Thanh tra Quốc hội hay Ủy ban Dân nguyện?

03/04/2023

TS. NGUYỄN SĨ DŨNG

Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Là cơ quan đại diện cho dân, xử lý các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của các công dân hay các vấn đề thuộc về dân nguyện là một phần quan trọng trong hoạt động của Quốc hội. Có hai mô hình giải quyết các vấn đề dân nguyện. Đó là mô hình Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội hoặc mô hình Thanh tra Quốc hội (ombudsman).
1. Về mô hình Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội
Đây là mô hình một Ủy ban thường trực của Quốc hội phụ trách công tác dân nguyện. Mặc dù không có một thống kê cụ thể, nhưng nhiều nghị viện trên thế giới đều có dưới hình thức này hoặc hình thức khác một ủy ban phụ trách vấn đề dân nguyện. Những nơi Ủy ban Dân nguyện có truyền thống lâu đời và hoạt động hiệu quả là Nghị viện Vương quốc Anh, Nghị viện Cộng hòa liên bang Đức.
Ủy ban Dân nguyện thường có các chức năng như sau:
(i) Tiếp nhận và ghi nhận các thỉnh nguyện từ các công dân, các tổ chức và các nhóm xã hội;
(ii) Xem xét nội dung của các thỉnh nguyện và khả năng tiếp nhận để giải quyết;
(iii) Tiến hành điều tra hoặc trưng cầu ý kiến chuyên gia về vấn đề mà thỉnh nguyện nêu ra;
(iv) Mời người đưa ra thỉnh nguyện trình bày trước Ủy ban;
(v) Đưa ra khuyến nghị hoặc báo cáo với nghị viện hoặc các cơ quan có liên quan của Chính phủ.
Mô hình này có một số ưu điểm như sau:
Một là, việc giải quyết đơn thư kiếu nại, tố cáo sẽ được thúc đẩy một bước nhờ có cơ quan chuyên trách của Quốc hội đảm nhiệm. Các vấn đề khác liên quan đến công tác dân nguyện cũng sẽ được quan tâm hơn.
Hai là, những vướng mắc về thủ tục và danh nghĩa của một cơ quan chỉ trực thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội phụ trách như hiện nay ở nước ta sẽ được khắc phục.
Ba là, biên chế của Quốc hội sẽ không tăng lên đáng kể.
Tuy nhiên, phương án thành lập Ủy ban Dân nguyện của Quốc hội cũng sẽ có những hạn chế cần phải tính đến. Đó là các thành viên của Ủy ban Dân nguyện sẽ rất bận rộn. Bởi lẽ, họ vừa phải làm công việc của các vị dân biểu, vừa phải giải quyết một số lượng khổng lồ các đơn thư kiếu nại, tối cáo, kiến nghị. Theo một số thống kê, các đơn thư gửi đến cho Quốc hội là trên 18.000 đơn thư/năm.
2. Về mô hình Thanh tra Quốc hội
Đây là phương án đưa lại sự thay đổi về cơ bản cách thức giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Quốc hội không chuyển đơn thư và giám sát việc giải quyết, mà thành lập một cơ quan chuyên môn trực tiếp giải quyết và định kỳ báo cáo với Quốc hội.
Thanh tra Quốc hội sẽ gồm chánh thanh tra và một số thanh tra viên (ở Thụy Điển có 1 Chánh thanh tra và 3 Thanh tra viên) theo từng lĩnh vực do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề cử và Quốc hội phê chuẩn với nhiệm kỳ 5 năm hoặc dài hơn. Ứng cử viên cho các chức danh này phải là những thẩm phán, kiểm sát viên, thanh tra viên dày dạn kinh nghiệm và có uy tín cao. Giúp việc thanh tra Quốc hội là một bộ máy khoảng trên dưới 100 người (Thanh tra Quốc hội Thụy Điển có bộ máy giúp việc khoảng 50 người. Tuy nhiên, đất nước Thụy Điển chỉ có 8,9 triệu dân).Quốc-hội.jpeg
Khi nhận được đơn thư khiếu nại, tố cáo, Thanh tra Quốc hội sẽ xem xét, tiến hành điều tra nếu thấy cần thiết, và đề nghị các cá nhân, tổ chức có liên quan giải quyết theo kết luận của mình. Với quyền năng phê bình công khai, tiến hành điều tra và thậm chí khởi tố, các kết luận của Thanh tra Quốc hội sẽ được các cơ quan hữu quan nghiêm chỉnh thi hành.
Với cách tổ chức như trên, phương án thành lập Thanh tra Quốc hội có những ưu điểm như sau:
Một là, khắc phục được các nhược điểm sau đây của cách làm hiện nay: (1) tình trạng đơn thư được chuyển qua nhiều tầng nấc trung gian, vừa tốn thời gian, vừa dễ gây tâm lý bất bình, bức xúc; (2) tính hình thức của công đoạn giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo ở các cơ quan của Quốc hội; (3) chế độ trách nhiệm không được xác lập rõ ràng; (4) sự quá tải của các cơ quan Quốc hội trong việc tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Hai là, bảo đảm tính chuyên môn, nghiệp vụ cao trong việc xem xét, giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo. Điều này sẽ góp phần giải quyết một cách dứt điểm nhiều khiếu kiện kéo dài, khắc phục tình trạng tồn đọng quá nhiều đơn thư. Thanh tra Quốc hội Thụy Điển mỗi năm xử lý từ 4000-5000 đơn thư kiếu nại, tố cáo. So sánh các đơn thư gửi đến Thanh tra Quốc hội Thuỵ Điển và đến Quốc hội Việt Nam trên tổng số dân cư, chúng ta có tỷ lệ khoảng 4/1. Nghĩa là, người dân Thụy Điển còn hay khiếu kiện gấp bốn lần người dân Việt Nam.
Ba là, công dân có thêm một phương thức để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình là khiếu nại với Thanh tra Quốc hội (ngoài việc khiếu nại lên cơ quan cấp trên, rồi kiện ra toà án hành chính).
Bốn là, góp phần tăng cường cơ chế và phạm vi giám sát đối với các cơ quan công quyền. Hiện nay, có khoảng 60 Quốc hội các nước trên thế giới thành lập Thanh tra Quốc hội. Với sự thành lập Thanh tra Quốc hội, tất cả các cơ quan thanh tra khác, các cơ quan tư pháp đều sẽ phải chịu sự giám sát của Thanh tra Quốc hội.
Năm là, góp phần bảo đảm tính hợp lý và tính khoa học trong cách thức tổ chức và điều hành công việc của Quốc hội: Quốc hội sẽ giám sát thông qua báo cáo định kỳ của Thanh tra Quốc hội và ban hành các quyết định cần thiết trên cơ sở báo cáo và kiến nghị của cơ quan này. Như vậy, Quốc hội vẫn bảo đảm được sự giám sát tối cao của mình mà không hao phí thời gian vào những vụ việc cụ thể.
Tuy nhiên, phương án thành lập Thanh tra Quốc hội cũng có một số hạn chế như sau:
Một là, hình thành một cơ quan mới với số lượng biên chế trên dưới 100 người. Ngân sách sẽ phải cung cấp một khoản kinh phí nhất định cho trụ sở làm việc, trang thiết bị và các chi phí khác phục vụ hoạt động của Thanh tra Quốc hội.
Hai là, việc phân định rạch ròi chức năng giữa Thanh tra Quốc hội, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Thanh tra Chính phủ là một nhiệm vụ cần thiết, nhưng không dễ dàng. Các vùng chồng lấn chức năng, có thể, là không tránh khỏi. Ngay ở Thụy Điển, đất nước sáng tạo ra cơ quan Thanh tra Quốc hội đầu tiên trên thế giới, thì việc phân định chức năng giữa Thanh tra Quốc hội và Thanh tra của Chính phủ cũng đã được tiến hành vài ba lần nhưng đều thất bại.
Ba là, quyền truy tố của Thanh tra Quốc hội là một vấn đề rất mới (thực chất, không phải Thanh tra Quốc hội của tất cả các nước đều có quyền năng này. Chính xác hơn, đa số Thanh tra Quốc hội các nước không có quyền năng này). Nếu quyền này được chấp nhận, chúng ta sẽ phải sửa đổi, bổ sung Bộ luật Tố tụng hình sự và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Điều này không khéo sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thiết kế toàn bộ hệ thống của thể chế.
Như vậy, cả hai phương án nêu trên đều có những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Phương án một, có lẽ, là sự lựa chọn phù hợp với hoàn cảnh thực tế của nước ta hơn. Quả thực, phương án nào thì cũng cần có một quyết tâm chính trị rất lớn mới có thể hiện thực hóa được./.
 

(Nguồn tin: Số Chuyên đề "20 năm thành lập Ban dân nguyện - Xây dựng, phát triển và đổi mới" - TC NCLP. 2023)