Hoàn thiện pháp luật về quỹ bảo vệ người được bảo hiểm

01/03/2016

NGUYỄN CHÍ HIẾU

Giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ

Theo pháp luật của từng quốc gia, Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm (NĐBH)Quỹ do các chủ thể kinh doanh bảo hiểm (KDBH) bắt buộc phải đóng góp hàng năm để giải quyết vấn đề bồi thường cho NĐBH, khi chủ thể KDBH phá sản hoặc mất khả năng thanh toán, dù đã được ưu tiên phân chia tài sản. Ở Việt Nam, tình hình nghiên cứu về loại Quỹ này còn khá hạn chế, vì vậy chúng tôi mong muốn các kiến nghị trong bài viết có thể góp phần hoàn thiện pháp luật về Quỹ Bảo vệ NĐBH.
 Untitled_137.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
Theo pháp luật về KDBH ở nhiều quốc gia, khi một chủ thể KDBH bị phá sản hoặc mất khả năng thanh toán, thông thường NĐBH được ưu tiên nhận tiền bồi thường hoặc được hoàn phí bảo hiểm từ tài sản thanh lý của chủ thể KDBH đó. Cơ chế này cho phép NĐBH được ưu tiên nhận tiền bồi thường khi thanh lý tài sản đầu tư từ quỹ dự phòng nghiệp vụ, ký quỹ hoặc từ toàn bộ tài sản của chủ thể KDBH phá sản. Tuy nhiên, cơ chế này bộc lộ nhược điểm là khó có thể chi trả đầy đủ các khoản nợ đối với tất cả các hợp đồng bảo hiểm (HĐBH) mà DNBH bị phá sản hay mất khả năng thanh toán đã ký kết trước đó.
Để giải quyết nhược điểm trên, một số quốc gia có quy định cơ chế bảo vệ NĐBH ở mức cao hơn, theo đó, khi NĐBH không nhận được đầy đủ tiền bồi thường từ chủ thể KDBH phá sản hoặc mất khả năng thanh toán thì việc chi trả hỗ trợ phần còn thiếu cho họ được đảm bảo thanh toán bởi một Quỹ do các chủ thể KDBH đóng góp hàng năm theo quy định của pháp luật. Quỹ đó có tên gọi khác nhau tùy quốc gia như: Quỹ Bảo vệ chủ HĐBH (Policyholder’s protection fund) ở Singapore, Hongkong, Nhật Bản, Malaysia[1] hay Quỹ Bảo vệ NĐBH ở Việt Nam.
Có thể nói, sự ra đời của Quỹ Bảo vệ NĐBH giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bên mua bảo hiểm không chuyên nghiệp; duy trì niềm tin của công chúng vào thị trường bảo hiểm; góp phần thúc đẩy cạnh tranh giữa các thị trường bảo hiểm trong và ngoài nước; góp phần tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho hoạt động kinh doanh giữa các doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) và ngân hàng trên thị trường tài chính[2].
Ở Việt Nam, Quỹ Bảo vệ NĐBH được thành lập theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Luật số 61/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH, được quy định chi tiết tại Mục 4 Nghị định số 123/2011/NĐ-CP (Nghị định 123) và Thông tư số 101/2013/TT-BTC (Thông tư 101) hướng dẫn việc quản lý, sử dụng Quỹ. Trên thực tế, Quỹ Bảo vệ NĐBH chính thức ra mắt và đi vào hoạt động chưa lâu (09/9/2014), nên nhiều người chưa có điều kiện tiếp cận cũng như đánh giá được đầy đủ, toàn diện những ưu, khuyết điểm trong thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật về Quỹ bảo vệ NĐBH ở Việt Nam. Tuy nhiên, trên cơ sở nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện, chúng tôi thấy một số hạn chế và mạnh dạn đưa ra kiến nghị hoàn thiện các quy định pháp luật về Quỹ, cụ thể:
1. Quy định về trường hợp sử dụng Quỹ tại khoản 11 Điều 1 Luật số 61/2010/QH12 sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kinh doanh bảo hiểm
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH (Luật số 61/2010/QH12) được Quốc hội khóa XII ban hành ngày 24/11/2010 bổ sung khoản 3 Điều 97 Luật KDBH như sau: “Quỹ Bảo vệ NĐBH được thành lập để bảo vệ quyền lợi của NĐBH trong trường hợp DNBH phá sản hoặc mất khả năng thanh toán; Nguồn để lập Quỹ Bảo vệ NĐBH được trích lập theo tỷ lệ phần trăm trên phí bảo hiểm áp dụng đối với tất cả HĐBH; Chính phủ quy định việc trích lập và quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ NĐBH”.
Với quy định trên, có thể hiểu là Quỹ bảo vệ NĐBH (Quỹ) sẽ được sử dụng để chi trả nhằm mục đích bảo vệ NĐBH trong trường hợp DNBH phá sản hoặc mất khả năng thanh toán. Tuy nhiên, nguồn để lập Quỹ lại được trích theo tỷ lệ phần trăm trên phí bảo hiểm áp dụng đối với tất cả HĐBH. Vậy một vấn đề đặt ra là những người tham gia sử dụng dịch vụ bảo hiểm của các chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài có được Quỹ bảo vệ không khi chủ thể này mất khả năng thanh toán, vì chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài không có tư cách pháp nhân, không là DNBH. Đây cũng là vấn đề từng được Ủy ban Kinh tế của Quốc hội quan tâm trước đó trong “Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH”[3].
Đến khi Nghị định 123 và Thông tư 101 được ban hành thì vấn đề trên đã được hướng dẫn cụ thể, theo đó, đối tượng trích nộp Quỹ bao gồm DNBH (DNBH phi nhân thọ, DNBH chuyên kinh doanh sức khỏe, DNBH nhân thọ) và chi nhánh phi nhân thọ nước ngoài[4] và Quỹ thực hiện việc chi trả cho NĐBH hoặc cho DNBH, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài nhận chuyển giao HĐBH khi xảy ra trường hợp DNBH bị phá sản hoặc DNBH, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài mất khả năng thanh toán[5]. Có thể thấy, cùng với quy định trên và quy định về hạn mức chi trả tối đa tùy theo loại hình bảo hiểm, người sử dụng dịch vụ bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được Quỹ bảo vệ ngang bằng với người sử dụng dịch vụ của các DNBH có tư cách pháp nhân trong nước. Như vậy, Quỹ sử dụng để chi trả nhằm để bảo vệ quyền lợi của NĐBH theo pháp luật hiện hành không chỉ trong trường hợp DNBH phá sản hoặc mất khả năng thanh toán mà còn cả trong trường hợp chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài mất khả năng thanh toán.
Từ sự phân tích trên, chúng tôi kiến nghị hoàn thiện quy định tại khoản 3 Điều 97 Luật Luật KDBH như sau: “Quỹ Bảo vệ NĐBH được thành lập để bảo vệ quyền lợi của NĐBH trong trường hợp DNBH phá sản hoặc DNBH, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài mất khả năng thanh toán...”. Thiết nghĩ với việc bổ sung như vậy, nội dung tại khoản 3 Điều 97 này có thể được hiểu thống nhất với quy định chi tiết tại Điều 32 Nghị định 123 và hướng dẫn tại Điều 6 Thông tư 101.
2. Quy định về hạn mức chi trả của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm theo Điều 7 Thông tư số 101/2013/TT-BTC
Một trong những vấn đề mà Quỹ Bảo vệ NĐBH cần xem xét, cập nhật và hoàn thiện là quy định về hạn mức chi trả của Quỹ Bảo vệ NĐBH, bởi đây là một trong những nội dung quan trọng đóng góp vào sự thành công của chính sách bảo vệ người tham gia bảo hiểm ở Việt Nam.
Tùy theo điều kiện kinh tế - xã hội của từng quốc gia mà việc quy định hạn mức chi trả của Quỹ Bảo vệ NĐBH ở các quốc gia sẽ không giống nhau. Hạn mức chi trả của Quỹ thể hiện chính sách của Nhà nước, được xây dựng trong từng thời kỳ và việc xác định hạn mức cần đảm bảo đồng thời hai nguyên tắc: (i) hạn mức cần đủ cao để duy trì niềm tin của người dân vào thị trường bảo hiểm và (ii) hạn mức cần đủ thấp để những người mua bảo hiểm không chủ quan với các hoạt động KDBH thiếu an toàn và rủi ro, qua đó kiểm soát và điều tiết rủi ro đạo đức, tránh tình trạng mạo hiểm khi tham gia bảo hiểm. Ngoài ra, việc xác định hạn mức cần tính tới các yếu tố có liên quan như: thu nhập GDP bình quân đầu người, mức độ lạm phát, tỷ giá, lòng tin của người dân vào hệ thống bảo hiểm, mức độ rủi ro của thị trường bảo hiểm và tổng thể nền kinh tế hay tình hình năng lực tài chính của Quỹ.
Tại Việt Nam, hạn mức chi trả của Quỹ được quy định tại Điều 7 Thông tư  101, theo đó đối với HĐBH nhân thọ, Quỹ chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của DNBH nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/NĐBH/hợp đồng. Đối với HĐBH sức khỏe, Quỹ cũng chi trả tối đa 90% mức trách nhiệm của DNBH, chi nhánh nước ngoài và không quá 200 triệu đồng/NĐBH/hợp đồng. Riêng đối với HĐBH phi nhân thọ thì có hai trường hợp chi trả: HĐBH bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được chi trả tối đa theo quy định của pháp luật (70 triệu đồng/NĐBH/vụ[6]); các HĐBH thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm khác, Quỹ chi trả tối đa 80% mức trách nhiệm của DNBH nhưng không quá 100 triệu đồng/hợp đồng.
Hiện tại, với quy định hạn mức chi trả của Quỹ như trên là phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, với việc quy định một khung cứng là chưa hợp lý, bởi quy định về hạn mức chi trả được cân nhắc dựa trên chỉ số đã được nêu ở trên. Yêu cầu của hạn mức chi trả của Quỹ là làm sao với số tiền chi trả tối đa có thể bảo vệ được phần lớn NĐBH khi xảy ra sự kiện chi trả, đồng thời cũng hạn chế việc tạo ra rủi ro đạo đức, sự trông chờ từ phía các DNBH, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài cũng như người tham gia bảo hiểm. Chính vì yêu cầu này nên đòi hỏi quy định về hạn mức chi trả của Quỹ phải thường xuyên thay đổi để phù hợp với tình hình thực tế.
Chúng tôi kiến nghị, nên có quy định “mở” cho hạn mức chi trả của Quỹ, cụ thể tại Điều 7 Thông tư 101 về “Hạn mức chi trả của Quỹ” bổ sung thêm khoản 4: “Hạn mức chi trả của Quỹ có thể thay đổi. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định hạn mức chi trả Quỹ Bảo vệ NĐBH theo đề nghị của Hội đồng quản lý Quỹ trong từng thời kỳ”. Thiết nghĩ, quy định này sẽ khắc phục được hạn chế như đã nêu, tạo được sự linh hoạt cũng như tính ổn định của Luật.
3. Quy định về chức năng của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm
Ngoài chức năng Quỹ được sử dụng để trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường bảo hiểm; hoàn phí bảo hiểm theo thỏa thuận tại HĐBH cho NĐBH trong trường hợp DNBH, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài mất khả năng thanh toán, DNBH phá sản, thì một chức năng quan trọng của Quỹ là hỗ trợ việc duy trì và tiếp tục HĐBH, giúp người mua bảo hiểm không phải tìm kiếm DNBH, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài khác để ký HĐBH mới.
Khoản 3 Điều 6 Thông tư 101 quy định “Trường hợp chuyển giao HĐBH từ DNBH, chi nhánh nước ngoài mất khả năng thanh toán, DNBH bị phá sản cho DNBH, chi nhánh nước ngoài khác, số tiền do Quỹ chi trả theo hạn mức quy định tại Điều 7 Thông tư này được chuyển trực tiếp cho DNBH, chi nhánh nước ngoài nhận chuyển giao”. Với quy định này, chủ HĐBH sẽ được Quỹ hỗ trợ để tiếp tục duy trì HĐBH của mình ở DNBH, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài mới, và điều này thật sự có ý nghĩa hơn trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ bởi lẽ người mua bảo hiểm sẽ rất khó khăn trong việc ký kết HĐBH nhân thọ mới vì phí bảo hiểm quá cao hay các hạn chế về điều kiện tuổi tác, sức khỏe của NĐBH.
Vấn đề đặt ra là giả sử Quỹ không tìm được DNBH, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài nhận chuyển giao HĐBH này do các hạn chế về rủi ro cao của NĐBH như: sức khỏe, tuổi tác,... thì quyền lợi của NĐBH sẽ được Quỹ bảo vệ như thế nào, khi họ vẫn mong muốn tiếp tục duy trì HĐBH? Trong trường hợp này, nên nghiên cứu và quy định thêm chức năng của Quỹ về việc “trực tiếp quản lý những HĐBH của các DNBH, chi nhánh nước ngoài mất khả năng thanh toán, DNBH phá sản và tiến hành chi trả tiền bảo hiểm theo quy định trong HĐBH khi không tìm được DNBH, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài nhận chuyển giao” để NĐBH được bảo vệ tốt nhất.
4. Quy định về đầu tư nguồn tiền nhàn rỗi của Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm tại khoản 2, Điều 16 Thông tư số 101/2013/TT-BTC
Do mục tiêu hình thành Quỹ là bảo vệ NĐBH khi DNBH, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài mất khả năng thanh toán, khi DNBH phá sản, nên trong quá trình vận hành, Quỹ phải luôn ở chế độ sẵn sàng có tiền để chi trả khi xảy ra các sự kiện nói trên. Do đó, một nguyên tắc rất cơ bản khi tổ chức các hoạt động đầu tư của Quỹ là dù đầu tư vào lĩnh vực nào, dưới hình thức nào cũng phải đảm bảo tính thanh khoản cao, tức khả năng chuyển đổi các tài sản đầu tư thành tiền và có thể thu hồi được dễ dàng để có thể chi trả cho NĐBH. Đây cũng là tính đặc thù trong hoạt động đầu tư của Quỹ so với các hoạt động đầu tư thông thường khác.
Hoạt động đầu tư từ nguồn tiền nhàn rỗi của Quỹ cũng được quy định cụ thể: Mua trái phiếu Chính phủ với số lượng không hạn chế; Mua trái phiếu doanh nghiệp được Chính phủ bảo lãnh với mức tối đa không quá 5% tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ tại một doanh nghiệp và không vượt quá 10% tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ; Gửi tiền tại các ngân hàng thương mại được thành lập và hoạt động hợp pháp tại Việt Nam với mức tối đa không quá 10% tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ tại một ngân hàng thương mại và không vượt quá 50% tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ. Ngân hàng thương mại nơi Quỹ gửi tiền phải là các ngân hàng có tình hình tài chính lành mạnh, kinh doanh có hiệu quả, có khả năng thanh khoản cao theo Quy chế đầu tư Quỹ.
Tuy nhiên, với việc không quy định hạn mức phần trăm tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ được giữ lại để dự phòng, tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ có thể được đem đầu tư hết sau khi trừ đi chi phí quản lý và các chi phí khác, khi đó Quỹ có thể rơi vào tình trạng bị động, không thanh toán kịp thời theo thời hạn luật định cho NĐBH khi xảy ra trường hợp có DNBH, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ mất khả năng thanh toán, DNBH phá sản. Việc thanh khoản gấp các nguồn đầu tư của Quỹ trên thị trường chứng khoán cũng gây ra những khó khăn cho Quỹ trong việc đảm bảo khả năng sinh lợi. Vì vậy, theo chúng tôi, cần thiết quy định tỷ lệ phần trăm nhất định Quỹ giữ lại để dự phòng, nên là từ 10% đến 20% trên tổng số tiền nhàn rỗi của Quỹ, để có thể đảm bảo mức độ nhất định cho việc chi trả trong thời hạn luật quy định. Trong trường hợp Quỹ không đủ khả năng chi trả, Quỹ có thể tiến hành vay tiền từ Ngân hàng Nhà nước nhưng phải được Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho phép. Nếu số tiền chi trả của Quỹ vượt quá tổng số tiền mà các DNBH, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài đóng góp, thiết nghĩ, Quỹ cần được hỗ trợ về tài chính từ Chính phủ (như quy định của Nhật Bản[7]) để có thể bảo vệ được quyền lợi cho NĐBH như mục đích của việc thành lập Quỹ đã đề ra.
5. Quy định về thời điểm ngưng trích nộp Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm theo khoản 2, Điều 4 Thông tư số 101/2013/TT-BTC
Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư 101 thì việc trích nộp Quỹ Bảo vệ NĐBH hàng năm theo tỷ lệ không vượt quá 0,3% trên tổng doanh thu phí bảo hiểm giữ lại thuộc các HĐBH gốc trong năm tài chính trước liền kề là nghĩa vụ bắt buộc đối với các DNBH, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, để hình thành và gia tăng quy mô của Quỹ, nhằm đảm bảo Quỹ có thể thực hiện việc chi trả khi có thành viên trích nộp Quỹ mất khả năng thanh toán hay phá sản. Việc trích nộp này được quản lý và theo dõi riêng đối với từng loại hình bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ. Tuy nhiên, nghĩa vụ này chỉ thực hiện cho đến khi quy mô của Quỹ đạt đến tỷ lệ phần trăm nhất định so với tổng tài sản của DNBH, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trên thị trường bảo hiểm trong năm tài chính trước liền kề. Cụ thể khoản 2 Điều 4 Thông tư 101 quy định: “Việc trích nộp Quỹ được thực hiện đến khi quy mô của Quỹ trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ đạt 5% tổng tài sản của DNBH phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài và Quy mô của Quỹ trong lĩnh vực nhân thọ đạt 3% tổng tài sản của DNBH nhân thọ trong năm tài chính trước liền kề”. Quy định này đồng nghĩa với việc giảm phần nghĩa vụ tài chính đối với các DNBH, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, bởi khi này quy mô của Quỹ đã đủ lớn để vận hành theo mục đích đề ra.
Chúng tôi cho rằng, quy định trên là bất cập, chưa thật sự tạo sự công bằng giữa các DNBH, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tham gia trên thị trường bảo hiểm Việt Nam trước và sau khi Quỹ Bảo vệ NĐBH ngưng việc thu trích nộp bởi các lý do sau:
Thứ nhất, tại thời điểm Quỹ ngưng thu việc trích nộp, có DNBH, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài đã tham gia trích nộp Quỹ rất nhiều năm, có DNBH, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài mới tham gia trích nộp Quỹ được vài năm, thậm chí là một năm, nhưng Quỹ phải có nghĩa vụ chi trả theo quy định của pháp luật cho bất kỳ thành viên trích nộp Quỹ mất khả năng thanh toán hoặc bị phá sản.
Thứ hai, các DNBH, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài tham gia vào thị trường bảo hiểm Việt Nam sau thời điểm Quỹ đã ngưng thu việc trích nộp sẽ không phải thực hiện việc trích nộp Quỹ theo quy định (lý do là quy mô Quỹ thời điểm này bằng hoặc vượt mức 5% tổng tài sản DNBH phi nhân thọ, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài trong lĩnh vực phi nhân thọ, quy mô Quỹ bằng hoặc vượt mức 3% tổng tài sản của DNBH nhân thọ trong năm tài chính trước liền kề, và vốn nhàn rỗi của Quỹ tiếp tục được sử dụng đầu tư sinh lợi theo quy định). Vấn đề đặt ra là, nếu việc ngưng thu này kéo dài cho đến khi một trong những chủ thể này mất khả năng thanh toán hoặc phá sản thì Quỹ có phải thực hiện việc chi trả cho NĐBH không, khi DNBH, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài mà họ ký kết chưa từng thực hiện nghĩa vụ trích nộp Quỹ?
Trong trường hợp trên, nếu Quỹ tiến hành việc chi trả thì tạo ra sự không công bằng đối với các DNBH, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài đã tham gia trích nộp Quỹ trước đó, bởi họ đã phải thực hiện một nghĩa vụ tài chính trong nhiều năm, nhưng Quỹ lại sử dụng để chi trả cho trường hợp mất khả năng thanh toán hoặc phá sản của chủ thể KDBH chưa từng thực hiện nghĩa vụ tài chính này. Nếu Quỹ không thực hiện việc chi trả thì sẽ không công bằng đối với các chủ thể KDBH tham gia thị trường bảo hiểm sau khi Quỹ ngưng thu việc trích nộp, vì họ khó có thể cạnh tranh thị phần với các DNBH, chi nhánh bảo hiểm nước ngoài tham gia đóng Quỹ trước đó vì tâm lý của người mua bảo hiểm luôn muốn được bảo vệ ở mức cao nhất, và điều này chắc chắn ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bảo hiểm.
Để giải quyết vấn đề trên, chúng tôi kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 4 Thông tư 101 như sau: “DNBH phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài thực hiện việc trích nộp Quỹ cho đến khi tổng số tiền trích nộp Quỹ đạt 5% tổng tài sản của DNBH, chi nhánh nước ngoài trong năm tài chính trước liền kề; DNBH nhân thọ thực hiện việc trích nộp Quỹ cho đến khi đạt 3% tổng tài sản của DNBH nhân thọ trong năm tài chính trước liền kề. Việc trích nộp Quỹ sẽ được phục hồi nếu tổng tài sản của DNBH, chi nhánh nước ngoài tăng vào năm tài chính trước liền kề”. Với kiến nghị này, việc trích nộp Quỹ là bình đẳng đối với các DNBH, chi nhánh nước ngoài dù tham gia vào thị trường bảo hiểm Việt Nam trước hay sau cũng phải trích nộp Quỹ cho đến khi đạt mức phần trăm nhất định trên tổng số tài sản của mình, góp phần tạo môi trường pháp lý an toàn và bình đẳng cho các chủ thể KDBH ở Việt Nam và bảo vệ tốt nhất cho NĐBH./.
 
         

[1] Sivalap Sukpaiboonwat, Chucheep Piputsitee & Arunee Punyasavatsut (2014), “Thailand Insurance Regulation: Highlights & Time to Go Ahead”, Canadian Center of Science and Education, p. 26 - 29.
[2] Yasui, T. (2001), “Policyholder Protection Funds: Rationale and Structure”, OECD Insurance and Private Pensions Compendium for Emerging Economies.
[3] Xem Mục 7 Báo cáo số 1822/BC-UBKT12 của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Khóa XII ngày 18/10/2010 về “Báo cáo thẩm tra Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KDBH”.
[4] Xem Điều 29, Nghị định số 123/2011/NĐ-CP.
[5] Xem Điều 6, Thông tư số 101/2013/TT-BTC.
[6] Xem khoản 5, Điều 1 Thông tư số 151/2012/TT-BTC.
[7] Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm - Bộ Tài chính (2012), Phân tích và đánh giá mô hình quỹ bảo vệ chủ HĐBH của một số nước, Bản tin Thị trường Bảo hiểm toàn cầu, số 6 (24) ngày 31/7/2012, tr. 20.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 6(310) - tháng 3/2016)