Quyền lập pháp và công tác dân nguyện trong xã hội pháp quyền

05/04/2023

GS.TS. NGUYỄN ĐĂNG DUNG

Khoa Luật, Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

Tóm tắt: Những năm gần đây, Quốc hội Việt Nam ngày càng trở nên có hiệu lực, không những thể chế hoá các chủ trương chính sách của đảng cầm quyền, mà còn phải thể hiện ý chí của người dân. Việc thể hiện ý chí của người dân cho đến hiện nay đã có tiến bộ, nhưng vẫn cần phải có sự đổi mới trong tương lai, không nên tập trung cho một cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được gọi là Ban Dân nguyện, mà phải được chuyển giao cho người đại biểu của dân thực hiện.
Từ khoá: Lập pháp, Đại biểu dân cử; Ban Dân nguyện; Công tác dân nguyện
Summary: The National Assembly of Vietnam has become more and more effective, not only is responsible for institutionalizing the policies of the ruling party, but also must express the willing of the people in recent years. The expression of the will of the people has made progress, but it needs to be innovated in the future, it should not be concentrated on an agency under the Standing Committee National Assembly is called the Committee on People's Aspiration, which must be transferred to the representatives of the people for enforcement.
Keywords: Legislation; the elected Delegate; Committee on People's Aspiration.
 
34-30.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Quyền lập pháp
Hiến pháp năm 2013 quy định Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước (Điều 69). Tuy nhiên, khác với một số nước, Quốc hội Việt Nam không bị giới hạn phạm vi làm luật. Điều này không có nghĩa là Quốc hội có quyền ban hành luật về bất cứ vấn đề gì; không có một giới hạn nào về những lĩnh vực thuộc thẩm quyền làm luật của Quốc hội. Quốc hội Việt Nam có thể thông qua bất cứ một đạo luật nào nếu Quốc hội thấy rằng, việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội đó bằng luật là cần thiết.
Việc liệt kê những vấn đề thuộc đối tượng điều chỉnh của luật là rất khó và phức tạp. Điều tổng quát là những vấn đề gì có liên quan đến quyền lợi của tất cả mọi người, nhiều tầng lớp nhân dân, đến cộng đồng, vừa có tính thường xuyên, ổn định thì phải để cho luật điều chỉnh. Theo kinh nghiệm nhiều nước, lập pháp nên tập trung vào những vấn đề sau: quyền, nghĩa vụ của công dân; quốc tịch, chế độ hôn nhân và gia đình; thừa kế; hình sự, tố tụng hình sự; dân sự, tố tụng dân sự; kinh tế, thương mại, thuế; bầu cử, tổ chức các cơ quan công quyền; công chức; vấn đề quốc phòng; giáo dục, bảo đảm xã hội; y tế; xuất bản; lập hội...
Quốc hội Việt Nam những năm trước đây, trong thời kỳ chiến tranh và sau đó là thời kỳ kinh tế bao cấp, tất nhiên có những đòi hỏi khác với Quốc hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Hoạt động lập pháp của Quốc hội trong nền kinh tế thị trường cũng như trong một Nhà nước pháp quyền có rất nhiều đòi hỏi theo tiêu chí của thị trường và Nhà nước pháp quyền. Nếu như ở nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải có tự do kinh doanh, thì lẽ đương nhiên, luật của Quốc hội phải có mục tiêu phục vụ sự tự do kinh doanh, phải bảo đảm quyền và tài sản của các chủ thể kinh doanh. Nếu như trong một chế độ pháp quyền (The Rule of law), quyền của con người, nhất là của những người yếu thế, thiểu số phải được bảo đảm, thì luật do Quốc hội ban hành cũng phải có mục tiêu tương tự: bảo vệ nhân quyền, nhất là đối với những người yếu kém và thiểu số. Luật của Quốc hội phải có xu hướng làm giảm đi những khuyết tật của nền kinh tế thị trường. Khoa học pháp lý gọi đây là cách tiếp cận quyền trong hoạt động lập pháp.
Lý do của việc con người gia nhập vào xã hội là nhằm bảo toàn đối với sở hữu của họ, và mục đích mà họ chọn, trao quyền cho một cơ quan lập pháp là để nơi này làm ra luật lệ, với tư cách là những thứ bảo vệ và phòng vệ cho mọi sở hữu của các thành viên trong xã hội, giới hạn quyền lực và dung hòa sự cai trị của mọi thành phần và mọi thành viên trong xã hội. Do đó, không bao giờ được giả định rằng, ý chí của xã hội là cái mà cơ quan lập pháp có quyền hủy hoại, khi nó là cái mà mọi người có mục đích bảo vệ bằng việc gia nhập vào xã hội, là cái mà vì nó, người dân chấp nhận phục tùng các nhà lập pháp mà chính họ dựng lên. Vì vậy, nếu các nhà lập pháp cố gắng lấy đi hoặc triệt phá sở hữu của người dân hay khiến họ phải rơi vào tình trạng nô lệ dưới quyền lực chuyên chế, thì khi đó, các nhà lập pháp này đã tự đặt mình vào tình trạng chiến tranh với nhân dân, mà nay đã được miễn tuân, không phục tùng thêm gì nữa... Vì vậy, nếu cơ quan lập pháp vượt quá quy tắc nền tảng này của xã hội và do tham vọng, sợ sệt, điên rồ hoặc do tham nhũng mà cố nắm giữ cho riêng mình hay đặt vào tay một người quyền lực tuyệt đối, đặt nó lên cuộc sống, tự do và điền sản của nhân dân, thì bằng sự vi phạm này đối với ủy thác, họ đã đánh mất quyền lực mà Nhân dân đã đặt vào tay họ với mục đích hoàn toàn ngược lại, và quyền lực đó phải được chuyển giao về cho Nhân dân, là những người có quyền khôi phục quyền tự do nguyên thủy của mình, qua việc thiết lập một cơ quan lập pháp mới đem lại cho mình sự an toàn và an ninh, mục đích mà vì đó họ gia nhập vào xã hội[1].
Việc xây dựng luật hay việc quyết định những vấn đề quan trọng ở Việt Nam mới chỉ là “lấy ý kiến Nhân dân” mà chưa tới chỗ luật phải do người dân quyết theo cách đề nghị của J. J. Rousseau trong tác phẩm Khế ước xã hội của ông – ý chí của toàn dân[2]. Tiếp theo tư tưởng này, nhà triết học của ý niệm tuyết đối với tác phẩm Triết học pháp quyền đề nghị luật pháp phải mang tính phổ biến cho mọi tầng lớp nhân dân, mà không làm luật theo tầng lớp nào hay lợi ích của nhóm nào.
 Việc lấy ý kiến Nhân dân là yêu cầu đương nhiên và thường xuyên của Quốc hội Việt Nam kể từ sau công cuộc đổi mới đến nay. Qua các đại biểu, Nhân dân thể hiện ý chí của mình. Ngoài ra, theo tinh thần mới của Hiến pháp, người dân cần được trực tiếp quyết định những vấn đề quan trọng. Đó là yêu cầu đảm bảo chủ quyền thuộc về Nhân dân trong Nhà nước pháp quyền dân chủ.
Quốc hội do Nhân dân bầu ra nên đương nhiên Quốc hội phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân. Và việc chịu trách nhiệm đó thể hiện rõ nhất ở quyền bãi nhiệm đại biểu Quốc hội của Nhân dân. Đại biểu Quốc hội bị cử tri bãi nhiệm khi đại biểu đó không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân (Điều 7 Hiến pháp năm 2013). Tôn trọng quyền con người là yêu cầu cốt lõi của Nhà nước pháp quyền. Trong một xã hội pháp quyền (The Rule of Law), nếu pháp luật là tối cao mà vô nhân đạo, nếu sự phân công quyền lực chỉ là sự “chia chác” chức quyền thì đó thực sự là nhà nước độc tài, chuyên chế.
Hiện nay, lập pháp vẫn là một trong những chức năng căn bản của Quốc hội/Nghị viện. Hầu hết các nghiên cứu về Quốc hội/Nghị viện đều đặt lập pháp là một chức năng trung tâm. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, chức năng lập pháp vẫn nằm ở trung tâm nghịch lý cơ bản của hoạt động Nghị viện. Thông thường, người ta trông đợi các Nghị viện là nơi làm ra các quy định của pháp luật nhưng theo thời gian, việc ban hành ra các quy định của pháp luật lại không phải chủ yếu ở Nghị viện.
Nhân dân trao quyền cho Nhà nước một cách hạn chế ở chỗ: Nhà nước không được có những hành vi xâm phạm quyền con người và Nhà nước phải bảo đảm cho Nhân dân thực thi quyền con người. Quyền lập pháp của Quốc hội Việt Nam cần phải thể hiện nguyên tắc sau:
Một là, mọi đạo luật, mọi quyết định của Quốc hội phải tôn trọng các quyền cơ bản của con người được ghi trong Hiến pháp. Đây cũng là mục tiêu của Nhà nước dân chủ Việt Nam. Mục tiêu đó trước hết phải được thể hiện bằng các hoạt động của Quốc hội.
Hai là, bảo đảm cho Nhân dân thực thi quyền của mình, đặc biệt là cần đảm bảo cơ chế thực thi các quyền chính trị vì nó trực tiếp giúp Nhân dân giám sát Nhà nước. Đó là các quyền của người dân: tham gia quản lý Nhà nước và xã hội, kiến nghị, biểu quyết khi trưng cầu ý dân, bầu cử, ứng cử, tự do ngôn luận, tự do báo chí, khiếu nại, tố cáo.
Ba là, mặc dù có sự phân công thực hiện quyền lập pháp nhưng Quốc hội làm luật trong sự tham gia tích cực và thậm chí còn là trách nhiệm của Chính phủ - hành pháp.
Hoạt động lập pháp của Nhà nước Việt Nam nói riêng và các Nhà nước có nền kinh tế chuyển đổi nói chung có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của công cuộc đổi mới và cải tổ. Không những Việt Nam phải làm luật để thoát gỡ các cơ chế cũ, mà còn phải làm luật để hình thành cơ chế quản lý mới. Hoạt động lập pháp của Quốc hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và trong một nhà nước pháp quyền phải có mục tiêu khác hơn của nhà nước tập trung, chỉ huy kinh tế ở chỗ phải tạo điều kiện cho mọi thành viên có cơ hội phấn đấu vì mục tiêu giàu có và mưu cầu hạnh phúc. Trong Nhà nước pháp quyền và trong một nền kinh tế thị trường, lợi ích của con người và lợi ích của các thành phần kinh tế khác nhau rất đa dạng. Một quyết định của Nhà nước ; trong đó, lẽ đương nhiên và quan trọng là quyết định của Quốc hội, ảnh hưởng rất lớn đến quyền và lợi ích của họ. Để tránh những mất mát và xung đột lợi ích giữa các tầng lớp công dân, khi thực hiện quyền lập pháp, Quốc hội phải tạo ra một môi trường vận động chính sách công khai, minh bạch.
2. Công tác dân nguyện
Trong Báo cáo đề dẫn của Hội thảo về Công tác Dân nguyện Quốc hội được tổ chức vào tháng 12 năm 2005 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trăn trở:
“Cuộc sống muôn màu, muôn vẻ. Hàng chục triệu cử tri đặt ra nhiều vấn đề bức xúc, làm sao để cử tri nói thật, nói hết? Bằng phương pháp nào để tập hợp được hết, hiểu được hết? Làm sao phân loại, xử lý và chuyển tải được hết những ý kiến, kiến nghị của cử tri đến những cá nhân và tổ chức có trách nhiệm để xử lý? Làm sao để có kết quả xử lý tạo niềm tin cho cử tri, để họ tiếp tục tin Quốc hội...?Đây là một chu trình khép kín, hàng loạt hoạt động xử lý, đòi hỏi phải được tiến hành một cách rất công phu, tỉ mỉ, chu đáo”[3].
Làm tốt công tác dân nguyện không phải là công việc dễ, từ chỗ phải có sự tổng kết những việc đã làm được và chưa làm được trong những năm trước đây, đến chỗ thậm chí có thể phải chỉnh lý lại những nhận thức đã hình thành trong thời kỳ cơ chế cũ. Trước hết, về mặt tổng kết, chúng ta cần phải nhận thấy rằng, công tác tiếp dân, tiếp xúc cử tri, nắm ý nguyện cử tri của Quốc hội đã có một bước tiến rất dài, từ không đến có: từ không có hoạt động tiếp dân, tiếp xúc cử tri đến có hoạt động tiếp dân, tiếp xúc với cử tri trước và sau kỳ họp Quốc hội; từ chỉ tổ chức tiếp dân cho các chuyên viên giúp việc ở Trung ương, Văn phòng Quốc hội cho đến đã tổ chức cho các đoàn đại biểu Quốc hội tiếp dân ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; sự ra đời Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các đại biểu đã có các cuộc tiếp xúc cử tri trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Báo cáo kết quả thực hiện công tác dân nguyện tháng 10 và tháng 11 năm 2022 của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, dịch bệnh được kiểm soát tốt, quốc phòng, an ninh chính trị đảm bảo ổn định; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí tiếp tục có nhiều chuyển biến tích cực[4].
Mặc dù có những bước tiến quan trọng như đã nêu ở phần trên, nhưng công tác dân nguyện chỉ được tổ chức và hoạt động thành một cơ quan của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, được gọi là Ban Dân nguyện, gồm có Trưởng ban và các phó Trưởng ban hoạt động theo chế độ Thủ trưởng – hành chính. Giúp việc cho Ban Dân nguyện là các cán bộ công chức của Văn phòng Quốc hội được tập hợp dưới sự lãnh đạo của Vụ Trưởng Vụ Dân nguyện của Văn phòng Quốc hội, với nhiệm vụ chủ yếu là tổng hợp các ý kiến kiến nghị của cử tri, theo dõi và đánh giá chất lượng giải quyết các kiến nghị của cử tri của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đôn đốc các đơn vị có liên quan bảo đảm tiến độ báo cáo tổng hợp kiến nghị của cử tri[5]. Ngoài ra Ban dân nguyện còn có đại diện thường xuyên ở Trụ sở tiếp dân của các cơ quan trung ương gồm Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Trung ương để nhận các kiến nghị, đơn thư của người dân gửi đến các cơ quan Trung ương. Việc tổ chức địa điểm tiếp dân của Quốc hội tập trung tại Trụ sở tiếp dân Trung ương chỉ là giải pháp tạm thời, chưa bảo đảm sự độc lập trong hoạt động tiếp công dân của các cơ quan Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Việc xử lý đơn thư theo cách này dễ dẫn đến sự trùng lắp, không thấy rõ trách nhiệm của từng loại cơ quan trong nhà nước[6].   
3. Một số gợi mở
Để có những thành công tiếp theo, chúng ta có nhiều việc cần phải làm, thậm chí, cần có những bước ngoặt cả về mặt nhận thức tư tưởng. Chế độ chính trị của Nhà nước Việt Nam là chế độ chính trị dân chủ nên việc tổng hợp lấy ý kiến của Nhân dân được rất nhiều tổ chức, cơ quan và các thể chế chính trị khác nhau thực hiện. Muốn có những thắng lợi, việc lấy ý kiến Nhân dân của Quốc hội, tìm ra những nét đặc thù rất khác với các cơ quan, tổ chức khác. Những nét đặc thù này luôn gắn với chức năng của Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước có chức năng lập pháp và quyết định các chính sách quan trọng liên quan đến quốc kế dân sinh. Vì vậy, trước hết, việc tổng hợp ý nguyện của dân chỉ phát huy được tác dụng khi có tác động làm thay đổi chương trình lập pháp và làm việc của Quốc hội, và đến làm thay đổi các dự thảo chủ trương, đường lối chính sách thể hiện trong dự thảo luật được đệ trình, sau đó là làm thay đổi các quyết định về nhân sự, dự toán ngân sách của các cơ quan nhà nước Trung ương…
Kết quả của công tác dân nguyện phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như khả năng vận động sử dụng quyền hạn cũng như kỹ năng sử dụng quyền hạn đến đâu của các đại biểu Quốc hội trước mỗi ý nguyện của dân.
Các khiếu kiện, tố cáo, cũng như ý nguyện của người dân đến với các nghị sĩ/đại biểu cũng có cách thức giải quyết khác với các cơ quan nhà nước khác. Nó không được giải quyết ngay và trực tiếp, mà chỉ có tác dụng thúc đẩy việc giải quyết, kể cả những mô hình Thanh tra Quốc hội của người Thụy Điển, cho đến mô hình hòa giải của Viện Nghiên cứu của nhà Vua tại Thái Lan. Tuy nhiên, sự thúc đẩy này có một ý nghĩa rất to lớn, có thể dẫn đến thay đổi cả một chế độ, chính sách và đường lối phát triển của một quốc gia.
Trong một nhà nước dân chủ hiện nay, kể cả phương Tây và các nước XHCN, Chính phủ và các Đảng cầm quyền luôn có quyền trình ra các chính sách thông qua việc trình các dự án luật trước Quốc hội, có thể gọi là nhu cầu lập pháp của hành pháp[7]. Mặc dù mọi nhà nước dân chủ đều được tuyên bố là nhà nước của Nhân dân, nhưng với bộ máy làm việc chuyên nghiệp gắn với mục tiêu thể hiện trong cương lĩnh của Đảng cầm quyền, nên các dự án này của chính quyền đều có xu hướng thoát ly cuộc sống đầy sôi động của thực tế của các tầng lớp người dân. Vì vậy, với tư cách là cơ quan đại diện của Nhân dân, Quốc hội phải phản ánh tốt ý chí của người dân vào các quyết định trước hết của các cơ quan lập pháp. Theo tác giả, vai trò lập pháp của Quốc hội không phải nằm ở chỗ quyết định và thông qua các dự án luật từ khâu chuẩn bị cho đến khâu cuối cùng là biểu quyết thông qua, mà theo thời gian chỉ còn là chỉnh lý và chính thức hóa các quyết sách của các cơ quan hành pháp. Vì vậy, công tác dân nguyện của Quốc hội ngày càng trở nên cấp bách trong hoạt động lập pháp.
Chỉ thông qua công tác dân nguyện thì Quốc hội mới có khả năng thực hiện chức năng xã hội của mình. Có lẽ trong tương lai, Quốc hội không chỉ là cơ quan lập pháp chung chung nữa, mà phải chuyển thành cơ quan làm công tác dân nguyện trong khuôn khổ của chức năng lập pháp, với mục đích lấy dân nguyện làm cơ sở cơ bản nhất trong việc chỉnh sửa lại những chủ trương, chính sách trong các dự thảo luật đệ trình Quốc hội thông qua.
Nhìn dưới góc độ này, công tác dân nguyện dần trở thành một công tác chính yếu của Quốc hội. Công việc này trở thành một công việc chính yếu của từng người đại biểu được Nhân dân trực tiếp bầu ra, vì Quốc hội là cơ quan đại diện được hình thành thông qua các hoạt động có quyền hạn ngang nhau của các thành viên. Thông qua công việc lấy ý nguyện của cử tri bằng nhiều hình thức khác nhau mà đại biểu Quốc hội nói riêng và Quốc hội nói chung thực hiện tốt chức năng lập pháp của mình.
Kết luận
Quốc hội trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phải chứa đựng các yếu tố, đặc điểm về hình thức tổ chức và hoạt động khác với trước đây của nền kinh tế tập trung. Không nên tập trung công tác dân nguyện vào Ban Dân nguyện trực thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Với chức năng này, Ban Dân nguyện làm thay nhiệm vụ của các đại biểu dân cử.
Vì vậy, nên tham khảo cách thức hoạt động của Quốc hội các nước phát triển mà trả lại chức năng này cho người đại biểu – những người đại diện do Nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thuộc về họ bầu ra những người đại diện cho họ. Đại biểu dân cử có trách nhiệm thực hiện chức năng này ở các đơn vị bầu cử của mình. Trách nhiệm tiếp dân và giải quyết các khiếu nại của người dân tại các khu vực bầu cử của họ./.
 

 


[1] J. Locke: Khảo luận thứ 2 về chính quyền dân sự, Nxb. Tri thức Hà Nội 2005, tr. 137.  
[2] J. J. Rousseau, Khế ước xã hội, Nxb. Thông tin lý luận, Hà Nội 2004, tr. 105.
[3] Báo cáo về Công tác dân nguyện của Phó ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Hội nghị về Công tác dân nguyện, tháng 12 năm 2005.
[4] Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, Công thông tin điện tử, 15/12/2022.
[5] Quốc hội Cộng hòa XNCN Việt Nam, Quốc hội khoá XIV thành tựu và dấu ấn nổi bật , Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tr. 833-834.
[6] Quốc hội Cộng hòa XNCN Việt Nam, tlđd, tr. 838.
[7] Nguyễn Đăng Dung (2005), Nhu cầu lập pháp của hành pháp, Hiến kế lập pháp, Văn phòng Quốc hội, số 12/2005. 

(Nguồn tin: Số Chuyên đề "20 năm thành lập Ban dân nguyện - Xây dựng, phát triển và đổi mới" - TC NCLP. 2023)