thực tế, nhiều vụ tranh chấp biển các quốc gia đưa ra “yêu sách” về “danh nghĩa lịch sử”, “vùng nước lịch sử” hay “quyền lịch sử”, họ cho rằng do tính lịch sử của vùng biển nên cần được tính để điều chỉnh đường phân định nhằm bảo đảm các quyền lịch sử từ lâu đời của họ. Luật quốc tế không đưa ra định nghĩa về danh nghĩa lịch sử hay vùng nước lịch sử, nhưng theo quan điểm của L.J. Bouchez thì vùng nước lịch sử là “vùng nước mà tại đó nhà nước ven biển đã thực thi trái ngược với các quy tắc quốc tế chung, các quyền chủ quyền của mình một cách rõ ràng, hiệu quả, liên tục và trong một quãng thời gian đủ dài trước sự ủng hộ của các nhà nước khác[21], và vùng nước lịch sử sẽ có chế độ của nội thuỷ.
 Thuật ngữ “vùng nước lịch sử” và “danh nghĩa lịch sử” thực chất là cùng một nội hàm, trong đó “vùng nước lịch sử” thể hiện bản chất của “danh nghĩa lịch sử”, hay nói cách khác, “danh nghĩa lịch sử” là tên gọi của vùng nước lịch sử. Tuy nhiên, không phải mọi vùng biển có tính chất lịch sử đều có thể được coi là “danh nghĩa lịch sử”, bởi theo phán quyết trong vụ tranh chấp ngư trường Anh/Na Uy (ICJ, 1951) đã hình thành nên luật tập quán quốc tế thì quốc gia đưa ra yêu sách danh nghĩa lịch sử phải hội đủ hai điều kiện: Thứ nhất phải thoả mãn các tiêu chí: i) nhà nước đã thực thi hiệu quả chủ quyền của họ trên vùng biển có yêu sách; ii) việc thực thi hiệu quả chủ quyền của nhà nước phải diễn ra trong một thời gian lâu dài và liên tục; iii) tuyên bố vùng nước lịch sử của quốc gia yêu sách không gặp phải sự phản đối của các nước khác[22]. Thứ hai, Toà khẳng định “danh nghĩa lịch sử” tạo nên “vùng nước lịch sử” hay còn gọi là quyền lịch sử độc quyền chỉ được áp dụng cho các khu vực gần bờ, có mối quan hệ chặt chẽ với lãnh thổ của một quốc gia và thuộc chủ quyền của quốc gia ven biển[23]. Chính vì không thoả mãn các điều kiện của một danh nghĩa lịch sử nên yêu sách “quyền lịch sử” của Trung Quốc ở Biển Đông trong vụ Philippines kiện Trung Quốc đã bị Toà trọng tài luật biển theo phụ lục VII của Công ước Luật biển năm 1982 từ chối công nhận.
 Trong vụ phân định thềm lục địa Biển Bắc giữa Đức và Đan Mạch, và giữa Đức và Hà Lan, ICJ, 1969[24], Tại các phiên điều trần, các bên đã đưa vấn đề “vùng nước lịch sử” trong việc khai thác dầu mỏ ở một số khu vực tại thềm lục địa đang tranh chấp để yêu cầu Toà xem xét đây là hoàn cảnh liên quan trong phân chia thềm lục địa giữa các bên. Tuy nhiên, quan điểm chung của Toà cũng như quan điểm riêng của thẩm phán Jessup thì hoạt động khai thác dầu mỏ của một quốc gia cho dù đã tồn tại trong một thời gian dài cũng sẽ không cấu thành “danh nghĩa lịch sử” để được tính trong việc phân chia thềm lục địa.
Trường hợp phân chia thềm lục địa liền kề giữa Tunisia và Libya (ICJ, 1982), Tunisia đưa ra yêu sách “quyền lịch sử” trong việc đánh bắt các loài cá sống tại khu vực thềm lục địa, họ đưa ra các chứng cứ đã từng đặt ra các quy định, kiểm soát hoạt động đánh bắt thuỷ sản ở vùng biển này để chứng minh đây là “hoàn cảnh đặc biệt” cần được tính trong việc phân định tại khu vực tranh chấp. Tuy nhiên, Toà đã không chấp nhận yêu cầu này của Tunisia[25], bởi theo thẩm phán Oda thì hoạt động lịch sử của Tunisia hoàn toàn diễn ra tại vùng nước mà không diễn ra dưới vùng thềm lục địa, nên không thể yêu sách chủ quyền đối với vùng thềm[26]. Các hoàn cảnh liên quan, trong đó có “vùng nước lịch sử” có thể được xem xét trong việc phân chia thềm lục địa nhưng không thể được ưu tiên hơn quyền đương nhiên sẵn có (ab initio) mà bờ biển của một quốc gia mang lại, đó là sự kéo dài tự nhiên của vùng thềm từ lục địa đất liền ra hướng biển.
Trong vụ kiện giữa Qatar và Bahrain (ICJ, 2001) ở khu vực phía Bắc, Toà vẽ một đường cách đều tạm thời phân định vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai bên và xem xét các trường hợp đặc biệt để điều chỉnh đường này. Bahrain đưa ra yêu sách quyền lịch sử đối với khu vực khai thác ngọc trai nhưng không được Toà chấp nhận, bởi tại đó Bahrain không đủ điều kiện thiết lập “danh nghĩa lịch sử” để trở thành “vùng nước lịch sử” theo những điều kiện đã được công nhận trong Án lệ Anh và Na Uy (ICJ, 1951). Và Toà đã kết luận hoạt động khai thác tài nguyên thiên nhiên sống cho dù có độc quyền hay không cũng không thể dẫn đến chủ quyền hay quyền chủ quyền đối với vùng biển, đáy biển và vùng thềm lục địa liên quan[27].
   Từ thực tiễn các tranh chấp trên cho thấy, mặc dù nguyên tắc công bằng trong phân định biển thừa nhận vùng biển có danh nghĩa lịch sử có thể được tính để điều chỉnh đường trung tuyến, cách đều để bảo đảm sự công bằng giữa các bên, nhưng để được công nhận “danh nghĩa lịch sử” thì quốc gia đưa ra yêu sách phải chứng minh nhà nước của họ đã từng quản lý, thực thi chủ quyền hiệu quả, lâu dài ít nhất một thế kỷ và không bị phản đối bởi nước ngoài. Tập quán quốc tế đã thừa nhận vùng nước lịch sử có chế độ của nội thuỷ và là vùng nước gần bờ, vậy nên các phán quyết của Toà đã không công nhận các yêu sách lịch sử liên quan đến việc phân định các khu vực xa bờ như thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế.
Qua trình bày, phân tích ở trên cho thấy, trong phân định biển, sự công bằng không đơn giản là việc chia đôi các vùng biển cũng như không phải đặt lên bàn cân tất cả các hoàn cảnh liên quan để áp dụng nguyên tắc công bằng một cách máy móc, mà là sự phân chia trên cơ sở xem xét, cân nhắc, điều chỉnh các quy tắc và nguyên tắc công bằng trong phân định phù hợp với thực tế và hoàn cảnh hữu quan, bảo đảm lợi ích của các bên liên quan[28]. Thực tế áp dụng nguyên tắc công bằng không có một giới hạn pháp lý nào định ra các hoàn cảnh liên quan, mà tuỳ thuộc vào quyết định của Toà hoặc sự chấp nhận của các bên khi gặp các yếu tố địa chất, địa lý, mức độ tương xứng của bờ biển, sự hiện diện của các đảo hay sự tồn tại của một danh nghĩa lịch sử… để cân nhắc điều chỉnh đường phân định đạt một giải pháp công bằng giữa các bên. Trường hợp phân định biển giữa Việt Nam với các nước hữu quan tuy đã đạt được những kết quả đáng kể nhưng vẫn còn tồn tại một số khu vực chưa được phân chia rõ ràng. Trong đó có khu vực vùng nước lịch sử Việt Nam và Campuchia, hai nước có bờ biển liền kề và đối diện, có cấu tạo địa lý đặc biệt, đồng thời cùng có truyền thống lịch sử lâu đời nhưng đang tiềm ẩn nhiều vấn đề có thể dẫn tới tranh chấp phức tạp, chưa được giải quyết dứt điểm. Do vậy, nghiên cứu thực tiễn áp dụng nguyên tắc công bằng trong phân định biển có thể mang lại những kinh nghiệm hữu ích trong việc giải quyết những tồn tại giữa Việt Nam với các nước hữu quan, bảo đảm lợi ích công bằng giữa các bên./.

 


[1] Công ước Geneva 1958, gồm có: Công ước Lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải (có hiệu lực ngày 10/9/1964); Công ước về biển cả (có hiệu lực ngày 30/9/1962); Công ước về đánh cá và bảo tồn các tài nguyên sinh vật của biển cả (có hiệu lực ngày 20/3/1966); Công ước về thềm lục địa (có hiệu lực ngày 10/6/1964)
[2] Greece v. Turkey (ICJ,1978), https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/62/062-19781219-JUD-01-00-EN.pdf, Aegean Sea Continental Shelf, para. 85.
[3] Khoản 1, 2 Điều 6 Công ước Geneva năm 1958 về thềm lục địa.
[4] Điều 74 và Điều 83 có nội dung hoàn toàn giống nhau, tại khoản 1: “Việc hoạch định ranh giới vùng đặc quyền về kinh tế/thềm lục địa giữa các quốc gia có bờ biển tiếp liền hay đối diện nhau được thực hiện bằng con đường thỏa thuận theo đúng với pháp luật quốc tế như đã nêu ở Điều 38 của Quy chế Tòa án quốc tế để đi đến một giải pháp công bằng".
[5] Nguyễn Bá Diến (2007), Vấn đề phân định biển trong luật biển quốc tế hiện đại, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 01.
[6] Federal Republic of Germany/Denmark (ICJ, 1969), https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/51/051-19690220-JUD-01-00-EN.pdf, para. 41.
[7] North Sea Continental Shelf Cases (ICJ, 1969); Tunisia/Libya Arab Jamahiriya (ICJ, 1982); Delimitation of the Maritime Boundary in the Gulf of Maine Area: Canada/United States of America (ICJ, 1984); Eritrea/Yemen - Sovereignty and Maritime Delimitation in the Red Sea (PCA, 1998, 1999); Maritime Delimitation and Territorial Questions between Qatar and Bahrain: Qatar v. Bahrain (ICJ, 2001).
[8] Summaties of Judgments, North Sea Continental Shelf Cases, Judgment of 20 February 1969, https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/51/5537.pdf, p. 73.
[9] North Sea Continental Shelf Cases (ICJ, 1969), https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/51/051-19690220-JUD-01-00-EN.pdf, para. 101.
[10] Tunisia/Libya Arab Jamahiriya (ICJ, 1982), https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/63/063-19820224-JUD-01-00-EN.pdf, para. 44.
[11] Tunisia/Libya Arab Jamahiriya (ICJ, 1982), https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/63/063-19820224-JUD-01-00-EN.pdf, para. 133.
[12] Canada/United States of America (ICJ, 1984),  https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/67/067-19841012-JUD-01-00-EN.pdf, para. 184, 218.
[13] I.C.J. Reports 1969, p. 50, para. 91.
[14] Cameroon v. Nigeria: Equatorial Guinea intervening (ICJ, 2002),
  https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/94/094-20021010-JUD-01-00-EN.pdf, para. 295.
[15] Nguyễn Bá Diến (2007), Vấn đề phân định biển trong luật biển quốc tế hiện đại, Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, số 01.
[16] Continental Shelf (Libyan Arab Jamahiriya/Malta),
https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/68/068-19850603-JUD-01-00-EN.pdf, para. 79.
[17] Continental Shelf (Tunisia/Libyan Arab Jamahiriya), para. 128, 129.
[18] Canada/United States of America (ICJ, 1984). https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/67/067-19841012-JUD-01-00-EN.pdf, para. 201.
[19] Tlđd, đoạn 222.
[20] Báo Nhân dân (2004), Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ góp phần tăng cường sự tin cậy giữa Việt Nam và Trung Quốc, https://nhandan.vn/theo-dong-thoi-su/hiep-dinh-phan-dinh-vinh-bac-bo-gop-phan-tang-cuong-su-tin-cay-giua-viet-nam-va-trung-quoc-468891/, truy cập ngày 24/3/2022.
[21] L.J. Bouchez (1964), The Regime of Bays in International Law, A.W. Sythoff, Leyden, p. 281.
[22] Juridical Regime of Historic Waters, including Historic Bays, https://legal.un.org/ilc/publications/yearbooks/english/ilc_1962_v2.pdf, para. 155-157.
[23] United Kingdom v. Norway (ICJ, 1951), https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/5/005-19511218-JUD-01-00-EN.pdf, para. 142.
[24] Federal Republic of Germany/Netherlands (ICJ, 1969), https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/52/052-19690220-JUD-01-00-EN.pdf, North Sea Continental Shelf.
[25] Tunisia/Libyan (ICJ, 1982),  https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/63/063-19820224-JUD-01-00-EN.pdf, para. 102.
[26] Tunisa/Libya (ICJ, 1982), Ý kiến phản đối của thẩm phán Oda, tr. 200-202.
[27] Qatar v. Bahrain (ICJ, 2001),  https://www.icj-cij.org/public/files/case-related/87/087-20010316-JUD-01-00-EN.pdf, Maritime Delimitation and Territorial Questions between Qatar and Bahrain, para. 236.
[28] Nguyễn Hồng Thao (1997), Những điều cần biết về luật biển, NXB Công an Nhân dân, tr. 277.

 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 15 (463), tháng 8/2022.)