Những vấn đề cần quan tâm khi tiếp xúc cử tri tại địa bàn miền núi và tiếp xúc cử tri người dân tộc

31/03/2023

TS. NGUYỄN LÂM THÀNH

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

 Tóm tắt: Từ kinh nghiệm thực tiễn, tác giả chỉ ra những yêu cầu cần thiết để việc tiếp xúc cử tri vùng miền núi, cử tri người dân tộc đạt được kết quả và hiệu quả. Người đại biểu dân cử phải có những kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm, cùng với khả năng ứng phó xử lý tình huống nhất định. Điều quan trọng là phải nắm rõ chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, đặt mình vào trong đời sống của Nhân dân và làm đúng vai trò, trách nhiệm của một người đại biểu dân cử. Công tác tiếp xúc cử tri thực chất cũng là thực hiện công tác dân vận, dân nguyện; mỗi đại biểu là một cán bộ dân vận, dân nguyện.
Từ khoá: Tiếp xúc cử tri, dân vận, dân nguyện.
Abstract: From practical experience, the author points out the necessary requirements for effective and effective contacts with the voters in mountainous areas and voters of ethnic minorities. The elected delegates must have knowledge, skills, experience, along with the capability to respond to certain situations. It is important to understand the national directions and policies of the Party and the State, put oneself in the people's life and properly fulfill the role and responsibilities of an elected representative. The activities of contacting the voters is essentially the implementation of mass mobilization and people’s aspiration activities; and each elected delegate is also as a person of mass mobilization and people’s aspiration.
Keywords: Contact with voters; mass mobilization; people’s aspiration.
     TIẾP-XÚC-CỬ-TRI-MIỀN-NÚI_1.jpg      
Ảnh minh họa: Nguồn internet
          Đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân do cử tri bầu ra, là đại biểu dân cử, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, cử tri. Nhiệm vụ của người đại biểu đã được Hiến pháp và pháp luật quy định rõ.
           Đối với đại biểu Quốc hội: Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến, nguyện vọng của cử tri với Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của đại biểu và của Quốc hội; trả lời yêu cầu và kiến nghị của cử tri; đại biểu Quốc hội phổ biến và vận động nhân dân thực hiện Hiến pháp và pháp luật.
          Đối với đại biểu Hội đồng nhân dân: Đại biểu Hội đồng nhân dân có nhiệm vụ tiếp xúc cử tri ở đơn vị bầu cử của mình, phản ánh tâm tư nguyện vọng của Nhân dân với Hội đồng nhân dân và các cơ quan nhà nước, báo cáo kết quả kỳ họp với cử tri, tuyên truyền thực hiện tốt pháp luật; đại biểu Hội đồng nhân dân tiếp công dân nhằm thu thập ý kiến, nguyện vọng, kiến nghị của công dân; giải thích, tuyên truyền chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cho công dân…
         Tiếp xúc cử tri là hoạt động trực tiếp quan trọng để người đại biểu thực hiện nhiệm vụ của mình trước Nhân dân. Tiếp xúc cử tri có thể theo các hình thức tổ chức hội nghị chung hoặc chuyên đề; gặp gỡ, thăm hỏi động viên hay thực hiện việc tiếp công dân. Hoạt động tiếp xúc cử tri là cầu nối quan trọng giữa người đại biểu và Nhân dân, để làm cho hai bên thấu hiểu, chia sẻ và người dân đặt niềm tin vào đại biểu của mình. Suy cho cùng, hoạt động tiếp xúc cử tri cũng là hoạt động dân vận, dân nguyện trực tiếp. Đặc biệt, đối với đồng bào dân tộc thiểu số và cử tri vùng dân tộc thiểu số, hoạt động tiếp xúc cử tri càng đòi hỏi mỗi đại biểu dân cử có những kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết, phù hợp trong quá trình tiếp xúc cử tri.
1. Cần hiểu cử tri, nắm rõ đặc điểm đối tượng mình tiếp xúc
1.1. Hiểu được đặc điểm chung của vùng miền núi, dân tộc
Vùng miền núi, dân tộc là nơi sinh sống của rất nhiều nhóm dân tộc thiểu số, nơi có địa hình núi cao, chia cắt, điều kiện giao thông, đi lại, thông tin liên lạc khó khăn, phần lớn cư trú phân tán nên các cộng đồng có tính độc lập tương đối. Đây cũng là nơi điều kiện kinh tế- xã hội chưa phát triển.   
Cử tri địa bàn miền núi, vùng dân tộc hầu hết là những người lao động nông dân (chiếm 95% dân số). Các cộng đồng dân tộc còn lưu giữ và nắm giữ nhiều phong tục, tập quán, có cả phong tục tốt, có́́̉ cả lạc hậu, có cả những điều cấm kỵ. Đặc điểm văn hóa rất đa dạng nếu địa bàn có nhiều dân tộc cùng sinh sống và có nhiều khác biệt với văn hóa của đồng bằng hay người Kinh. Nhận thức về chính sách, pháp luật của một bộ phận cử tri còn có những hạn chế́ nhất định.
            Việc nắm được những đặc điểm chung của địa bàn vùng miền núi dân tộc giúp cho người đại biểu chuẩn bị sẵn những tâm thế, khi tiếp xúc cử tri ở các khu vực này; đồng thời chuẩn bị những điều kiện cần thiết về thông tin, lựa chọn phương pháp phù hợp và dự lường các tình huống xảy đến trong thực tiễn cần xử lý.
1.2. Hiểu, nắm được đặc điểm, tâm lý của cử tri
            - Đặc điểm không thuận lợi: nhiều cử tri miền núi chưa có tác phong hành chính/công nghiệp; vẫn còn tâm lý e ngại, rụt rè, ít tính chủ động; diễn đạt ngôn ngữ phổ thông có thể chậm hơn các nhóm đối tượng ở các vùng phát triển. Một số nơi vùng sâu, khả năng ngôn ngữ tiếng Việt của bà con còn hạn chế trong cách trình bày, diễn đạt. Do môi trường sống, làm việc và điều kiện tiếp cận hạn chế nên kiến thức tổng hợp và thông tin về đời sống kinh tế xã hội, thông tin tình hình kinh tế, chính trị đất nước của người dân chưa nhiều...
            - Đặc điểm thuận lợi: Bản tính của đồng bào là chân chất, hiền lành, thật thà; luôn có niềm tin và quý trọng đại biểu đại diện cho họ. Cử tri mong được gặp đại biểu (không chỉ một mà nhiều lần) để thấy mặt, được trò chuyện, tiếp xúc với người mà mình bầu ra. Vì vậy, đại biểu dân cử có thể lôi cuốn, tập hợp được cử tri nếu có phương pháp và kỹ năng phù hợp.
            Tuy nhiên, do trình độ phát triển kinh tế của các nhóm dân tộc, các cộng đồng dân tộc ở các địa phương, vùng, miền là khác nhau nên mức độ các đặc điểm trên có sự thay đổi. Ở một số địa bàn gần đô thị hay ở các cộng đồng dân tộc đã phát triển, có sự hòa nhập với đồng bào Kinh, như người Thái, người Mường hay Tày, Nùng, các rào cản và đặc điểm tâm lý trên cũng giảm bớt. Đặc biệt ở những vùng ATK, chiến khu cách mạng trước đây, trình độ và ý thức chính trị của cử tri khá cao, đây cũng là điểm cần chú ý.
            Nắm rõ được những đặc điểm trên giúp cho người đại biểu vận dụng các phương pháp, cách thức khi tiếp xúc cử tri, ứng xử phù hợp với đối tượng khi giao tiếp với phương châm kiên trì, lắng nghe, không nôn nóng; tránh được những xung đột, mâu thuẫn; tạo thiện cảm, giúp cho cử tri gần gũi với đại biểu hơn để lôi cuốn, thuyết phục cử tri. Bởi vậy, trước mỗi đợt tiếp xúc địa bàn, cần tìm hiểu rõ những đặc điểm, tâm lý cử tri.  
2. Người đại biểu phải nói những gì cử tri quan tâm và hiểu được, lắng nghe những gì mà cử tri nói, làm những điều cử tri mong muốn
2.1. Người đại biểu phải nói những gì cử tri quan tâm và hiểu được
            Trong mỗi lần tiếp xúc, đại biểubáo cáo về kết quả cũng như những nội dung hoạt động của Quốc hội, Hội đồng nhân dân trước và sau kỳ họp. Ngoài những nội dung có tính khái quát chung, cần đề cập đến những vấn đề liên quan thực tiễn đời sống của đồng bào, người dân miền núi, những vấn đề liên quan đến chính sách và thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước. Những điểm mới của chính sách, quyết sách, cùng những khó khăn, tồn tại của đất nước, địa phương cần giải quyết để người dân nắm được và chia sẻ.
            Đại biểu cũng cần nói đến những vấn đề xung quanh câu chuyện đời thường người dân nơi tiếp xúc; thông tin và trao đổi với cử tri về vấn đề đời sống kinh tế, xã hội của địa phương như: cơ sở hạ tầng giao thông, điện, đường, trường, trạm; công tác xóa đói giảm nghèo, việc làm và thu nhập, việc học hành của trẻ em v.v.. Việc chung của địa phương nên gắn với giải thích về quyền lợi và trách nhiệm của mỗi cộng đồng, gia đình và bản thân mỗi cử tri. Đây là quá trình vừa trao đổi, vừa gợi mở để thu hút cử tri lắng nghe và thúc đẩy sự bày tỏ của mình mạnh dạn hơn. Điều quan trọng là để mỗi cử tri hiểu được những thuận lợi, khó khăn, thấy được trách nhiệm trong việc chung tay đóng góp giải quyết.
            Đại biểu giải thích, tuyền truyền về chính sách, pháp luật mới nhất là những nội dung liên quan đến đời sống, quyền lợi và trách nhiệm cụ thể của người dân. Giải đáp những vướng mắc trong thực tiễn, có thể là những trường hợp, tình huống cụ thể, nhất là những vấn đề liên quan đến chính sách của Nhà nước. Lưu ý, trong thời gian cho phép, chỉ lựa chọn những điểm mới, nội dung liên quan đến người dân thể hiện trong các văn bản luật, chính sách, chú ý, phân tích ngắn gọn và liên hệ với đời sống, gợi mở để người dân dễ hiểu và nhớ được.
2.2. Đại biểu cần biết lắng nghe, tiếp thu một cách hợp lý những kiến nghị của cử tri tại các cuộc tiếp xúc
            Trong cuộc tiếp xúc, cử tri có thể nêu rất nhiều vấn đề, kiến nghị khác nhau, cả những nội dung liên quan đến chính sách chung như chế độ học bổng cho học sinh miền núi, phụ cấp cho các tổ chức hội cấp cơ sở, vay vốn cho hộ nghèo, việc làm cho con em dân tộc đến kiến nghị làm một con đường v.v.. Thực tế, cử tri có thể nói đến rất nhiều nội dung, có người diễn đạt dài dòng, có người đề đạt ngắn gọn, có người phát biểu nhiều lần, có những nội dung trùng lắp. Đại biểu cần kiên nhẫn lắng nghe, không ngắt lời nhưng có thể hỏi lại cho rõ ý đề đạt nếu chưa rõ, đặc biệt cần ghi chép đầy đủ cả tên, địa chỉ cử tri phát biểu để khi giải trình, tiếp thu thì nhắc lại, cử tri sẽ cảm thấy được tôn trọng và rất phấn khởi. Cũng có trường hợp, ban đầu cuộc tiếp xúc chưa có hoặc rất ít ý kiến, hãy gợi mở dẫn dắt vấn đề, động viên khuyến khích cử tri tăng tính chủ động đối thoại, nêu ý kiến. Sự thành công là ở chỗ làm cho các cử tri nói lên được tâm tư, nguyện vọng của mình, đó cũng là chỉ số của sự tin cậy với đại biểu.
            Đại biểu cần biết tiếp thu, giải trình một cách hợp lý các ý kiến để xử lý tại chỗ. Phân loại và nhóm các vấn đề mà cử tri phản ảnh để trả lời, giải trình hoặc phân công các thành viên trong đoàn tiếp xúc (cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện) giải trình, tùy theo chức năng, nhiệm vụ cơ quan mà người đó đại diện. Với những vấn đề cử tri nêu thuộc thẩm quyền trách nhiệm của chính quyền địa phương thì yêu cầu đại diện cơ quan báo cáo, giải thích hoặc ghi nhận. Những nội dung thuộc thẩm quyền cấp cao hơn thì tiếp thu, ghi nhận để phản ảnh cơ quan chức năng nghiên cứu, giải quyết. Một số vụ việc cụ thể có thể yêu cầu cung cấp hồ sơ để chuyển cơ quan chức năng nghiên cứu giải quyết.
            Đại biểu tổng hợp những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri gom lại thành các vấn đề lớn, chuẩn bị nội dung để phát biểu tại các diễn đàn Quốc hội, diễn đàn chính sách. Cử tri luôn theo dõi đại biểu có phát biểu và nói trúng các vấn đề mà họ quan tâm hay không. Nếu có, cử tri cũng tự hào vì đã có đóng góp vào hoạt động của cơ quan dân cử, và tin rằng lá phiếu bầu của mình thực sự có giá trị.
3. Một số yêu cầu cần có đối với đại biểu trước và trong quá trình tiếp xúc cử tri
3.1. Năm điều đại biểu cần biết
            - Biết quan sát: Quan sát cảnh quan, môi trường trong quá trình di chuyển đến và tại điểm tiếp xúc. Quan sát các thành viên trong cuộc tiếp xúc để định hình về nhóm đối tượng tiếp xúc và hình thành các cảm quan thông tin ban đầu về địa bàn tiếp xúc.
            - Biết tạo ấn tượng đầu tiên với cử tri, từ chào hỏi, làm quen, gợi chuyện…           
- Biết lắng nghe, chia sẻ động viên. Đây là điều mà cử tri rất cần ở các đại biểu dân cử. Hãy để các cử tri được bày tỏ, không ngắt lời nếu thực sự chưa cần thiết và biết giải thích sau đó. Nên chia sẻ những khó khăn trong đời sống của người dân, và động viên những gì mà địa phương, người dân đã làm được.
            - Biết phong tục tập quán, văn hóa của đồng bào nơi mình đến tiếp xúc để tạo ấn tượng, hòa nhập, và hạn chế những điều kiêng kỵ trong giao tiếp. Nắm đặc điểm dân cư, kinh tế xã hội của địa phương; những khó khăn, thuận lợi, đâu là nguyên nhân chủ quan, khách quan...       
3.2. Năm điều cần chú ý khi tiếp xúc cử tri
            - Ăn mặc: Giản dị nhưng lịch sự, những gam màu trung tính. Nếu là đại biểu nữ thì trang điểm không quá cầu kỳ.
            - Tác phong: đi, đứng, nói lịch sự, cử chỉ gần gũi, biểu thị tình cảm chân thành. Trong quá trình tiếp xúc luôn nhìn vào cử tri. 
            - Ngôn ngữ: sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, không nói quá nhanh. Biết tiếng dân tộc là một lợi thế rất lớn và có thể được sử dụng đan xen trong qúa trình giao tiếp hay báo cáo nội dung với cử tri.
            - Đối với các cử tri nữ, đại biểu dân cử cần nắm vững những vấn đề liên quan đến bình đẳng giới, ưu tiên trao đổi, thảo luận về những vấn đề phụ nữ quan tâm trong cuộc họp tiếp xúc cử tri.
            - Tính toán, lên lịch thời gian, chương trình phù hợp với địa bàn, đối tượng tiếp xúc cử tri: Để cuộc tiếp xúc cử tri nhất là vùng miền núi, vùng dân tộc đạt được kết quả và hiệu quả là cả một “nghệ thuật”. Điều này đòi hỏi người đại biểu phải có những kiến thức, kỹ năng, sự trải nghiệm cùng với khả năng ứng phó xử lý tình huống nhất định. Điều quan trọng là phải nắm rõ chủ trương, chính sách dân tộc của Đảng, Nhà nước, đặt mình vào trong đời sống của Nhân dân và làm đúng vai trò, trách nhiệm của một người đại biểu dân cử. Công tác tiếp xúc cử tri thực chất cũng là thực hiện công tác dân vận, dân nguyện; mỗi đại biểu là một cán bộ dân vận, dân nguyện./.

(Nguồn tin: Số Chuyên đề "20 năm thành lập Ban dân nguyện - Xây dựng, phát triển và đổi mới" - TC NCLP. 2023)