Quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên theo Luật Doanh nghiệp năm 2020

16/08/2021

THS. NGUYỄN THỊ PHƯƠNG HÀ

Khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp được xem là một cách thức giúp thành viên rút vốn khỏi công ty, bảo vệ lợi ích của mình trước các quyết định bất lợi từ công ty. Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, phân tích quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp, chỉ ra một số bất cập và đề xuất kiến nghị hoàn thiện quy định này.
Từ khóa: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, quyền yêu cầu của thành viên công ty TNHH mua lại phần vốn góp, Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Abstract: For a limited liability company with two or more members, the right to request the company to acquire the contributed capital is considered as a measure to help the members withdraw their capital from the company, to protect their interests against the disadvantageous decisions by the company. In the scope of this article, the author provides discussions and analysis of the provisions of the Enterprise Law of 2020 on the right to request the company to acquire the contributed capital, and also points out some shortcomings and proposes recommendations for further improvements of these regulations.
Keywords: Limited liability companies with two or more members; the right to request of a member of the limited company to acquire the contributed capital; Enterprise Law  of 2020.
 
Trong mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH), các chủ sở hữu có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của họ khi thỏa mãn các điều kiện luật định. Đây là quyền của chủ sở hữu đã được ghi nhận từ Luật doanh nghiệp (DN) năm 1999[1]. Theo đó, việc yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp được đặt ra với ý nghĩa cung cấp cho các chủ sở hữu một cách thức bảo vệ lợi ích của mình trước những quyết định bất lợi từ công ty. Cụ thể hơn, cách thức này cho phép chủ sở hữu rút vốn khỏi công ty (đây là một ngoại lệ của nguyên tắc chủ sở hữu “không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức”[2]) và từ đó chấm dứt tư cách thành viên của mình.CTTNHH-2-TVIEN.jpg
1. Quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020 về mua lại phần vốn góp theo yêu cầu của thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lên
Điều 51 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (Luật DN năm 2020) quy định về mua lại phần vốn góp theo yêu cầu của thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên:
“1. Thành viên có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình nếu thành viên đó đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về vấn đề sau đây:
a) Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
b) Tổ chức lại công ty;
c) Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
2. Yêu cầu mua lại phần vốn góp phải bằng văn bản và được gửi đến công ty trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông qua nghị quyết, quyết định quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của thành viên quy định tại khoản 1 Điều này thì công ty phải mua lại phần vốn góp của thành viên đó theo giá thị trường hoặc giá được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty, trừ trường hợp hai bên thỏa thuận được về giá. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác.
4. Trường hợp công ty không thanh toán được phần vốn góp được yêu cầu mua lại theo quy định tại khoản 3 Điều này thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình cho thành viên khác hoặc người không phải là thành viên công ty”.
   Nội dung của quy định trên cho thấy:   
Thứ nhất, mục đích của quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp là nhằm hướng đến bảo vệ quyền lợi của những thành viên hay cổ đông có lợi ích bị ảnh hưởng bởi các quyết định hay nghị quyết được thông qua bởi Hội đồng thành viên. Cụ thể hơn, đây có thể được xem là một loại quyền giúp bảo vệ quyền lợi của thành viên góp ít vốn trong công ty[3]. Rõ ràng, trong các công ty nhiều chủ, việc sở hữu một tỷ lệ vốn góp càng cao càng giúp chủ sở hữu có thể tác động nhiều hơn đến quá trình ra quyết định chung tại cơ quan có thẩm quyền quyết định cao nhất trong công ty. Như vậy, với một quyết định hay nghị quyết gây bất lợi cho mình, sự biểu quyết không tán thành của các chủ sở hữu với phần vốn góp chiếm tỷ lệ nhỏ không thể đủ để khiến cho nghị quyết đó không được thông qua. Vì lẽ đó, để khắc phục trường hợp các chủ sở hữu có tỷ lệ vốn góp thấp phải chịu sự bất lợi đến từ những quyết định hay nghị quyết mà họ không sao tác động thay đổi được, Luật DN năm 2020 trao cho họ quyền được yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của mình như là một cách thức rút vốn, giải thoát họ khỏi công ty. 
Thứ hai, quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp không phải là quyền đương nhiên của thành viên mà nó chỉ phát sinh khi họ biểu quyết không tán thành với các quyết định hay nghị quyết về các vấn đề:
- Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;
- Tổ chức lại công ty;
- Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty.
Có thể thấy, quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của chủ sở hữu không thể phát sinh trong mọi trường hợp chủ sở hữu phản đối các nghị quyết của công ty. Bởi lẽ, mục đích và ý nghĩa của quyền này là để bảo vệ chủ sở hữu có quyền lợi trực tiếp bị ảnh hưởng từ nghị quyết của công ty. Vậy nên, chỉ những quyết định và nghị quyết thực sự tác động trực tiếp đến sự tồn tại của công ty (tổ chức lại công ty với các hình thức như chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi loại hình công ty) và trực tiếp tới quyền lợi của chủ sở hữu (thay đổi quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu trong Điều lệ) thì chủ sở hữu mới có quyền này. Sự giới hạn các loại quyết định hoặc nghị quyết thuộc phạm vi của quyền yêu cầu mua lại cũng nhằm tránh phát sinh các yêu cầu tùy tiện, bộc phát, và không hợp lý của các chủ sở hữu.  
Bên cạnh đó, về mặt thủ tục, để thực hiện quyền yêu cầu một cách hợp pháp, thành viên phải gửi yêu cầu dưới dạng văn bản đến công ty trong khoảng thời gian được Luật xác định. Văn bản cũng cần thể hiện rõ lý do yêu cầu mua lại phần vốn góp. 
 Thứ ba, việc mua lại phần vốn góp theo yêu cầu của thành viên sẽ chỉ là nghĩa vụ đối với công ty nếu như việc thanh toán phần vốn góp không làm ảnh hưởng đến khả năng thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty. Nếu như Luật DN năm 2014 cho phép công ty có thể không mua lại phần vốn góp khi thành viên có yêu cầu khi quy định: “trường hợp công ty không mua lại phần vốn góp…thì thành viên đó có quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp của mình…[4], thì Luật DN năm 2020  chỉ cho phép thành viên công ty tự do chuyển nhượng phần vỗn góp trong trường hợp công ty không thanh toán được phần vốn góp được yêu cầu mua lại của thành viên công ty. Như vậy, công ty chỉ có nghĩa vụ mua lại khi công ty có thể thanh toán phần vốn góp được yêu cầu mua lại mà không ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản nợ khác của công ty.
Thứ ba, giá mua lại được xác định trên cơ sở thỏa thuận giữa công ty và chủ sở hữu phần vốn góp. Trường hợp các bên không thỏa thuận được về giá thì giá mua lại được xác định làgiá thị trường hoặc giá được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ.
Thứ tư, chính vì quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp là một cách thức để các chủ sở hữu rút vốn khỏi công ty nên hệ quả của việc công ty mua lại phần vốn góp đó là vốn điều lệ của công ty sẽ giảm xuống tương ứng với giá trị phần vốn góp được công ty mua lại. Công ty phải thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ theo đúng quy định của Luật DN năm 2020. Thành viên được công ty mua lại toàn bộ phần vốn góp sẽ chấm dứt tư cách chủ sở hữu trong công ty.
2. Một số bất cập và kiến nghị
Từ những phân tích trên đây cho thấy, mấu chốt trong quy định của Điều 51 Luật DN năm 2020 về mua lại phần vốn góp theo yêu cầu của thành viên trong công ty TNHH hai thành viên trở lênlà: công ty chỉ có nghĩa vụ mua lại phần vốn góp theo yêu cầu của thành viên nếu như tài chính của công ty thỏa mãn điều kiện về thanh toán; nếu việc thanh toán phần vốn góp được mua lại sẽ khiến công ty không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ khác thì công ty không có nghĩa vụ mua lại mặc dù thành viên đã có quyền yêu cầu hợp pháp.
Chúng tôi cho rằng, việc quy định công ty TNHH hai thành viên trở lên có nghĩa vụ mua lại chỉ khi thỏa mãn điều kiện thanh toán là không hợp lý vì những lý do sau đây:
Một là, về khả năng thanh toán của công ty. Rõ ràng, lợi ích của bên thứ ba (chủ nợ) luôn cần được đặt lên trên lợi ích của chủ sở hữu; vì vậy, công ty phải ưu tiên thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính hơn là thanh toán phần vốn góp của chủ sở hữu. Tuy nhiên, việc không thỏa mãn điều kiện “nếu ngay sau khi thanh toán hết phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợkhông nên là yếu tố xóa bỏ nghĩa vụ mua lại của công ty mà chỉ nên là yếu tố để công ty không tiến hành thanh toán ngay sau khi có quyết định mua lại. Bởi lẽ, nguồn tài chính và tài sản trong công ty có thể ngay tại thời điểm phát sinh yêu cầu mua lại phần vốn góp của thành viên thì chưa đủ để thỏa mãn điều kiện thanh toán nêu trên nhưng sau một thời gian khả năng tài chính được cải thiện (nhờ lợi nhuận kinh doanh, các khoản cho vay được hồi lại, xoay vòng vốn…) thì công ty lại có thể thanh toán cho thành viên. Chỉ khi nào công ty chính thức mất khả năng thanh toán và trong quá trình giải quyết theo thủ tục phá sản thì mới không thể tham gia vào các giao dịch làm phát sinh nghĩa vụ tài chính mà thôi. Nếu công ty chưa lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, không đang trong quá trình giải quyết phá sản thì vẫn có thể tham gia vào giao dịch mua lại phần vốn góp với thành viên của công ty.
Hai là, xuất phát từ ý nghĩa của quyền được yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp, quyền này được trao cho thành viên như một cách thức giúp họ rút vốn và rời khỏi công ty khi một quyết định trong công ty khiến lợi ích của việc duy trì sở hữu trong công ty của họ không còn. Vậy, câu hỏi được đặt ra là, nếu công ty không có nghĩa vụ mua lại thì ngược lại chủ sở hữu không có quyền yêu cầu? Vì công ty nhất thời không thỏa mãn điều kiện thanh toán các khoản nợ khác nên nghĩa vụ mua lại không còn đặt ra cho công ty và thành viên vẫn phải duy trì tư cách và đồng vốn của mình trong một công ty không còn mang lại lợi ích cho họ? Rõ ràng, ý nghĩa của quyền này không còn được đảm bảo.
Ba là, Điều 51 Luật DN năm 2020 không ràng buộc trách nhiệm của công ty chứng minh, giải trình cho thành viên có yêu cầu mua lại về việc thanh toán phần vốn góp sẽ làm ảnh hưởng đến khả năng thanh toán nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của công ty. Do đó, khi công ty (mặc dù có khả năng nhưng không muốn mua lại) có thể “né” nghĩa vụ mua lại với lý do đơn thuần là không đảm bảo được việc thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ khác. Về phía thành viên, theo quy định của Điều 49 Luật DN năm 2020, chỉ thành viên và nhóm thành viên sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên mới được quyền kiểm tra, xem xét, tra cứu sổ ghi chép và theo dõi các giao dịch, sổ kế toán, báo cáo tài chính hằng năm của công ty. Như vậy, thành viên sở hữu tỷ lệ thấp hơn sẽ rất khó đánh giá được khả năng thanh toán của công ty khi công ty không thực hiện việc mua lại phần vốn góp khi họ có yêu cầu.
Từ những phân tích trên, chúng tôi kiến nghị:
Thứ nhất, quy định về quyền yêu cầu mua lại phần vốn góp của thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên tại Điều 51 Luật DN năm 2020 cần bảo đảm được ý nghĩa cốt lõi của nó đối với lợi ích của thành viên: một khi thành viên đã rơi vào các trường hợp phát sinh quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp, đã tuân thủ đúng hình thức, quy trình và thời hạn thực hiện yêu cầu theo Luật định thì công ty phải có nghĩa vụ mua lại. Một bên có quyền thì đối ứng với bên kia là nghĩa vụ, việc giải phóng công ty khỏi nghĩa vụ mua lại đồng nghĩa với việc chối bỏ quyền của thành viên. Nếu việc thanh toán phần vốn góp được mua lại ảnh hưởng đến khả năng thanh toán các khoản nợ và nghĩa vụ khác của công ty thì công ty có thể không thực hiện việc thanh toán ngay thời điểm đó mà có thể thực hiện khi nào tình hình tài chính của công ty cho phép. Nghĩa vụ mua lại của công ty không nên được bãi bỏ khi công ty nhất thời chưa đảm bảo được khả năng thanh toán, chỉ khi nào công ty bị mất khả năng thanh toán (theo quy định của Luật Phá sản) hoặc thành viên chủ động từ bỏ yêu cầu mua lại thì khi có công ty mới không còn nghĩa vụ này.
Thứ hai, cần sửa đổi Điều 51 Luật DN năm 2020 hoặc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật DN năm 2020 nhằm bổ sung trách nhiệm của công ty chứng minh, giải trình về việc không đáp ứng được điều kiện thanh toán phần vốn góp được yêu cầu mua lại. Điều này sẽ giúp cho thành viên vừa hiểu được tình hình của công ty vừa chủ động đưa ra các quyết định hoặc tiến hành các cách thức khác để bảo vệ quyền lợi của chính mình./.
   

 


[1] Điều 31 và 64 Luật Doanh nghiệp năm 1999, Điều 43 và 90 Luật Doanh nghiệp năm 2005, Điều 52 và Điều 129 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Điều 51 và 132 Luật Doanh nghiệp năm 2020.
[2] Điều 51 và 115 Luật Doanh nghiệp năm 2014, Điều 50 và 119 Luật Doanh nghiệp năm 2020
[3] Xem thêm: Bùi Xuân Hải (2011), Luật doanh nghiệp – Bảo vệ cổ đông: Pháp luật và thực tiễn, Nxb. Chính trị quốc gia, 246 – 247.
[4] Khoản 3 Điều 52 Luật Doanh nghiệp năm 2014.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 06 (430), tháng 03/2021.)