Hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới

01/02/2017

TS. NGUYỄN BÍCH THẢO

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tóm tắt: Hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ (SHTT) là một nhu cầu cấp thiết, không chỉ để nhằm thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế của Việt Nam, mà còn xuất phát từ nhu cầu phát triển tự thân của nền kinh tế trong điều kiện đổi mới mô hình tăng trưởng. Hoàn thiện pháp luật SHTT không chỉ dựa trên cơ sở rà soát, đối chiếu các quy định cụ thể nhằm đảm bảo tương thích với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, mà còn phải xuất phát từ thực trạng pháp luật SHTT Việt Nam và xu hướng phát triển của pháp luật SHTT các nước trên thế giới trên các phương diện: xác lập quyền SHTT, khai thác quyền SHTT và bảo vệ quyền SHTT.
Từ khóa: pháp luật sở hữu trí tuệ, hội nhập kinh tế quốc tế, hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Abstract: Improvement of law on intellectual property (IP) is an urgent need, which is driven by not only Vietnam’s international integration commitments but also by the internal requirements for economic developments of Vietnam in the context of transitioning the country’s growth model. Improvement of IP law should not be limited to the reviews of specific provisions to ensure compatibility with new generation free trade agreements, but should be approached comprehensively from the current state of Vietnamese IP law and the trend of IP law in the world with respect to establishment, exploitation, and enforcement of IP rights.
Keywords: Law on Intellectual Property, International Economic Integration, New Generation Free Trade Agreements.
Untitled_432.jpg
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Bối cảnh và nhu cầu hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ
Từ khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (năm 2007) đến nay, tiến trình chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng hơn. Đặc biệt là gần đây, Việt Nam đã hoàn tất việc đàm phán, ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Nước ta cũng đang trong quá trình đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực giữa ASEAN và 6 đối tác (Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand - RCEP)[1]. TPP, EVFTA và RCEP được gọi là những “FTA thế hệ mới” do có những đặc điểm mới so với các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết trước đây, đó là: (1) mức độ tự do hóa (mở cửa thị trường) rất sâu; (2) phạm vi cam kết rất rộng, ngoài các lĩnh vực truyền thống như thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, các FTA thế hệ mới còn bao gồm những cam kết về nhiều lĩnh vực mới như doanh nghiệp nhà nước, mua sắm Chính phủ, thương mại điện tử, lao động - công đoàn, môi trường, minh bạch và chống tham nhũng…; (3) khác với các FTA trước đây chủ yếu ảnh hưởng tới chính sách thuế quan tại biên giới, các FTA thế hệ mới có nhiều cam kết ảnh hưởng trực tiếp và lớn đến thể chế, chính sách pháp luật nội địa; (4) các FTA thế hệ mới có sự tham gia của những đối tác thương mại đặc biệt lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc[2].
Trong khi quá trình hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra ngày càng sôi động, mạnh mẽ, thì quá trình đổi mới, hoàn thiện thể chế, pháp luật trong nước chưa được thực hiện một cách đồng bộ, kịp thời[3]. Để thực hiện có hiệu quả hơn nữa tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, một nhu cầu cấp thiết hiện nay là tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam, “khẩn trương rà soát, bổ sung, hoàn thiện luật pháp trực tiếp liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với Hiến pháp, tuân thủ đầy đủ, đúng đắn các quy luật của kinh tế thị trường và các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế; nội luật hóa theo lộ trình phù hợp những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, trước hết là luật pháp về thương mại, đầu tư, SHTT và chuyển giao công nghệ, lao động - công đoàn… bảo đảm tranh thủ được thời cơ, thuận lợi, vượt qua các khó khăn, thách thức từ việc tham gia và thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới”[4].
Hoàn thiện pháp luật nói chung và pháp luật SHTT nói riêng không chỉ xuất phát từ nhu cầu đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, mà còn xuất phát từ nhu cầu phát triển tự thân của nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, kinh tế toàn cầu ở vào giai đoạn phát triển cao của nền kinh tế tri thức, các thành quả sáng tạo - đối tượng bảo hộ của quyền SHTT - ngày nay được các nhà kinh tế học hiện đại coi là động lực cơ bản để phát triển kinh tế và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Khác với vài thập kỷ trước đây khi các quốc gia chạy đua trong các ngành công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, vốn và lao động, hiện nay hầu hết các nước, kể cả các nước phát triển và đang phát triển, đều cạnh tranh bằng cách chạy đua về công nghệ. Trước tình hình đó, Việt Nam thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, “chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo”[5], với trọng tâm ưu tiên là “hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi cho khởi nghiệp và đổi mới, sáng tạo, nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ”[6].
Trong năm 2016, các cơ quan, bộ, ngành hữu quan đã tiến hành rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam, trong đó có pháp luật SHTT, để từ đó phát hiện những điểm chưa tương thích, những khoảng trống và khuyến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định cho phù hợp, tương thích với các hiệp định TPP và EVFTA mà Việt Nam đã ký kết. Việc rà soát, đối chiếu pháp luật Việt Nam với các quy định về SHTT trong các hiệp định nói trên là rất cần thiết, nhưng chưa đủ. Để đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các FTA thế hệ mới, cần một cách tiếp cận toàn diện về pháp luật SHTT.
Bản chất của việc bảo hộ quyền SHTT là Nhà nước trao độc quyền cho các nhà sáng tạo đối với các thành quả trí tuệ của họ (tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp v.v..) trong một thời gian hạn định, nghĩa là họ có quyền ngăn cấm người khác sao chép, sử dụng, khai thác thành quả sáng tạo của mình mà không xin phép, và Nhà nước bảo vệ khi có hành vi xâm phạm độc quyền đó theo các cơ chế khác nhau. “Độc quyền” là sự “trao thưởng” của toàn xã hội mà đại diện là Nhà nước cho công sức, vốn đầu tư mà các chủ thể quyền SHTT đã bỏ ra để nghiên cứu, sáng tạo. Tuy nhiên, độc quyền này không tồn tại vĩnh viễn. Sau khi hết thời hạn bảo hộ quyền SHTT - tức là một khoảng thời gian đủ để chủ thể quyền SHTT có thể độc quyền khai thác lợi ích vật chất từ thành quả sáng tạo của mình để bù đắp xứng đáng vốn, công sức bỏ ra, công chúng có quyền tự do tiếp cận, sử dụng các thành quả sáng tạo đã có để tiếp tục cải tiến, nâng cấp, sáng tạo ra các đối tượng mới, nhờ đó không ngừng thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ và văn học, nghệ thuật, nâng cao chất lượng cuộc sống của con người, đem lại lợi ích cho toàn xã hội.
Một hệ thống bảo hộ quyền SHTT tốt cần tạo điều kiện cho quyền đó được hiện thực hóa ở cả ba khâu: xác lập quyền, khai thác giá trị của quyền và bảo vệ quyền (chống lại hành vi xâm phạm). Ba khâu này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu quyền SHTT không được xác lập ngay từ đầu thì không thể nói đến việc khai thác giá trị do quyền đó mang lại, càng không thể nói đến việc chống lại hành vi xâm phạm quyền như sao chép, sử dụng trái phép. Nếu bảo vệ quyền SHTT tốt trước các hành vi xâm phạm sẽ nâng cao giá trị của tài sản trí tuệ, giúp cho việc khai thác quyền được hiệu quả hơn và tạo động lực mạnh mẽ hơn để các chủ thể tiếp tục sáng tạo, tiếp tục xác lập quyền SHTT. Quyền SHTT sẽ hoàn toàn vô giá trị nếu như các đối tượng được bảo hộ bị người khác sao chép, sử dụng trái phép một cách dễ dàng mà không có cơ chế hữu hiệu để xử lý. Đồng thời, nếu khai thác tốt giá trị của quyền SHTT, đem lại lợi ích kinh tế cao hơn cho chủ thể quyền cũng sẽ tạo động lực để các chủ thể tiếp tục sáng tạo và tiếp tục xác lập quyền.
Xác lập quyền SHTT đòi hỏi phải có một hệ thống pháp luật về SHTT đầy đủ, bảo hộ toàn diện các đối tượng sáng tạo, với các quy định rõ ràng, cụ thể về điều kiện bảo hộ đối với từng loại đối tượng và quy trình, thủ tục xác lập quyền (tự động hay phải đăng ký bảo hộ). Tuy nhiên, cũng không thể bỏ qua một yêu cầu tiên quyết để xác lập quyền SHTT, đó là trước hết phải tạo lập được các đối tượng SHTT được bảo hộ (như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, tác phẩm văn học, nghệ thuật...). Không có các đối tượng được bảo hộ - kết quả của hoạt động sáng tạo - thì cũng không có quyền SHTT. Sáng tạo là khả năng vốn có của con người dù ở xã hội nào, trình độ phát triển nào, nhưng một xã hội có chế độ bảo hộ quyền SHTT tốt thì sẽ thúc đẩy, khuyến khích hoạt động sáng tạo, tạo lập tài sản trí tuệ lên một tầm cao hơn nữa. Do đó, ngoài pháp luật SHTT, các cơ chế, chính sách khác khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo cũng hết sức quan trọng như xây dựng nguồn nhân lực cho hoạt động sáng tạo (thông qua phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng nhân tài và nhân lực trình độ cao); tôn vinh các nhà sáng tạo; đầu tư xứng đáng cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), bảo đảm khả năng tiếp cận, tra cứu, khai thác tốt nguồn thông tin SHTT, đặc biệt là thông tin sáng chế phục vụ cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà sáng tạo tiếp cận vốn; có chính sách ưu đãi về thuế và các ưu đãi khác cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo v.v…
Khai thác giá trị của quyền SHTT là khâu được thực hiện sau khi đã xác lập quyền, và thậm chí có thể thực hiện ngay cả khi quyền SHTT chưa được xác lập (tài sản trí tuệ đang trong quá trình hình thành)[7]. Khai thác có thể bằng nhiều phương thức khác nhau, và hiện nay, trên thế giới, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình khai thác tài sản trí tuệ đa dạng, phong phú, sáng tạo, ví dụ: tự mình khai thác (chẳng hạn như trực tiếp sản xuất, phân phối sản phẩm có chứa đối tượng được bảo hộ quyền SHTT), bán/chuyển nhượng toàn bộ tài sản trí tuệ, chuyển giao quyền sử dụng (cấp li-xăng), cho thuê, góp vốn bằng tài sản trí tuệ vào doanh nghiệp, thế chấp tài sản trí tuệ để vay vốn, chứng khoán hóa tài sản trí tuệ (securitization), thu mua bằng độc quyền sáng chế và khởi kiện các bên xâm phạm yêu cầu bồi thường thiệt hại; mua bán tài sản trí tuệ qua sàn giao dịch SHTT v.v.. Để làm tốt khâu khai thác giá trị của quyền SHTT thì trước hết phải thực hiện tốt các khâu xác lập quyền và bảo vệ quyền, đồng thời phải xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan như pháp luật về hợp đồng chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản trí tuệ, pháp luật về giao dịch bảo đảm (nhằm thúc đẩy việc thế chấp tài sản trí tuệ và tiếp cận vốn)… Để tạo lập được một thị trường cho tài sản trí tuệ, cần phát triển các chủ thể trung gian rất quan trọng như các tổ chức tư vấn, đánh giá, định giá, môi giới về SHTT…
Bảo vệ quyền SHTT chống lại các hành vi xâm phạm thông thường được thực hiện thông qua các biện pháp: dân sự (khởi kiện vụ án dân sự), hành chính (hoạt động xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực SHTT của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền), hình sự (truy tố, xử lý về hình sự đối với các tội xâm phạm quyền SHTT), và kiểm soát biên giới (ngăn chặn hàng hóa nhập khẩu vi phạm quyền SHTT ngay tại biên giới). Trong số đó, biện pháp dân sự là biện pháp hữu hiệu nhất vì nó phản ánh đúng bản chất của quyền SHTT là một quyền dân sự, và chủ thể quyền SHTT có thể vừa ngăn chặn được hành vi xâm phạm vừa yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra. Để bảo vệ (thực thi) quyền SHTT, không những cần có một hệ thống pháp luật SHTT đầy đủ, mà còn phải có một hệ thống tư pháp dân sự, tư pháp hình sự và hệ thống cơ quan hành chính nhà nước có hiệu lực, hiệu quả, và cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bảo vệ quyền SHTT.
Do đó, hoàn thiện pháp luật SHTT theo nghĩa rộng cần được hiểu là hoàn thiện các quy định pháp luật về xác lập quyền SHTT, khai thác quyền SHTT và thực thi quyền SHTT và các quy định pháp luật khác có liên quan như pháp luật về hợp đồng, pháp luật về giao dịch bảo đảm, pháp luật về doanh nghiệp v.v.., và hoàn thiện cơ chế bảo đảm thi hành các quy định đó, góp phần xây dựng một hệ thống SHTT“hành động kịp thời, thực thi hiệu quả, thúc đẩy sáng tạo, gia tăng giá trị”[8].
2. Thực trạng pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam
Sau 30 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế, hệ thống pháp luật SHTT ở Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Theo đánh giá, hệ thống pháp luật về bảo hộ và thực thi quyền SHTT của Việt Nam không những đạt chuẩn tối thiểu của WTO mà còn đạt tiêu chuẩn cao hơn theo Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ, có thể sánh với các nước tiên tiến trong khu vực và đang hướng tới các chuẩn mực tiên tiến của thế giới theo các cam kết trong các FTA thế hệ mới về các tiêu chí có lợi cho chủ sở hữu quyền[9]. Khung pháp luật đó bao gồm quy định về bảo hộ quyền SHTT trong Hiến pháp năm 2013, Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) cùng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật này, và các Luật khác có liên quan như Luật Khoa học và công nghệ, Luật Hải quan, Luật Chuyển giao công nghệ... Việt Nam cũng là thành viên của các điều ước quốc tế đa phương quan trọng nhất về SHTT như Hiệp định TRIPS về các khía cạnh thương mại của quyền SHTT trong khuôn khổ các hiệp định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, Công ước Pari về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, Công ước UPOV về bảo hộ giống cây trồng mới…
Pháp luật Việt Nam bảo hộ các loại đối tượng quyền SHTT đa dạng, bao gồm: (1) các đối tượng của quyền tác giả (tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học) và quyền liên quan đến quyền tác giả (quyền của người biểu diễn, tổ chức sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng), (2) các đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, thiết kế bố trí mạch tích hợp, quyền chống cạnh tranh không lành mạnh, và (3) các đối tượng của quyền đối với giống cây trồng (giống cây trồng mới). Pháp luật hiện hành quy định rõ các điều kiện bảo hộ đối với từng loại đối tượng quyền SHTT, cơ chế xác lập quyền, nội dung quyền, giới hạn quyền, cơ chế bảo vệ và thực thi quyền và các chế tài đối với hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Về phương diện xác lập quyền, số lượng quyền SHTT được xác lập ngày càng gia tăng theo từng năm, cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong hoạt động sáng tạo, tạo lập tài sản trí tuệ ở Việt Nam. Số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng nhanh (bình quân khoảng 10% mỗi năm). Trong 05 năm gần đây (từ 2011 đến 2015), Cục SHTT đã nhận được 390.876 đơn hoặc yêu cầu các loại, đã xử lý được 338.387 đơn (bằng 86,7% tổng số đơn nhận được), cấp 132.107 văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp, trong đó có 6.028 Bằng độc quyền sáng chế, 466 Bằng độc quyền giải pháp hữu ích, 6.648 Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 118.922 Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu và 23 Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý…[10]. Tuy nhiên, công tác xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp còn chậm, thời hạn xử lý đơn dài, gây bức xúc cho doanh nghiệp và xã hội. Quy trình, thủ tục và việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc còn hạn chế, chậm đổi mới[11].
Về phương diện khai thác quyền SHTT, tuy đã có tiến triển đáng kể trong những năm qua, nhưng nhìn chung đây là khâu còn rất yếu. Các giao dịch liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ chưa sôi động, giá trị của tài sản trí tuệ chưa được đánh giá, khai thác, tận dụng một cách thỏa đáng trong các hoạt động li-xăng và chuyển giao công nghệ, đầu tư, góp vốn, mua bán sáp nhập doanh nghiệp, cho vay có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ. Mặc dù trên thực tế, ở Việt Nam đã xuất hiện các giao dịch này, nhưng mới mang tính chất nhỏ lẻ, chưa được thực hiện trên diện rộng. Trong năm 2015, chỉ có 848 hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp và 203 hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp được đăng ký tại Cục SHTT[12].
Về phương diện bảo vệ quyền, Việt Nam cũng đã cải thiện đáng kể hệ thống thực thi quyền SHTT phù hợp với yêu cầu của Hiệp định TRIPS theo các cơ chế dân sự, hành chính, hình sự và kiểm soát biên giới. Trong giai đoạn 2012 - 2015, thực hiện Chương trình hành động về phối hợp phòng và chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn II, các lực lượng chức năng của 9 bộ, ngành đã đã xử lý vi phạm hành chính 25.543 vụ việc, trong đó phạt tiền 23.197 vụ việc với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 97 tỷ đồng; đã khởi tố 381 vụ với 553 bị can; xét xử 55 vụ án về SHTT tại tòa án (trong đó có 12 vụ án hình sự)[13]. Tuy nhiên, thực thi quyền SHTT ở Việt Nam vẫn là khâu rất yếu, nhất là thực thi bằng biện pháp dân sự. Số vụ kiện dân sự về tranh chấp quyền SHTT được giải quyết tại Tòa án rất nhỏ so với số vụ việc được giải quyết bằng biện pháp hành chính. Từ ngày 1/7/2006 đến ngày 22/6/2009, các tòa án Việt Nam chỉ thụ lý 108 vụ việc về sở hữu trí tuệ[14]. Từ năm 2012 đến năm 2015, Tòa án các cấp tiếp nhận 288 vụ việc, đã giải quyết được 177 vụ, trong đó xét xử 55 vụ (12 vụ án hình sự), công nhận sự thỏa thuận của các bên 16 vụ và đình chỉ 91 vụ[15]. Điều này không phản ánh đúng thực trạng xâm phạm quyền SHTT ở Việt Nam, bởi con số này rất ít so với hàng ngàn vụ việc được xử lý bằng biện pháp hành chính mỗi năm. Các chủ thể quyền SHTT không muốn khởi kiện ra tòa án do quá trình giải quyết tại tòa án thường kéo dài, tốn kém, nhưng không hiệu quả. Các thẩm phán không có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm giải quyết các vụ việc về SHTT, nên thường gửi công văn hỏi ý kiến của các cơ quan chuyên môn về SHTT như Cục SHTT hay Cục Bản quyền tác giả và dựa hoàn toàn vào các ý kiến đó để giải quyết vụ án[16]. Nhiều vụ việc bị kéo dài do tòa án chờ ý kiến của các cơ quan chuyên môn này. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng số lượng các vụ việc về SHTT được giải quyết tại tòa án đang ngày càng tăng lên, cho thấy các chủ thể quyền đang dần dần tin tưởng hơn vào hệ thống tòa án và nhận thức rõ hơn giá trị quyền SHTT của mình. Không chỉ có chủ thể quyền SHTT là tổ chức, cá nhân nước ngoài khởi kiện tại tòa án, mà số vụ việc do tổ chức, cá nhân khởi kiện cũng ngày càng tăng. Các vụ kiện về xâm phạm quyền SHTT không chỉ tập trung ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh như trước đây, mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Đà Nẵng, Thanh Hóa, Đăk lăk, Tây Ninh v.v.. Như vậy, thực thi quyền SHTT hiện nay không chỉ xuất phát từ sức ép bên ngoài do hội nhập kinh tế quốc tế, mà đang dần dần trở thành nhu cầu tự thân, nội tại của các tổ chức, cá nhân Việt Nam trong việc bảo vệ thành quả sáng tạo, thành quả đầu tư của mình để có thể cạnh tranh và phát triển trên thị trường.
Nhìn tổng thể, mặc dù hệ thống pháp luật về SHTT của Việt Nam được xây dựng và hoàn thiện với tốc độ nhanh chóng, nhìn chung tương thích với chuẩn mực quốc tế (Hiệp định TRIPS), nhưng TRIPS chỉ đặt ra các tiêu chuẩn bảo hộ tối thiểu mang tính chất khung, định hướng cơ bản cho mỗi quốc gia xây dựng pháp luật SHTT của mình. Đối chiếu pháp luật Việt Nam với pháp luật SHTT của các nước phát triển như Mỹ, Liên minh châu Âu và thậm chí là với nước láng giềng Trung Quốc, có thể thấy pháp luật SHTT Việt Nam còn có khoảng cách khá xa. Nhiều quy định còn thiếu vắng, chưa đầy đủ, chưa chi tiết, cụ thể, hoặc chưa thích ứng với xu hướng thay đổi của thế giới. Các quy định pháp luật về SHTT chưa đầy đủ cũng là một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự thiếu hiệu quả của tòa án Việt Nam trong việc giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền SHTT, ví dụ: thiếu các quy định cụ thể về xác định hành vi xâm phạm từng loại đối tượng SHTT, về các loại hành vi xâm phạm trực tiếp và gián tiếp, về xác định thiệt hại, về các loại chế tài đối với hành vi xâm phạm... Vì vậy, không tránh khỏi việc tòa án phụ thuộc vào ý kiến của các cơ quan chuyên môn về SHTT để giải quyết tranh chấp, bởi các quy định chung của TRIPS đã được tiếp nhận trong Luật SHTT năm 2005 không thể đủ sức giải quyết các tranh chấp quyền SHTT vô cùng đa dạng, phong phú trong đời sống, trong khi Việt Nam chưa có một hệ thống án lệ về SHTT để bổ sung cho các quy định pháp luật thành văn[17].
3. Đề xuất phương hướng hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ
Theo kết quả rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết về SHTT trong Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố tháng 7/2016, nhìn tổng thể, pháp luật Việt Nam đã cơ bản tương thích với yêu cầu của EVFTA; một số ít nội dung chưa tương thích chỉ mang tính quy định chi tiết, đơn lẻ, ở các vấn đề cụ thể[18]. Tuy nhiên, nguyên tắc tối huệ quốc (MFN) được nhấn mạnh trong EVFTA đòi hỏi Việt Nam phải đối xử với các chủ thể EU ở mức tốt nhất theo các cam kết EVFTA và Hiệp định TPP (là FTA có nội dung cam kết nhiều nhất về SHTT tính đến nay). Do đó, để thực thi các cam kết EVFTA về SHTT thì cũng đồng thời phải điều chỉnh, sửa đổi pháp luật SHTT Việt Nam tương thích với các cam kết trong TPP. Mặc dù tại thời điểm hiện nay, chưa thể dự đoán TPP có được các nước thành viên phê chuẩn hay không, nhưng trong tiến trình chủ động, tích cực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, việc hoàn thiện pháp luật SHTT theo các tiêu chuẩn tiên tiến của TPP vẫn rất cần thiết. Việc đàm phán, ký kết TPP cũng là một cơ hội tốt để Việt Nam nhìn lại hệ thống pháp luật SHTT của mình, nhận diện những khoảng trống và học hỏi được những giải pháp pháp lý mà TPP cung cấp - thực chất chính là kinh nghiệm lập pháp từ các nước có hệ thống pháp luật SHTT. Cho dù TPP có được các nước phê chuẩn hay không, nó vẫn có thể được xem là một bộ tiêu chuẩn mới về lập pháp trong lĩnh vực SHTT, chứa đựng các tiêu chuẩn bảo hộ cao hơn và chi tiết, đầy đủ hơn so với Hiệp định TRIPS, vì vậy có giá trị tham khảo đối với các nước đang phát triển như Việt Nam trong quá trình cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng[19]. Ngoại trừ những quy định mang tính chất “mặc cả” giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển về kéo dài thời hạn bảo hộ đối với một số đối tượng SHTT, về tăng cường bảo hộ đối với sáng chế và dữ liệu thử nghiệm trong lĩnh vực dược phẩm và lĩnh vực hóa nông…, Việt Nam có thể học hỏi, tiếp thu được các chuẩn mực tiên tiến về bảo hộ quyền SHTT của thế giới từ TPP cũng như các FTA thế hệ mới nói chung.
Trên cơ sở nghiên cứu các tiêu chuẩn bảo hộ quyền SHTT trong TPP và EVFTA và xuất phát từ thực trạng pháp luật SHTT Việt Nam, có thể đề xuất một số phương hướng hoàn thiện sau đây:
3.1 Mở rộng phạm vi đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Khi nền kinh tế dựa trên tri thức và công nghệ càng phát triển, tất yếu sẽ xuất hiện càng nhiều các đối tượng SHTT mới cần được bảo hộ. Đối với nhãn hiệu, hiện nay pháp luật Việt Nam mới chỉ bảo hộ các nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được[20]. Để phù hợp với xu hướng bảo hộ nhãn hiệu trên thế giới, cần từng bước mở rộng phạm vi bảo hộ sang các nhãn hiệu không nhìn thấy được như nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi hương[21]. Không chỉ có Mỹ, nhiều nước trên thế giới đã bảo hộ các loại nhãn hiệu phi truyền thống này. Ví dụ, Luật Nhãn hiệu Trung Quốc sửa đổi năm 2013 (có hiệu lực từ 1/5/2014) đã xóa bỏ điều kiện nhãn hiệu phải là dấu hiệu “nhìn thấy được” và chính thức ghi nhận nhãn hiệu âm thanh có thể được đăng ký bảo hộ[22]. Đối với sáng chế, hiện nay pháp luật Việt Nam bảo hộ hai loại là sáng chế dạng sản phẩm và sáng chế dạng quy trình[23]. Trong khi đó, các nước phát triển bảo hộ cả sáng chế dạng sử dụng tức là những giải pháp đã được biết đến nếu như chúng được sử dụng theo một cách mới hoặc là phương pháp hay quy trình sử dụng mới của một sản phẩm đã được biết đến[24]. Đối với kiểu dáng công nghiệp, pháp luật Việt Nam hiện hành chỉ bảo hộ kiểu dáng tổng thể bên ngoài của sản phẩm mà không bảo hộ kiểu dáng được chứa đựng trong một phần sản phẩm[25]. Do vậy, đây là những vấn đề Việt Nam cần xem xét bổ sung khi sửa đổi Luật SHTT.
3.2 Quy định các chế tài đủ mạnh đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Để thực thi quyền SHTT một cách hiệu quả, pháp luật SHTT Việt Nam cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung để quy định các chế tài đủ mạnh đối với hành vi xâm phạm quyền. Về chế tài dân sự, ngoài chế tài buộc bồi thường thiệt hại thực tế và lợi nhuận của bên xâm phạm, cần có quy định về bồi thường thiệt hại theo luật định (statutory damages) trong những trường hợp khó xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại theo luật định này phải đủ lớn để bảo đảm tính răn đe. Đối với hành vi xâm phạm cố ý thì tòa án cần có quyền buộc bên xâm phạm phải trả một khoản tiền bồi thường bổ sung (additional damages), bao gồm cả các khoản bồi thường mang tính chất trừng phạt, răn đe (punitive damages, hay exemplary damages)[26]. Ví dụ, theo pháp luật Hoa Kỳ, mức bồi thường thiệt hại do luật định đối với vi phạm bản quyền tối thiểu là 750 USD trên 1 tác phẩm và tòa án có thể quyết định tới mức 30.000 USD trên 1 tác phẩm, nếu là vi phạm cố ý thì mức này tối đa là 150.000 USD trên 1 tác phẩm[27]. Điều 68 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Sáng chế Trung Quốc cũng quy định tăng mức bồi thường thiệt hại luật định tối đa do xâm phạm quyền đối với sáng chế từ 1 triệu nhân dân tệ (tương đương 155.000 USD) lên 5 triệu nhân dân tệ (tương đương 776.000 USD) và tăng mức bồi thường mang tính trừng phạt (tối đa gấp 3 lần mức thiệt hại thực tế) đối với hành vi xâm phạm cố ý[28]. Trong khi đó, Điều 205 Luật SHTT Việt Nam chỉ quy định một cách chung chung là mức bồi thường thiệt hại về vật chất do Tòa án ấn định nhưng không quá 500 triệu đồng, và không có quy định về việc tòa án có quyền tăng mức bồi thường lên gấp ba đối với hành vi xâm phạm cố ý.
Về chế tài hình sự, cần từng bước hình sự hóa thêm một số hành vi xâm phạm quyền SHTT. Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015 chỉ có 2 điều (225 và 226) quy định về Tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan và Tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với rất ít loại hành vi. TPP yêu cầu các nước thành viên quy định trách nhiệm hình sự đối với rất nhiều hành vi xâm phạm quyền SHTT như cố ý giả mạo nhãn hiệu, cố ý nhập khẩu/xuất khẩu hàng hóa mang nhãn hiệu giả mạo, sao chép bản quyền hoặc các quyền liên quan trên quy mô thương mại, cố ý tiếp cận trái phép một bí mật kinh doanh được lưu trữ trong hệ thống máy tính, cố ý chiếm đoạt trái phép bí mật kinh doanh, cố ý tiết lộ trái phép bí mật kinh doanh hoặc tiết lộ bí mật kinh doanh mang tính chất gian dối; sản xuất, lắp ráp, chỉnh sửa, xuất/nhập khẩu, bán, cho thuê, hoặc phân phối thiết bị mà mình biết hoặc buộc phải biết rằng thiết bị đó được dùng để hỗ trợ việc giải mã hoặc tiếp nhận tín hiệu vệ tinh hoặc cáp mang chương trình đã được mã hóa[29]...
3.3 Nâng cấp và hoàn thiện các quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trong môi trường Internet
Các Hiệp định TPP và EVFTA dành dung lượng đáng kể quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong môi trường Internet (Internet Service Provider – ISP). Trong khi đó, pháp luật Việt Nam quy định về vấn đề này còn khá đơn giản trong một văn bản ở cấp độ thông tư (Thông tư Liên tịch số 07/2012/TTLT-BTTTT-BVHTTDL ngày 19/6/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian trong việc bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan trên môi trường mạng Internet và mạng viễn thông - Thông tư 07). Về nguyên tắc, việc quy định trách nhiệm của các ISP phải bảo đảm cân bằng giữa hai lợi ích: một là, thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ trung gian trực tuyến, và hai là, cho phép các chủ thể quyền đối phó một cách hiệu quả với hành vi xâm phạm bản quyền xảy ra trong môi trường Internet[30]. Do đó, các FTA thế hệ mới một mặt yêu cầu các nước thành viên phải quy định chặt chẽ, nghiêm ngặt trách nhiệm của ISP đối với hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan của người sử dụng dịch vụ trung gian do mình cung cấp, mặt khác phải quy định rõ những “giới hạn an toàn” (safe harbors), tức là những trường hợp ISP được miễn trừ trách nhiệm[31]. Thông tư số 07 hiện hành chỉ quy định những trường hợp ISP phải chịu trách nhiệm mà chưa quy định các giới hạn an toàn này. Đồng thời, Thông tư số 07 chỉ quy định ISP phải gỡ bỏ và xoá nội dung thông tin số vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan, cắt, ngừng và tạm ngừng đường truyền Internet, đường truyền viễn thông khi nhận được yêu cầu bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mà chưa quy định trách nhiệm gỡ bỏ nội dung vi phạm theo yêu cầu của chủ thể quyền, cũng như trách nhiệm bồi thường của người đã đưa ra yêu cầu gỡ bỏ hoặc cung cấp thông tin không đúng cho ISP[32]. Do vậy, cần nâng cấp các quy định của Thông tư số 07 thành điều luật quy định trách nhiệm và giới hạn trách nhiệm của ISP trong việc bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan với nội dung phù hợp với quy định của TPP và EVFTA.
3.4 Công bố các bản án, quyết định hành chính về giải quyết tranh chấp, xử lý các hành vi xâm phạm quyền SHTT và phát triển hệ thống án lệ về SHTT
Việc phát triển hệ thống án lệ về SHTT là một nhu cầu cấp thiết hiện nay. Ngay cả các nước theo truyền thống luật dân sự (pháp điển hóa) như Liên minh châu Âu hay Trung Quốc đều đã công bố các bản án, quyết định của tòa án về SHTT, và tòa án các nước này cũng thường xuyên tham khảo, trích dẫn án lệ (dù không phải nguồn luật bắt buộc) khi xét xử các tranh chấp về SHTT. Khi các thẩm phán, các cán bộ thực thi, các luật sư, học giả và sinh viên luật có thể tiếp cận và nghiên cứu các bản án về SHTT, họ sẽ có được một cái nhìn đầy đủ, toàn diện các khía cạnh biểu hiện của quyền SHTT trong đời sống thực tế, về thực trạng các giao dịch liên quan đến tài sản trí tuệ, cách giải quyết của tòa án và cơ quan hành chính đối với các vụ xâm phạm quyền SHTT, từ đó, họ có thể phát hiện những khoảng trống trong pháp luật và đề xuất giải pháp hoàn thiện. Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy, nước này đã công bố một số lượng lớn các bản án về SHTT và hàng năm công bố một tập bản án mẫu về SHTT do các tòa án cấp cao ban hành, để các tòa án khác có thể sử dụng làm nguồn tư liệu tham khảo khi giải quyết các vụ việc tương tự[33]. Theo cách này, việc áp dụng pháp luật SHTT sẽ thống nhất hơn, lý luận về pháp luật SHTT sẽ không ngừng được bổ sung bởi thực tiễn phong phú. Trên cơ sở đó, các khoảng trống trong pháp luật sẽ được nhận diện và được lấp đầy. Hơn nữa, việc công bố các bản án về SHTT là một biện pháp gián tiếp để thu hút đầu tư nước ngoài bởi nó thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tuân thủ Hiệp định TRIPS và các FTA thế hệ mới[34], đồng thời tăng cường tính minh bạch trong thực thi quyền SHTT.
Việc phát triển hệ thống án lệ về SHTT cũng sẽ góp phần nâng cao năng lực của tòa án trong việc xét xử các tranh chấp quyền SHTT, từ đó dịch chuyển dần cơ chế thực thi quyền SHTT ở Việt Nam đi theo đúng quỹ đạo tự nhiên với trọng tâm là cơ chế khởi kiện dân sự, bởi chỉ thông qua cơ chế này, các chủ thể quyền SHTT mới được bảo vệ đầy đủ, trọn vẹn, được hưởng các chế tài dân sự mà biện pháp hành chính không thể mang lại cho họ như chế tài bồi thường thiệt hại. Cơ chế kiện dân sự với bản chất tranh tụng có thể bảo đảm tính minh bạch, dân chủ, công khai, chặt chẽ về thủ tục để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cả hai bên. Hơn nữa, các hành vi xâm phạm quyền SHTT hiện nay đã trở nên tinh vi, phức tạp hơn nhiều so với việc làm hàng giả, hàng nhái, ăn cắp bản quyền, do vậy, quy trình giải quyết theo biện pháp hành chính là không phù hợp và không đủ khả năng đánh giá đầy đủ các tình tiết, chứng cứ, lập luận của các bên để đưa ra quyết định đúng đắn.
3.5 Hoàn thiện quy trình xác lập quyền sở hữu công nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan như pháp luật về hợp đồng, pháp luật về giao dịch bảo đảm, pháp luật về chuyển giao công nghệ…
Các quy định về xác lập quyền sở hữu công nghiệp cần được sửa đổi, bổ sung để thích ứng với việc mở rộng phạm vi bảo hộ cho nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu mùi, kiểu dáng công nghiệp của một phần sản phẩm, sáng chế dạng sử dụng… Quy trình xác lập quyền cần đơn giản, minh bạch, tạo thuận lợi cho người nộp đơn và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.
Để khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, điều quan trọng hàng đầu là khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp khởi nghiệp, sáng tạo. Do đó, pháp luật về giao dịch bảo đảm và pháp luật về chuyển giao công nghệ cần quy định rõ hơn về cơ chế nhận bảo đảm bằng tài sản trí tuệ, nhận diện rõ các loại tài sản trí tuệ có thể sử dụng làm tài sản bảo đảm. Đồng thời, cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của nước ngoài về thúc đẩy hoạt động cho vay có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ[35]./.

 


[1] Hiệp định RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership) được gọi là Hiệp định đối tác Kinh tế toàn diện Khu vực. Hiệp định RCEP là một hiệp định thương mại tự do với 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Hiệp định RCEP được dự đoán là một hiệp định thế kỷ, quy định các hoạt động thương mại của toàn vùng ASEAN.
[2] Vũ Tiến Lộc, Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới: Cơ hội và thách thức của nền kinh tế Việt Nam, http://enternews.vn/cac-hiep-dinh-thuong-mai-tu-do-the-he-moi-co-hoi-va-thach-thuc-cua-nen-kinh-te-viet-nam.html, ngày 23/7/2015.
[3] Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016 về thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội trong bối cảnh nước ta tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
[4]Như trên, tlđd.
[5] Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4  Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII số 05-NQ/TW ngày 01/11/2016 về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.
[6]Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tlđd.
[7] Ở các nước phát triển, tài sản trí tuệ đang trong quá trình hình thành cũng có thể đem thế chấp để kêu gọi vốn từ các nhà đầu tư, các tổ chức cấp tín dụng, từ đó, các nhà sáng tạo tiếp cận được vốn để tiếp tục tạo lập tài sản trí tuệ.
[8]Đây là các mục tiêu được đề ra trong Dự thảo Chiến lược SHTT quốc gia. Xem: http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=38109&print=true.
[9]Báo cáo của Cục SHTT tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 29/9/2016. Xem: http://www.bacninh.gov.vn/web/so-tu-phap/news/-/details/22549/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-viet-nam-phai-vuon-len-thu-2-asean-ve-so-huu-tri-tue
[10]Báo cáo của Cục SHTT tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ngày 29/9/2016. Xem: http://www.bacninh.gov.vn/web/so-tu-phap/news/-/details/22549/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-viet-nam-phai-vuon-len-thu-2-asean-ve-so-huu-tri-tue
[11] Thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về buổi làm việc với Cục SHTT ngày 29/9/2016.
[12]Cục SHTT, Báo cáo thường niên về hoạt động SHTT năm 2015, tr. 94-96.
[13] Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, Những kết quả đạt được của Chương trình 168  về phối hợp hành động phòng và chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn II (2012 - 2015), http://thanhtra.most.gov.vn/vi/cac-bai-nghien-cuu-shtt/nh-ng-k-t-qu-d-t-d-c-ch-ng-trinh-168-v-ph-i-h-p-hanh-d-ng-phong-va-ch-ng-xam-ph-m-quy-n-s-h-u-tri-tu-giai-do-n-ii-2012-2015.
[14] Tòa án nhân dân tối cao (2009), Chuyên đề Khoa học xét xử, Giải quyết tranh chấp quyền SHTT tại Tòa án nhân dân, http://www.toaan.gov.vn/portal/pls/portal/docs/2201254.PDF.
[15] Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, tlđd.
[16] Ví dụ, trong vụ án về xâm phạm quyền đối với giải pháp hữu ích giữa Công ty Hưng Phú Thành và Công ty Trần Thành Đạt (Bản án số 1892/2011/KDTM-ST của Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ngày 24/10/2011), Tòa án đã gửi công văn cho Cục SHTT đề nghị cung cấp ý kiến chuyên môn về việc có hành vi xâm phạm quyền hay không). Tương tự, trong vụ tranh chấp về quyền tác giả giữa Nxb. Trẻ và Công ty cổ phần Văn hóa nhân văn năm 2010, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh gửi công văn đề nghị Cục Bản quyền tác giả cung cấp ý kiến chuyên môn về việc bị đơn có xâm phạm quyền tác giả của nguyên đơn hay không.
[17] Mặc dù đến nay, Việt Nam đã chính thức thừa nhận án lệ là một nguồn pháp luật được tòa án sử dụng trong hoạt động xét xử và đã có 10 án lệ được công bố, nhưng chưa có án lệ nào về SHTT. Xem: anle.toaan.gov.vn.
[18] Nguyễn Thị Thu Trang (chủ biên), Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU về SHTT, Nxb. Công thương, Hà Nội, 2016, tr. 21.
[19]Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương, nếu không có TPP, thì để hội nhập, thực hiện các cam kết với các FTA khác, nền kinh tế Việt Nam vẫn buộc phải tiến cùng thời đại, thúc đẩy cải cách mạnh mẽ theo hướng kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại, cạnh tranh công bằng hơn. Xem: Không TPP, áp lực cải cách sẽ càng mạnh mẽ, http://baodautu.vn/khong-tpp-ap-luc-cai-cach-se-cang-manh-me-d55249.html, ngày 28/11/2016.
[20] Khoản 1 Điều 72 Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
[21] Điều 18.18 TPP: “Không Bên nào được quy định rằng dấu hiệu phải được nhìn thấy bằng mắt như một điều kiện để đăng ký, cũng không được từ chối việc đăng ký nhãn hiệu là một âm thanh đơn thuần. Ngoài ra, mỗi Bên phải nỗ lực để cho phép đăng ký nhãn hiệu mùi hương.”
[22]Điều 8 Luật Nhãn hiệu Trung Quốc 2013. Xem: http://www.chinaiplawyer.com/full-text-2013-china-trademark-law/
[23] Khoản 12 Điều 4 Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).
[24] Điều 18.37 TPP: mỗi Bên khẳng định rằng bằng sáng chế cho các phát minh được tuyên bố ít nhất một trong các điều sau: cách sử dụng mới của một sản phẩm đã được biết, phương pháp sử dụng mới của một sản phẩm đã được biết, hoặc quy trình sử dụng mới của một sản phẩm đã được biết.
[25]Điều 18.55 TPP. Trung Quốc cũng đang xem xét sửa đổi luật để mở rộng phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đối với kiểu dáng một phần sản phẩm. Xem Điều 2 Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật Sáng chế Trung Quốc, http://www.ipwatchdog.com/2015/12/18/chinese-patent-law-amendments-proposed/id=63981/
[26]Khoản 6-9 Điều 18.57 TPP.
[27]17 U.S.C §504.
[28] http://www.ipwatchdog.com/2015/12/18/chinese-patent-law-amendments-proposed/id=63981/
[29]Xem các điều 18.77, 18.78, 18.79 TPP.
[30]Khoản 1 Điều 18.82 TPP.
[31]Điều 18.82 TPP, Điều XX EVFTA.
[32] Khoản 3 Điều 18.82 TPP quy định ISP chỉ được miễn trừ trách nhiệm nếu xóa bỏ hoặc vô hiệu hóa ngay lập tức đường dẫn truy cập vào tài liệu có trên mạng hoặc hệ thống của mình ngay khi biết về vi phạm bản quyền hoặc khi nhận được thông báo về vi phạm từ chủ sở hữu bản quyền hoặc từ một người được chủ sở hữu ủy quyền.
[33]IP Protection by Chinese Courts in 2012, http://chinaipr2.files.wordpress.com/2013/04/ip-protection-by-chinese-courts-in-2012_en.pdf (47.422 bản án về SHTT của các Trung Quốc được công bố trên mạng tính đến cuối năm 2012).
[34] Khoản 1(b) Điều 18.73 TPP: Mỗi Bên phải quy định rằng các phán quyết tư pháp và quyết định hành chính liên quan đến việc thực thi các quyền SHTT phải được phát hành hoặc, nếu không thể phát hành thì phải công bố rộng rãi ra công chúng dưới mọi hình thức bằng ngôn ngữ quốc gia nhằm mục đích cho các đối tượng và cá nhân hữu quan nắm rõ.
[35]Hoa Kỳ đã có lịch sử gần 200 năm về việc cho vay có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ. Ở châu Á, Trung Quốc đã và đang có những bước tiến mạnh mẽ trong hoạt động này, còn Singapore và Malaysia đang thực hiện những bước thử nghiệm đầu tiên. Đáng chú ý là ở các nước châu Á này, Chính phủ đóng vai trò rất chủ động trong việc thúc đẩy các chương trình cho vay có bảo đảm bằng tài sản trí tuệ nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sáng tạo trong việc tiếp cận vốn để tạo lập và khai thác tài sản trí tuệ. 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 3(331)-tháng 2/2017)