Thực trạng tồn đọng án dân sự và các kiến nghị giải quyết

01/09/2016

TS, GV. NGUYỄN MINH TUẤN

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội.

PHẠM THỊ ĐÀO

Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp

Việc tổ chức thi hành án dân sự (THADS) trực tiếp tác động đến người được thi hành án, người phải THADS và những người có liên quan để giáo dục, thuyết phục họ tự nguyện thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo nội dung bản án, quyết định. Trường hợp người phải THADS không tự nguyện thi hành hoặc cố tình chây ỳ, chống đối, cản trở việc thi hành án, chấp hành viên áp dụng biện pháp cưỡng chế (buộc thực hiện hành vi, không được thực hiện hành vi và kê biên, xử lý tài sản, các quyền về tài sản... thuộc sở hữu của người phải thi hành án) để buộc họ thực hiện nghĩa vụ của mình. Khác với giai đoạn xét xử và giải quyết tranh chấp trước đó, các quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự mới chỉ được xác định trong bản án, quyết định (trên giấy), thì hoạt động THADS lại trực tiếp tác động đến các quyền nhân thân và tài sản - các quyền, lợi ích thiết thân của người phải thi hành án, gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người phải THADS và gia đình họ. Chính vì vậy trong THADS, các đương sự thường phản ứng gay gắt, quyết liệt và tìm mọi cách để chống đối, cản trở việc thi hành án, làm cho các quyền và nghĩa vụ trong bản án, quyết định chậm được thực hiện hoặc không thực hiện được, án dân sự tồn đọng, kéo dài từ năm này qua năm khác. Bên cạnh đó, theo kết quả thống kê hàng năm, trong 05 năm trở lại đây (từ 2011 đến 2015), số việc và số tiền thụ lý mới đều tăng, năm sau cao hơn năm trước, nhất là về tiền; so với năm 2011, số thi hành xong của năm 2015 tăng 153.995 việc = 40,52% và tăng 32.651 tỷ đồng = 321%); số có điều kiện thi hành của năm 2015 tăng 167.457 việc = 39% và tăng 42.977 tỷ đồng = 321,5%)[1]Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác THADS vẫn còn có những bất cập chưa được giải quyết kịp thời, vẫn còn nhiều bản án, quyết định về dân sự đã có hiệu lực pháp luật, nhưng không được tổ chức thi hành dứt điểm; tình trạng án dân sự tồn đọng ngày càng có xu hướng tăng, kéo dài từ năm này qua năm khác, đây là vấn đề “nhức nhối” làm giảm sút lòng tin của quần chúng nhân dân đối với các cơ quan THADS nói riêng và làm suy giảm hiệu quả, hiệu lực của bộ máy nhà nước ta nói chung. Trong bài viết, chúng tôi đề cập đến thực trạng án dân sự tồn đọng trong những năm gần đây, những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này và đề xuất các giải pháp nhằm giảm bớt án dân sự tồn đọng trong thời gian tới.
Untitled_53.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Thực trạng tồn đọng án dân sự hiện nay
Theo Báo cáo hàng năm[2] về công tác thi hành án của Chính phủ trước Quốc hội trong những năm gần đây, số lượng án tồn đọng (án chuyển kỳ sau) từ năm 2011 đến 2015 như sau:
Năm
Số việc
Số tiền (đồng)
So với năm trước chuyển sang
Tăng
Giảm
Việc
Tiền
Việc
Tiền
2011
234.600
21.453.618.993
 
1.493.714.196
12.503
 
2012
229.714
28.266.097.627
 
6.81.478.634
4.886
 
2013
239.144
41.597.591. 489
9.430
13.331.49.860
 
 
2014
248.203
56.127.149. 948
9.059
14.529.558.459
 
 
2015
257.427
83.136.885.439
9.224
27.009.735.491
 
 

Các thống kê, so sánh cho thấy, số án chuyển kỳ sau hàng năm có xu hướng tăng cả về việc và tiền, nhất là về tiền. Án dân sự tồn đọng biến động nhanh, phụ thuộc vào số lượng việc thụ lý mới hàng tháng của cơ quan THADS, trong khi số vụ việc được thi hành chậm hơn do cơ quan THADS phải tổ chức xác minh, phân loại việc thi hành án.

Án dân sự tồn đọng ở những việc THADS có điều kiện thi hành, chủ yếu là các việc đang thi hành và số việc chưa thi hành. Tính đến hết năm 2015, cả nước còn 65.451 việc, tương ứng với số tiền 13.523 tỷ 623 triệu 575 nghìn đồng[3]. Thực chất đây là những việc có điều kiện hoặc được coi là có điều kiện nhưng chưa được cơ quan THADS tổ chức xác minh và áp dụng các biện pháp cần thiết theo quy định của pháp luật để tổ chức thi hành dứt điểm. Những việc THADS chưa có điều kiện thi hành chủ yếu là những việc đương sự không có tài sản để thực hiện các nghĩa vụ về tài sản hoặc những vụ việc đương sự không có khả năng để thực hiện các nghĩa vụ về hành vi. Thống kê thực tế cho thấy chủ yếu nằm trong án hình sự liên quan đến các khoản tiền phạt, tiền án phí… một số việc mặc dù đương sự có điều kiện thi hành án, nhưng do bị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu hoãn hoặc kháng nghị tạm đình chỉ hoặc các bên đương sự thoả thuận với nhau cho hoãn thi hành án, hoặc bản án tuyên không rõ, khó thi hành; các cơ quan có ý kiến khác nhau về quan điểm giải quyết vụ việc, do đó, cơ quan THADS cũng không thể tổ chức thi hành được, dẫn đến án tồn đọng.

Án tồn đọng ở dạng do việc THADS dở dang[4] (63.343 việc), là những việc được cơ quan THADS xác minh, xác định được người phải THADS có điều kiện THADS và đang trong quá trình tác động để THADS (giáo dục, thuyết phục; kê biên, bán đấu giá, giao tài sản để thi hành án…), nhưng chưa có kết quả hoặc đã có kết quả một phần, phần còn lại đang tiếp tục áp dụng các biện pháp cần thiết để buộc người phải THADS phải thực hiện nghĩa vụ của mình hay tiếp tục cưỡng chế THADS để thi hành dứt điểm nghĩa vụ. Những việc này, kết quả THADS hoàn toàn phụ thuộc vào chấp hành viên được phân công trực tiếp thi hành và sự kiểm tra, giám sát của thủ trưởng cơ quan THADS, cơ quan quản lý THADS.
Đối với những việc chưa thi hành án (2.108 việc)[5], hầu hết là những việc cơ quan THADS mới thụ lý ngay tại thời điểm khoá sổ lập báo cáo thống kê. Lúc này, cơ quan THADS mới ra quyết định thi hành án, vào sổ thụ lý và phân công chấp hành viên tổ chức thi hành án. Do đó, vụ việc còn chưa được xác minh làm rõ xem đương sự có điều kịên hay không có điều kiện thi hành án. Đối với những vụ việc này cần một khoảng thời gian nhất định để chấp hành viên tiến hành xác minh và làm các thủ tục cần thiết khác để tổ chức THADS. Vì vậy, kết quả thi hành đối với những vụ việc này chỉ được xác định và quy trách nhiệm cho chấp hành viên ở kỳ báo cáo kế tiếp, khi đã có đủ thời gian cho chấp hành viên xác minh nhưng vẫn không thực hiện.
Tồn đọng thi hành án còn ở những vụ việc chưa có điều kiện giải quyết, tính đến hết năm 2015, cả nước có 191.976 việc, tương ứng với số tiền 69.613 tỷ 262 triệu 863 nghìn đồng[6]. Trong đó, số việc bịtạm đình chỉ THADS (528 việc), là những việc cơ quan THADS bắt buộc phải dừng mọi hoạt động tác nghiệp để tổ chức THADS cho đến một thời điểm khác. Do vậy, những việc này cũng có thể kéo dài ở các kỳ khác nhau và cơ quan THADS phải theo dõi để thi hành tiếp khi có quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Trong số việc chưa có điều kiện giải quyết còn có 50.930[7] việc bị hoãn, bao gồm hoãn do người phải thi hành án ốm nặng hoặc chưa xác định được nơi cư trú hoặc vì lý do chính đáng khác không thể thực hiện được nghĩa vụ, mà theo bản án, quyết định người đó phải tự mình thực hiện; hoãn do được người được thi hành án đồng ý cho người phải thi hành án hoãn việc thi hành; hoãn do người phải thi hành các khoản nộp ngân sách nhà nước không có tài sản hoặc có tài sản nhưng giá trị tài sản đó không đủ chi phí cưỡng chế thi hành án hoặc có tài sản nhưng tài sản thuộc loại không được kê biên; hoãn do có tranh chấp về tài sản kê biên mà đang được Toà án thụ lý, giải quyết; hoãn thi hành án theo yêu cầu của Tòa án hoặc Viện kiểm sát để xem xét việc kháng nghị bản án, quyết định theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm (theo quy định tại Điều 48 Luật THADS).
Ngoài ra, việc thi hành án tồn đọng bởi những lý do khác:Hiện có 53.005 việc loại này[8], đây là những việc cơ quan THADS không thể tổ chức thi hành được trong một kỳ hay nhiều kỳ, thậm chí nhiều năm đó có những lý do khách quan hoặc chủ quan làm cản trở tới quá trình thi hành án. Những việc này bao gồm: bản án, quyết định Toà án tuyên không rõ, có sai sót, hoặc khó thi hành (785 việc); việc còn có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến giải quyết nội dung vụ án hoặc về xử lý tài sản hoặc quan điểm về việc tổ chức thi hành án; việc có tài sản kê biên, tài sản phải giao theo bản án, quyết định của Toà án nhưng chưa xử lý được; việc tạm ngưng để giải quyết khiếu nại (theo quy định của Pháp lệnh THADS trước đây)[9]. Thực tế, qua theo dõi đối với những việc này, phần lớn trong số này là có điều kiện thi hành án. Tuy nhiên, do quá trình giải thích án, đính chính sai sót kéo dài chưa đáp ứng được yêu cầu nên làm cho việc THADS bị kéo dài, hoặc có ý kiến khác nhau từ các cơ quan hữu quan liên quan đến việc xử lý tài sản của người phải THADS để thi hành án, thậm chí có những trường hợp có ý kiến khác nhau về kết quả xét xử của Toà án, nên không đồng tình với việc thi hành án. Một số trường hợp khác là do không có sự đồng bộ trong việc chuyển giao tài sản và các tài liệu kèm theo liên quan đến tài sản và xử lý tài sản giữa các cơ quan có liên quan như Toà án, cơ quan điều tra, khiến cho việc xử lý tài sản THADS không thực hiện được, góp phần làm gia tăng lượng việc thi hành tồn đọng án dân sự.
2. Nguyên nhân chính của việc tồn đọng án dân sự
2.1 Nguyên nhân từ quy định của pháp luật thi hành án dân sự và các văn bản có liên quan[10]
Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bộc lộ nhiều khiếm khuyết do còn có những quy định chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế, nhiều quy định còn mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu thống nhất với pháp luật có liên quan, gây khó khăn trong quá trình triển khai và tổ chức thực hiện[11], cụ thể:
- Chưa quy định về việc xử lý tài sản của người phải thi hành án gắn liền với quyền sử dụng đất của người khác để đảm bảo THADS nếu tài sản đó không thể tách rời đất.
- Chưa quy định về cưỡng chế giao tài sản cho người mua được tài sản đấu giá trong trường hợp bản án, quyết định của Tòa án bị kháng nghị, tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc bị hủy để xét xử lại hoặc bị khởi kiện hợp đồng mua đấu giá tài sản chưa cụ thể.
- Pháp luật về THADS và pháp luật về ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác chưa quy định cụ thể trách nhiệm của ngân hàng, các tổ chức tín dụng khác trong việc cung cấp thông tin về tài khoản của người phải THADS cho Thừa phát lại và người được thi hành án.
- Chưa có quy định trường hợp THADS giao con chưa thành niên cho người được THADS nhưng sau đó người được thi hành bỏ đi nơi khác không xác định được nơi cư trú. Chưa có quy định việc trả đơn yêu cầu thi hành án trong trường hợp cơ quan THADS không giao được con chưa thành niên cho người được nuôi dưỡng theo quyết định của Tòa án do không xác định được nơi cư trú, sinh sống của người chưa thành niên, người có nghĩa vụ giao con nuôi dưỡng. Do đó, việc THADS loại này cũng bị tồn đọng, kéo dài.
- Một số nội dung quy định không thống nhất giữa Luật THADS với các văn bản quy phạm pháp luật khác.
Trong lĩnh vực THADS, sự “vênh” nhau giữa Luật THADS với các văn bản quy phạm pháp luật thể hiện ở các dạng như: (1) một số quy định đã được ghi nhận tại Luật THADS nhưng không có quy định chi tiết tại các văn bản pháp luật chuyên ngành; (2) một số quy định của pháp luật chuyên ngành còn tồn tại nội dung mâu thuẫn với Luật THADS; (3) có văn bản do địa phương ban hành chưa đồng bộ, thống nhất với pháp luật THADS và (4) một số quy định của pháp luật về THADS còn tồn tại nội dung chưa phù hợp với quy định chung của pháp luật...  là những nguyên nhân dẫn đến một số việc thi hành án dân sự chưa thể thi hành được hoặc chưa thể thi hành dứt điểm được.
2.2 Nguyên nhân từ Cơ quan THADS, Cơ quan quản lý THADS và các chấp hành viên
Việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ THADS ở nhiều địa phương đối với nhiều vụ việc còn chưa tốt, dẫn tới để tồn đọng việc thi hành án, chủ yếu là những vụ việc có điều kiện nhưng chưa được tổ chức thi hành hoặc tổ chức thi hành nhưng chưa có kết quả. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ chấp hành viên, cán bộ, công chức làm công tác THADS năng lực, trình độ còn hạn chế, chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tổ chức thi hành bản án, quyết định có hiệu lực được giao tổ chức thi hành. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động THADS trong toàn bộ hệ thống, từ cơ quan quản lý THADS đến các cơ quan THADS chưa thực sự có nề nếp; có lúc, có nơi, có việc, có đơn vị còn buông lỏng công tác quản lý. Kỷ luật, kỷ cương hành chính chưa nghiêm, nhất là đối với người đứng đầu các cơ quan THADS địa phương.
Công tác rà soát, phân loại án và giám sát việc tổ chức THADS chưa được tiến hành thường xuyên, nhiều trường hợp còn thiếu chính xác, khiến cho việc đôn đốc tổ chức THADS chưa được kịp thời làm gia tăng tồn đọng án dân sự. Khối lượng công việc do các cơ quan THADS phải tổ chức thi hành nhiều, trong khi lực lượng mỏng, trình độ, năng lực còn nhiều bất cập, cơ sở vật chất còn thiếu thốn dẫn đến quá tải trong việc thực hiện nhiệm vụ. Tính đến hết 30/9/2015, theo thống kê, trung bình một chấp hành viên phải thi hành 192 việc/01 năm, tương ứng với số tiền 30.512.783.938 đồng.
2.3 Nguyên nhân từ người phải thi hành án
Ý thức chấp hành pháp luật của người phải THADS chưa tốt, nhiều trường hợp người phải THADS chây ỳ, chống đối quyết liệt, cản trở việc tổ chức thi hành án. Người phải THADS không có tài sản, thu nhập hợp pháp để THADS hoặc không xác định được nơi cư trú của đương sự; đặc biệt đối với trường hợp người phải THADS đang chấp hành hình phạt tù, không có tài sản. Người phải THADS có tài sản nhưng giá trị nhỏ không đáng kể để thi hành án. Người phải THADS chỉ có tài sản đã kê biên, phát mãi nhưng không bán được, mà người được THADS không đồng ý nhận để trừ vào số tiền được THADS và người phải THADS không còn tài sản nào khác. Người phải thi hành nghĩa vụ giao vật đặc định mà vật đó đã bị mất, hư hỏng mà hai bên không thoả thuận được về phương thức thanh toán, cơ quan THADS đã hướng dẫn các đương sự khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết việc bồi thường, nhưng chưa có quyết định giải quyết của Toà án. Việc thi hành nghĩa vụ gắn liền với nhân thân, nếu do điều kiện khách quan (ốm đau, đi công tác...) mà người phải THADS không thể tự mình thực hiện được các nghĩa vụ đó hoặc chưa xác định được địa chỉ của người phải thi hành án.
2. 4 Nguyên nhân từ phía các cơ quan, đơn vị có liên quan
Hoạt động thanh tra, kiểm sát THADS chưa thực sự phát huy được tác dụng trong việc thanh tra, kiểm sát nhằm ngăn chặn và xử lý kịp thời các sai phạm trong hoạt động tổ chức thi hành bản án, quyết định để tạo điều kiện nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về THADS của các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc THADS. Một số trường hợp Toà án tuyên án không rõ, có sai sót, không có tính khả thi, cơ quan THADS đã đề nghị giải thích, đính chính hay xem xét lại bản án theo trình tự giám đốc thẩm hoặc tái thẩm, nhưng chậm được đáp ứng dẫn tới bản án, quyết định bị chậm thi hành hoặc không thể thi hành được. Có nơi, có lúc Toà án nhân dân chậm chuyển giao bản án, chuyển giao số lượng bản án, quyết định cho cơ quan THADS vào cuối kỳ báo cáo, cuối năm báo cáo, làm gia tăng số lượng án dân sự tồn đọng. Các vụ việc còn có ý kiến khác nhau giữa các ngành, chính quyền địa phương, đặc biệt là các vụ việc đang bị hoãn, tạm đình chỉ THADS theo yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân, Toà án nhân dân có thẩm quyền nên chưa thể thi hành dứt điểm. Các vụ việc mà bên phải THADS là các cơ quan nhà nước không tự nguyện thi hành, trong khi chưa có cơ chế hữu hiệu buộc các đơn vị này phải thi hành.
3. Kiến nghị giải pháp khắc phục tình trạng án dân sự tồn đọng trong thời gian tới
- Tiếp tục chỉ đạo thực hiện có hiệu quả kế hoạch triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS; chỉ đạo thực hiện và phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành trung ương khẩn trương xây dựng, ban hành đầy đủ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS và các văn bản pháp luật liên quan đến công tác THADS, tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý thi hành án và tổ chức thi hành án;
- Thường xuyên thống kê, tổng rà soát, phân loại án theo quy định, lập kế hoạch tổ chức thi hành án cụ thể phù hợp với từng địa phương, từng giai đoạn; chỉ đạo thực hiện các đợt thi hành án cao điểm nhằm thi hành dứt điểm các vụ việc có điều kiện thi hành, làm giảm đến mức thấp nhất số việc thi hành án có điều kiện tồn đọng. Nghiên cứu xây dựng tiêu chí và đề xuất cơ chế cho phép xoá nghĩa vụ thi hành án đối với những khoản nợ qua xác minh chắc chắn không thể thi hành được trên thực tế;
- Tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác thi hành án nói chung và thường xuyên thực hiện việc hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chỉ tiêu được giao, nhằm phát hiện hạn chế, yếu kém, khuyết điểm trong THADS và khắc phục kịp thời các sai phạm. Chú trọng công tác hậu kiểm nhằm đánh giá việc thực hiện kết luận kiểm tra, nhất là biện pháp khắc phục những sai sót trong các kết luận kiểm tra;
- Tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, đội ngũ công chức làm công tác THADS đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, trong đó chú trọng những địa bàn, đơn vị còn nhiều hạn chế, yếu kém; xây dựng và triển khai thực hiện Đề án về đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức hệ thống THADS giai đoạn 2017 - 2020;
- Tiếp tục tổ chức thực hiện các đề án đã được phê duyệt về xây dựng trụ sở, kho vật chứng và đầu tư trang thiết bị, phương tiện làm việc cho các cơ quan THADS, nhất là việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng trụ sở, kho vật chứng. Đáp ứng đầy đủ và kịp thời kinh phí hoạt động cho cơ quan thi hành án, tăng cường cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động, đặc biệt là xây dựng trụ sở, hệ thống kho tang vật, tài sản của các cơ quan thi hành án. Nghiên cứu, xây dựng hệ thống các công cụ hỗ trợ về tài chính mang tính chất đặc thù nhằm kịp thời hỗ trợ những khu vực có khó khăn hoặc hỗ trợ thực hiện các vụ án lớn, có ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội;
- Tăng cường công tác phối hợp, tranh thủ sự ủng hộ của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, ban ngành liên quan trong việc hỗ trợ để cơ quan thi hành án hoàn thành nhiệm vụ. Bên cạnh đó, phát huy vai trò của Ban chỉ đạo THADS để giải quyết tốt những vụ án phức tạp, kéo dài tại địa phương, phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể thuộc Cơ quan thi hành án. Đẩy mạnh công tác dân vận, giải thích pháp luật, thuyết phục người phải thi hành án tự nguyện thi hành nghĩa vụ của mình; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an và các cơ quan hữu quan khác bảo đảm tốt cho công tác thi hành án có hiệu lực, hiệu quả./.
 
 
 
[1] Báo cáo kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2015 và nhiệm kỳ 2011 - 2015, định hướng nhiệm kỳ 2016 – 2020 (Báo cáo số 02/BC-BTP ngày 05/01/2015).
[2] Báo cáo số 17/BC-CP ngày 18/10/2011; Báo cáo số 289/BC-CP ngày 19/10/2012 Báo cáo số 414/BC-CP ngày 17/10/2013; Báo cáo số 395/BC-CP ngày 14/10/2014; Báo cáo số 566/BC-CP ngày 22/10/2015 của Chính phủ về công tác thi hành án.
[3] Báo cáo số 566/BC-CP ngày 22/10/2015 của Chính phủ về công tác thi hành án.
[4] Thuật ngữ theo Thông tư số 01/2013/TT-BTP ngày 03/01/2013 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Chế độ báo cáo thống kê thi hành án dân sự.
 
[5] Báo cáo số 566/BC-CP ngày 22/10/2015 của Chính phủ về công tác thi hành án.
[6] Tlđd.
[7] Tlđd.
[8] Phụ lục về việc kèm theo Báo cáo số 566/BC-CP ngày 22/10/2015 của Chính phủ về công tác thi hành án.
[9] ThS. Lê Thị Kim Dung - Vụ trưởng Vụ Nghiệp vụ 1, Tổng cục THADS - Nghiên cứu về khái niệm THADS tồn đọng.
[10] Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS mới có hiệu lực pháp luật từ ngày 01/7/2015 nên chưa có đánh giá chính thống về những điểm tích cực, hạn chế của Luật này đối với kết quả THADS nói chung và án dân sự tồn đọng nói riêng. Mặt khác, hiện nay Bộ Tư pháp vẫn đang trong giai đoạn xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc phối hợp với các cơ quan có liên quan để ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Do vậy, tại thời điểm này, khi đánh giá về những bất cập, hạn chế từ phía pháp luật là nguyên nhân ảnh hưởng đến kết quả THADS nói chung và án dân sự tồn đọng nói riêng, chúng tôi đánh giá từ góc độ của Luật THADS 2008.
[11] Theo Báo cáo đánh giá tác động của Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 17(321)-tháng 9/2016)


Thống kê truy cập

32950064

Tổng truy cập