Quyền tự do ngôn luận theo pháp luật Canada và một số đề xuất cho Việt Nam

13/01/2023

PHẠM THỊ BẮC HÀ

Khoa Pháp luật Quốc tế, Trường Đại học Luật Hà Nội.

Tóm tắt: Quyền tự do ngôn luận là một trong những quyền cơ bản của con người được ghi nhận trong các văn kiện pháp lý quốc tế cũng như pháp luật ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam và Canada. Mặc dù pháp luật ở hai quốc gia có quy định cụ thể khác nhau nhưng Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ Canada để hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật trong nước về vấn đề này. Trong bài viết này, tác giả tập trung phân tích nội dung và giới hạn về quyền tự do ngôn luận được quy định trong pháp luật Canada; và đưa ra một số đề xuất trên cơ sở phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam
Từ khóa: Tự do ngôn luận, quyền tự do ngôn luận ở Canada, giới hạn của quyền tự do ngôn luận.
Abstract: The right of freedom of expression is one of basic human rights regulated not only in international instruments but also in then domestic law of several countries including Vietnam and Canada. Despite differences, Vietnam can learn from the experiences from Canada to fulfill its domestic law on the discussed matter. Within this article, the auther focus on analysing the provisions and the limit of the right of freedom expression in Canada and also gives out recommendations for Vietnam.
Keywords: Freedom of expression; right of freedom of expression; limit of right of freedom of expression.
 QUYỀN-TỰ-DO-NGÔN-LUẬN.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Pháp luật của Canada về quyền tự do ngôn luận
            - Cơ sở pháp lý ghi nhận quyền tự do ngôn luận ở Canada
Canada là thành viên của một số văn kiện pháp lý quốc tế ghi nhận quyền tự do ngôn luận, bao gồm: Công ước về quyền dân sự và chính trị (Điều 10), Công ước về quyền trẻ em (Điều 13), Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (Điều 5 (d) (viii)) Công ước về quyền của người khuyết tật (Điều 21), Tuyên bố châu Mỹ về các quyền và nghĩa vụ của con người (Điều IV). Với sự tôn trọng các quyền tự do của con người, pháp luật Canada đã ghi nhận và quy định ngay tại Phần I của Hiến pháp năm 1982 – Hiến chương về các quyền và tự do, đồng thời ghi nhận trong mục 1 (d) và (f) Dự luật Nhân quyền của Canada.
Với ý nghĩa nhấn mạnh tầm quan trọng của truyền thống tôn giáo đối với xã hội Canada cũng như nhân phẩm và giá trị con người, Hiến chương của Canada về các quyền và tự do bao gồm 34 mục với lời mở đầu “Canada được thành lập dựa trên những nguyên tắc công nhận sức mạnh tối cao của Chúa và quy tắc của Pháp luật”. Mục 2 của Hiến chương đã ghi nhận 4 nhóm quyền tự do, trong đó quyền tự do ngôn luận được khẳng định tại mục (b): “mọi người đều có các quyền tự do cơ bản” bao gồm “tự do tư tưởng, niềm tin, quan điểm và ngôn luận, bao gồm cả quyền tự do báo chí và các phương tiện truyền thông khác”[1]. Với một quốc gia theo hệ thống pháp luật Common có sự pha trộn với Civil law[2] và có mô hình cơ quan bảo vệ Hiến pháp là Tòa án tối cao như Canada thì các quyền và tự do được ghi nhận trong Hiến pháp đồng thời đã được Tòa án Tối cao Canada giải thích thông qua các án lệ của mình. Từ giải thích của Tòa án tối cao trong các vụ việc thực tế, mục đích của việc ghi nhận quyền tự do ngôn luận ở Canada được làm rõ. Theo đó, việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận được đặt ra dựa trên các nguyên tắc và giá trị cơ bản thúc đẩy tìm kiếm và tìm ra sự thật, thúc đẩy tham gia vào việc đưa ra các quyết định chính trị xã hội và là cơ hội để mỗi cá nhân tự thực hiện đầy đủ quyền của mình thông qua tự do ngôn luận[3]. Tòa án Tối cao Canada đã khẳng định mối liên hệ giữa quyền tự do ngôn luận với tiến trình chính trị là mấu chốt của mục 2 (b)[4]. Trên hết, tự do ngôn luận được đánh giá là công cụ quản lý dân chủ. Ngoài ra, với sự bảo vệ của Hiến pháp, quyền tự do ngôn luận ở Canada hướng đến việc khuyến khích tìm kiếm sự thật thông qua trao đổi ý kiến cởi mở và thúc đẩy cá nhân tự thực hiện đầy đủ quyền để từ đó trực tiếp gắn kết tự do với phẩm giá con người[5].
- Nội dung pháp lý về quyền tự do ngôn luận         
Theo Bộ Tư pháp Canada, “ngôn luận được bảo vệ theo mục 2(b) được định nghĩa là “bất kỳ hoạt động hay truyền đạt nào nhằm truyền tải hoặc cố gắng truyền tải ý nghĩa”[6]. “Ngôn luận” có thể bao gồm tất cả giai đoạn của quá trình truyền đạt thông tin từ nhà sản xuất hay người kiến tạo thông qua bên cung cấp, phân phối, truyền tin, bán tin hoặc trưng bày đến người tiếp nhận bao gồm cả thính giả và người xem[7]. Như vậy, quyền tự do ngôn luận không chỉ bao gồm quyền biểu đạt niềm tin và quan điểm mà còn hướng tới bảo vệ cả người nói và người nghe[8]. Thông qua các án lệ, có thể xác định được danh sách các hình thức biểu đạt được bảo vệ như âm nhạc, nghệ thuật, khiêu vũ, quảng cáo, các động tác vận động thể chất, hành khúc với các biểu ngữ[9], quảng cáo thương mại[10], áp phích gây chú ý mang tính hữu dụng[11], bảng hiệu và biển quảng cáo[12],… thậm chí các nội dung khiêu dâm[13] hay những phát ngôn công kích (có ngoại lệ nhất định)[14] cũng là đối tượng được bảo vệ quyền tự do ngôn luận ở Canada[15].
Chính bởi các tòa án ở Canada áp dụng nguyên tắc trung lập trong xác định phạm vi bảo vệ của mục 2(b) Hiến chương nên nội dung của ngôn luận cho dù mang tính công kích hoặc là không phổ biến hay làm phiền cũng không thể bị tước bỏ sự bảo vệ theo mục 2(b). Là bên trung lập, Hiến pháp còn bảo vệ việc thể hiện ngôn luận của cả sự thật và cả những điều không đúng và điều này được minh chứng qua chính các vụ việc thực tế như vụ Canada với Tập đoàn JTI-Macdonald[16]; vụ R. v. Zundel[17] ; vụR. v. Lucas[18]. Tòa án Tối cao Canada cho rằng, mục 181 của Bộ luật Hình sự Canada với quy định nghiêm cấm truyền bá tin giả là vi hiến vì vi phạm mục 2(b) Hiến chương[19].
             Quyền tự do ngôn luận cũng bảo vệ quyền không thể hiện ngôn luận của mỗi cá nhân. “Tự do ngôn luận còn bao gồm quyền không nói gì hoặc quyền không nói những điều nhất định. Bản thân sự im lặng cũng là một hình thức biểu đạt mà trong một số trường hợp có thể diễn tả điều gì đó rõ hơn cả ngôn từ”[20]. Do đó, các hình thức bắt buộc hay cưỡng ép trong trường hợp này có thể tạo ra sự hạn chế của mục 2 (b)[21]. Tuy vậy, trong tình huống cụ thể, Tòa phúc thẩm Ontario đã khẳng định yêu cầu đọc lời thề với Nữ hoàng tại các nghi lễ công dân không vi phạm quyền tự do ngôn luận[22]. Ngược lại, các yêu cầu pháp lý về việc phải nộp hay báo cáo thông tin có thể dẫn đến sự hạn chế quyền tự do ngôn luận bởi việc không tuân thủ những yêu cầu này bị trừng phạt với hình thức phạt tiền hay phạt tù[23]. Hành vi tuân thủ pháp luật không đồng nghĩa với việc buộc phải bày tỏ sự ủng hộ đối với luật pháp[24] minh chứng như nghĩa vụ phải nộp thuế cho Chính phủ sử dụng để cấp kinh phí cho các sáng kiến lập pháp (như trợ cấp công cộng cho các ứng cử viên trong cuộc bầu cử để trang trải chi phí cho chiến dịch của họ) không đồng nghĩa với việc thể hiện sự ủng hộ đối với các sáng kiến đó[25]. Theo đó, nội dung ngôn luận không cần phải được tiếp nhận và hiểu một cách chủ quan mới được bảo vệ theo Điều 2 (b).
Như vậy, Tòa án tối cao Canada đã giải thích quyền tự do ngôn luận “theo nghĩa rộng”[26]. Theo các giáo sư luật Hiến pháp Kent Roach và David Schneerman, “cách tiếp cận có mục đích và định hướng “rộng và tự do” của Tòa án tối cao đối với sự bảo vệ của Hiến pháp để chắc chắn rằng tất cả phương thức biểu đạt đủ điều kiện đều được sự bảo vệ của Hiến pháp”[27]. Nhờ cách tiếp cận và giải thích rõ ràng đối với mục 2 (b), các tòa án Canada thường “dễ dàng xác định vi phạm”[28] trong các vụ việc thực tế.
Để xác định biểu đạt cụ thể ở mỗi vụ việc có là đối tượng được bảo vệ theo mục 2 (b) Hiến chương hay không, bên cạnh nội dung thì Tòa án tối cao còn xem xét cả phương thức và địa điểm biểu đạt ngôn luận. Theo đó, nếu phương thức hay địa điểm biểu đạt mâu thuẫn với các giá trị mục 2 (b) Hiến chương mang đến (bao gồm tự thực hiện, đàm thoại dân chủ và tìm kiếm sự thật) thì không được bảo vệ theo mục 2 (b)[29]. Về phương thức biểu đạt ngôn luận, các phương thức được sử dụng để truyền tải một thông điệp hay chỉ một phần hoặc từng phần của thông điệp đều được mục 2 (b) bảo vệ. Tuy nhiên, Hiến chương không bảo vệ các phương thức ngôn luận mang dạng thức bạo lực “cho dù có ý nghĩa bạo lực thể chất hay không thì cũng sẽ không được bảo vệ theo mục 2 (b)[30]. Tức là các phương thức biểu đạt ngôn luận bạo lực hay đe dọa bạo lực nằm ngoài phạm vi bảo vệ của mục 2 (b)[31]. Minh chứng điển hình như phát ngôn chất vấn. Chất vấn có thể là đối tượng bảo vệ của mục 2 (b) hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tình huống thực tế căn cứ vào phân tích các quy định ở mục 1 và mục 2 (b) Hiến chương. Theo đó, nếu chất vấn công khai với bài phát biểu công cộng bao hàm các mối đe dọa thực sự hoặc sử dụng ngôn từ kích động thù địch có thể vi phạm Bộ luật Hình sự Canada bao gồm cả các quy định về tội phạm thù địch. Tương tự, khi bài phát biểu diễn ra trong một không gian công cộng và các phát ngôn ồn ào như “la hét, hò hét, chửi rủa, hát hò hoặc sử dụng ngôn ngữ xúc phạm hoặc tục tĩu” có thể cấu thành vi phạm tại mục 175 (1) Bộ luật Hình sự về tội phá rối[32]. Như vậy, hầu hết các phương thức ngôn luận đều được mục 2 (b) bảo vệ trừ khi nó mang dạng thức bạo lực hay đe dọa bạo lực. Theo đó, trên thực tế, việc xem xét ngoại lệ tập trung chủ yếu vào phân tích địa điểm biểu đạt ngôn luận.
Quyền tự do ngôn luận không mở rộng trên tất cả địa điểm điển hình như địa điểm thuộc tài sản cá nhân nằm ngoài phạm vi được mục 2 (b) bảo vệ do thiếu vắng sự áp đặt bắt buộc của Nhà nước với sự biểu đạt này bởi hành động của Nhà nước là điều cần thiết để kết nối với quyền tự do ngôn luận được bảo vệ bởi Hiến chương. Trong một số vụ việc, các tòa án cấp thấp hơn cho rằng, tự do ngôn luận không bao gồm vi phạm bản quyền. Phát hiện này là hợp lý bởi cơ sở của tự do ngôn luận không bao gồm quyền tự do sử dụng tài sản riêng của người khác (như tài liệu có bản quyền của người khác) vì mục đích ngôn luận[33]. Như vậy, mục 2 (b) Hiến chương không tự động được áp dụng bởi giới hạn thực tế về quyền sở hữu của Chính phủ với địa điểm nhất định.
Đối với tài sản công, ở thành phố Montreal, phần đông tòa án tối cao đang kiểm nghiệm việc áp dụng mục 2(b) đối với loại tài sản này[34]. Cho đến nay, trách nhiệm chứng minh thuộc về bên nguyên đơn. Về bản chất, vấn đề cơ bản liên quan đến ngôn luận đối với tài sản thuộc sở hữu của Chính phủ là liệu đó có phải là một địa điểm công cộng được người dân mong đợi Hiến pháp bảo vệ để thể hiện tự do trên cơ sở ngôn luận ở nơi đó mà không mâu thuẫn với mục đích của mục 2 (b) Hiến chương hay không. Để xác định được điều này, cần xem xét chức năng lịch sử hoặc thực tế của địa điểm cụ thể và quan trọng mấu chốt là phải cân nhắc mọi phương diện để xem xét việc biểu đạt ở địa điểm cụ thể đó có làm suy yếu các giá trị nền tảng của tự do ngôn luận hay không[35]. Trong vụ Tập đoàn truyền thông Canada, tòa án đã phân tích yếu tố thứ hai phải được tập trung xem xét ở các hoạt động biểu đạt thiết yếu chứ không chỉ là những tình tiết phụ, xảy ra một cách ngẫu nhiên trong hoạt động này. Điều này có thể minh chứng trong trường hợp cụ thể như thẩm quyền thu thập thông tin của một nhà báo tại tòa án để thông báo cho công chúng về thủ tục tố tụng của tòa. Về bản chất, đây là đối tượng thuộc phạm vi bảo vệ của mục 2 (b) Hiến chương ngay cả trong trường hợp có sự thái quá của hình thức ngôn luận này như tụ tập đám đông, xô đẩy và theo đuổi các đối tượng để phỏng vấn, quay phim hay chụp ảnh…[36].
Các vấn đề liên quan khác có thể dẫn đến phân tích liệu ngôn luận ở một địa điểm cụ thể có được bảo vệ bởi mục 2 (b) hay không như không gian đó có phải là nơi tồn tại tự do ngôn luận theo truyền thống không; trên thực tế, địa điểm đó là của tư nhân hay do Chính phủ quản lý hay là của công cộng; liệu địa điểm đó có phù hợp với việc ngôn luận công khai rõ ràng hoặc liệu hoạt động cụ thể có đặt ra yêu cầu tiếp cận hạn chế và quyền riêng tư hay không; việc can thiệp và trình bày một thông điệp bằng ngôn từ hay hành động có phù hợp với những gì được thực hiện trong không gian đó hay lại làm cản trở những hoạt động này.
Tự do ngôn luận thường chỉ yêu cầu Chính phủ kiềm chế không can thiệp vào việc thực thi quyền. “Quan điểm truyền thống, theo thuật ngữ thông tục, quyền tự do ngôn luận trong phần 2 (b) cấm việc “bịt miệng”, nhưng không bắt buộc đối với vấn đề phát thanh”[37]. Hoạt động phát thanh và phát sóng truyền hình ở Canada được điều chỉnh bởi Luật Phát thanh truyền hình và các quy định được Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Canada đưa ra phù hợp với luật. Các quy định của Liên bang nghiêm cấm các đài truyền hình “phát sóng tin tức không chính xác hoặc sai lệch và đưa ra những bình luận mang tính lăng mạ có khả năng gây nguy hiểm cho người bị thù ghét dựa trên các căn cứ được liệt kê”. Theo phiên điều trần công khai ở mục 18 của Luật, Ủy ban có quyền đình chỉ hoặc thu hồi giấy phép của đài truyền hình đã được cấp phép vì vi phạm hoặc không tuân thủ bất kỳ điều kiện nào của giấy phép hoặc lệnh bắt buộc hoặc bất kỳ quy định nào được đưa ra theo Luật. Các quy định phát sóng liên bang liên quan đến tin tức sai lệch hoặc gây hiểu lầm bao gồm mục 8 (1) về phát thanh và mục 5 (1) về phát sóng truyền hình. Theo báo cáo được đưa ra bởi Trang Politifact, bất kỳ hệ thống nào muốn phát sóng vô tuyến điện ở Canada phải được Ủy ban Phát thanh và Truyền hình Canada chấp thuận. Người Canada nghi ngờ tính trung thực của chương trình có thể nộp đơn khiếu nại lên Ủy ban. Khi đủ các đơn khiếu nại và bị phát hiện là cố tình phát tán tin tức giả thì hệ thống đó có thể bị giới hạn hoặc thu hồi giấy phép. Theo người phát ngôn của Ủy ban – Eric Rancourt thì dựa vào lịch sử các khiếu nại khi Ủy ban phải thu hồi hoặc từ chối cấp giấy phép đó thường là trường hợp rất nghiêm trọng. Ủy ban đã từng phê duyệt tin tức tiếng Ả rập vào năm 2004 với điều kiện nhà phân phối phải chỉnh sửa nội dung lạm dụng[38]. Gần đây, trong nỗ lực chống lại sự ảnh hưởng của nước ngoài đối với các cuộc bầu cử ở Cannada, Chính phủ đã thông qua Luật Hiện đại hóa bầu cử[39] và sửa đổi Luật Bầu cử Canada[40] để cấm việc sử dụng các đài truyền hình bên ngoài Canada gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử[41].
Nhìn chung, Chính phủ phải xác định hình thức ngôn luận nào được hỗ trợ đặc biệt và Chính phủ cũng cần xây dựng diễn đàn cho ngôn luận và phải thực hiện theo cách phù hợp với Hiến chương.
- Giới hạn của quyền tự do ngôn luận
            Mục 2 (b) với phạm vi bảo vệ tương đối rộng nên trong phần lớn trường hợp tính hợp hiến của pháp luật hoặc hành động của Chính phủ phụ thuộc vào các điều kiện quy định tại mục 1 Hiến chương. Các quyền tự do nói chung và quyền tự do ngôn luận nói riêng được thực hiện và tuân thủ với giới hạn “hợp lý theo luật định và có thể được minh chứng rõ ràng trong một xã hội tự do và dân chủ”[42]. Vì tầm quan trọng của quyền tự do ngôn luận, “mọi nỗ lực hạn chế quyền này cần phải được xem xét kỹ lưỡng”[43]. Điều này có nghĩa là “khi có hành vi xâm phạm vào quyền được thiết lập trong Hiến chương, các tòa án sẽ quyết định liệu sự xâm phạm này của Chính phủ hay cơ quan khác có được coi là hợp lý hay không”[44]. Theo mục 1 Hiến chương, để xác định giới hạn về quyền tự do, Tòa án cần xác định hành vi cụ thể có được “quy định trong luật”, “có hợp lý” và “có được minh chứng rõ ràng trong một xã hội tự do và dân chủ” không[45]. Ba tiêu chí này có mối liên hệ với nhau; trong đó, ở trường hợp cụ thể khi đã “có được minh chứng rõ ràng trong xã hội tự do và dân chủ” thì cũng có thể làm rõ một phần của tính “hợp lý”.
 “Mức độ bảo vệ của Hiến pháp có thể thay đổi tùy theo tính chất thể hiện ngôn luận đối với vấn đề… giá trị của một biểu đạt ngôn luận không cao thì mục tiêu hành động của Chính phủ có thể dễ dàng thắng thế”[46]. Theo đó, có thể dễ dàng “có được minh chứng rõ ràng” hơn đối với trường hợp hoạt động ngôn luận làm giảm giá trị mục 2 (b) mang lại, chẳng hạn như trường hợp ngôn từ kích động thù địch, khiêu dâm hoặc tiếp thị sản phẩm gây hại[47]. Soi chiếu từ giá trị xã hội cho đến quy định của pháp luật với những trường hợp này, Bộ luật Hình sự Canada quy định ba tội danh khác nhau liên quan đến công kích thù hận đó là mục 318 về chủ trương diệt chủng, mục 319 (1) về kích động hận thù trong cộng đồng có khả năng dẫn đến phá vỡ hòa bình và mục 319 (2) về hành vi cố tình thúc đẩy hận thù. Trong quyết định mang tính bước ngoặt ở vụ R.v. Keegstra, Tòa tối cao khẳng định nếu chỉ đặt ở phạm vi mục 2 (b) Hiến chương thì mục 319 (1) Bộ luật Hình sự có sự xâm phạm; tuy nhiên, thực tế phải được đặt trong sự phân tích ở cả mục 1, theo đó, mục 319 (1) chứng minh được là một “giới hạn hợp lý được quy định bởi pháp luật trong một xã hội tự do và dân chủ” và tiếp tục hướng tới “mục tiêu vô cùng quan trọng là phát triển ngôn luận từ giá trị cốt lõi của quyền tự do ngôn luận”[48]. Ngoài ra, luật nhân quyền còn “tiếp tục kiểm soát chặt chẽ” [49] phát ngôn công kích nhắm mục tiêu vào các hành vi phân biệt đối xử cơ bản[50]. Bên cạnh đó, đối với những trường hợp ít có minh chứng xã hội để chứng minh thuộc phạm vi giới hạn tự do ngôn luận như trường hợp quảng cáo bầu cử[51], Tòa án có thể chấp nhận việc chứng minh cho các giới hạn này theo quy định tại mục 1 Hiến chương bằng logic lý luận và lý do mà không cần các minh chứng khoa học xã hội[52].
Việc đặt ra giới hạn có làm giảm quyền tự do ngôn luận hay không là yếu tố cốt lõi để quyết định. Việc cấm hoàn toàn với một phương thức ngôn luận sẽ khó biện minh hơn khi chỉ cấm một phần[53]. Giới hạn đối với quyền tự do ngôn luận được bảo đảm bởi một hình phạt dân sự thay vì xử phạt hình sự như phạt tù được coi là biện pháp thay thế ít gây ảnh hưởng trong xã hội[54]. Với phạm vi rộng của mục 2 (b) Hiến chương thì phần lớn các vụ việc thực tiễn khi cần chứng minh tính hợp hiến của một văn bản luật hay hành động của Chính phủ phụ thuộc vào các tiêu chí phân tích trong mục 1 Hiến chương. Hiện nay, Tòa án tối cao Canada đang xem xét vụ kháng cáo từ Tòa phúc thẩm bang Ontario[55] liên quan đến việc xác định thẩm quyền của cảnh sát trong việc tự ý bắt giữ để ngăn chặn việc phá vỡ hòa bình trong một cuộc biểu tình chính trị khi một cá nhân bị bắt với mục đích phòng ngừa cho dù cá nhân đó chưa phạm tội hoặc thậm chí nghi ngờ phạm tội có vi phạm mục 2 (b) Hiến chương về quyền và tự do hay không[56].
Thực tiễn ở tòa, khi xem xét một văn bản luật hay hành động của Chính phủ có hạn chế quyền tự do ngôn luận hay không, Tòa án căn cứ vào mục đích và hệ quả của hành động. Theo đó, văn bản luật hay hành động của Chính phủ có mục đích nhằm hạn chế nội dung ngôn luận để kiểm soát quyền tiếp cận với một thông tin nhất định hay để hạn chế khả năng của một người nỗ lực truyền tải thông điệp để thể hiện bản thân là vi phạm mục 2 (b) Hiến chương[57]. Ngay cả trong trường hợp mục đích của hành động phù hợp với mục 2 (b) Hiến chương, một cá nhân vẫn có thể chứng minh hệ quả hành động của Chính phủ xâm phạm quyền của cá nhân đó theo mục 2 (b) Hiến chương. Trong trường hợp này, cá nhân phải chỉ ra rằng biểu đạt ngôn luận của mình đạt được những giá trị mục 2 (b) Hiến chương mang lại như tham gia vào việc đưa ra các quyết định xã hội và chính trị, tìm kiếm sự thật và tự thực hiện đầy đủ các quyền cá nhân[58]. Trong khi gần đây, các quyết định của Tòa án tối cao vẫn đề cập đến nguyên tắc xem xét hệ quả trong hành động của Chính phủ nhưng dường như Tòa án không áp đặt một loạt yêu cầu mà một cá nhân phải cho thấy giá trị đạt được trong ngôn luận của mình mà thay vào đó là có xu hướng để cá nhân tìm thấy hạn chế của văn bản luật hay hành động cụ thể của Chính phủ với mục 2 (b) Hiến chương. Nếu Tòa án kết luận rằng, một văn bản hay hành động của Chính phủ cho dù là mục tiêu hay hệ quả có sự xâm phạm mục 2 (b) Hiến chương thì Tòa sẽ cân nhắc xem liệu trường hợp cụ thể có nằm trong ngoại lệ của quyền tự do được quy định trong mục 1 Hiến chương hay không và nếu không thuộc ngoại lệ thì đó chính là hành động vi phạm quyền tự do ngôn luận.
Như vậy, với sự tôn trọng giá trị dân chủ và quyền tự do của con người, Hiến pháp Canada dành riêng một Chương gọi là Hiến chương về các quyền và tự do, trong đó đã ghi nhận một số quyền tự do cũng như là giới hạn cho việc thực hiện quyền tự do.
2. Một số đề xuất cho Việt Nam
            Việt Nam và Canada đều là thành viên của nhiều văn kiện pháp lý quốc tế ghi nhận quyền tự do ngôn luận như Công ước về các quyền dân sự và chính trị hay Công ước về quyền trẻ em... Với việc tôn trọng phẩm giá con người và giá trị của tự do dân chủ, Canada và Việt Nam đều ghi nhận các quyền tự do bao gồm cả tự do ngôn luận trong Hiến pháp của mình[59]. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam về quyền tự do ngôn luận cũng có những điểm khác biệt cụ thể so với pháp luật Canada. Trên cơ sở nghiên cứu pháp luật Canada và phù hợp với điều kiện thực tiễn ở Việt Nam, tác giả đưa ra một số đề xuất nâng cao hiệu quả thực thi quyền tự do ngôn luận ở Việt Nam. Cụ thể:  
            - Thứ nhất, Việt Nam nên mở rộng phạm vi chủ thể thụ hưởng quyền tự do ngôn luận.
Trên cơ sở pháp luật quốc tế cũng như sự nhận thức từ chính quốc gia, Canada ghi nhận quyền tự do ngôn luận của “mọi người” (mặc dù cũng có những giới hạn đặt ra với người nước ngoài theo luật định trong một số lĩnh vực như phát thanh truyền hình). Điều này tương thích với tinh thần của việc ghi nhận quyền tự do ngôn luận trong các văn kiện pháp lý quốc tế. Do đó, Việt Nam cũng nên mở rộng chủ thể được hưởng quyền tự do ngôn luận chứ không chỉ giới hạn ở “công dân” như quy định trong Hiến pháp năm 2013 mà còn có thể dành cho “mọi người” (không loại trừ việc đặt giới hạn cho những nhóm đối tượng khác ngoài công dân trong lĩnh vực cụ thể).
- Thứ hai, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Canada trong việc xác định rõ các hình thức “ngôn luận” được bảo vệ theo quy định của pháp luật.
            Về phạm vi bảo vệ, mặc dù Hiến chương của Canada không đưa ra danh sách các phương thức được hưởng quyền tự do ngôn luận nhưng từ điều kiện xác lập ngoại lệ quyền được quy định ở mục 1 Hiến chương và giải thích của Tòa án tối cao đã dần làm rõ và đưa ra được danh mục các phương thức ngôn luận được bảo vệ. Trên cơ sở xem xét vụ việc thực tế và đối chiếu với pháp luật Việt Nam, Việt Nam có thể tham khảo làm rõ phương thức “ngôn luận” được bảo vệ (có thể thông qua quy định ngay trong Hiến pháp). Từ thực tiễn khác biệt trong hệ thống pháp luật ở hai quốc gia cũng như điều kiện thực tế, Việt Nam không nhất thiết phải đưa ra danh mục liệt kê nhưng nên làm rõ “ngôn luận” không chỉ bao gồm các hình thức phát ngôn mà bao gồm cả không phát ngôn bởi trong nhiều trường hợp việc im lặng còn có ý nghĩa biểu thị một thông điệp rõ hơn là phát ngôn.
            - Thứ ba, Việt Nam nên đưa ra tiêu chí cụ thể, rõ ràng để xác định các trường hợp ngoại lệ của việc thực hiện quyền tự do ngôn luận ngay trong quy định của Hiến pháp hoặc trong một văn bản hướng dẫn của Chính phủ.
Cũng giống như Canada, pháp luật Việt Nam khi ghi nhận quyền tự do ngôn luận đồng thời cũng xác lập giới hạn của việc thực hiện quyền với tinh thần là “theo quy định của pháp luật” ngay trong Hiến pháp của quốc gia[60]. Tuy nhiên, hình thức thiết lập giới hạn quyền tự do ngôn luận ở Canada và Việt Nam có điểm khác biệt. Theo đó, Canada ghi nhận giới hạn quyền này ngay trong Điều 1 Hiến chương với các tiêu chí cụ thể, bao gồm tính “hợp lý”, “được quy định trong luật” và “được minh chứng rõ ràng trong đời sống xã hội và dân chủ”. Đối với Việt Nam – là một nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa được “tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật”[61], Điều 25 Hiến pháp 2013 khi ghi nhận quyền tự do ngôn luận cũng khẳng định “việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Như vậy, Hiến pháp năm 2013 chưa đưa ra được tiêu chí rõ ràng để xác lập giới hạn mà phải thông qua các quy định ở nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau (như Luật Báo chí năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016,…) và điều này dẫn đến sự phức tạp với công dân khi muốn đánh giá nhanh một hành động của Chính phủ có ảnh hưởng đến quyền tự do ngôn luận của mình hay không. Từ việc triển khai các quy định về quyền tự do thông qua các vụ việc thực tế ở Canada, Việt Nam có thể tham khảo đưa ra tiêu chí cụ thể để xác lập ngoại lệ rõ ràng hơn.
Nhìn chung, mặc dù pháp luật Canada và Việt Nam có sự khác biệt trong các quy định cụ thể nhưng trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của Canada và phù hợp với thực tiễn trong nước, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp thu để hoàn thiện các quy định của pháp luật liên quan đến quyền tự do ngôn luận, qua đó nâng cao hiệu quả tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm thực thi quyền tự do ngôn luận trong nước đồng thời thể hiện tinh thần trách nhiệm, cầu thị tiến bộ của Việt Nam với tư cách là thành viên tích cực của cộng đồng quốc tế báo cáo trước Ủy ban Nhân quyền của Công ước về quyền dân sự và chính trị năm 1966./. 
 

 


[1] Mục 2 (b): “Everyone has the following fundamental freedoms “freedom of thought, belief, opinion and expression, including freedom of the press and other media of communication”. Xem tại https://perma.cc/TM58-2844.
[2] Vùng Québec theo hệ thống pháp luật Civil law.
[3] Xem: Dòng 976 Vụ Công ty trách nhiệm hữu hạn Irwin Toy với Quebec (Attorney General) vào năm 1989 https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/443/index.do;
Xem: Dòng 765 và 766 vụ Ford với Quebec vào năm 1988 https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/384/index.do.
[4] Vụ R. v. Keegstra, Vụ việc Công ty báo chí Thomson với Canada (A.G.) vào năm 1990, vụ Harper voiws Canada vào năm 2004. Xem thêm: https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/2369/index.do.
[5] Bộ Tư pháp, Charterpedia: Section 2(b) – Freedom of Expression, https://perma.cc/BAZ8-FCYS.
[6] Charterpedia: Section 2(b) – Freedom of Expression. Xem thêm: https://www.justice.gc.ca/eng/csj-sjc/rfc-dlc/ccrf-ccdl/check/art2b.html.
[7] Dòng 835 vụ Dagenais với Canadian Broadcasting Corp năm 1994. Xem thêm: https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/1204/index.do.
 Dòng 232 vụ Rocket với Royal College of Dental Surgeons of Ontario năm 1990. Xem thêm:https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/628/index.do.
[8] VụEdmonton Journal với Alberta (Attorney General). Xem thêm: https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/555/index.do.
[9] Vụ Weisfeld v. Canada vào năm 1995.
VụRJR-MacDonald Inc. với Canada (Attorney General). Xem thêmhttps://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/1290/index.do.
[11] Vụ Ramsden v. Peterborough (City). Xem thêm https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/1038/index.do
[12] Vụ Guignard, supra; Vann Niagara Ltd. với Oakville (Town). Xem thêm https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/2100/index.do.
Và vụ Little Sisters Book and Art Emporium v. Canada (Minister of Justice) năm 2000 https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/1835/index.do.
[14]  Hate speech: vụ Saskatchewan (Human Rights Commission) với Whatcottmse, 2013. Xem thêm: https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/12876/index.do.
[16] Đoạn 60 vụ Canada (Attorney General) với JTI-Macdonald Corp: https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/2369/index.do.
[19] Vụ R. v. Zundel: Case Analysis, GLOBAL FREEDOM OF EXPRESSION, COLUMBIA UNIVERSITY. Xem thêm: https://globalfreedomofexpression.columbia.edu/cases/r-v-zundel/
[20] Slaight Communications Inc. với Davidson năm 1982. Xem thêm: https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/450/index.do.
[21] National Bank of Canada với Retail Clerks’ International Union năm 1984. Xem thêm:https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/23/index.do.
[22] Vụ McAteer v. Canada (Attorney General) năm 2014. 
[23] Vụ Harper.
[24] Vụ Rosen v. Ontario.
[25] Dòng 357 vụ MacKay v. Manitobanăm 1989. Xem thêm:https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/506/index.do.
[26] Bộ Tư pháp, Charterpedia: Section 2(b) – Freedom of Expression, https://www.justice.gc.ca/eng/csjsjc/
rfc-dlc/ccrf-ccdl/check/art2b.html.
[27] Kent Roach & David Schneiderman, Freedom of Expression in Canada. Xem thêm: https://www.law.utoronto.ca/utfl_file/count/documents/Schneiderman/Chapter%2010%20Roach%20Schne
iderman.pdf.
[28] Charterpedia: Section 2(
[28] Kent Roach & David Schneiderman, Freedom of Expression in Canada. Xem thêm: https://www.law.utoronto.ca/utfl_file/b) – Freedom of Expression. Xem thêm: https://www.justice.gc.ca/eng/csj-sjc/rfc-dlc/ccrf-ccdl/check/art2b.html.
[29] Canadian Broadcasting Corp.
[30] Vụ Zundel (1992).
[31] Greater Vancouver Transportation Authority, Đoạn 28 năm 2002. Xem tại: https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/1937/index.do;
Vụ Suresh với Canada (Minister of Citizenship and Immigration) năm 2012. Xem tại: https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/1937/index.do;
[32] Legal No Man’s Land: The Law Ill-equipped to Deal with FHRITP Hecklers, NATIONAL POST (May 15, 2015). Xem tại: https://nationalpost.com/news/canada/legal-no-mans-land-the-law-ill-equipped-to-deal-with-fhritphecklers.
[33] Compagnie générale des établissements Michelin v. C.A.W. Canada, 1997.
[35] Vụ thành phố Montreal, dòng 73 và 74.
[36] Vụ thành phố Montreal, dòng 43 và 45.
[37] Haigtr.1035.
[38] Linda Qiu, Is Fox News Banned in Canada, POLITIFACT (14/7/2014), https://www.politifact.com/punditfact/statements/2014/jul/14/facebook-posts/fox-news-banned-canada;
https://perma.cc/2PLD-737D (click “See the Screenshot View”).
[39] News Release, Government of Canada, Government of Canada Passes Elections Modernization Act (14/12/2018), https://www.canada.ca/en/democratic-institutions/news/2018/12/government-of-canada-passeselections-modernization-act.html.
[40] Canada Elections Act, S.C. 2000, c. 9, http://laws-lois.justice.gc.ca/eng/acts/E-2.01/FullText.html, archived
at https://perma.cc/5J92-5QSH.
[41] Điều 330 Luật Bầu cử đã được sửa đổi năm 2000; https://www.canada.ca/en/democratic-institutions/news/2018/12/government-of-canada-passeselections-
modernization-act.html.
[43] https://perma.cc/33SB-8LYW.
[44] Charterpedia: Section 2(b) – Freedom of Expression.
[45] Từ năm 1986, Tòa án tối cao đã áp dụng xem xét các tiêu chí này trong vụ R. v.Oakes: Dòng 103 Vụ R. v. Oakes vào năm 1986 https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/117/index.do.
[47] Từ năm 1986, Tòa án tối cao đã áp dụng xem xét các tiêu chí này trong vụ R. v.Oakes: Dòng 103 Vụ R. v. Oakes vào năm 1986 https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/117/index.do.
[48] Vụ R. v. Keegstra, năm 1990. Xem https://scc-csc.lexum.com/scc-csc/scc-csc/en/item/695/index.do.
[49] Hate speech.
[50] Pyeng Hwa Kang, Constitutional Treatment of Hate Speech and Freedom of Expression: A Canada – U.S. Perspective, 2019. Xem http://journals.openedition.org/revdh/4109.
[51] Mục 330 (2) Luật Đổi mới bầu cử năm 2018 của Canada quy định: “Trong suốt thời gian bầu cử, ngoài Canada không ai được phát sóng quảng cáo bầu cử liên quan đến cuộc bầu cử”.
Elections Modernization Act, S.C. 2018, c. 31, https://laws-lois.justice.gc.ca/eng/annualstatutes/2018_31/page-1.html.
[52] Charterpedia: Section 2(b) – Freedom of Expression.
[53] https://perma.cc/FW2J-C2WV.
[54] https://perma.cc/33SB-8LYW.
[55] Vụ Fleming v. Ontario, 2018 ONCA 160, http://www.ontariocourts.ca/decisions/2018/2018ONCA0160.pdf,
archived at https://perma.cc/5FXT-BVLE.
[56] Steph Brown, Breach of the Peace: ONCA Addresses Police Power to Arrest in Fleming v Ontario, THECOURT.CA (ngày1/3/2019). Xem http://www.thecourt.ca/fleming-v-ontario/;
Freedom of Expression: Fleming v. Ontario, CANADIAN CONSTITUTION FOUNDATION (15/2/2019). Xem https://theccf.ca/freedom-of-expression-fleming-v-ontario/, archived at https://perma.cc/FW2J-C2WV.
[57] Vụ Công ty trách nhiệm Irwin Toy, vụ Keegstra. Xem: https://perma.cc/33SB-8LYW.
[58] Xem thêm: https://globalfreedomofexpression.columbia.edu/cases/r-v-zundel/.
[59] Chương 2 quy định “quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”.
[60] Lời mở đầu và mục 1 Hiến chương về các quyền và tự do của Canada.
[61] Khoản 1 Điều 8 Hiến pháp năm 2013.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 22 (470), tháng 11/2022.)