Tư tưởng Đông, Tây về nhà nước và pháp luật – Những nhân tố Nhà nước pháp quyền

01/03/2002

TS. HOÀNG THỊ KIM QUẾ Khoa Luật

Đại học Quốc gia Hà Nội

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng cộng sản Việt Nam đã đặt vấn đề xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân 1 . Việc tiếp tục nghiên cứu Nhà nước pháp quyền trên phương diện lý luận và thực tiễn là một trong những định hướng cơ bản của luật học nước ta. Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin trình bày một số suy nghĩ về tiến trình lịch sử tư tưởng, học thuyết chính trị- pháp lý ở phương Đông và phương Tây đặt trong mối liên hệ với những nhân tố Nhà nước pháp quyền.
 
1. Tư tưởng Nhà nước pháp quyền- một tiến trình lịch sử
 
Nhà nước pháp quyền (NNPQ) như là một giá trị xã hội được tích luỹ và phát triển trong lịch sử tư tưởng nhân loại. Tư tưởng về NNPQ đã xuất hiện rất sớm, các nhà tư tưởng thời kỳ cổ đại đã nêu lên những khía cạnh này hay khía cạnh khác của NNPQ. Đến thời kỳ cách mạng dân chủ tư sản, những tư tưởng quý báu đó đã được kế thừa, phát triển để trở thành học thuyết về NNPQ. Học thuyết đó đã được áp dụng ở các mức độ, phạm vi khác nhau ở nhiều nước tư sản. Ngày nay, xu thế chung của nhiều quốc gia trên thế giới là hướng tới xây dựng NNPQ, học thuyết đó đến lượt mình lại tiếp tục được lý luận chính trị hiện đại bổ sung, phát triển. Tính kế thừa và phát triển là một trong những đặc trưng cơ bản của các hệ tư tưởng, các học thuyết và các quá trình xây dựng NNPQ trên thế giới.
 
Trước đây, khi xem xét các tư tưởng chính trị - pháp lý có chứa đựng các nhân tố NNPQ, lý luận thường chỉ dừng lại ở phương Tây. Điều này là hệ quả tất yếu của nhiều lý do, mà trước hết là sự phủ nhận NNPQ trong lý luận một thời của chúng ta. Một sự đổi mới nhận thức và đánh giá khách quan, công bằng hơn trong lý luận chính trị - pháp lý trong thập kỷ cuối cùng của thế kỷ XX, đó là sự khai thác những nhân tố NNPQ trong tư tưởng phương Đông. Đúng là tư tưởng phương Tây cổ đại thể hiện rõ nét hơn những nhân tố NNPQ. Song trong tư tưởng phương Đông cũng chứa đựng những nhân tố NNPQ nhưng với những mức độ thể hiện đặc thù. Như chúng ta đã biết, NNPQ lúc đầu như là những tư tưởng, những học thuyết rồi sau đó như một thực tiễn. Tư tưởng về NNPQ trong lịch sử nhân loại, từ thuở ban đầu thể hiện khát vọng của con người về một mẫu hình nhà nước lý tưởng, nơi con người được hưởng một cuộc sống thái bình trong sự quan tâm của nhà nước. Xem xét lại toàn bộ tư tưởng chính trị- pháp lý phương Đông, chúng ta vẫn tìm thấy trong đó các nhân tố NNPQ như: quan niệm về pháp luật, nhà nước, đạo đức trong thuyết đức trị và thuyết pháp trị. Dẫu rằng còn ở dạng sơ khai, nhưng những nhân tố NNPQ cũng đã được thể hiện trong các tác phẩm của các nhà tư tưởng vĩ đại như: Khổng Tử, Mạnh Tử, Tuân Tử, Hàn Phi Tử, các nhà chính trị - tư tưởng Việt Nam thời kỳ phong kiến: Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông... Sự xác định này, theo chúng tôi là căn cứ vào nội hàm khái niệm- các yếu tố cấu thành của NNPQ.
 
Hiện nay, trong lý luận đang có nhiều quan điểm khác nhau về khái niệm và các yếu tố cơ bản của NNPQ. Cụ thể là các yếu tố: tính tối cao của luật, nghĩa vụ tuân thủ pháp luật của chính Nhà nước 2
; nguyên tắc phân công rành mạch giữa các chức năng - các quyền- nhánh quyền lực: lập pháp, hành pháp và tư pháp 3 ; dân chủ, xã hội công dân; là quyền cá nhân về tự do và tự chủ kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng 4 . Diễn đạt một cách ngắn gọn nhất, NNPQ là một hình thức tổ chức nhà nước, "là mô thức tổ chức giúp cho việc thực hiện được những mục tiêu mang tính bản chất của mỗi chế độ chính trị" , chúng tôi chia sẻ quan điểm này của các nhà khoa học 5 . Theo đó, Nhà nước được tổ chức và hoạt động trên cơ sở pháp luật, bản thân Nhà nước phải đặt mình trong khuôn khổ pháp luật, pháp luật là phương tiện điều chỉnh quan trọng hàng đầu các quan hệ xã hội, công cụ của Nhà nước và toàn xã hội. Pháp luật phải mang tính pháp lý cao: tính khách quan, nhân đạo, thực sự là đại lượng của tự do và công bằng, tất cả vì lợi ích của con người. NNPQ chính là sự thể hiện một xã hội được tổ chức thành Nhà nước, có sự phát triển lành mạnh của một xã hội dân sự, nơi Nhà nước thực sự là một tổ chức công quyền, mối quan hệ giữa Nhà nước và cá nhân là mối quan hệ bình đẳng pháp lý và đồng trách nhiệm. Các đặc điểm, tiêu chí trên của NNPQ lại có những mức độ thể hiện khác nhau ở các quốc gia, cả trên bình diện lý luận, nền văn hoá và tổ chức nhà nước, hệ thống pháp luật. Trong xu hướng hiện đại hướng về quá khứ, tiếp thu vốn cổ, chúng ta cần nghiên cứu từ góc độ so sánh tư tưởng Đông, Tây về những nhân tố NNPQ. Điều đó sẽ giúp cho chúng ta một bức tranh tổng quan về lý thuyết NNPQ trong lịch sử nhân loại, thấy được những nét tương đồng và những điều khác biệt trong tư tưởng - học thuyết chính trị- pháp lý Đông, Tây. Đây là việc làm có ý nghĩa to lớn trong thực tiễn xây dựng NNPQ Việt Nam của chúng ta hiện nay.
 
2. Vài nét về tư tưởng phương Đông và phương Tây cổ đại chứa đựng những nhân tố NNPQ
 
Ở phương Đông
 
Trong xã hội chiếm hữu nô lệ ở Trung Quốc cổ đại diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt xung quanh vấn đề Nhà nước trị nước, an dân bằng những cách thức nào giữa các trường phái chính trị- xã hội khác nhau. Các nhà tư tưởng hồi bấy giờ đã đi tìm kiếm những phương thức cai trị xã hội hữu hiệu, dùng pháp luật hay đạo đức, lễ, nhạc... Nho giáo do Khổng Tử sáng lập, lúc đầu chủ trương "nhân trị", "lễ trị" hoàn toàn nhưng về sau đã phải tìm kiếm đến những yếu tố thích hợp của tư tưởng pháp trị. Lễ trị của Khổng Tử có tác dụng rất sâu sắc và bao quát, nó vừa là sự cụ thể hoá, vừa là công cụ, biện pháp để thực hiện đức trị và "chính danh" , nhằm tạo ra một trật tự trong các quan hệ gia đình và xã hội. Theo Mạnh Tử, vua vâng mệnh Trời để trị dân, nhưng mệnh Trời phải hợp lòng dân, vai trò chủ chốt là của dân và sự phụ thuộc của nhà cầm quyền vào nhân dân. Còn Tuân Tử thì đã kết hợp "lễ trị với luật" để trị nước, có thể coi đây là chiếc cầu nối giữa tư tưởng nhân- lễ trị của Khổng- Mạnh và tư tưởng pháp trị sau này. Phái Mặc gia do Mặc Tử khởi xướng lại lý giải: con người có quyền bình đẳng tự nhiên với nhau và quyền lực tối cao trong xã hội thuộc về dân. Là một học thuyết được xây dựng từ thời Xuân Thu- Chiến Quốc nhưng Nho giáo đã được coi là hệ tư tưởng trong suốt hơn 2000 năm cai trị của giai cấp thống trị phong kiến nhằm củng cố địa vị thế tập của mình.
 
Tư tưởng chính trị của trường phái Pháp gia đại biểu cho lợi ích của giai cấp địa chủ mới lên trong thời Xuân Thu- Chiến Quốc, với chủ trương trị nước bằng luật pháp, đối lập với quan điểm lễ trị, đức trị của Nho gia. Hàn Phi Tử đã phát triển tư tưởng pháp trị lên đỉnh cao, coi pháp luật là cơ sở duy nhất để quản lý xã hội, pháp luật phải thay đổi theo thời cuộc, "thời biến, pháp biến". Giá trị hiện thực của tư tưởng pháp trị đã giúp Tần Thuỷ Hoàng thu giang sơn về một mối. Nho giáo mà tiêu biểu là Khổng Tử cũng không phủ nhận hoàn toàn vai trò của pháp luật nhưng quan niệm và cách thức vận dụng pháp luật khác nhiều so với Hàn Phi Tử. Cùng là dùng hình luật để cai trị nhưng Pháp gia khác với Nho gia. Pháp gia thì xem việc dùng hình phạt dù nặng hay nhẹ đều là việc hiển nhiên còn Nho gia khi dùng đến hình phạt thì dù sao cũng còn có sự băn khoăn, day dứt, bởi vì Nho gia cho rằng dùng hình phạt không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện. Tóm lại, mỗi một phương thức cai trị mà các nhà tư tưởng nêu trên đề xuất đều có những mặt hạn chế, tiêu cực và cả mặt tích cực, chứa đựng đầy mâu thuẫn và kết quả là đã bị áp dụng cực đoan, làm cản trở, bóp nghẹt tiến trình phát triển của xã hội.
 
Ở phương Tây
 
Tư tưởng về NNPQ ở phương Tây cổ đại chủ yếu gắn liền với sự phát triển của nền dân chủ Hy Lạp và La Mã, có phần sâu sắc hơn vì được dựa trên cơ sở tư duy triết học, thể hiện sự tìm kiếm cái khách quan, cái duy lý lại được thể nghiệm trong bầu không khí dân chủ ở trình độ tương đối cao. Các nhà tư tưởng chú ý tới tính tối cao của đạo luật và cả tính hợp lý, tới sự tổ chức hợp lý của bộ máy nhà nước, hiểu pháp luật là pháp luật tự nhiên, pháp luật xuất phát từ bản chất lý trí của con người và của thế giới xung quanh con người, pháp luật là thuộc tính vốn có của con người, luật nhà nước phải đáp ứng yêu cầu của luật tự nhiên. Xixerôn coi Nhà nước là trật tự pháp luật chung, bảo vệ tự do cho công dân. Theo Demôkrit, nhân dân phải đấu tranh bảo vệ pháp luật như bảo vệ chốn nương thân của chính mình. Nhà tư tưởng lớn của Hy Lạp Xôkrat đã khẳng định rằng: xã hội không thể tồn tại nếu thiếu pháp luật, Nhà nước phải tôn trọng, phục tùng pháp luật, tôn trọng pháp luật là tôn trọng lý trí, công bằng và trí tuệ phổ biến, nếu không quyền lực sẽ lạc lối. Arixtôt, nhà tư tưởng vĩ đại nhất thời cổ đại cũng khẳng định: pháp luật thống trị trên tất cả và đã đưa ra lý thuyết về sự tổ chức hợp lý của quyền lực nhà nước- bất kỳ Nhà nước nào cũng phải có ba bộ phận: cơ quan làm luật, cơ quan thực hành pháp luật, cơ quan toà án xét xử. Nhà triết học Hy Lạp cổ đại Platôn đã viết: nếu pháp luật không có sức mạnh, bị đặt dưới quyền lực của ai đó thì nhà nước sẽ diệt vong.
 
3. Đâu là sự khác nhau trong tư tưởng, học thuyết ở phương Đông và phương Tây thời cổ đại về Nhà nước và pháp luật?
 
Đây là vấn đề khó, qua bước đầu tìm hiểu, chúng tôi mạnh dạn nêu lên một số suy nghĩ như sau:
 
Mức độ quan tâm đối với Nhà nước và pháp luật
 
Các nhà tư tưởng phương Đông cổ đại tựu trung lại cũng bàn về chính trị - con người, xã hội, Nhà nước và pháp luật, nhưng theo "cách riêng" , mức độ riêng, tạo nên những sắc thái đặc thù so với tư tưởng phương Tây cổ đại. So sánh với phương Tây cổ đại, các nhà tư tưởng phương Đông ít bàn luận về Nhà nước, pháp luật hơn. Điều này được lý giải bởi hàng loạt các yếu tố khách quan, chủ quan có nhiều sự khác nhau ở hai khu vực địa lý này như: tương quan giữa các giai cấp, lực lượng; mức độ xung đột, mâu thuẫn xã hội và phương pháp giải quyết; những điều kiện kinh tế, văn hoá, lối sống; tương quan giữa pháp luật và phong tục, tập quán? dẫn đến mức độ quan tâm về pháp luật cũng khác nhau. Do vậy, hệ tư tưởng phương Đông quan tâm hơn cả về đường lối, phương thức cai trị con người và xã hội. Đối với nhà cầm quyền, kẻ bề trên thì phương thức nào, công cụ nào là hữu hiệu nhất: pháp luật hay là đạo đức? Từ đó, quan tâm về pháp luật cũng khác nhau. Nếu như các nhà tư tưởng phương Đông say sưa bàn về đạo đức, lễ nghi và phép tắc xác lập trật tự các mối quan hệ xã hội thì đề tài thu hút sự quan tâm của các nhà tư tưởng phương Tây lại là pháp luật, là cách thức tổ chức quyền lực nhà nước, mặc dù họ không phủ nhận vai trò của đạo đức trong đời sống xã hội.
 
Tại sao ở phương Tây, người ta lại quan tâm, bàn luận về pháp luật nhiều hơn, nhu cầu về pháp luật lại cao hơn so với phương Đông?
 
Chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa cá nhân
 
Điều nổi bật trong hệ tư tưởng chính trị - pháp lý phương Đông là sự thể hiện chủ nghĩa tập thể, còn ở phương Tây- chủ nghĩa cá nhân. Bởi những tư tưởng đó được nuôi dưỡng, phát triển trong những điều kiện sinh thái, nền văn hoá nông nghiệp khác nhau. Với một quá trình phát triển lâu dài của nền văn hoá săn bắt, tại phương Tây, nông nghiệp chủ yếu dựa trên sức lao động của cá nhân riêng lẻ hoặc của một gia đình, do vậy người phương Tây sớm đến với và có nhu cầu về ý thức cá nhân, đưa tâm lý cá nhân lên hàng đầu. Còn ở Châu á, nền nông nghiệp lúa nước đòi hỏi phải có các yếu tố tập hợp sức lao động của nông dân trong cộng đồng làng xóm để sản xuất, xây dựng các công trình thuỷ lợi.
 
Pháp luật và tập quán
 
Lý do tiếp theo là phong tục, tập quán, hương ước ở phương Đông cổ truyền có sức sống mạnh mẽ, chi phối đời sống con người và luôn là sự thách đố với nhà nước. ở phương Tây, tuy cũng có chỗ đứng trong đời sống xã hội, song các quy tắc xã hội đó không có được vai trò, hiệu lực mạnh mẽ đến như vậy. Khác với phương Đông, ở phương Tây, nhu cầu về sự điều chỉnh bằng pháp luật ngay từ xa xưa đã cao hơn, xã hội sớm biết đến những chế định pháp luật dân sự, hành chính, sớm biết đến những phương thức giải quyết tranh chấp dân sự bằng toà án trên cơ sở pháp luật thay vì phương Đông nặng về lối ứng xử đạo đức, lấy hoà giải làm cơ sở, hoàn toàn hay ít ra thì rất muộn mới biết đến những khái niệm như "hợp đồng", "quyền"... như trong pháp luật phương Tây mà La Mã là tiêu biểu.
 
Quan niệm về pháp luật
 
Điều cốt lõi nhất có lẽ theo chúng tôi đó là người phương Đông quan niệm về pháp luật chủ yếu thuần tuý như là phương thức, công cụ mà Nhà nước sử dụng để cai trị con người và xã hội theo đường lối của mình. Trong cái xã hội mà Nhà nước là các Nhà nước công xã nông thôn với sự chuyên quyền độc đoán của nhà vua- các con trời ấy, pháp luật được xem như một công cụ trói buộc con người. Mối quan hệ giữa tôn giáo và chính trị, giữa thần quyền và thế quyền hay sự tôn giáo hoá, đạo đức hoá chính trị là đặc trưng của các tư tưởng và học thuyết chính trị của các nước phương Đông cổ đại. Tuy còn mang tính chất sơ khai, nhưng những tư tưởng chính trị và pháp luật của các nước phương Đông cổ đại đã phát triển khá đa dạng và phong phú, nó luôn dựa trên cơ sở của một thế giới quan triết học nhất định và gắn chặt với những vấn đề đạo đức, luân lý xã hội nhất định 6 .
 
Còn người phương Tây lại có cách nhìn khác hơn về pháp luật . Theo họ, pháp luật không chỉ là công cụ cai trị của Nhà nước mà còn tìm thấy ở pháp luật giá trị xã hội của nó, pháp luật như là phương thức điều chỉnh quan trọng nhất đối với quan hệ xã hội, các nhu cầu về giao dịch dân sự do sự phát triển của kinh tế đem lại. Pháp luật là phương tiện giải quyết các tranh chấp nảy sinh trong xã hội, bản thân Nhà nước cũng phải phục tùng. Và khác với phương Đông như đã nêu trên, người phương Tây ngay từ xa xưa đã coi pháp luật có vị trí, hiệu lực cao hơn phong tục, tập quán. Theo họ, pháp luật không chỉ đơn thuần là công cụ cai trị hữu hiệu của nhà cầm quyền. Được sinh ra trong bầu không khí dân chủ tương đối cao nên các nhà tư tưởng phương Tây thời xưa cũng đã đề cập đến ý tưởng tổ chức quyền lực nhà nước một cách khoa học...
 
Lý do tôn giáo
 
Thiên chúa giáo thống trị ở Châu Âu được đặc trưng ở chủ nghĩa cá nhân, đối lập với các tôn giáo chính thống ở Châu á có tính chất tập thể. Điều này càng làm củng cố thêm cho tâm lý cộng đồng của con người phương Đông 7 . Sang đến thời kỳ tư sản, chủ nghĩa cá nhân ở Tây phương lại một lần nữa được nâng cấp, không chỉ có trong tư tưởng, học thuyết mà đã hiện thực hoá trong hệ thống pháp luật. Trong quan điểm của J.Locke, J.Rousseau về "khế ước xã hội" , thì xã hội bao gồm các cá nhân tự do, độc lập, Nhà nước không được can thiệp vào, trừ những gì pháp luật đã quy định. Nguyên tắc khế ước (hợp đồng) là nền tảng hàng đầu của tất cả các hoạt động kinh tế và thương mại lan sang cả lĩnh vực văn hoá, tinh thần. 
Ngày nay, sự thái quá của hai thứ chủ nghĩa trên- cá nhân và tập thể đều đã bộc lộ những khiếm khuyết, thậm chí là hậu quả. Một phương Tây đã từng tự hào về lối sống cá nhân tự do cũng đang phải tìm đường cứu cánh cho mình, tìm đến phương Đông, tiếp thu những giá trị truyền thống cộng đồng quý báu ở đó. Đây cũng đang là một trong những xu thế của thời đại chúng ta- xu thế xích lại gần nhau trong không gian thống nhất nhưng đa dạng về văn hoá, pháp luật, kinh tế và xã hội.
 
Những điểm tương đồng
 
Bên cạnh những điểm khác nhau cơ bản nêu trên, vẫn có thể tìm thấy những nét tương đồng giữa tư tưởng, học thuyết của phương Đông và phương Tây qua các thời kỳ lịch sử. Một cách khái quát có thể dẫn ra như: nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật trong tư tưởng NNPQ của các nhà tư tưởng Hy Lạp, La Mã cổ đại với tư tưởng pháp trị của Hàn Phi Tử khi Hàn Phi cho rằng: ý muốn cá nhân của các vị quân vương là cội nguồn của tình trạng vô pháp luật, luật pháp đối với người quý tộc cũng như đối với kẻ hèn mọn đều phải như nhau. NNPQ không loại trừ đạo đức, thiếu đạo đức xã hội sẽ hỗn loạn, đây cũng là luận điểm tương đồng trong tư tưởng, học thuyết Đông, Tây. Điều khác nhau là ở mức độ, phạm vi và cách thức áp dụng đạo đức mà thôi. Do nhiều yếu tố khách quan chi phối, người phương Đông xem ra ít bàn luận đến cách thức tổ chức bộ máy nhà nước, đến chính thể như người phương Tây mà điểm bắt đầu là từ Arixtôt cho đến những Lockơ, Montesquieu, J.Rousseau... Tư tưởng phân quyền chẳng hạn, có sự kế thừa từ thời La Mã cổ đại 8 . Những phạm trù, những biểu hiện sinh động của đạo đức đã được các nhà tư tưởng Đông phương bàn luận sâu sắc bao nhiêu thì các nhà tư tưởng Tây phương lại mê mải bàn luận về tính triết lý của pháp luật, như Hêghen, Căntơ. Trong tư tưởng cũng như trong hết thảy mọi vấn đề xã hội, bao giờ cũng có sự tiếp nối, kế thừa và phát triển. Ai đã kế thừa, phát triển ai và ở những mức độ nào- điều đó hãy để cho lịch sử cùng với thời gian trả lời. Chỉ biết rằng, cả Đông và Tây đều nằm trong quy luật của muôn đời đó. Các nhà tư tưởng phương Tây, đặc biệt là ở Hy Lạp đã kế thừa và phát triển tư tưởng, kinh nghiệm điều hành nhà nước của các nước phương Đông, bản thân họ đã đi du lịch sang các nước phương Đông, làm quen với các học thuyết của người phương Đông cổ đại. Phương Đông cũng đã từng tiếp nhận, kế thừa, kể cả sự tiếp nhận bắt buộc lý luận của phương Tây nhưng vẫn bảo lưu và phát huy bản sắc truyền thống của mình. Những tư tưởng về NNPQ ở các thời đại đã có sự kế thừa lẫn nhau, bổ sung cho nhau: trung cận đại kế thừa cổ đại, ảnh hưởng tới hiện đại về lý luận và hiện thực.
 
4. Ở Việt Nam
 
Tư tưởng chính trị pháp lý Việt Nam thời kỳ phong kiến
 
Đây là một đề tài mà luật học chúng ta chưa đi sâu nghiên cứu. Trong lịch sử tư tưởng và cả trong thực tiễn tổ chức nhà nước ở nước ta trong thời kỳ phong kiến, tuy không đậm nét nhưng vẫn tồn tại những nhân tố về NNPQ. Có thể nêu một vài dẫn chứng như trong đường lối chính trị "khoan dân" của Trần Quốc Tuấn- đỉnh cao của tư tưởng dân tộc thời Lý- Trần; trong tư tưởng chính trị " nhân nghĩa " của Nguyễn Trãi; trong đường lối trị nước của Lê Thánh Tông với sự kết hợp lễ trị với pháp trị nhưng trên lập trường dân tộc và yêu nước. Sự thịnh trị của triều Lê Thánh Tông có nhiều nguyên nhân khách quan do lịch sử để lại, do sự kế thừa lịch sử, có nguyên nhân chủ quan bắt nguồn từ ý thức tư tưởng của ông- ý thức mãnh liệt về một xã hội thái bình, dân giàu nước mạnh, tư tưởng về một đường lối trị nước nhân nghĩa. Tư tưởng chính trị Lê Thánh Tông: quan tâm đến đời sống dân, "chí lớn ít nhiều đều ở muôn dân" , ông đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất của dân và cho rằng: " ấy thánh hiền những đấng anh hùng, phải cơn khát đoái chi liêm sỉ ", " no nên bụt, đói nên ma " (Hồng Đức quốc âm thi tập). Tư tưởng của ông đã là những động lực làm cho xã hội nhanh chóng đi vào thế ổn định, thay đổi cục diện triều đại, làm xuất hiện bộ mặt thái bình thịnh trị của triều đại 9 . Các vua thời Lê sơ đã dựa vào lý luận của Nho giáo để xây dựng nên thiết chế và pháp độ của thời đại mình, đồng thời cũng xây dựng nên bộ luật của triều đại để bảo vệ các thiết chế và pháp độ đó. Pháp luật, một sản phẩm của xã hội văn minh lần đầu tiên được người Việt biết đến và ý thức đầy đủ về nó nhờ ở tính phổ biến, tính phù hợp và thích ứng cao trong xã hội thời Lê Thánh Tông, mà đỉnh cao là Bộ luật Hồng Đức với sức sống hơn 360 năm.
 
Những nhân tố Nhà nước pháp quyền trong tư tưởng Hồ Chí Minh
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng tư tưởng pháp quyền cho Nhà nước và xã hội Việt Nam. Tuyên ngôn độc lập 2/9/1945 và bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 đã ghi nhận ý tưởng đặc sắc, phản ánh những nhân tố NNPQ trong cách tổ chức và hoạt động của Nhà nước 10 , thực hiện một chính quyền mạnh mẽ, sáng suốt của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa tiếp thu tư tưởng " lấy dân làm gốc " của Khổng Tử, Mạnh Tử, của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi " Dân là nước chở thuyền nhưng cũng có thể lật thuyền ", vừa tiếp thu những tinh hoa của tư tưởng dân chủ phương Tây để xây dựng nên tư tưởng dân chủ của mình. Hồ Chủ tịch đã viết: " nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu quyền hạn đều của dân, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân " 11 . Người đã thấy tất cả sức mạnh của chính quyền Nhà nước là ở nhân dân: " Dễ trăm lần không dân cũng chịu. Khó vạn lần dân liệu cũng xong ". Tư tưởng của Người về quản lý xã hội bằng pháp luật đã hình thành từ rất sớm, trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Véc-xây năm 1919 với yêu sách thứ 7, "thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật" 12 . Dân chỉ biết giá trị của tự do, của độc lập khi mà dân được ăn no, mặc đủ 13 . Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã đề cập đến một loạt những nguyên tắc cơ bản của NNPQ như: một nền tư pháp bảo đảm công lý, thẩm phán xét xử độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, một chế độ công vụ đề cao kỷ luật, trách nhiệm của công chức, về ý thức pháp luật. Vấn đề có tính nguyên tắc là tư tưởng của Người về bản chất pháp luật luôn gắn liền với lý tưởng công bằng, độc lập, tự do, bình đẳng, dân quyền. Pháp luật của Nhà nước cũng là những quy định hợp với lẽ phải, những cái thuộc về những quan niệm về lẽ sống nói trên. Hồ Chủ tịch nói: " Nghĩ cho cùng, vấn đề tư pháp cũng như mọi vấn đề khác, trong lúc này là vấn đề ở đời và làm người, ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ, bị áp bức " 14 .
*
 
*       *
 
Nhân loại chúng ta đã đi từ tư tưởng đến học thuyết, được vận dụng vào hiện thực nhưng chưa có đầy đủ một hiện thực, rồi từ hiện thực lại bổ sung vào kho tàng lý luận về NNPQ - một mẫu hình Nhà nước lý tưởng đã từ ngàn xưa là khát vọng của con người. Trên đây mới chỉ là một số nghiên cứu bước đầu còn rất hạn chế của chúng tôi về một đề tài lớn. Việc tiếp tục đi sâu nghiên cứu phương diện lý luận và thực tiễn về NNPQ ở phương Đông và phương Tây sẽ có ý nghĩa to lớn trong sự nghiệp xây dựng NNPQ Việt Nam của chúng ta./.
 
 
 
1.      Xem, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.231-232.
2.      Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Xây dựng NNPQ Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo đề tài KX. 05/07, tại Hà Nội, tháng 6 năm 1992, tr.72.
3.      Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Xây dựng NNPQ Việt Nam, Kỷ yếu Hội thảo đề tài KX. 05/07 tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 4 năm 1993, tr.9-20, 34.
4.      Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp, Xây dựng NNPQ Việt Nam, Hà Nội, sđd, tr.102.