“Trách nhiệm dân sự”, “chế tài” hay “biện pháp khắc phục” đối với hành vi vi phạm hợp đồng?

01/02/2017

BÙI THỊ THANH HẰNG

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Tóm tắt: Khi có hành vi vi phạm hợp đồng (VPHĐ), hệ thống pháp luật các quốc gia đều áp đặt trách nhiệm pháp lý đối với bên không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, cũng như dự liệu các hệ quả pháp lý nhằm khắc phục tình trạng do hành vi không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng gây nên. Tuy mọi hệ thống pháp luật đều dự liệu các giải pháp pháp lý nhằm khắc phục tình trạng không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng nhưng việc sử dụng các thuật ngữ để chỉ đến các giải pháp pháp lý này lại có những khác biệt nhất định. Bài viết sẽ phân tích các thuật ngữ “trách nhiệm dân sự”, “chế tài”, “biện pháp khắc phục” dưới góc độ so sánh để chúng ta có thể tham khảo.
Từ khóa: Vi phạm hợp đồng, Chế tài, biện pháp khắc phục, Bộ luật Dân sự 2015.
Abtract: Once breach of contract occurs, legal systems of any nation shall impose the liability on the party in breach as well as anticipate legal solutions to overcome the consequences which might be resulted from the breach of contract. However, the terms used to refer to these legal solutions are vary in different legal systems. This article provides analysis the term “Civil Liability”, “Sanctions”, “Remedies” in a comparative approach for Vietnam lessons.
Keywords: Breach of Contract, Sanctions, Remedies, Vietnam Civil Code of 2015.
Trach-nhiem-dan-su.jpg

(Ảnh minh họa: Nguồn internet)

Do hệ thống pháp luật các quốc gia cũng như quốc tế đều có nguồn gốc, hoặc chịu ảnh hưởng của luật La Mã nói chung và nguyên tắc “pacta sunt servanda” nói riêng, nên các hệ thống pháp luật này đều nhìn nhận tính ràng buộc của hợp đồng và đều buộc các bên tham gia xác lập hợp đồng phải thực hiện nghĩa vụ của mình phù hợp với các điều khoản đã thỏa thuận. Vì vậy, không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng hay không tôn trọng cam kết mà các bên đã tự nguyện xác lập (VPHĐ) đều bị xem là hành vi sai trái. Khi có hành vi VPHĐ, hệ thống pháp luật các quốc gia đều áp đặt trách nhiệm pháp lý đối với bên không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, cũng như dự liệu các hệ quả pháp lý nhằm khắc phục tình trạng do hành vi không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng gây nên.

Hệ quả của trách nhiệm pháp lý đối với hành vi không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng được biết đến là việc áp dụng các hình thức pháp lý đã được pháp luật dự liệu nhằm khắc phục, sửa chữa hậu quả của hành vi không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng[1], hay nói cách khác là áp dụng các giải pháp pháp lý nhằm khắc phục tình trạng không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên một cách cân bằng nhất. Tuy mọi hệ thống pháp luật đều dự liệu các giải pháp pháp lý nhằm khắc phục tình trạng không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, nhưng việc sử dụng các thuật ngữ để chỉ đến các giải pháp pháp lý này lại có những khác biệt nhất định.

1. Các thuật ngữ được sử dụng để chỉ đến các giải pháp pháp lý đối với hành vi vi phạm hợp đồng

Các thuật ngữ được sử dụng để chỉ đến các giải pháp pháp lý nhằm khắc phục tình trạng không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng (VPHĐ) gồm: “remedies for breach of contract/non-performance” (các biện pháp khắc phục đối với hành vi VPHĐ/không thực hiện hợp đồng), viết tắt là “remedies”, “les sanctions contractuelle civiles” (các chế tài đối với VPHĐ), viết tắt là “sanctions”, “moyens ouverts d’en cas d’inexécution” (các biện pháp khắc phục do không thực hiện hợp đồng), viết tắt là “moyens”.

Các quốc gia thuộc hệ thống civil law như Pháp, Bỉ, Thụy sỹ sử dụng thuật ngữ “sanctions”, hay đầy đủ hơn là “sanction contractuelle civile”, hoặc “les sanctions de l'inexécution des obligations contractuelle”, đôi khi là “les remèdes”[2], để chỉ các giải pháp pháp lý nhằm khắc phục tình trạng do hành vi không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng mang lại, hay nói cách khác, là để chỉ các hình thức pháp lý nhằm sửa chữa việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng[3]. Đặc biệt, Điều 1217 mới của Bộ luật Dân sự (BLDS) Pháp ban hành theo Pháp lệnh số 2016-131 ngày 10/2/2016 về cải cách luật hợp đồng, các quy định chung và bằng chứng của nghĩa vụ còn chính thức sử dụng thuật ngữ “sanctions” để chỉ đến các giải pháp pháp lý nhằm khắc phục tình trạng không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng gồm: Đình chỉ thực hiện hợp đồng; Tiếp tục thực hiện hợp đồng; Yêu cầu giảm giá; Hủy bỏ hợp đồng; bồi thường thiệt hại (BTTH)[4].

Các quốc gia thuộc hệ thống common law không sử dụng thuật ngữ “sanctions”, mà sử dụng thuật ngữ “remedies for breach of contract/non-performance”, viết tắt là “remedies” để chỉ đến các giải pháp pháp lý nhằm khắc phục tình trạng không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng.

Thuật ngữ “remedies” cũng là thuật ngữ được sử dụng trong Công ước Viên về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế năm 1980 (CISG), Bộ nguyên tắc của UNIDROIT về hợp đồng thương mại quốc tế (UPICC), Bộ nguyên tắc Châu Âu về luật hợp đồng (PECL). Trong phiên bản tiếng Pháp của các văn bản pháp lý quốc tế này, thuật ngữ “moyens” hay đầy đủ là “moyens ouverts d’en cas d’inexécution” được sử dụng thay cho thuật ngữ “sanctions”, và là thuật ngữ tiếng Pháp tương đương với thuật ngữ “remedies” trong tiếng Anh.

Như vậy, các thuật ngữ “sanctions”, “sanctions contractuelle civiles” hay “les sanctions de l'inexécution des obligations contractuelle” có nội hàm tương đồng với thuật ngữ “remedies”, “remedies for breach of contract”, “remedies for non-performance” trong tiếng Anh. Đặc biệt, phiên bản tiếng Pháp của CISG, UPICC và PECL đã sử dụng thuật ngữ “moyens” để tránh nhầm lẫn với thuật ngữ “sanctions” trong tiếng Anh.

Trong hệ thống pháp luật hợp đồng Việt Nam, nhiều thuật ngữ được sử dụng để đề cập đến hệ quả của việc không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. BLDS năm 2015 sử dụng các thuật ngữ như “chế tài”[5], "phương thức”[6], "trách nhiệm dân sự”[7] hoặc “trách nhiệm…” chỉ đến từng trường hợp cụ thể như “trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ”[8], “trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật”[9], “trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền”[10], “trách nhiệm do không thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc”[11],“trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ”[12], “trách nhiệm BTTH do vi phạm nghĩa vụ”[13],… “trách nhiệm do giao tài sản không đúng số lượng”[14], “trách nhiệm do giao vật không đồng bộ”[15], “trách nhiệm giao tài sản không đúng chủng loại”[16]. Trong đó thuật ngữ “chế tài” được sử dụng như một thuật ngữ thay thế cho thuật ngữ “trách nhiệm dân sự”, “BTTH”[17] và thuật ngữ “phương thức” được sử dụng có nội hàm tương tự như nội hàm của thuật ngữ “chế tài”. Tương tự như BLDS năm 2015, Luật Thương mại năm 2005 sử dụng các thuật ngữ như “trách nhiệm”, “chế tài” và “biện pháp” khi đề cập đến vấn đề này. Trong đó, thuật ngữ “biện pháp” được sử dụng trong Luật Thương mại năm 2005 như một thuật ngữ thay thế cho thuật ngữ “chế tài”[18].

Vấn đề được đặt ra là các thuật ngữ được sử dụng trong hệ thống pháp luật hợp đồng Việt Nam có nội hàm tương đồng với các thuật ngữ được sử dụng trong hệ thống civil law, common law và các văn bản pháp lý quốc tế hay không? Và nếu không tương đồng thì việc sử dụng thuật ngữ nào tương đồng hơn với khoa học pháp lý thế giới? Để trả lời cho câu hỏi này, việc xem xét các thuật ngữ “trách nhiệm dân sự”, “chế tài”, “biện pháp khắc phục” dưới góc độ so sánh là hết sức cần thiết. 

 2. Thuật ngữ “trách nhiệm dân sự”

 

Theo “Từ điển Thuật ngữ pháp lý” của Nhà xuất bản Dalloz và “Từ điển Thuật ngữ pháp lý” của Gérard Cornu, trách nhiệm dân sự (responsabilité civile) gồm trách nhiệm theo hợp đồng (responsabilité contractuelle) và trách nhiệm ngoài hợp đồng (responsabilité délictuelle), chỉ đến bất kỳ sự đáp trả về mặt dân sự nào đối với những tổn hại gây ra cho người khác, nghĩa là đền bù bằng hiện vật hoặc tương đương[19].

Theo Từ điển Luật học “Black's Law Dictionary”, trách nhiệm dân sự (civil liability) được hiểu là tình trạng bị ràng buộc về mặt pháp lý phải BTTH dân sự[20].

Tương tự như vậy, các luật gia như Trần Thúc Linh, Vũ Văn Mẫu đều cho rằng, trách nhiệm dân sự có hai hình thức: trách nhiệm theo hợp đồng (trách nhiệm khế ước) và trách nhiệm ngoài hợp đồng (trách nhiệm dân sự phạm và chuẩn dân sự phạm). Cũng theo các luật gia này, trách nhiệm dân sự phát sinh trên cơ sở hành vi vi phạm nghĩa vụ, “nói tới trách nhiệm dân sự tức là nói tới bồi thường”[21] hay cụ thể hơn là trách nhiệm dân sự theo hợp đồng (trách nhiệm khế ước) là trách nhiệm bồi thường của bên không thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng cho bên bị “tổn thiệt”[22].  

Như vậy, theo quan điểm của nhiều luật gia, thuật ngữ “trách nhiệm dân sự theo hợp đồng” thường chỉ đến trách nhiệm BTTH theo hợp đồng.

Theo Từ điển Luật học của Bộ Tư pháp, “trách nhiệm dân sự” được hiểu là “trách nhiệm pháp lý mang tính tài sản được áp dụng đối với người vi phạm pháp luật dân sự nhằm bù đắp về tổn thất vật chất, tinh thần cho người bị thiệt hại”[23] hay “những hậu quả bất lợi mà chủ thể pháp luật phải gánh chịu do pháp luật quy định vì hành vi vi phạm pháp luật của mình (hoặc của người mà mình bảo lãnh hay giám hộ)”[24]. Nội hàm của “trách nhiệm dân sự” được Từ điển xác định tương tự như nội hàm của trách nhiệm dân sự trong hệ thống common law và civil law, bao gồm trách nhiệm dân sự theo hợp đồng và trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, bên cạnh sự tương đồng này, Từ điển Luật học lại chỉ ra “trách nhiệm dân sự bao gồm buộc xin lỗi, cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc BTTH, phạt vi phạm”[25].

Cùng với thuật ngữ “trách nhiệm dân sự”, Từ điển Luật học còn đưa ra định nghĩa về “trách nhiệm BTTH”; theo đó, đây là thuật ngữ chỉ đến “trách nhiệm của người có hành vi vi phạm, có lỗi trong việc gây ra thiệt hại về vật chất, tinh thần phải bồi hoàn cho người bị thiệt hại nhằm phục hồi tình trạng tài sản, bù đắp tổn thất tinh thần cho người bị thiệt hại”[26], đồng thời chỉ rõ “trách nhiệm BTTH được phân thành trách nhiệm BTTH theo hợp đồng và trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng”[27].

Như vậy, theo Từ điển Luật học của Bộ Tư pháp, thuật ngữ “trách nhiệm dân sự” trong hệ thống pháp luật Việt Nam được hiểu là thuật ngữ chỉ chung các giải pháp pháp lý có thể được áp dụng khi có hành vi vi phạm pháp luật và trách nhiệm BTTH (trách nhiệm BTTH theo hợp đồng và trách nhiệm BTTH ngoài hợp đồng) là một loại của trách nhiệm dân sự. Quan niệm này cũng được thể hiện qua các quy định tại Mục 4, Chương XV, Phần III BLDS năm 2015, theo đó nội hàm của thuật ngữ “trách nhiệm dân sự” không chỉ chỉ đến “BTTH”, mà còn được sử dụng để chỉ đến các giải pháp pháp lý khác như “tiếp tục thực hiện”, “tự mình thực hiện”, “giao cho người khác thực hiện”, “chấm dứt thực hiện”, “khôi phục tình trạng ban đầu”… qua tiêu đề “Trách nhiệm tiếp tục thực hiện nghĩa vụ”.

Điều này cho thấy sự thiếu tương đồng của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung và BLDS năm 2015 nói riêng với hệ thống pháp luật thế giới trong việc sử dụng thuật ngữ “trách nhiệm dân sự”. Đó là các hệ thống pháp luật có sự phân biệt giữa tình trạng pháp lý bắt buộc mà bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu (trách nhiệm dân sự) với hệ quả pháp lý (giải pháp pháp lý) được đưa ra nhằm đảm bảo tình trạng pháp lý bắt buộc mà bên có hành vi vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu được giải quyết (biện pháp khắc phục). Trong khi đó, pháp luật Việt Nam dường như chưa có sự phân tách một cách rõ ràng giữa “trách nhiệm dân sự” với “biện pháp khắc phục”. 

 3. Thuật ngữ “chế tài”

 

Theo Từ điển Thuật ngữ pháp lý của Nhà xuất bản Dalloz năm 2015-2016, chế tài (sanction) được hiểu là:

“- Biện pháp bắt buộc gắn liền với bất kỳ quy phạm pháp luật nào (cấu thành nên các tiêu chuẩn đặc trưng của pháp luật và đạo đức);

- Biện pháp đáp trả sự vi phạm pháp luật (hình phạt, hủy bỏ, vô hiệu, hết thời hiệu,…);

- Biện pháp đáp trả sự vi phạm một nghĩa vụ”[28].

Theo Từ điển Luật học “Black's Law Dictionary”, chế tài (sanction) được hiểu là “một hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế là kết quả của việc không tuân thủ luật, nguyên tắc hoặc phán lệnh”[29], trong khi đó, để chỉ đến các biện pháp đáp trả hành vi vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm nghĩa vụ hợp đồng nói riêng, hệ thống common law sử dụng thuật ngữ “remedies”[30] là thuật ngữ có nội hàm tương tự thuật ngữ “sanctions” trong tiếng Pháp.

Có thể nhận thấy, thuật ngữ “sanction” trong hệ thống pháp luật civil law và common law không đồng nhất với nhau. Hệ thống common law sử dụng thuật ngữ này để chỉ đến các biện pháp mang tính hình phạt, trong khi hệ thống civil law sử dụng thuật ngữ này để chỉ đến các biện pháp đáp trả sự vi phạm pháp luật nói chung và vi phạm nghĩa vụ hợp đồng nói riêng.

Tương tự các học giả của hệ thống civil law, theo các luật gia Sài Gòn trước đây, chế tài được hiểu là biện pháp bảo đảm cho các quyền dân sự được thi hành[31], theo đó các chế tài (dân sự) gồm hai loại: bồi thường và cưỡng chế thi hành (buộc thực hiện). Bồi thường là biện pháp xóa bỏ những thiệt hại do sự vi phạm pháp luật gây ra bằng hiện vật hoặc bồi thường bằng tiền và cưỡng chế thi hành là chế tài có mục đích buộc người có nghĩa vụ phải thực hiện nếu người có nghĩa vụ không tự nguyện thực hiện hợp đồng[32].  

Như vậy, trong luật hợp đồng của hệ thống civil law và hệ thống common law cũng như theo cách hiểu của các luật gia Sài Gòn trước đây, “trách nhiệm dân sự” hay “trách nhiệm dân sự theo hợp đồng” nói riêng không đồng nghĩa với “chế tài” hay các biện pháp khắc phục hậu quả của hành vi VPHĐ, cho dù chúng đều có điểm chung là xuất hiện khi có hành vi VPHĐ.

Trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện hành, “chế tài” được hiểu là “một trong ba bộ phận cấu thành quy phạm pháp luật”[33] và “chế tài dân sự” là “hậu quả pháp lý bất lợi ngoài mong muốn được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm trong quan hệ dân sự khi họ không thực hiện, thực hiện không đúng các nghĩa vụ dân sự.

Chế tài dân sự thường liên quan đến tài sản (buộc sửa chữa, BTTH, khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận) hoặc có thể là những biện pháp chế tài khác (buộc chấm dứt hành vi vi phạm, buộc xin lỗi, cải chính công khai…)”[34].

Mặc dù quan niệm “chế tài dân sự” là “hậu quả pháp lý bất lợi ngoài mong muốn được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm trong quan hệ dân sự khi họ không thực hiện, thực hiện không đúng các nghĩa vụ dân sự”, nhưng Từ điển Luật học của Bộ Tư pháp cũng như BLDS năm 2015, Luật Thương mại năm 2005 lại tiếp cận “chế tài” với một nội hàm rộng hơn, không chỉ là “hậu quả pháp lý bất lợi” mà còn bao gồm cả những biện pháp không mang lại cho bên VPHĐ “hậu quả pháp lý bất lợi” mà chỉ “buộc bên vi phạm phải thực hiện nghĩa vụ mà trước đó họ đã tự nguyện cam kết thực hiện”[35].

 4. Thuật ngữ “biện pháp khắc phục”

 

Thuật ngữ “các biện pháp khắc phục” (remedies trong tiếng Anh hay remède, moyens trong tiếng Pháp) có nguồn gốc từ thuật ngữ Latinh: “remedium”. Ban đầu thuật ngữ này trong tiếng Latinh, tiếng Anh và tiếng Pháp cổ chỉ mang nghĩa y học thuần túy như “chữa bệnh”, “điều trị”, “cứu chữa” và “chữa khỏi”, đến khoảng những năm 1300 sau công nguyên, thuật ngữ “remedy” mới được sử dụng theo nghĩa bóng là “biện pháp khắc phục”.

Theo Từ điển Black's Law, “remedy” được hiểu là biện pháp pháp lý hoặc biện pháp mang tính công bình (equity) để thực thi quyền hoặc ngăn ngừa hoặc khắc phục những hệ quả do hành vi sai trái gây nên[36]. Như vậy, các biện pháp khắc phục (remedies) theo Black's Law là những biện pháp khác nhau nhằm bảo đảm thực thi quyền hoặc ngăn chặn, khắc phục những hệ quả do hành vi sai trái gây nên không chỉ trong lĩnh vực hợp đồng mà còn trong cả lĩnh vực ngoài hợp đồng.

Do không được chính thức sử dụng trong khoa học pháp lý Pháp nên thuật ngữ “biện pháp khắc phục (remède)” không được tìm thấy trong các từ điển pháp lý uy tín của Pháp, như “Từ điển Thuật ngữ pháp lý” của Nhà xuất bản Dalloz hay “Từ điển Thuật ngữ pháp lý” của Gérard Cornu, mà chỉ được tìm thấy trong Từ điển tiếng Pháp thông dụng. Theo đó “remède” cũng có nghĩa là chữa khỏi, chữa trị, chữa bệnh, sửa chữa. Tuy nhiên, các học giả Pháp hiện nay cũng đã sử dụng thuật ngữ “remède” để chỉ đến các biện pháp khắc phục đối với hành vi VPHĐ[37].

Các văn bản pháp luật về hợp đồng của Việt Nam không sử dụng thuật ngữ “biện pháp khắc phục” để chỉ đến các giải pháp pháp lý nhằm khắc phục hệ quả của hành vi không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng. Thay vào đó, để chỉ đến vấn đề này, pháp luật hợp đồng Việt Nam sử dụng nhiều thuật ngữ khác như “chế tài”, “phương thức”, “trách nhiệm dân sự”… Tuy nhiên, như trên đã phân tích, các thuật ngữ như “chế tài”,“trách nhiệm dân sự” có nội hàm không hoàn toàn tương thích với cách hiểu chung của cộng đồng quốc tế. Đối với nghĩa của thuật ngữ “phương thức” - cách thức và phương pháp tiến hành[38], chúng ta nhận thấy nghĩa của thuật ngữ này gần giống với nghĩa của thuật ngữ “biện pháp khắc phục” được sử dụng trong các hệ thống pháp luật trên thế giới. Tuy nhiên, thuật ngữ “phương thức” mang ý nghĩa chung chung không chỉ bao hàm các biện pháp khắc phục đối với hành vi VPHĐ mà còn chỉ đến các biện pháp khắc phục đối với các quyền dân sự bị vi phạm[39]. Bên cạnh đó, thuật ngữ này trong BLDS năm 2015 còn chỉ đến cách thức thực hiện quyền sở hữu chung của các thành viên gia đình[40], cách thức thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng[41], cách thức xác lập quyền dân sự[42]… Do vậy, có thể nhận thấy cụm từ “phương thức” không đồng nghĩa với thuật ngữ “biện pháp khắc phục”.

Mặc dù chưa được sử dụng chính thức trong các văn bản pháp luật nhưng trong một số công trình nghiên cứu, thuật ngữ “biện pháp khắc phục” hoặc thuật ngữ tương đương “biện pháp xử lý” đã được sử dụng[43].

Tù các phân tích nêu trên, có thể đưa ra các nhận xét sau:

-   Pháp luật hợp đồng Việt Nam chưa có sự thống nhất trong việc sử dụng thuật ngữ để chỉ đến các giải pháp pháp lý nhằm bảo đảm thực thi quyền hoặc ngăn chặn, khắc phục những hệ quả do hành vi VPHĐ gây nên.

-   Trong pháp luật hợp đồng Việt Nam, “chế tài” là các giải pháp pháp lý liên quan đến tài sản được sử dụng khi có “hành vi vi phạm” hợp đồng nhằm bảo đảm thực thi quyền hoặc ngăn chặn, khắc phục những hệ quả do hành vi VPHĐ và “BTTH” chỉ là một loại “chế tài” dân sự.

-   Thuật ngữ “chế tài” trong hệ thống pháp luật Việt Nam vừa được tiếp cận giống với thuật ngữ “chế tài” trong hệ thống civil law (là một bộ phận của quy phạm pháp luật) và là biện pháp đáp trả sự vi phạm một nghĩa vụ[44], lại vừa được tiếp cận giống với thuật ngữ “chế tài” trong hệ thống common law (hình phạt hoặc biện pháp cưỡng chế hay hậu quả pháp lý bất lợi) khi có sự xuất hiện của hành vi vi phạm. Nói cách khác, dường như khái niệm “chế tài dân sự” được ghi nhận trong Từ điển Luật học của Bộ Tư pháp chưa thực sự nhất quán.

-   Pháp luật hợp đồng Việt Nam dường như không có sự phân biệt giữa “trách nhiệm dân sự” và “chế tài” hay các giải pháp pháp lý (biện pháp khắc phục) được sử dụng nhằm bảo đảm cho trách nhiệm dân sự được thực hiện.

Dựa trên các phân tích trên, có thể thấy thuật ngữ “biện pháp khắc phục đối với hành vi VPHĐ” (remedies/moyens), hay “chế tài đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng” (sanctions) trong hệ thống pháp luật quốc tế nói chung và các quốc gia nói riêng là các thuật ngữ có nội hàm tương đồng chỉ đến các giải pháp pháp lý (biện pháp) khác nhau nhằm bảo đảm thực thi quyền của chủ thể quyền trong quan hệ hợp đồng hoặc ngăn chặn, khắc phục những hệ quả do hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng gây nên.

Với mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế và tạo môi trường pháp lý minh bạch cho sự phát triển kinh tế, xã hội, thiết nghĩ BLDS năm 2015 nên sử dụng thống nhất thuật ngữ “biện pháp khắc phục” để chỉ đến các giải pháp pháp lý khắc phục hệ quả của hành vi VPHĐ để loại bỏ nhầm lẫn và gây tranh cãi do việc sử dụng thuật ngữ thiếu tương thích với cộng đồng quốc tế mang lại./.

 


[1] Giuditta Cordero Moss, Lectures on comparative law of contracts, Publications Series of the Department of Private law, University of Oslo, 2004, p. 161.

[2] Xem M. Fontaine et G. Viney. Les sanctions de l'inexécution des obligations contractuelles - Études de droit comparé. Revue internationale de droit comparé. Vol. 54 N°1. 2002. Page. 216.

[3] Xem Jean-Baptiste Racine, Laura Sautonie-Laguionie, Aline Tenenbaum and Guillaume Wicker, European Contract Law - Materials for a Common Frame of Reference: Terminology, Guiding Principles, Model Rules. Sellier. European law phublishers, p. 227.

[4] Art 1217 du code civil: “La partie envers laquelle l'engagement n'a pas été exécuté, ou l'a été imparfaitement, peut:

- refuser d'exécuter ou suspendre l'exécution de sa propre obligation; 

- poursuivre l'exécution forcée en nature de l'obligation; 

- solliciter une réduction du prix; 

- provoquer la résolution du contrat; 

- demander réparation des conséquences de l'inexécution.

Les sanctions qui ne sont pas incompatibles peuvent être cumulées; des dommages et intérêts peuvent toujours s'y ajouter”.

[5] Xem khoản 2 Điều 10 BLDS năm 2015.

[6] Xem Điều 11 BLDS năm 2015.

[7] Xem Điều 87, Điều 97, Điều 103, Điều 342, Điều 351, Điều 364, Điều 428, Điều 509, Điều 510, Điều 524, Điều 534 BLDS năm 2015.

[8] Xem Điều 352 BLDS năm 2015.

[9] Xem Điều 356 BLDS năm 2015.

[10] Xem Điều 357 BLDS năm 2015.

[11] Xem Điều 358 BLDS năm 2015.

[12] Xem Điều 359 BLDS năm 2015.

[13] Xem Điều 360 BLDS năm 2015.

[14] Xem Điều 437 BLDS năm 2015.

[15] Xem Điều 438 BLDS năm 2015.

[16] Xem Điều 439 BLDS năm 2015.

[17] Xem khoản 2 Điều 10 BLDS năm 2015.

[18] Xem khoản 7 Điều 292 Luật Thương mại năm 2005.

[19] Xem Lexique Juridiques. Dalloz. 23e édition 2015-2016, pp. 913-914; Gérard Cornu. Vocabulaire juridique. Presses Universitaires de France. 3é edition. 1992, p. 724. Black's Law- Dictionary, Seventh Edition, West group, 1999, pp. 723-724.

[20] Xem Black's Law- Dictionary. Seventh Edition. West group. 1999. Page 926.

[21] Xem Trần Thúc Linh, Danh từ pháp luật lược giải, Nhà sách Khai trí, 1974, tr. 397-398. Vũ Văn Mẫu, Việt Nam dân luật lược khảo – Quyển II: Nghĩa vụ và khế ước, In lần thứ nhất, Bộ Quốc gia giáo dục xuất bản, Sài Gòn, 1963, tr. 431, 433.

[22] Vũ Văn Mẫu, Tlđd, tr. 433-434.

[23] Xem Từ điển Luật học, Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý, Nxb. Từ điển Bách khoa, Nxb. Tư pháp, 2006, tr 800.

[24] Xem Từ điển Luật học, Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý, Tlđd, tr 803.

[25] Xem Từ điển Luật học, Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý, Tlđd, tr 800.

[26] Xem Từ điển Luật học, Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý, Tlđd, tr 799.

[27] Xem Từ điển Luật học, Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý, Tlđd, tr 800.

[28] Xem Lexique Juridiques, Dalloz, 23e edition, 2015-2016, pp. 943-944;

[29] Xem Black's Law- Dictionary, Seventh Edition, West group, 1999, p. 1341.

[30] Xem Black's Law- Dictionary, Seventh Edition, West group, 1999, p. 1296.

[31] Xem Nguyễn Quang Quýnh, Dân luật (Quyển I), Viện Đại học Cần Thơ xuất bản, 1967, tr. 129, 131.

[32] Xem Nguyễn Quang Quýnh, Dân luật (Quyển I), Tlđd, tr. 131.

[33] Xem Từ điển Luật học. Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý, Tlđd, tr. 130.

[34] Xem Từ điển Luật học, Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý, Tlđd, tr. 130.

[35] Xem Từ điển Luật học, Bộ Tư pháp - Viện Khoa học pháp lý, Tlđd, tr. 130; khoản 2 Điều 10 BLDS năm 2015, khoản 1 Điều 292 Luật Thương mại năm 2005.[36] Xem Black's Law- Dictionary. Seventh Edition, West group, 1999, p. 1296.[37] Xem Emmanuel S. Darankoum. La protection du contrat dans l’avant-projet d’Acte uniforme OHADA sur le droit des contrats: conclusion, exécution et remèdes en cas d’inexécution. Unif. L. Rev. 2008; Paul Grosser. Les remedes a l'inexecution du contrat: essai de classification. Thèse de doctorat en Droit privé. 2000; Catherine Popineau Dehaullon. Les remèdes de justice privée à l'inexécution du contrat: Etude comparative

 
. L.G.D.J. 2006…
 

[38] Xem Hoàng Phê, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2003, tr. 793.

[39] Xem Điều 11, Điều 15 BLDS năm 2015.

[40] Xem Điều 212 BLDS năm 2015.

[41] Xem Điều 280 BLDS năm 2015.

[42] Xem Điều 388 BLDS năm 2015.

[43] Xem Dư Ngọc Bích, Góp ý điều khoản phạt hợp đồng và mối liên hệ với BTTH trong dự thảo BLDS (sửa đổi), http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=186; Đỗ Văn Đại, Các biện pháp xử lý việc không thực hiện đúng hợp đồng trong pháp luật Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, 2013.

[44] Xem khoản 2 Điều 10 BLDS năm 2015, Điều 292 Luật Thương mại năm 2005.

 

(Nguồn tin: Bài viết đăng trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 3 (331), tháng 2/2017)