Thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường ở Việt Nam

01/04/2012

Ths. NGUYỄN TRẦN ĐIỆN

Viện Công nghệ môi trường.

Vấn đề bảo vệ môi trường (BVMT) đang được các quốc gia trên thế giới hết sức quan tâm và đặt ưu tiên hàng đầu trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế, xã hội của mình. Bởi lẽ, môi trường là một điều kiện cốt tử bảo đảm cho sự phát triển bền vững của tất cả các quốc gia. Ngày nay sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới không phải là khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên để tạo ra năng suất và sản lượng bằng mọi giá mà phải bảo đảm sự cân đối với việc duy trì, bảo vệ và nuôi dưỡng nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các thế hệ mai sau. Trong xu thế ấy, Việt Nam cũng đang tiến hành hoàn thiện hệ thống pháp luật về môi trường, cùng với việc nỗ lực tham gia các công ước quốc tế, cũng như tích cực nội luật hoá các cam kết quốc tế về BVMT nhằm BVMT hiệu quả hơn trước yêu cầu của phát triển bền vững.
Untitled_587.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Thực trạng thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường  
1.1. Các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường  
Các vi phạm pháp luật về BVMT mang đặc thù riêng, tác hại của hành vi phạm tội mang tính lan tỏa, không thể hiện ngay mà nó tích tụ và ảnh hưởng đến nhiều người. Bên cạnh đó, để xác định được hành vi phạm tội đến đâu thường phải có sự kết hợp giữa các bộ, ngành liên quan.
Pháp luật nước ta quy định, có hai hình thức xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực BVMT là cảnh cáo và phạt tiền, trong đó mức quy định phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm là 70 triệu đồng. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả: buộc thực hiện có thời hạn các biện pháp BVMT do cơ quan quản lý nhà nước về BVMT yêu cầu; buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường do hành vi vi phạm gây ra; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hóa, vật phẩm gây ô nhiễm môi trường; buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây ô nhiễm môi trường.
Trong những năm gần đây, tình hình vi phạm pháp luật về môi trường diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực. Tội phạm môi trường đã làm suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường sinh thái, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển bền vững của đất nước. Một số lĩnh vực điển hình thường xuất hiện những vi phạm pháp luật về BVMT là:
- Lĩnh vực sản xuất, nhất là tại các khu công nghiệp, khu chế xuất: Lợi dụng chủ trương mở cửa, chính sách thu hút vốn đầu tư của Nhà nước và chính quyền các địa phương cùng với những sơ hở về pháp luật trong lĩnh vực BVMT của Việt Nam, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đầu tư các dự án sản xuất kinh doanh, nhưng không chú trọng việc xây dựng các hệ thống xử lý chất thải, coi đây là giải pháp giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Cả nước có gần 200 khu công nghiệp, trong đó có đến 70% chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải (rắn và lỏng), nhất là các nhà máy, cơ sở sản xuất trong các khu công nghiệp đang trong giai đoạn hoàn thiện và các cơ sở nằm trên lưu vực sông. Đáng lo ngại là các doanh nghiệp tuy có hệ thống xử lý chất thải, nhưng luôn cố tình vi phạm, thủ đoạn tinh vi, lén lút để xả thải ra môi trường như xây dựng hệ thống bí mật, phức tạp, được ngụy trang bằng hệ thống đạt tiêu chuẩn nên rất khó phát hiện, như vụ Công ty Vedan Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Miwon, Công ty thuộc da Hào Dương, Công ty giấy Việt Trì...
- Lĩnh vực sản xuất làng nghề, nông nghiệp:Hiện cả nước có khoảng trên 2.790 làng nghề thuộc 7 nhóm ngành nghề[1] như: chế biến lương thực, thực phẩm, dược liệu; ươm tơ, dệt vải, đồ da; thủ công mỹ nghệ, thêu ren; sản xuất vật liệu xây dựng và các ngành nghề khác. Các làng nghề này cơ bản đã mang lại lợi ích kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân. Bên cạnh đó, sự phát triển các làng nghề cũng đặt môi trường trong tình trạng báo động. Chất thải từ hoạt động sản xuất của các làng nghề nhìn chung không được xử lý mà xả trực tiếp ra mương, rãnh, ao, ruộng lúa. Nhiên liệu sử dụng phổ biến là than, củi làm sản sinh các loại khí nhà kính như SO2, CO2, CO,, H2S, NH3, CH4. Các chất thải độc hại khó phân hủy tại các làng nghề, đặc biệt là các làng nghề thuộc da, dệt nhuộm và tái chế kim loại, đã làm cho các chỉ tiêu BOD, COD, SS đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của nhân dân. Nguyên nhân là do hầu hết làng nghề đều có quy mô sản xuất nhỏ lẻ ở hộ gia đình, trình độ sản xuất thủ công theo kinh nghiệm, công nghệ sản xuất thô sơ, nên thường không quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải. Trong khi đó, công tác quản lý môi trường ở nông thôn nói chung còn ít được quan tâm, chưa có giải pháp đồng bộ của chính quyền các cấp về quy hoạch và cải thiện môi trường làng nghề.
Đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp, những vi phạm phổ biến là trong quá trình nuôi trồng sử dụng tùy tiện, tràn lan các loại thuốc kháng sinh, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật đã gây nguy cơ tồn dư thuốc kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm. Việc xử lý chuồng trại, chất thải trong chăn nuôi chưa được chú ý, thường thải ra cống rãnh tự nhiên.
- Lĩnh vực nhập khẩu: Có tình trạng nhập khẩu trái phép chất thải vào nước ta dưới hình thức phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, kể cả thiết bị công nghệ lạc hậu dẫn đến nguy cơ biến nước ta thành bãi rác thải công nghiệp, với thủ đoạn rất tinh vi như "tạm nhập, tái xuất", khi bị phát hiện thì khai là "gửi nhầm hàng" và xin được chuyển trả lại… Một số doanh nghiệp lợi dụng cơ chế kiểm hóa bằng xác suất (10% khối lượng hàng nhập), thậm chí móc nối với nhân viên hải quan, kiểm định, lấy mẫu trong các lô hàng đảm bảo yêu cầu chất lượng đã được chuẩn bị sẵn, từ đó dễ dàng được thông quan nhập rác vào nước ta. Nhiều doanh nghiệp biết có vi phạm nhưng vẫn cố tình đưa phế liệu rác về cảng, xin nộp phạt để thông quan, coi như "đã lỡ". Đây là một trong những hoạt động kinh doanh thu lợi nhuận cao vì doanh nghiệp "ăn hai mang", vừa được tiền do các chủ nguồn chất thải chi trả để thu gom, vận chuyển, vừa được các cơ sở sản xuất trong nước mua lại để tái chế sử dụng. Hơn nữa, đây lại là một nguồn nguyên liệu sản xuất dồi dào, giá rẻ nên các doanh nghiệp, từ công ty vận tải, nhập khẩu cho đến các cơ sở tái chế bất chấp quy định của pháp luật, liên tục phạm pháp với quy mô và số lượng lớn. Trong 5 năm gần đây, đã có khoảng 4.000 container chứa ắc quy chì đã qua sử dụng, nhập vào Việt Nam qua các cửa khẩu quốc tế, vi phạm nghiêm trọng Công ước Basel, Luật BVMT và Quyết định số 155/1999/QĐ-TT ngày 16/4/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý chất thải nguy hại.
Hoạt động nhập, phá dỡ tàu cũ ở Hải Phòng và một số tỉnh cũng đặt môi trường khu vực vào tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng. Các chất thải độc hại như: dầu mỡ, bụi xỉ chứa kim loại nặng, nước thải khó có thể khắc phục, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên diện rộng. Điển hình như Công ty Huyndai Vinashin (Khánh Hòa) thải ra hàng trăm nghìn tấn hại xỉ (hạt NIX) và các loại chất thải độc hại khác. Kết quả phân tích mẫu đất tại khu vực có hạt xỉ đồng và nước thải cho thấy hàm lượng Asen vượt 23,5 lần giới hạn cho phép, hàm lượng chì gấp 21 lần so với mẫu đối chứng, thành phần kim loại nặng khác như đồng, cadimi cũng vượt tiêu chuẩn cho phép hàng chục lần.
- Lĩnh vực khai thác lâm sản, khoáng sản, nước ngầm, bảo vệ đa dạng sinh học: Thời gian qua, nạn chặt phá rừng ở nước ta vẫn đang diễn ra rất bức xúc, đặc biệt là tình trạng chặt phá các khu rừng nguyên sinh, khu bảo tồn thiên nhiên, rừng phòng hộ. Điển hình là vụ phá rừng Quốc gia Konkakinh, vụ chặt hạ 5.000 ha rừng phòng hộ huyện Phú Ninh (Quảng Nam). Ngay tại Hà Nội cũng diễn ra tình trạng xâm hại hệ thống cây xanh với việc chặt hạ hàng chục cây gỗ trắc, gỗ sưa gây bức xúc trong dư luận. Năm 2007, cả nước phát hiện 5.922 vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là lợi dụng chính sách chuyển đổi "rừng nghèo", xây dựng thủy điện, phát quang biên giới để khai thác rừng bừa bãi. Năm 2008 và những tháng đầu năm 2009 số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ rừng tuy giảm nhưng tính chất, mức độ ngày càng nghiêm trọng, nạn phá rừng kèm theo tình trạng chống người thi hành công vụ gây phức tạp tình hình an ninh trật tự ở nhiều địa phương như Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Bình... Tại các khu vực khai thác khoáng sản, do sử dụng hóa chất như thủy ngân, kim loại nặng, nên nguồn nước sinh hoạt, tưới tiêu bị ô nhiễm. Khai thác cát, sỏi bừa bãi cũng làm cho nhiều dòng sông bị xói lở, biến đổi dòng chảy. Các hiện tượng trên làm ảnh hưởng hệ sinh thái, gây phong hóa, rửa trôi, biến rừng thành đất trống đồi núi trọc, tiềm ẩn nguy cơ lũ quét cao. Nguồn nước ngầm bị khai thác bừa bãi, tràn lan. Hầu hết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhất là các cơ sở không thuộc diện phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ) đều tự ý khoan giếng để khai thác và sử dụng nước mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.
Tình trạng săn bắn, buôn bán, vận chuyển động vật hoang dã, quý hiếm diễn ra công khai ở nhiều nơi. Qua một số vụ việc do lực lượng cảnh sát môi trường điều tra, khám phá cho thấy vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này tiếp diễn phức tạp, nhất là buôn bán các loài động vật quý hiếm có lợi nhuận cao như hổ, tê tê. Các đường dây mua bán, vận chuyển động vật hoang dã qua biên giới thủ đoạn tinh vi, che giấu bằng nhiều hình thức, nhất là lợi dụng chính sách "tạm nhập, tái xuất", như vụ Công ty cổ phần xuất nhập khẩu Talu nhập trên 23 tấn tê tê che phủ bằng cá đông lạnh qua cảng Hải Phòng, vụ nhập khẩu 2800 kg rùa, rắn qua cửa khẩu Cầu Treo... Việc nuôi nhốt động vật hoang dã (có hoặc không có giấy phép) diễn ra tràn lan, công khai, khó kiểm soát.
Hoạt động khai thác có tính chất hủy hoại nguồn lợi thủy hải sản có biểu hiện phức tạp. Đã phát hiện tình trạng lợi dụng hoạt động đánh bắt thủy hải sản để khai thác trái phép các loài quý hiếm như rùa biển, san hô đen… Ở khu vực nông thôn hiện vẫn còn tình trạng sử dụng kích điện, chất nổ để đánh bắt cá trên các sông ngòi, kênh rạch nhỏ, dẫn đến tình trạng hủy diệt hàng loạt nhiều loài thủy sinh và gây ô nhiễm nguồn nước. Bên cạnh đó, môi trường sinh thái biển cũng đang có nguy cơ bị ô nhiễm do các hoạt động nuôi trồng thủy sản trên cát hoặc khu vực cửa sông, vận tải hàng hải, thăm dò dầu khí, thậm chí đã xảy ra việc một số doanh nghiệp hoạt động nạo vét luồng lạch, các tàu thuyền đưa hàng trăm tấn chất thải đổ ra biển (như vụ tàu Merci của Hoa Kỳ đổ 500 tấn chất thải ra biển Đà Nẵng).
- Lĩnh vực quản lý và xử lý chất thải:Tại các bệnh viện, lượng chất thải hàng ngày ra môi trường rất lớn, nhưng đến nay mới có khoảng trên 20% bệnh viện, cơ sở y tế có hệ thống xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, hầu hết rác thải chưa được quản lý và xử lý chặt chẽ theo quy chế xử lý chất thải y tế. Nhiều loại rác thải y tế nguy hại như bệnh phẩm, vỏ chai, dây chuyền dịch, bơm kim tiêm đã qua sử dụng để lẫn lộn với rác thải thông thường. Nhân viên bệnh viện không nắm rõ quy trình thu gom, xử lý, thậm chí một số bệnh viện còn cho phép thu gom để bán cho cơ sở tái chế để "tận thu". Điển hình, năm 2007 lực lượng Cảnh sát môi trường đã kiểm tra và phát hiện một số bệnh viện lớn ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh (như Bệnh viện K, Bạch Mai, Chợ Rẫy, Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh) đã vi phạm các quy định về quản lý, xử lý chất thải y tế, trong đó đã phát hiện hàng nghìn kg chất thải y tế nguy hại được các bệnh viện trên bán cho tư nhân bên ngoài, gồm dây chuyền dịch, bơm kim tiêm…(trong đó có nhiều loại còn dính máu và dịch truyền).
- Đối với rác thải công nghiệp, rất nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi, đã xử lý rác thải tại chỗ bằng phương pháp đốt hoặc chôn lấp thông thường, hoặc thuê xe vận chuyển rác đi nơi khác đổ trái phép. Tập đoàn Điện lực còn lỏng lẻo trong việc quản lý dầu thải chứa chất đặc biệt nguy hại (PCB), dẫn đến tình trạng thu mua, tái chế trái phép chất thải nguy hại diễn ra tại nhiều địa phương. Nhiều tổ chức, cá nhân hành nghề thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải không thực hiện đúng quy định như sử dụng phương tiện không chuyên dụng, không phân loại chất thải sau khi thu gom, chôn lẫn rác thải nguy hại với rác thải thông thường… như vụ Công ty trách nhiệm hữu hạn Tân Đức Thảo (thành phố Hồ Chí Minh), Công ty trách nhiệm hữu hạn Song Tinh (Vĩnh Phúc), Công ty trách nhiệm hữu hạn Sông Xanh (Bà Rịa Vũng Tàu) chôn lấp hơn 4.600m3 chất thải và cát nhiễm dầu. Hoạt động thu mua, vận chuyển và tái chế trái phép ắc quy chì vẫn diễn ra ở nhiều nơi, có vụ diễn ra với quy mô lớn như vụ doanh nghiệp tư nhân Hưng Nhung (Hưng Yên) vận chuyển trái phép 100 tấn ắc quy chì từ Nam ra Bắc…
- Rác sinh hoạt, phế thải xây dựng không tập kết đúng chỗ, đổ bừa bãi ở hai bên đường. Các bãi rác Phước Hiệp (thành phố Hồ Chí Minh), Như Quỳnh (Hưng Yên), Phù Chẩn (Bắc Ninh)… quá tải gây ô nhiễm nghiêm trọng. Thậm chí tại các bãi rác tập trung, rác thải sinh hoạt đổ lẫn với rác thải công nghiệp có chứa thành phần nguy hại, không được xử lý đúng quy trình, chủ yếu được chôn lấp hoặc thiêu đốt thông thường (không có lò thiêu chuyên dụng), nước thải rò rỉ từ các bãi rác, ngấm vào đất, nguồn nước ngầm, chảy ra đồng ruộng.
- Trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, dịch bệnh: Liên tục phát hiện các vụ việc thực phẩm có chứa chất có hại cho sức khỏe con người như nước tương chứa chất 3-MCPD gây ung thư, bánh phở chứa phormol, thực phẩm chứa hàn the, sữa có chứa melamine, kẹo bột đá… Nhiều cơ sở sản xuất hoặc không chấp hành quy trình xử lý chế biến thực phẩm, nước uống, hoặc cố tình thêm các loại hóa chất và phụ gia bảo quản, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng, như vụ sản xuất kẹo có chứa bột đá tại Hoài Đức (Hà Nội), vụ công ty Hanosa (Hà Nội) sản xuất rượu giả, rượu kém chất lượng… Tại các chợ đầu mối có tình trạng dùng hóa chất ngâm tẩm, tẩy rửa thực phẩm kém chất lượng, như vụ tẩy trắng mực quá hạn tại chợ đầu mối Long Biên, bán thịt lợn bệnh tại Đồng Nai… Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm tùy tiện, không rõ nguồn gốc, không được kiểm dịch thú y, các cơ sở giết mổ không đảm bảo vệ sinh theo quy định; gia súc, gia cầm bị bệnh chết không được chôn lấp hợp vệ sinh; thường xuyên có biểu hiện che giấu thông tin về dịch bệnh để tránh bị tịch thu tiêu hủy mà lén lút mang đi tiêu thụ. Phần lớn nhà hàng, quán ăn sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc hoặc không có kiểm định về chất lượng, thậm chí tận dụng các loại thực phẩm hỏng, quá hạn sử dụng; thêm các chất phụ gia, hóa chất nhằm kích thích khẩu vị; không có biện pháp bảo quản, che đậy hợp vệ sinh; người chế biến không có đầy đủ kiến thức về y khoa; chất thải không được xử lý đúng quy định. Những vi phạm trên là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng lây lan dịch bệnh và ngộ độc thực phẩm hàng loạt tại nhiều địa phương.
Tình trạng nhập lậu vào tiêu thụ trong nội địa các loại gia súc, gia cầm chưa được kiểm dịch từ Trung Quốc, Campuchia… diễn ra hết sức nhức nhối. Tính riêng trong năm 2008, Công an tỉnh Lạng Sơn bắt giữ 154 vụ buôn bán, vận chuyển trên 111 tấn gia cầm, 54.840 quả trứng. Ngoài ra, mỗi năm còn có hàng trăm tấn nội tạng động vật, chân gà… ngâm tẩm mầu, hóa chất được đưa trái phép vào nước ta, bán tại các chợ đầu mối và cung cấp chủ yếu cho các quán ăn, nhà hàng, là nguồn gây bệnh rất nguy hiểm cho một bộ phận lớn người tiêu dùng.
- Tình trạng trốn hoặc gian lận trong việc nộp phí BVMT diễn ra khá phổ biến ở các doanh nghiệp, các tổ chức, các cơ sở sản xuất kinh doanh và các bệnh viện. Nguyên nhân của tình trạng này là do cơ quan quản lý nhà nước chưa tuyên truyền rộng rãi, chưa có cơ chế thu, nộp phí BVMT rõ ràng, mặt khác đối với những trường hợp vi phạm chưa có chế tài xử phạt đủ mạnh để răn đe, phòng ngừa (vụ công ty Vedan truy thu trên 127 tỷ đồng, công ty cổ phần giấy Việt Trì truy thu trên 1 tỷ đồng…).
1.2.Thực trạng thực hiện pháp luật
Vấn đề BVMT ở Việt Nam thực sự được quan tâm từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 và đặc biệt là năm 1993 khi Luật BVMT được ban hành. Đây là văn bản quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức thực hiện công tác BVMT. Lần đầu tiên, các khái niệm cơ bản có liên quan đến BVMT đã được định nghĩa, xác định làm cơ sở cho việc vận dụng vào hoạt động quản lý môi trường. Trong đó, BVMT được hiểu là những hoạt động giữ cho môi trường trong lành sạch đẹp, cải thiện môi trường, bảo đảm cân bằng sinh thái, ngăn chặn và khắc phục hậu quả xấu do con người và thiên nhiên gây ra cho môi trường, khai thác, sử dụng hợp lý và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên. Ngoài ra, các khái niệm về thành phần môi trường, chất thải, chất gây ô nhiễm, ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường, sự cố môi trường, tiêu chuẩn môi trường, công nghệ sạch, hệ sinh thái, đa dạng sinh học, đánh giá tác động môi trường được giải thích rõ trong Luật. Đồng thời, đây cũng là lần đầu tiên quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức và cá nhân trong việc BVMT được pháp luật quy định.
Việc BVMT không những được quy định trong Luật BVMT, mà còn được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật khác điều chỉnh các hoạt động của con người khi tác động vào thiên nhiên, ảnh hưởng đến môi trường sống.
Ngoài văn bản pháp luật điều chỉnh trực tiếp việc BVMT như Luật BVMT, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật BVMT, xử phạt vi phạm hành chính về BVMT, Nhà nước ta cũng ban hành văn bản pháp luật chung và chuyên ngành khác quy định nghĩa vụ BVMT đối với các cơ quan, tổ chức và cá nhân hữu quan như: Luật Bảo vệ và phát triển rừng (1991), Luật Bảo vệ sức khoẻ nhân dân (1989), Pháp lệnh về Thu thuế tài nguyên (1989), Pháp lệnh Bảo vệ đê điều (1989), Pháp lệnh Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (1989), Luật Đất đai (năm 1993 và được sửa đổi, bổ sung vào các năm 1998, 2001), Luật Dầu khí (1993), Luật Khoáng sản (1996), Pháp lệnh An toàn và kiểm soát bức xạ (1996), Luật Tài nguyên nước (1998), Pháp lệnh Thú y (1993), Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật (1993)... Liên quan đến lĩnh vực môi trường, những văn bản pháp luật này quy định về đánh giá tác động môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; nghĩa vụ BVMT trong quá trình nuôi trồng, khai thác và chế biến thuỷ sản, trong hoạt động dầu khí, trong quá trình tham gia giao thông, xây dựng...; chế độ pháp lý trong việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội. Đồng thời các văn bản pháp luật này cũng quy định các nguyên tắc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước với tư cách là bảo vệ sinh thái, môi trường. Ngoài ra, pháp luật môi trường cũng xác định rõ BVMT là một bộ phận cấu thành trong hệ thống kinh tế, xã hội và được kế hoạch hoá đồng bộ với kế hoạch hoá của các ngành kinh tế quốc dân khác.
Nhìn chung, cho đến nay hệ thống pháp luật về môi trường ở nước ta đã phát triển cả nội dung và hình thức, điều chỉnh tương đối đầy đủ các thành tố tạo nên môi trường. Hệ thống các tiêu chuẩn của môi trường cũng đã được ban hành làm cơ sở cho việc kiểm soát, đánh giá tác động môi trường. Các văn bản pháp luật được ban hành bước đầu đã tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động quản lý nhà nước về BVMT, nâng cao nhận thức của cơ quan nhà nước, tổ chức, công dân đối với vấn đề môi trường. Với tư cách là thành viên của Liên hợp quốc và Chương trình môi trường Liên hợp quốc, Việt Nam đã rất quan tâm đến việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BVMT. Tính đến nay, nước ta đã tham gia 14 công ước, hiệp định quốc tế về môi trường; đẩy mạnh hợp tác song phương và đa phương với các nước trong và ngoài khu vực về BVMT.
Tuy nhiên, nhìn vào tổng thể hệ thống pháp luật của nước ta hiện nay, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy các quy định của pháp luật về BVMT còn rất nhiều bất cập và hạn chế trước yêu cầu của phát triển bền vững:
Một là, chưa có sự gắn kết chặt chẽ, hữu cơ giữa các quy định về phát triển kinh tế với các quy định về BVMT. Yếu tố môi trường chưa thực sự được coi trọng và tính đến nhiều trong quá trình xây dựng và ban hành luật như các vấn đề về thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế bởi những đòi hỏi bức xúc về phát triển kinh tế. Hầu hết các văn bản quy phạm pháp luật về kinh tế còn chưa tính đến chi phí môi trường trong sản xuất kinh doanh. Còn thiếu vắng những công cụ kinh tế nhằm BVMT như lệ phí môi trường, thuế môi trường, người gây ô nhiễm phải trả tiền… làm cho công tác BVMT không phát huy được sự kích thích từ góc độ kinh tế đối với những chủ thể sử dụng các thành phần môi trường cho hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, gây ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái. Vì thế, có thể nói rằng hiện tại các chính sách, pháp luật về kinh tế chưa thực sự “thân môi trường”.
Hai là, các quy định của pháp luật về BVMT tương đối đầy đủ cả ở luật nội dung và hình thức nhưng chưa có một cơ chế pháp lý hữu hiệu trong việc kiểm soát các hoạt động tác động vào tự nhiên, ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái, Các chế tài chưa thích hợp và chưa đủ mạnh để trừng trị và răn đe những hành vi vi phạm. Vì vậy, nghĩa vụ đánh giá tác động môi trường của các chủ thể tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hầu như còn hình thức. Các hoạt động gây ảnh hưởng đến môi trường, sinh thái như gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, chặt phá rừng... vẫn tiếp tục diễn ra, không được ngăn chặn triệt để.
Ba là, những quy định về biện pháp xử lý vi phạm giữa các văn bản pháp luật về môi trường còn có những khoảng trống nên không có biện pháp xử lý thích hợp đối với chủ thể vi phạm. Cụ thể như, Điều 27 Luật Tài nguyên nước quy định cấm tổ chức, cá nhân gây nhiễm mặn nguồn nước. Nếu coi đây là hành vi gây ô nhiễm nguồn nước thì phải được xử phạt hành chính về hành vi gây ô nhiễm nguồn nước nói chung nhưng rất tiếc là Nghị định số 26/CP ngày 26/4/1996 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực BVMT lại không quy định về vấn đề này. Vì vậy, mặc dù Điều 183 Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định về tội gây ô nhiễm nguồn nước nhưng khó có thể thực hiện trong thực tiễn được vì chưa bị xử lý vi phạm hành chính... Vì thế, hiệu quả của việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường còn thấp.
Bốn là, pháp luật về trách nhiệm dân sự trong lĩnh vực BVMT còn quá chung chung, khó áp dụng. Mặc dù, các quy định về bồi thường thiệt hại của người có hành vi gây ô nhiễm môi trường đã được đề cập nhưng các quy định này chỉ dừng lại ở mức độ chung chung. Trách nhiệm chấm dứt hành vi vi phạm, khôi phục lại môi trường và bồi thường thiệt hại chỉ được quy định trong văn bản pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính. Còn đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường mới chỉ dừng lại ở quy định chung chung, mang tính nguyên tắc trong Luật BVMT, Bộ luật Dân sự, đến nay vẫn chưa được quy định cụ thể, hướng dẫn thực hiện. Ngay trong các quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, đến nay cũng chưa có quy định nào hướng dẫn về các phương pháp xác định thiệt hại, xác định mức bồi thường.
2. Một số giải pháp đảm bảo thực hiện pháp luật bảo vệ môi trường   
Trước yêu cầu thực tế và thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW về việc đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khoá IX) “Về BVMT trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” việc thực hiện pháp luật BVMT phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Một là, xây dựng pháp luật về môi trường ở Việt Nam cần xuất phát và nằm trong tổng thể các chính sách, định hướng mang tính quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Sửa đổi, bổ sung các văn bản hiện hành để khắc phục tính thiếu nhất quán, không cụ thể, không rõ ràng trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực BVMT. Ban hành văn bản mới để điều chỉnh các quan hệ xã hội trong lĩnh vực BVMT cho đến nay chưa điều chỉnh. Sửa đổi cơ bản Luật BVMT và các quy định liên quan đến môi trường trong các ngành luật, chú trọng các yếu tố môi trường trong các ngành luật, chú trọng đến các yếu tố tài nguyên môi trường thiên nhiên, đồng thời giải quyết mối quan hệ giữa Luật BVMT và các văn bản luật chuyên ngành điều chỉnh về môi trường, phát huy đồng bộ sức mạnh của các biện pháp được quy định trong luật hành chính, hình sự, dân sự, kinh tế trong việc xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường, đặc biệt là các biện pháp kinh tế để bảo đảm sự hài hoà giữa phát triển kinh tế và yêu cầu BVMT.
Hai, xã hội hóa các hoạt động thực hiện pháp luật về BVMT bằng cách tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc tham gia quản lý, tổ chức thực hiện và giám sát công tác BVMT. Chính quyền các cấp cần phối hợp và hỗ trợ về mọi mặt để phát huy tối đa vai trò công tác xã hội, đa dạng hoá các hoạt động BVMT, có cơ chế khuyến khích mọi thành phần kinh tế thực hiện dịch vụ BVMT. Xây dựng mối quan hệ cộng tác giữa các tổ chức đảng - Nhà nước - Mặt trận, đoàn thể - doanh nghiệp. Nội dung của việc xã hội hóa công tác BVMT là huy động ở mức cao nhất sự tham gia của xã hội vào công tác BVMT; xác lập các cơ chế khuyến khích, các chế tài hành chính, hình sự và thực hiện một cách công bằng, hợp lý đối với tất cả các cơ sở nhà nước và tư nhân khi tham gia hoạt động BVMT; nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, tổ chức xã hội trong công tác BVMT; đưa BVMT vào nội dung hoạt động của các khu dân cư và phát huy vai trò của các tổ chức này trong công tác BVMT;
Ba là,  tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực môi trường, đặc biệt là hợp tác quốc tế về pháp luật. Cần tìm cơ chế thích hợp để đẩy mạnh hơn nữa việc nội luật hoá các cam kết quốc tế về BVMT mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia và xác định rõ hiệu lực pháp lý của cam kết quốc tế đó. Đồng thời, cần phải xây dựng cơ chế bảo đảm thực thi hiệu quả các cam kết quốc tế đó tại Việt Nam. Mở rộng hợp tác quốc tế về môi trường trên tinh thần tôn trọng và thực hiện nghiêm túc các công ước quốc tế mà nước ta ký kết tham gia. Ưu tiên mở rộng quan hệ quốc tế về BVMT trong phạm vi khu vực dưới hình thức thiết lập các chương trình, dự án đa phương và song phương. Chú ý mở rộng mối quan hệ hợp tác đôi bên cùng có lợi;
Bốn là, tăng nguồn chi cho sự nghiệp BVMT. Từ năm 2006, ngân sách cho BVMT đã được bố trí thành một nguồn riêng (chi sự nghiệp môi trường) với quy mô không thấp hơn 1% tổng chi ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh mới, nhằm giải quyết những vấn đề môi trường cấp thiết, cần phải tăng chi ngân sách. Tăng mức chi cho sự nghiệp BVMT cần phải cải thiện được chất lượng môi trường hướng đến một nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững, tăng thụ hưởng cho người dân./
 
 

[1]Điều 3, Nghị định 66/2006/NĐ-CP ban hành ngày 07/07/2006 về việc phát triển ngành nghề nông thôn.
 

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu lập pháp số 7(215), tháng 4/2012)


Thống kê truy cập

32833970

Tổng truy cập