Phát huy vai trò giám sát của nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội – phương thức bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân

07/04/2023

TS. HOÀNG MINH HỘI

Giảng viên chính, Học viện chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội là việc các cá nhân, công dân hay cộng đồng trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức của Nhân dân theo dõi, quan sát, xem xét hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội nhằm bảo đảm các chủ thể thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được giao, không ngừng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Trong bài viết này, tác giả phân tích một số vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng và đề xuất một số giải pháp liên quan đến giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội.
Từ khóa: Giám sát, Nhân dân, Quốc hội.
Astract: People's supervision over the performance of National Assembly is that individuals, citizens or communities directly or through the People's reprentative entities supervise, observe, and review the performance of the National Assembly, the agencies of National Assembly and National Assembly deputies to ensure that the subjects properly perform their assigned functions and tasks, and constantly promote the People's right to mastery. Within this article, the author provides an analysis of a number of theoretical issues, assessesment of the current situation and proposes recommendations for the People's supervision on the performance of the National Assembly.
Keywords: Supervion; People; National Assembly.
 
1. Một số vấn đề lý luận về giám sát của Nhân dân đối với hoạt động Quốc hội
Quốc hội là cơ quan có thẩm quyền quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Các quyết định của Quốc hội đều bắt nguồn từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân cả nước và tất cả đều nhằm phục vụ cho lợi ích chung của dân tộc, của Nhân dân và của đất nước. Quốc hội là thiết chế tiếp nhận trực tiếp quyền lực nhà nước từ Nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân, là nơi thể hiện và thực hiện ngày càng sâu sắc hình thức dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Từ nguyên lý trên đây, giám sát của Nhân dân đối với hoạt động Quốc hội là khách quan, tất yếu, “Quốc hội … phải chịu sự giám sát của xã hội, của Nhân dân. Bởi vì toàn bộ quyền lực nhà nước đều thuộc về Nhân dân”[1].QUỐC-HỘI_2.jpg
Dưới góc độ khoa học pháp lý, khái niệm giám sát được hiểu là “theo dõi và kiểm tra có thực hiện đúng những điều quy định hay không”[2], hay giám sát là “theo dõi, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ”[3]. Ý kiến khác cho rằng “giám sát là việc quan sát theo dõi, đánh giá hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện chủ trương, chính sách đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ban hành, nhằm hướng các hoạt động đó đạt mục tiêu, hiệu quả đã được xác định”[4]. Giám sát của Nhân dân đối với Quốc hội là giám sát do cá nhân, công dân hay cộng đồng thông qua các hình thức phù hợp (trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức của Nhân dân) về việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
Từ những phân tích trên đây có thể hiểu: Giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội là việc các cá nhân, công dân hay cộng đồng trực tiếp hoặc thông qua các tổ chức của Nhân dân theo dõi, quan sát, xem xét hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH nhằm bảo đảm các chủ thể thực hiện đúng chức năng và nhiệm vụ được giao, không ngừng phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, giữ vững bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.
Về nội dung, Nhân dân giám sát các hoạt động của Quốc hội thông qua nhiều cách thức và phương thức khác nhau, bao gồm các phương thức giám sát trực tiếp và gián tiếp. Giám sát của Nhân dân đối với Quốc hội được thực hiện trên các mặt hoạt động của Quốc hội với bốn chức chức năng “thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” và mười lăm nhiệm vụ của Quốc hội được quy định tại Điều 69 và Điều 70 của Hiến pháp năm 2013 và các văn bản pháp luật khác.
Về hình thức giám sát, Thứ nhất, Nhân dân trực tiếp giám sát hoạt động của Quốc hội. Theo đó, Nhân dân tham gia vào các hoạt động hình thành các quyết định của Quốc hội như góp ý kiến tham gia xây dựng luật pháp, ban hành các quyết định, chủ trương của Quốc hội; xem xét, đánh giá năng lực các đại biểu Quốc hội. Nhân dân giám sát qua thực hiện quyền bầu cử, bãi miễn đối với đại biểu Quốc hội, qua hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân và chuyển đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân đối với đại biểu Quốc hội. Thứ hai, Nhân dân giám sát hoạt động của Quốc hội thông qua các tổ chức của Nhân dân, bao gồm Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, báo chí và phương tiện truyền thông.
Về vai trò giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội,có thể khẳng định đây là một trong những phương thức bảo đảm quyền lực nhà nước thực sự thuộc về Nhân dân. Trong Nhà nước pháp quyền XHCN, khi Nhân dân giao quyền lực nhà nước cho các cơ quan nhà nước thực hiện thì quyền lực nhà nước cần phải được kiểm soát để bảo đảm thực hiện đúng mục đích và hiệu quả. Giám sát của Nhân dân là một trong những hình thức của kiểm soát quyền lực nhà nước. Giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội là một yêu cầu khách quan, nhằm làm cho Quốc hội thực hiện tốt hơn các chức năng của mình, qua đó góp phần ngăn chặn những biểu hiện tiêu cực vi phạm các quyền làm chủ của Nhân dân. Thông qua giám sát Nhân dân có thể phản ánh tâm tư, đưa ra những đề xuất của mình đối với Quốc hội, chỉ ra ưu điểm, tồn tại, khiếm khuyết. Trên cơ sở đó, Nhân dân đề xuất kiến nghị, giải pháp để giúp Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội phát huy mặt ưu điểm, khắc phục những thiếu sót để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ngày càng tốt hơn.
2. Thực trạng giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội ở nước ta hiện nay
Đảng ta rất quan tâm đến phát huy dân chủ trong đó có quyền giám sát của Nhân dân đối với bộ máy nhà nước nói chung và hoạt động của Quốc hội nói riêng. Theo Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Nhà nước phải “gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của Nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân”[5]. Nghị quyết đại hội XII (năm 2016) của Đảng tiếp tục khẳng định: “hoàn thiện và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách phát huy vai trò của Nhân dân trong việc quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân; khắc phục những hạn chế, bảo đảm tác dụng, hiệu quả thực chất của hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; tạo sự đồng thuận xã hội”[6]. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (tháng 01/2021), Đảng ta nhấn mạnh cần thực hiện tốt, có hiệu quả phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”[7].
Quyền giám sát của Nhân dân là một quyền hiến định, được quy định tại Điều 8 Hiến pháp năm 2013: “…Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân..”, “ĐBQH là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của Nhân dân cả nước. ĐBQH liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri…” (Điều 79). Với tinh thần đó, hệ thống pháp luật hiện nay có nhiều văn bản quy định Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH luôn chịu sự giám sát của Nhân dân như Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND), Luật về Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các văn bản pháp luật khác.
Thời gian qua, giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội đạt được những kết quả tích cực:
Giám sát của Nhân dân đối với Quốc hội qua hình thức giám sát trực tiếp ngày càng được coi trọng. Công tác bầu cử ĐBQH ngày càng được tổ chức chuyên nghiệp, hiệu quả được Nhân dân quan tâm. Việc tổ chức tiếp xúc cử tri được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, tạo điều kiện tốt để Nhân dân thực thi quyền giám sát. Hoạt động tiếp xúc cử tri định kỳ trước và sau kỳ họp Quốc hội đã có sự phối hợp tham gia khá tốt của   các cơ quan hữu quan. Qua các buổi tiếp xúc cử tri, nhìn chung đại biểu Quốc hội đã thực hiện khá tốt trách nhiệm đại biểu của mình trong việc  cung cấp các thông tin về hoạt động của Quốc hội tạo điều kiện để cử tri theo dõi, nắm bắt thông tin, thực hiện có hiệu quả quyển giám sát của mình đối với hoạt động của Quốc hội.
Giám sát của Nhân dân qua hình thức tiếp công dân và chuyển đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân được các cơ quan của Quốc hội tập hợp, tổng hợp kiến nghị của cử tri, kịp thời chuyển và yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết, trả lời cử tri theo quy định của pháp luật. Các ý kiến, kiến nghị của cử tri được tập hợp đầy đủ, in thành tập tài liệu để gửi đến các Đoàn ĐBQH tại các kỳ họp để các vị ĐBQH nghiên cứu Các cơ quan của Quốc hội lựa chọn một số nội dung bức xúc, cử tri nhiều địa phương kiến nghị, kiến nghị nhiều lần… để tiến hành giám sát[8]. Nhìn chung, các cơ quan của Quốc hội đều có trách nhiệm tổ chức và thực hiện việc tiếp công dân tại địa điểm tiếp công dân theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định. Công tác tập hợp kiến nghị cử tri qua tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp đã được triển khai một cách chuyên nghiệp, khoa học, công khai và kịp thời[9].
Giám sát của Nhân dân đối với Quốc hội thông qua thiết chế đại diện cho Nhân dân không ngừng phát huy hiệu quả. Ủy ban Trung ương MTTQ và các tổ chức thành viên của Mặt trận đã tích cực tham gia trong Ban soạn thảo, Tổ biên tập các dự án luật phản án kịp thời những ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước trước, trong các kỳ họp Quốc hội. Bên cạnh đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tổ chức nhiều hội nghị lấy ý kiến của các tầng lớp Nhân dân về dự thảo các dự án luật và kịp thời chuyển đến Quốc hội những kiến nghị về giám sát của Nhân dân. Sự phối hợp với UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội trong việc thực hiện chức năng giám sát tối cao của  Quốc hội đã tạo điều kiện cho MTTQ tham gia sâu sát hơn vào hoạt động của   Quốc hội, để từ đó Mặt trận có thể thực hiện tốt hơn chức năng giám sát của mình.
Giám sát của Nhân dân thông qua hình thức báo chí và phương tiện truyền thông đối với hoạt động của Quốc hội được bảo đảm. Báo chí và phương tiện truyền thông đã thực hiện vai trò là cầu nối trực tiếp để Nhân dân giám sát Quốc hội. Các kỳ họp của Quốc hội trong thời gian qua đã được truyền hình trực tiếp, thu hút sự quan tâm đông đảo của cử tri và đồng bào cả nước. Cùng với đó, đội ngũ phóng viên, nhà báo, các tờ báo, tạp chí, đài phát thanh, truyền hình luôn kịp thời cung cấp thông tin về hoạt động Quốc hội, các cơ quan và ĐBQH; đồng thời tải các ý kiến đóng góp của Nhân dân, quan tâm của Nhân dân đối với Quốc hội. Như vậy, có thể thấy báo chí và phương tiện truyền thông là cầu nối liên kết thường xuyên, hiệu quả giữa Nhân dân và Quốc hội, là kênh thông tin quan trọng cho hoạt động giám sát của Nhân dân đối với Quốc hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được trên đây, giám sát của Nhân dân dối với hoạt động của Quốc hội thời gian qua có những bất cập, hạn chế:
 Hình thức tiếp xúc cử tri giúp ĐBQH nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của cử tri khi thực hiện nhiệm vụ nhưng trên thực tế việc triển khai thực hiện chưa được nhiều. Việc gặp gỡ, tiếp xúc cá nhân hoặc nhóm cử tri của  ĐBQH trên thực tế còn hạn chế cả về số cuộc và số cử tri. Một ĐBQH chưa đầu tư thích đáng  về thời gian, công sức cho việc tiếp xúc cử tri nơi cư trú, nơi làm việc. Việc tiếp xúc cử tri theo chuyên đề, lĩnh vực hoặc gặp gỡ, tiếp xúc với cá nhân, nhóm cử tri “do thiếu kỹ năng nên có đại biểu còn lúng túng trong hoạt động lập pháp, giám sát; chưa chủ động đề xuất nội dung giám sát, đưa ra sáng kiến lập pháp hoặc tự giám sát những vấn đề mình quan tâm... Có đại biểu có những phát ngôn chưa đúng chuẩn mực, có đại biểu vi phạm pháp luật gây mất niềm tin, sự kỳ vọng, tin tưởng của cử tri”[10]. Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm cá nhân của một số đại biểu Quốc hội trong tiếp xúc cử tri chưa được phát huy mạnh mẽ. Việc tiếp xúc cử tri chủ yếu vẫn là do Đoàn ĐBQH chủ động phối hợp với Ban thường trực Ủy ban trung ương MTTQ cấp tỉnh và các cơ quan hữu quan triển khai kế hoạch tiếp xúc cử tri.
Việc tiếp nhận, phân loại và chuyển đơn, thư của công dân trong nội bộ các cơ quan của Quốc hội còn lòng vòng, gây tốn thời gian, nhân lực mà hiệu quả không cao; dẫn đến việc xử lý đơn, thư của công dân không được kịp thời, chưa phù hợp với cải cách thủ tục hành chính hiện nay. Hoạt động giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đối với công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa được thường xuyên. Việc tổng hợp kiến nghị cử tri ở một số Đoàn ĐBQH còn nhiều nội dung trùng lặp, không rõ ràng; thông tin về việc trả lời, giải quyết kiến nghị đến cử tri còn hạn chế[11].
MTTQ ở một số nơi chưa có nhiều biện pháp tích cực nhằm phát huy tổng hợp sức mạnh các tổ chức thành viên tham gia hoạt động giám sát. Có lúc có nơi hoạt động giám sát của Mặt trận còn né tránh, ngại va chạm. Điều đó đã làm cho hoạt động giám sát của thiết chế này trên thực tế mang tính hình thức, hiệu quả pháp lý chưa cao; giám sát mới chủ yếu chỉ mới thể hiện qua các phát hiện, nêu ý kiến, kiến nghị của Nhân dân đối với Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Một số phóng viên, tờ báo đưa tin không đầy đủ, thiếu chính xác về kết quả hoạt động của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, ĐBQH làm cho một bộ phận Nhân dân chưa có cái nhìn đầy đủ, khó đánh giá khách quan về Quốc hội, chính sách của Quốc hội, ảnh hưởng đến hoạt động giám sát của Nhân dân. Một số trường hợp báo chí đưa tin, đăng tin không đúng, không đầy đủ về một số đại biểu Quốc hội mặc dầu đại biểu đó có hành vi vi phạm pháp luật, không còn đủ sự tín nhiệm của Nhân dân. Điều đó phần nào làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với ĐBQH.
Pháp luật về thực hiện quyền giám sát của Nhân dân đối với bộ máy nhà nước ở Việt Nam thời kỳ đổi mới đã thể chế hóa quan điểm của Đảng về quyền dân chủ trực tiếp của Nhân dân nhưng nhiều đạo luật chưa thể chế hóa chưa kịp thời nội dung và tinh thần quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, chưa phản ánh đầy đủ, toàn diện nguyên tắc chủ quyền nhân dân trong đó có quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội. Chẳng hạn, Quyền bầu cử nếu hiểu đầy đủ thì phải bao gồm cả quyền bãi nhiệm đại biểu của cử tri[12] nhưng pháp luật hiện nay chưa có quy định về trình tự, thủ tục để cử tri thực hiện quyền bãi nhiệm ĐBQH. Như vậy, pháp luật chưa bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, đẩy đủ nên chưa tạo ra “các điều kiện để thực thi dân chủ, quyền làm chủ của Nhân dân còn thiếu và chưa đồng bộ”[13].
Pháp luật về bầu cử ĐBQH từ khâu hiệp thương lựa chọn ứng cử đến việc lập danh sách các ứng cử viên chưa có quy định bảo đảm sự kiểm tra, giám sát trực tiếp của Nhân dân. Có thể nói, pháp luật lĩnh vực này chưa đồng bộ, “chưa theo kịp thực tiễn và còn nhiều bất cập, hạn chế nên việc thực hiện của người dân, của các đại diện Nhân dân còn nhiều vướng mắc, khó khăn… chưa bảo đảm điều kiện để Nhân dân tham gia kiểm tra giám sát quyền lực nhà nước thuận tiện dễ dàng”[14]. Trong khi đó, một số quy định pháp luật chưa đề cao vị trí, vai trò của MTTQ trong hoạt động giám sát trong đó có giám sát đối với Quốc hội. Ví dụ: khoản 1 Điều 22 quy định: “Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham dự các kỳ họp Quốc hội; được mời tham dự các phiên họp của UBTVQH…”. Có thể nói, “vai trò của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các thiết chế xã hội khác chưa được coi trọng đúng mức”[15].
Những bất cập, hạn chế trên đây là do một số nguyên nhân có bản như sau: trước hết, hoạt động xây dựng ban hành pháp luật bảo đảm quyền giám sát của Nhân dân, trong đó có giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội chưa kịp thời thể chế hóa đầy đủ quan điểm của Đảng về quyền giám sát của Nhân dân. Hoạt động nghiên cứu lý luận, tổng kết, đánh giá thực tiễn thực hiện quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội chưa được tiến hành thường xuyên, kịp thời để có những kiến nghị lập pháp phù hợp. Quá trình tổ chức thực hiện pháp luật, một số ĐBQH còn chưa nhận thức đầy đủ được quyền giám sát của Nhân dân.
3. Một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội ở nước ta
Tiếp tục phát huy vai trò của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội ở nước ta hiện nay cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau đây:
- Cần phải tiếp tục cải tiến chế độ bầu cử ĐBQH để cử tri lựa chọn ra những đại biểu xứng đáng; thực hiện chế độ bãi miễn đại biểu Quốc hội để khắc phục tính hình thức trong hoạt động của các cơ quan dân cử và nhằm thực hiện quyền giám sát của Nhân dân đối với hoạt động của Quốc hội. Cần phải quy định rõ các điều kiện khi nào thì Quốc hội thực hiện việc miễn nhiệm đại biểu, khi nào thì cử tri có quyền bãi miễn ĐBQH.
- Đổi mới quy trình hiệp thương, đề cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong các vòng hiệp thương lựa chọn người ứng cử theo từng cơ cấu. Theo cách này, việc lựa chọn người ứng cử cho một cơ cấu nào đó phải thông qua sự tuyển chọn rộng rãi của cơ cấu đó. Mặt khác, khi giới thiệu người ứng cử đại biểu cho một cơ cấu nào đó, cần có số lượng phù hợp để khi đưa ra bầu, cử tri có điều kiện lựa chọn những đại biểu xứng đáng.
- Cần có hình thức vận động bầu cử phù hợp để người ứng cử đại biểu các cơ quan dân cử đưa ra chương trình hành động của mình; tăng cường các bảo đảm pháp lý về tổ chức nhằm đề cao các yêu cầu về dân chủ, công khai; quy định trách nhiệm của ứng cử đối với việc cung cấp đầy đủ thông tin về mình cho các cử tri, từ đó cử tri có điều kiện so sánh, đánh giá năng lực của các ứng viên ĐBQH.
- Hoàn thiện chế độ tiếp xúc cử tri của ĐBQH. ĐBQH phải thu thập và phản ánh đầy đủ, trung thực ý kiến nguyện vọng của Nhân dân thông qua tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu ra mình, tham khảo ý kiến cử tri nơi công tác và cư trú. Cần đổi mới các cuộc tiếp xúc cử tri theo hướng mở rộng phạm vi tiếp xúc cử tri, tăng số lượng cử tri, không bó hẹp đại diện cử tri như hiện nay. Nội dung các cuộc tiếp xúc cử tri cần được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và tập trung vào những vấn đề mà Nhân dân đang quan tâm. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận Tổ quốc – HĐND – Ủy ban nhân dân trong các cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu dân cử với cử tri.
- Tạo điều kiện cho Nhân dân trong việc tiếp cận các nguồn thông tin, báo chí phản ánh về hoạt động của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, ĐBQH. Mở rộng thông tin về các hoạt động của Quốc hội và chuyển tải tới công chúng những thông tin về hoạt động lập pháp, lập quy, hoạt động giám sát và hoạt động quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Nên có biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện để Nhân dân tham dự, quan sát hoạt động kỳ họp của Quốc hội. Tăng cường mối quan hệ hai chiều giữa Quốc hội với Nhân dân để Nhân dân có điều kiện giám sát hoạt động của Quốc hội./.
 

 


[1] Đặng Đình Tân (2006): Nhân dân giám sát các cơ quan dân cử ở Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 85.
[2] Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, Hà Nội 1997. tr. 374.
[3] Nguyễn Như Ý (Chủ biên): Đại từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội 1998, tr. 728.
[4] Nguyễn Huy Phượng: Giám sát xã hội đối với hoạt động tư pháp ở nước ta hiện nay, Luận án tiến sỹ Luật học, Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội 2012, tr. 61.
[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011,tr.86.
[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2016, tr. 159.
[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, t.1, tr. 173.
[8] Xem: Ban Dân nguyện, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo số 349/BC-BDN Đánh giá, tổng kết tổ chức và hoạt động của Ban Dân nguyện từ khi thành lập đến nay (2003-2021), tr. 3.
[9] Ban Dân nguyện, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo Số: 98/BC-BDN Tổng kết Ban Dân nguyện,nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV (2016 - 2021), tr. 12.
[10] Phan Thanh Hà, Một số vấn đề về trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trước cử tri, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 21 (469), tháng 11/2022.
[11] Xem: Ban Dân nguyện, Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo số 349/BC-BDN Đánh giá, tổng kết tổ chức và hoạt động của Ban Dân nguyện từ khi thành lập đến nay (2003-2021), tr. 11-13.
[12] Khoản 2 Điều 7 Hiến pháp năm 2013 quy định: “ĐBQH, đại biểu HĐND bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng nhân dân bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân”; Khoản 1 Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014 quy định: “ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm”.
[13] Đảng cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia. Hà Nội, tr.168.
[14] Trần Ngọc Đường (2014), Báo cáo Khoa học Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ: Cơ sở lý luận và thực tiễn xây dựng, hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ở nước ta, do Viện Nghiên cứu Lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội chủ trì, tháng 10/2014. Hà Nội, tr. 99.
[15] Trần Ngọc Đường, tlđd, tr. 98.

(Nguồn tin: Số Chuyên đề "20 năm thành lập Ban dân nguyện - Xây dựng, phát triển và đổi mới" - TC NCLP. 2023)