Nhu cầu thành lập Tòa sở hữu trí tuệ ở Việt Nam

06/01/2020

Tóm tắt: Tòa sở hữu trí tuệ là một trong những tòa chuyên trách được nhiều quốc gia thành lập nhằm thụ lý và xét xử các tranh chấp về sở hữu trí tuệ. Hiện nay, tranh chấp về sở hữu trí tuệ ở Việt Nam ngày một nhiều và phức tạp, thực tiễn này đặt ra yêu cầu phải thành lập tòa án chuyên trách trong hệ thống Tòa án nhân dân nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các cá nhân và tổ chức. Đây là đòi hỏi khách quan trong quá trình cải cách tư pháp nói chung và hoàn thiện cơ chế pháp lý bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói riêng ở Việt Nam hiện nay.
Từ khoá: sở hữu trí tuệ, tòa sở hữu trí tuệ;tranh chấp về sở hữu trí tuệ.

Abstract: The court for intellectual property is a specialized one established in several countries to deal with disputes on intellectual property. Currently, disputes on intellectual property in Vietnam are more and more complicated, this development requires an establishment of a specialized court in the People's Court system for protection of property rights. Intellectual property for individuals and entities. This is an objective requirement in the process of judicial reform in general and improvement of the legal mechanism to protect intellectual property rights in Vietnam.

 Keywords: intellectual property; court for intellectual property; disputes on intellectual property

 NVLuat---so-huu-tri-tue.jpg
(Ảnh minh họa - Nguồn internet)
1. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ  ở Việt Nam
Ở Việt Nam, bảo hộ sở hữu trí tuệ(SHTT) là một lĩnh vực còn khá mới mẻ, song ý tưởng về bảo hộ SHTT mà trước tiên là quyền tác giả đã được ghi nhận ngay từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 (Điều 10, 12, 13). Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thừa nhận quyền tự do ngôn luận, tự do xuất bản của công dân, quyền nghiên cứu khoa học, sáng tác văn học, nghệ thuật và bảo đảm quyền tư hữu tài sản cùng quyền lợi của trí thức. Năm 1986 đánh dấu một mốc mới trong hoạt động bảo hộ SHTT nói chung và quyền tác giả nói riêng: Chính phủ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã ban hành Nghị định 142/CP - văn bản riêng biệt đầu tiên để điều chỉnh các quan hệ xã hội về quyền tác giả. Từ đó đến nay, có nhiều văn bản về bảo hộ quyền SHTT tiếp tục được ban hành, thể hiện một bước tiến đáng kể trong hoạt động lập pháp về lĩnh vực bảo hộ SHTT.
Theo khoản 1 Điều 4 Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi năm 2009), quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) và quyền đối với giống cây trồng, theo đó chủ thể của quyền SHTT gồm cả cá nhân và pháp nhân. Ở Việt Nam, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể pháp luật (gồm cá nhân và pháp nhân) đều được pháp luật bảo hộ, Tòa án nhân dân (TAND) có chức năng và nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và các nhân: “TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” (khoản 1 Điều 2 Luật Tổ chức TAND năm 2014).
Khoản 1 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “ Ở nước Cộng hòa XHCN, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Theo đó, quyền SHTT được pháp luật ghi nhận và bảo hộ. Cụ thể, Hiến pháp năm 2013 đã quy định rõ trong các Điều 40, 41, khoản 2 Điều 62: Mọi người có quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ, sáng tạo văn học, nghệ thuật và thụ hưởng lợi ích từ các hoạt động đó (Điều 40); Mọi người có quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa (Điều 41); Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền SHTT (khoản 2 Điều 62).
Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi năm 2009) không có quy định riêng về cơ chế giải quyết tranh chấp quyền SHTT. Điều 198 Luật này quy định, khi có cơ sở để cho rằng tài sản trí tuệ được bảo hộ đang bị xâm phạm bởi một tổ chức/cá nhân nào đó, chủ sở hữu tài sản trí tuệ có thể khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, đây là biện pháp dân sự. Theo đó, khi xảy ra tranh chấp về tài sản trí tuệ, chủ sở hữu tài sản trí tuệ căn cứ theo quy định pháp luật tố tụng dân sự để khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Khi khởi kiện vụ án dân sự, chủ sở hữu tài sản trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; xin lỗi, cải chính công khai; thực hiện nghĩa vụ dân sự; bồi thường thiệt hại; tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hoá xâm phạm quyền SHTT với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể sở hữu tài sản trí tuệ (Điều 202). Ngoài ra, khi khởi kiện hoặc trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết tranh chấp, chủ sở hữu tài sản trí tuệ có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong một số trường hợp[1].
Theo khoản 2 Điều 30 và khoản 1 Điều 37 Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) năm 2015, khi xảy ra tranh chấp trong quá trình khai thác và sử dụng tài sản trí tuệ vì mục đích lợi nhuận là tranh chấp về kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết sơ thẩm tại TAND cấp tỉnh. Theo Luật Tổ chức TAND năm 2014, TAND cấp tỉnh bao gồm: Tòa hình sự, Tòa dân sự, Tòa hành chính, Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa gia đình và người chưa thành niên. Trường hợp cần thiết, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thành lập Tòa chuyên trách khác theo đề nghị của Chánh án TAND tối cao (Điểm b, khoản 1, Điều 38). Trong đó, Tòa dân sự giải quyết các vụ việc dân sự; giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại, phá sản, lao động, hành chính trong trường hợp tại Tòa án đó không tổ chức Tòa kinh tế, Tòa lao động, Tòa hành chính; Tòa kinh tế giải quyết các vụ việc kinh doanh thương mại, phá sản (khoản 2, 3, Điều 3 Thông tư 01/2016/TT-CA[2]). Như vậy, những tranh chấp về tài sản trí tuệ không liên quan đến kinh doanh thương mại sẽ do Tòa dân sự giải quyết (không có mục đích lợi nhuận), còn những tranh chấp về tài sản trí tuệ liên quan đến kinh doanh thương mại (có mục đích lợi nhuận) do Tòa kinh tế giải quyết, trong đó, tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan được giải quyết theo quy định của pháp luật về TTDS hoặc trọng tài (khoản 3 Điều 49, Nghị định 22/2018/NĐ-CP[3]).
Tuy nhiên, việc áp dụng trình tự như quy định pháp luật TTDS trong giải quyết tranh chấp quyền SHTT đã bộc lộ nhiều hạn chế (đặc biệt là khi giải quyết các tranh chấp liên quan đến đối tượng đặc thù như sáng chế, xác định hành vi cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến đối tượng SHTT được bảo hộ), cơ chế kiện dân sự rườm rà, tốn kém và ít hiệu quả, vì thế ngành tòa án cần phải có cơ chế pháp lý riêng để giải quyết tranh chấp quyền SHTT, qua đó bảo vệ quyền và lợi hợp pháp của các chủ thể sở hữu tài sản trí tuệ.
2. Thực tiễn giải quyết các tranh chấp sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay
Theo số liệu thống kê của TAND tối cao, việc giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền SHTT từ năm 2000 đến năm 2005 (giai đoạn trước khi có Luật SHTT) của toàn ngành Tòa án như sau: thụ lý 93 vụ án, đã giải quyết 61 vụ án, trong đó: đình chỉ, tạm đình chỉ 16 vụ án; hòa giải thành 12 vụ án; đưa ra xét xử 33 vụ án (bao gồm 11 vụ án tranh chấp quyền tác giả và quyền liên quan, 22 vụ án tranh chấp về quyền SHCN). Kể từ khi Luật SHTT có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/7/2006), tình hình giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT tại Tòa án cũng không có sự chuyển biến đáng kể, theo số liệu thống kê của TAND tối cao từ 01/7/2006 cho đến ngày 22/6/2009, toàn ngành Tòa án chỉ thụ lý được 108 vụ án tranh chấp về quyền SHTT (trong đó chiếm đa số là tranh chấp về quyền tác giả với 90 vụ; tranh chấp về quyền SHCN chiếm 10 vụ; tranh chấp về hợp đồng sử dụng tác phẩm chiếm 5 vụ; tranh chấp về hợp đồng chuyển giao công nghệ chiếm 3 vụ). Nếu chỉ tính riêng đối với Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội thì từ ngày 01/7/2006 đến nay, Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Hà Nội mới chỉ thụ lý giải quyết có 7 vụ án, nhưng thực chất chỉ là 5 vụ án, vì có 2 vụ án phải xét xử xử phúc thẩm lần 2. Nhìn tổng thế, số lượng các vụ được thụ lý ở cả hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm có xu hướng tăng dần, cụ thể, năm 2006 có 7 vụ, năm 2007 có 20 vụ, năm 2008 có 28 vụ, năm 2009 có 36 vụ[4]. Theo thống kê của TAND tối cao từ tháng 7/2006 cho đến tháng 6/2012 các Tòa án chỉ thụ lý được 92 vụ án tranh chấp về quyền tác giả. Số vụ việc còn quá hạn chế này cho thấy, các chủ thể quyền SHTT còn e ngại việc khởi kiện ra Tòa án mà thay vào đó, họ chọn việc xử lý hành vi xâm phạm bằng biện pháp hành chính. Thực tế trong giai đoạn này xuất phát từ (i) tính mất cân xứng của luật nội dung về quyền tác giả và quyền SHCN, (ii) những bất cập của pháp luật về tố tụng đối với việc giải quyết các vụ tranh chấp về quyền SHTT, và (iii) sự non kém về năng lực chuyên môn của các cán bộ xét xử, hệ quả là Tòa án chưa thực sự trở thành kênh giải quyết thuyết phục, ưa chuộng đối với các tranh chấp về tác quyền[5].
Năm 2008, lực lượng quản lý thị trường đã thụ lý 2.268 vụ xâm phạm nhãn hiệu và đã xử lý được 2.105 vụ[6]; năm 2009, Cơ quan Quản lý thị trường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng như công an, y tế... đã tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, đóng gói, các đầu mối kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa quy mô lớn; đã phát hiện nhiều vụ tại Hải Phòng, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Tại thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 201 vụ xâm phạm nhãn hiệu với số tiền phạt gần 2,7 tỷ đồng. Đồng Nai, Cà Mau, Hải Dương cũng là những địa phương có số vụ xâm phạm quyền SHTT bị xử lý khá cao, chủ yếu liên quan đến nhãn hiệu (tại Cà Mau, lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 186 vụ xâm phạm nhãn hiệu với số tiền phạt trên 704 triệu đồng; tại Đồng Nai, lực lượng quản lý thị trường đã thụ lý 106 vụ xâm phạm nhãn hiệu, xử lý 76 vụ với số tiền phạt hơn 191 triệu đồng...)[7]; năm 2012, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành xử lý 9.556 vụ việc xâm phạm quyền SHTT, trong đó có 8.999 vụ giả mạo nhãn hiệu, 67 vụ xâm phạm quyền nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, kiểu dáng công nghiệp[8]; trong cả giai đoạn 2012-2015, các lực lượng chức năng của các bộ, ngành đã chủ trì và phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra và tiếp nhận 25.966 vụ việc có dấu hiệu xâm phạm quyền SHTT, sản xuất, buôn bán hàng giả; đã xử lý vi phạm hành chính 25.543 vụ việc, trong đó cảnh cáo 68 vụ việc; phạt tiền 23.197 vụ việc, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính gần 97 tỷ đồng; khởi tố 381 vụ với 553 bị can; xét xử 55 vụ (12 vụ án hình sự), trong đó, Tòa án tiếp nhận giải quyết 177 vụ việc: (i) xét xử: 55 (12 vụ án hình sự); (ii) công nhận thỏa thuận: 16; (iii) chuyển:15; (iv) đình chỉ: 91)[9].
Những số liệu nêu trên cho thấy, số lượng các vụ tranh chấp về quyền SHTT ngày một gia tăng về số lượng, tính chất ngày một phức tạp thêm. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta chưa có Tòa chuyên trách về SHTT cũng như không có Thẩm phán chuyên trách về lĩnh vực này, việc đào tạo, tập huấn chuyên môn về SHTT chưa đầy đủ và hiệu quả thấp; vẫn còn có tình trạng người được tập huấn không phải là người xét xử trực tiếp, hoặc ngược lại… Vì vậy, Việt Nam cần phải thành lập Tòa chuyên trách về SHTT, tập trung các Thẩm phán đào tạo về chuyên môn này để xét xử những vụ án đó, từ đó đưa ra những phán quyết chính xác, giải quyết được tận gốc rễ các xâm phạm về SHTT.
3. Xu thế hội nhập quốc tế và khắc phục kịp thời những bất cập trong xử lý các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam
Việt Nam đã ký kết các hiệp định song phương liên quan đến quyền tác giả như: Hiệp định thiết lập quan hệ quyền tác giả Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 1997); Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sĩ về bảo hộ quyền SHTT và hợp tác trong lĩnh vực SHTT (năm 1999); Hiệp định Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (năm 2000). Năm 2004, Việt Nam đã nộp đơn xin gia nhập để trở thành thành viên của Công ước Bơn (Bern) về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật đã được ký tại Bơn (Thụy Sĩ) năm 1886 và Chủ tịch nước đã ký quyết định gia nhập Công ước Rô-ma bảo hộ người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm và tổ chức phát sóng được thông qua tại Rô-ma (Italia) năm 1961. Theo cam kết tại các Hiệp định song phương với Hoa Kỳ, Thụy Sỹ và yêu cầu của WTO, Việt Nam đã gia nhập Công ước Giơ-ne-vơ, Công ước Brúc-xen và tuân thủ các quy định của Hiệp định TRIPS (Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT). Pháp luật Việt Nam cũng đã ghi nhận thẩm quyền dân sự cho TAND để giải quyết các tranh chấp về SHTT, bao gồm: Quyền tác giả, quyền liên quan và quyền SHCN, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức. Việc giải quyết loại tranh chấp này dựa trên cơ sở nguyên tắc, trình tự, thủ tục được quy định chung trong Bộ luật TTDS. Năm 2005, Việt Nam cũng đã ban hành Luật SHTT, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm quyền SHTT tại nước ta.
Tại Việt Nam, xử lý xâm phạm quyền SHTT nói chung và xử lý xâm phạm quyền sở hữu cá nhân nói riêng phụ thuộc vào chủ trương, chính sách về SHTT ở từng giai đoạn. Pháp luật về xử lý xâm phạm quyền sở hữu cá nhân cũng có những dấu ấn riêng, trong đó, xử lý xâm phạm quyền các đối tượng của quyền sở hữu cá nhân được đặc biệt nhấn mạnh và đã có bước phát triển đáng kể. Đầu những năm 80 của thế kỷ XX, Chính phủ đã ban hành một số nghị định về bảo hộ SHCN như: Nghị định 31/CP ngày 23/01/1981 về bảo hộ sáng chế; Nghị định 197/HĐBT ngày 14/12/1982 về bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa; Nghị định số 85/HĐBT ngày 13/5/1988 về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp; Nghị định số 200/HĐBT ngày 28/12/1988 về giải pháp hữu ích. Theo nội dung các nghị định nêu trên, mọi hành vi xâm phạm độc quyền của chủ văn bằng đều bị xử lý theo pháp luật. Người xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, bồi thường thiệt hại cho chủ văn bằng và chịu hình thức xử phạt khác tùy theo mức độ xâm phạm. Chủ văn bằng bảo hộ khi phát hiện hành vi xâm phạm độc quyền của mình, có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền, yêu cầu người xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm. Trong trường hợp tự xét thấy mức độ xâm phạm gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc đề nghị của mình đến cơ quan có trách nhiệm không được giải quyết thỏa đáng, chủ văn bằng có quyền khiếu nại lên TAND có thẩm quyền.
Đến năm 1989, để nâng cao tính pháp lý của việc bảo hộ quyền sở hữu cá nhân, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh Bảo hộ quyền SHCN. Lần đầu tiên khái niệm “SHCN” được chính thức sử dụng trong các văn bản của Nhà nước. Trong đó thừa nhận quyền SHCN là quyền tư hữu. Năm 1993, Cục Sáng chế được đổi tên thành Cục SHCN với chức năng, nhiệm vụ được bổ sung cho phù hợp với giai đoạn phát triển mới về SHCN, chuẩn bị đưa hoạt động SHCN đi vào quỹ đạo của nền kinh tế thị trường. Sự ra đời của Pháp lệnh đã tạo sự chuyển biến sâu sắc về bảo hộ quyền sở hữu cá nhân. Kế thừa các quy định của các văn bản trước đó, các quy định trong Pháp lệnh đã thừa nhận quyền tự bảo vệ của các chủ thể quyền sở hữu cá nhân cũng như quyền yêu cầu các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu cá nhân.
Để xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu cá nhân thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án, ngày 22/7/1989, TAND tối cao đã ban hành Thông tư số 03/NCLP, trong đó đề cập đến việc hướng dẫn xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu cá nhân. Ngày 28/10/1995, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Dân sự (BLDS) có hiệu lực từ ngày 01/01/1996, trong đó toàn bộ Chương II, Phần thứ sáu đã quy định về bảo hộ quyền sở hữu cá nhân. Đây là cơ sở pháp lý cao nhất để việc bảo hộ quyền sở hữu cá nhân được thực hiện, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sự sáng tạo không ngừng trong lĩnh vực SHCN.
Nhằm đáp ứng quá trình hội nhập và thể chế hóa các quy định về bảo hộ quyền sở hữu cá nhân trong BLDS, chúng ta đã ban hành một số văn bản: Nghị định số 63/CP ngày 24/10/1996 của Chính phủ quy định chi tiết về quyền sở hữu cá nhân; Nghị định 06/CP ngày 01/02/2001 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 63/CP; Nghị định số 54/2000/NĐ-CP ngày 3/10/2000 về bảo hộ quyền sở hữu cá nhân đối với bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và bảo hộ quyền chống cạnh tranh không lành mạnh liên quan đến SHCN; Nghị định số 42/2003/NĐ-CP ngày 02/5/2003 về bảo hộ bố trí thiết kế mạch tích hợp. Các văn bản này đã có tác dụng tích cực trong việc chuyển hoá các quy định chung của BLDS về SHCN.
Ngoài việc ban hành các văn bản pháp luật nêu trên, Việt Nam đã tích cực tham gia các điều ước quốc tế trong lĩnh vực SHCN như: Công ước Paris 1883 về bảo hộ SHCN; Thỏa ước Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hóa; Công ước Stockholm về Tổ chức SHTT thế giới (WIPO),  Hiệp ước hợp tác sáng chế (PTC), Hiệp định về bảo hộ SHTT với Liên bang Thụy Sỹ, Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ (BTA)…
Đặc biệt, khi quyền SHTT đã trở thành yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, đứng trước yêu cầu hội nhập sâu, rộng, ngày 29/11/2005, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật SHTT (có hiệu lực từ ngày 01/7/2005, được sửa đổi bổ sung ngày 19/6/2009), trong đó vấn đề bảo vệ quyền SHTT được đặc biệt quan tâm. Lần đầu tiên thuật ngữ “bảo vệ quyền SHTT” đã được sử dụng chính thức trong luật và có hẳn một chương riêng (Chương XVII) quy định xử lý xâm phạm quyền SHTT bằng biện pháp dân sự.
Hiện nay, các tranh chấp và vụ việc liên quan đến SHTT và bảo vệ quyền SHTT ngày một tăng. Trong xu thế phát triển hệ thống pháp luật nhân quyền và hệ thống tư pháp, việc bảo vệ quyền còn được xác lập và thực hiện bằng con đường tố tụng tư pháp. Luật SHTT hiện hành quy định nguyên tắc xác định thiệt hại do xâm phạm SHTT và căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT. Tuy nhiên, do tính chất đặc thù của loại tài sản này nên nhiều trường hợp nguyên đơn không chứng minh được thiệt hại hoặc xác định không đầy đủ về những thiệt hại đã xảy ra trên thực tế. Các căn cứ để xác định thiệt hại vật chất như mức giảm sút về thu nhập, lợi nhuận, cơ hội kinh doanh, danh dự, nhân phẩm và những tổn thất khác về tinh thần gây ra cho tác giả của tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học, v.v.. trên thực tế rất khó để xác định một cách chính xác, đầy đủ. Hơn nữa, việc xác định chi phí hợp lý để thuê luật sư cũng khó khăn, vì chỉ có Luật SHTT hiện hành mới có quy định bên có hành vi vi phạm phải thanh toán cho chủ thể quyền SHTT khoản chi phí thuê luật sư trong các vụ án tranh chấp về quyền SHTT, còn trong các vụ án khác không phải chịu chi phí và như thế nào được coi là chi phí hợp lý thì rất khó xác định. Do vậy, khi giải quyết vấn đề này, Tòa án đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định thiệt hại để có được phán quyết chính xác, đúng pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các bên đương sự.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc các vụ án về SHTT ít được giải quyết tại Tòa án, trong đó có nguyên nhân thời gian xử lý các vụ việc quá lâu; thủ tục giấy tờ khởi kiện phức tạp, đặc biệt trong trường hợp bên khởi kiện là doanh nghiệp nước ngoài; các biện pháp ngăn chặn ngay lập tức hành vi xâm phạm theo biện pháp dân sự rất khó áp dụng và ít hiệu quả, đặc biệt, năng lực chuyên môn về SHTT của Thẩm phán còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Một khó khăn nữa là xác định thiệt hại do hành vi xâm phạm quyền SHTT gây ra và các căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại do xâm phạm quyền SHTT[10].
Muốn thực hiện tốt được theo phương thức này cần thiết phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống Tòa án để bảo vệ quyền. Với lý do như vậy, việc thành lập Tòa SHTT ở Việt Nam sẽ đáp ứng kịp thời yêu cầu khách quan này.
4. Yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững, tận dụng thành công cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cho phát triển kinh tế - xã hội
Cùng với quá trình toàn cầu hoá, hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã len lỏi đến mọi khía cạnh đời sống xã hội. Bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất; nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ có tác động lớn, nhất là công nghệ in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, người máy,... Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra các “nhà máy thông minh” hay “nhà máy số”. Trong các nhà máy thông minh này, các hệ thống vật lý không gian ảo sẽ giám sát các quá trình vật lý, tạo ra một bản sao ảo của thế giới vật lý. Với IoT, các hệ thống vật lý không gian ảo này tương tác với nhau và với con người theo thời gian thực, và thông qua IOS người dùng sẽ được tham gia vào chuỗi giá trị qua việc sử dụng các dịch vụ này.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 được đánh giá sẽ vượt ra khỏi quy mô công xưởng, doanh nghiệp khi vạn vật được kết nối bởi internet. Cụ thể, không những tất cả máy móc thiết bị trong công xưởng được kết nối với nhau thông qua Internet, rất nhiều cảm biến cũng đồng thời được lắp đặt để thu thập dữ liệu. Điều này cho thấy, trong bối cảnh tác động cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nền kinh tế số dần dần được hình thành ở Việt Nam, chính vì thế, các sáng chế, tài sản trí tuệ dần được phổ biến trong nền kinh tế số. Bên cạnh đó, việc xâm phạm quyền SHTT trong giai đoạn hiện nay được thực hiện bằng nhiều phương thức, thủ đoạn mới như áp dụng công nghệ cao, sử dụng các thiết bị hiện đại để sản xuất hàng hoá làm cho người tiêu dùng và cơ quan quản lý thị trường khó phát hiện thật/giả. Các hành vi vi phạm này ngày càng nguy hiểm hơn ở tính chất vi phạm, có tổ chức chặt chẽ không những trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam mà còn mở rộng đối với tổ chức và cá nhân nước ngoài. Nhóm tội phạm thuộc lĩnh vực SHTT có đặc điểm rất phức tạp vì chủ thể của tội phạm hầu hết là những người có điều kiện kinh tế, trình độ chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề cao, am hiểu những lĩnh vực mình đang quản lý, một số người còn có chức vụ, quyền hạn nhất định. Bên cạnh đó, sự bùng nổ của khoa học, công nghệ đã tạo nhiều thiết bị, công cụ, phương tiện phạm tội ngày càng tinh vi nên rất khó phát hiện. Các tội xâm phạm SHTT đã gây ra hoặc đe dọa đến thiệt hại nền kinh tế của cả nước cũng như từng lĩnh vực, từng ngành, ảnh hưởng đến tài sản, sức khoẻ và tính mạng con người, tác động đến cả cộng đồng, triệt tiêu sức sáng tạo và khiến giới đầu tư e ngại.
Tòa chuyên trách không chỉ giải quyết tranh chấp về quyền sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền thông thường mà còn phải mở rộng hơn với tranh chấp về quảng cáo, tiếp thị, tranh chấp tên miền trong lĩnh vực kỹ thuật số, việc ăn cắp bản quyền trên mạng… Song song đó phải bổ sung quy định liên quan. “Việc này rất quan trọng để giúp các tác giả bảo vệ quyền đối với tác phẩm của mình trong kỷ nguyên công nghệ số”[11].
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, tài sản SHTT ngày một đa dạng và phong phú, đặc biệt trong kỷ nguyên công nghiệp 4.0, Việt Nam cần phải tiếp tục hoàn thiện thể chế và thiết chế pháp luật nhằm bảo hộ quyền SHTT ngày một hiệu quả hơn, đặc biệt thành lập Tòa SHTT ở cấp tỉnh. Đây là tòa chuyên trách trong hệ thống TAND cấp tỉnh nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu giải quyết các tranh chấp về quyền SHTT và nâng cao chất lượng giải quyết các tranh chấp này, qua đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân có quyền SHTT, tạo dựng cơ sở pháp lý vững chắc cho nền kinh tế tri thức ở Việt Nam phát triển./.

 


1. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời sau đây được áp dụng đối với hàng hoá bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nguyên liệu, vật liệu, phương tiện sản xuất, kinh doanh hàng hoá đó:
a) Thu giữ;
b) Kê biên;
c) Niêm phong; cấm thay đổi hiện trạng; cấm di chuyển;
d) Cấm chuyển dịch quyền sở hữu.
2. Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác được áp dụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[2] Thông tư 01/2016/TT-CA của TAND tối cao ngày 21/01/2016Quy định việc tổ chức các tòa chuyên trách tại TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương
[3] Nghị định 22/2018/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/02/2018 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật SHTT năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan.
[4] Viện Khoa học xét xử TAND tối cao, Chuyên đề khoa học xét xử: Pháp luật về thủ tục giải quyết tranh chấp quyền SHTT tại TAND, Nxb. Tư pháp, Hà Nội, 2010, tr. 47.
[5] TS. Nguyễn Hợp Toàn - PGS, TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy - PGS.TS Trần Văn Nam, Thực trạng giải quyết tranh chấp về quyền tác giả tại Việt Nam giai đoạn 2006–2012 và một số đề xuất tiếp tục hoàn thiện pháp luật và thực thi về SHTT, http://thongtinphapluatdansu.edu.vn/2013/05/19/thuc-trang-giai-quyet-tranh-chap-ve-quyen-tc-gia-tai-viet-nam-giai-doan-20062012-v-mot-so-de-xuat-tiep-tuc-hon-thien-php-luat-v-thuc-thi-ve-so-huu-triac/, 19/5/2013
[6] Báo cáo tổng quan tình hình thực thi quyền SHTT, Cục SHTT, năm 2008.
[7] Báo cáo tổng quan tình hình thực thi quyền SHTT, Cục SHTT, năm 2009.
[8] Báo cáo tổng quan tình hình thực thi quyền SHTT, Cục SHTT, năm 2012.
[9] Báo cáo Tổng kết Chương trình hành động phòng, chống xâm phạm quyền SHTT giai đoạn 2012-2015.
[10] Mai Thoa, Cần thiết thành lập Tòa chuyên trách về SHTT, http://congly.vn/hoat-dong-toa-an/nghiep-vu/can-thiet-thanh-lap-toa-chuyen-trach-ve-so-huu-tri-tue-179002.html, ngày 16/10/2016
[11] Phương Loan, Có nên lập Tòa SHTT?,http://plo.vn/plo/co-nen-lap-toa-so-huu-tri-tue-56827.html, ngày 4/6/2012