Góp ý Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

11/06/2022

TS. NGUYỄN KIÊN BÍCH TUYỀN

Khoa Luật Kinh tế, Trường Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Theo Nghị quyết số 17/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 4 (10/2022). Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích một số điểm còn hạn chế của Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)[1] như bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được tặng thẻ quà tặng, người tiêu dùng là người nghèo, người tiêu dùng dịch vụ tài chính; và đưa ra các kiến nghị hoàn thiện.
Từ khóa: Người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thẻ quà tặng, người tiêu dùng dịch vụ tài chính, người nghèo.
Abstract: According to Resolution No. 17/2021/QH15 dated July 27, 2021 by the National Assembly on the Program on Law and Ordinance Development in 2022, and amendment of the Law and Ordinance Development Program in 2021, and the Draft Law on Protection of Consumer Rights (amended) shall be submitted to the National Assembly for appraisal and comments at the 4th Meeting Session (October 2022). Within the scope of this article, the author provides an analysis of a number of inadequacies of the Draft Law on Protection of Consumer Rights (amended) such as protecting the interests of consumers given gift cards, consumers of the poor; consumers of financial services and also gives out a number of recommendations for further improvements.
Keywords: Consumers; consumer protection; gift cards; consumers of financial services, the poor.
 nguoi-tieu-dung.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Một số điểm còn hạn chế của Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng(sửa đổi)
Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) hiện có 07 Chương và 80 Điều (Dự thảo luật). So với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có 06 Chương, 51 Điều, Dự thảo luật hiện nay bổ sung thêm Chương III: “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh”. Dự thảo luật đã có một số nội dung sửa đổi, bổ sung như khái niệm người tiêu dùng, người tiêu dùng dễ bị tổn thương, quyền của người tiêu dùng, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh, lĩnh vực thu hồi hàng hóa có khuyết tật, các phương thức bán hàng, giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng. Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mới, ưu điểm, Dự thảo luật vẫn còn một số nội dung cần được trao đổi thêm.
-Về nội hàm của khái niệm “người tiêu dùng”
Điều 2 của Dự thảo luật có quy định đối tượng áp dụng là “người tiêu dùng” và "cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan”. Điều 3 của Dự thảo luật có giải thích: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình”. Như vậy, “người tiêu dùng” ở đây có thể được hiểu bao gồm nhóm đối tượng là người được doanh nghiệp hoặc người khác tặng sản phẩm, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt, dù họ không phải là “cá nhân mua… sản phẩm, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình”. Ví dụ, họ được tặng sử dụng sản phẩm thông qua chương trình khuyến mãi của doanh nghiệp (promotion), thông qua thẻ quà tặng trả tiền trước (prepaid gift card) bởi bạn bè, người thân, đồng nghiệp, v.v… Tuy nhiên, trong Chương về “Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù với tổ chức, cá nhân kinh doanh” hiện chỉ có 3 mục chính là Giao dịch từ xa, Cung cấp dịch vụ liên tục, Bán hàng liên tục, chưa có mục Giao dịch liên quan đến thẻ quà tặng.
-Về đối tượng “người tiêu dùng dễ bị tổn thương”
Điều 6 của Dự thảo luật có đề cập đến các nội dung nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, như: người tiêu dùng là người cao tuổi, người tiêu dùng là người khuyết tật, người tiêu dùng là trẻ em, người tiêu dùng là người dân tộc thiểu số. Quy định này thể hiện tính nhân văn, nhân ái, nhưng sự liệt kê trên chưa thật sự đầy đủ vì còn một nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương nữa là người nghèo. Việc chưa liệt kê người nghèo vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương sẽ tạo cảm giác là nhóm người này không thật sự cần thiết được: (i) Có chính sách và bảo đảm thực hiện quyền ưu tiên về giá, phí và các ưu đãi khác trong hoạt động mua bán sản phẩm, cung cấp dịch vụ theo quy định của Luật này và pháp luật khác có liên quan; ii) Có cơ chế, chính sách chống phân biệt đối xử, xúc phạm người nghèo trong việc thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin cá nhân, tiếp cận hàng hóa, dịch vụ theo quy định của Luật này và quy định của pháp luật có liên quan; iii) Có cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật đối với người nghèo.
2. Một số kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, cần bổ sung thêm giao dịch liên quan đến thẻ quà tặng có trả tiền trước[2].
Lý do là vì chủ thể nhận được thẻ quà tặng hiện chưa được quan tâm bảo vệ quyền lợi đúng mức. Nếu căn cứ theo Điều 105, 115 Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền nhận hàng hóa, quyền được cung cấp dịch vụ từ thẻ quà tặng cũng chính là quyền tài sản, là tài sản[3]. Về nguyên tắc, quyền sở hữu đối với tài sản sẽ được bảo vệ, trừ một số trường hợp bị hạn chế theo quy định của luật. Điều 163 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “ Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”; “Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường”. Trên thực tế, khi người tiêu dùng được nhận thẻ quà tặng từ người thân, bạn bè nhưng sau ngày thẻ hết hạn, họ đến doanh nghiệp để đổi hàng từ thẻ quà tặng, đổi dịch vụ từ thẻ quà tặng thì bị từ chối cung cấp vì lý do hết hạn. Một số nhà cung cấp giải thích rằng đối với một số hàng hóa có tính đặc thù (như lương thực, thực phẩm, trái cây, hải sản v.v…) thì cần giới hạn thời hạn của thẻ quà tặng liên quan đến những hàng hóa đó vì chúng dễ bị hư hỏng. Tuy nhiên, lập luận này không thực sự phù hợp với những hàng hóa còn lại như quần áo, túi xách hay những hàng hóa không dễ bị hư hỏng trong một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, hàng hóa của doanh nghiệp đang kinh doanh là hàng hóa dễ dàng luân chuyển, bán cho nhiều khách hàng khác nhau, hàng hóa đó không chỉ bán cho người được tặng thẻ, và quan trọng là người tặng thẻ quà tặng đã trả tiền trước.
Ngoài ra, ngay cả trong trường hợp chủ thể cung cấp hàng hóa, dịch vụ giải thể[4] thì cũng cần phải thanh toán các nghĩa vụ tài sản cho người thụ hưởng thẻ quà tặng trước khi giải thể theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 và Luật Doanh nghiệp năm 2020. Trong trường hợp chủ thể cung ứng hàng hóa, dịch vụ sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi loại hình kinh doanh thì chủ thể nào khác tiếp nhận các quyền và nghĩa vụ của chủ thể đó, loại hình kinh doanh mới cũng phải tiếp nhận việc cung ứng dịch vụ, hàng hóa cho người được tặng thẻ quà tặng.
Tiếp đến, cách tính giới hạn thời gian của thẻ quà tặng hiện nay là không giống nhau giữa các nhà cung cấp. Có cá nhân, pháp nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ quy định là giá trị thẻ từ quà tặng 500.000 đồng trở lên sẽ có thời hạn 01 năm, có doanh nghiệp quy định thẻ quà tặng từ 1.000.000 đồng trở lên thì thời hạn là 01 năm, dưới những mức giá trị đó thì thời hạn là 6 tháng hoặc 3 tháng (ví dụ quy định của các nhãn hàng như Pierre Cardin, An Phước, Vascara, Charles and Keith Việt Nam và một số nhãn hàng khác). Trong khi đó, tham khảo hệ thống chuỗi siêu thị Woolworths của Úc thì tất cả các thẻ quà tặng để có thể sử dụng tại các siêu thị và các điểm bán lẻ khác sẽ được bán mà không có ngày hết hạn, ví dụ, kể từ ngày 31/3/2017. Ngày hết hạn cũng sẽ được dỡ bỏ cho thẻ mua hàng Woolworths mua từ cuối tháng 3/2017. Một nghiên cứu được công bố trên website finder.com.au vào tháng 8/2017 cho thấy “người Úc đã bỏ ra 70 triệu đô la/năm vào các thẻ quà tặng, nhưng lại để lại trung bình 54 đô la không sử dụng ở mỗi thẻ, tương đương với số tiền chưa được sử dụng lên tới 142 triệu đô la”[5].
Theo tác giả, ngay cả khi việc giới hạn thời hạn của thẻ quà tặng trả trước có liên quan đến hàng hóa, dịch vụ đặc thù nào đó thì giao dịch đó cũng cần được điều chỉnh cho thống nhất, nhằm bảo đảm quyền lợi chung của người được tặng thẻ quà tặng, không nên để mỗi doanh nghiệp có một quy định khác nhau như hiện nay. Điều 5 của Dự thảo luật có đề cập đến chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, chúng ta phải đẩy mạnh hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, chia sẻ thông tin, kinh nghiêm quản lý trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Về vấn đề này, việc tham khảo quy định của Úc cho thấy, quốc gia này đã có sự quan tâm đến quyền lợi của người được tặng thẻ quà tặng thông qua việc quy định thời hạn, cách thức giải quyết quyền lợi của của người được tặng thẻ quà tặng như sau: Tại Úc, từ 01/11/2019, quy định tại mục 191 A, mục 99C của Luật Người tiêu dùng Úc giới hạn thời hạn của thẻ quà tặng tối thiểu là 3 năm, có thông tin hết hạn được quy định rõ ràng trên thẻ quà tặng. Đạo luật Thẻ quà tặng đưa các điều khoản (Phụ lục 2 của Đạo luật Người tiêu dùng và Cạnh tranh 2010) quy định rằng một người không được: cung cấp thẻ quà tặng cho người tiêu dùng với các điều khoản và điều kiện cho phép hoặc yêu cầu thanh toán các khoản phí sau cung cấp (mục 99D); và yêu cầu hoặc nhận các khoản phí sau cung cấp (phần 99E[6])[7].
Như vậy, theo tác giả, ngoài việc bổ sung quy định về thẻ quà tặng vào Luật, thì nội dung này có thể được quy định cụ thể trong các văn bản dưới luật để việc sửa đổi, bổ sung được linh hoạt theo sự phát triển, thay đổi của đời sống xã hội.
Thứ hai, cần bổ sung người nghèo vào nhóm những người bị dễ bị tổn thương.
Tham khảo Điều 3 Luật Phòng, chống thiên tai năm 2013, chúng ta thấy người nghèo đã được liệt kê trong nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, bên cạnh trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo. Việc đưa người nghèo vào nhóm người dễ bị tổn thương là phù hợp, vì người nghèo còn được xem là dễ bị tổn thương hơn bất kỳ nhóm nào khác trước các vấn đề như thảm họa thiên nhiên, bệnh tật phát sinh, sức khỏe, thu nhập bị giảm, sự đối xử bất công, hoặc lời nói xem thường của người bán đối với họ khi đi mua hàng hóa, dịch vụ.
Thứ ba, cần có quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính.
Người tiêu dùng dịch vụ tài chính hiện nay đa phần là người nghèo, là công nhân[8], khách hàng có thu nhập trung bình hoặc thấp, không ổn định, hiểu biết về tài chính hạn chế[9]. Đây cũng là nhóm người dễ bị tổn thương như đã phân tích ở trên, là cộng đồng, nhóm người có vị thế về kinh tế, xã hội thấp hơn đòi hỏi có sự chú ý bảo vệ đặc biệt so với những cộng đồng, nhóm người khác trong xã hội[10]. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), khi sử dụng các dịch vụ tài chính, người tiêu dùng thường phải đối diện với những thách thức từ sự phức tạp của các sản phẩm và dịch vụ tài chính, chi phí tiếp cận, không quen thuộc với các hợp đồng pháp lý, tính mới của các loại dịch vụ tài chính công nghệ, dẫn đến có nguy cơ vi phạm pháp luật, bị mất thông tin cá nhân… Điều này sẽ đặt người tiêu dùng dịch vụ tài chính vào vị thế bất lợi và cần có cơ chế bảo vệ[11].
Điển hình như có một vấn đề gây tranh cãi hiện nay là lãi suất cho vay tiêu dùng của một số tổ chức tín dụng, công ty tài chính, công ty cho vay tiêu dùng khá là cao. Ví dụ, theo TS. Cấn Văn Lực, lãi suất của các công ty tài chính cho vay tiêu dùng hiện khoảng 20-50%/năm tùy thuộc vào khoản vay, thời hạn, rủi ro[12]. Bỏ qua câu chuyện việc cho vay với lãi suất cao như trên là phù hợp với Luật Các Tổ chức tín dụng năm 2010[13], Thông tư số 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được ban hành ngày 30/12/2016, có hiệu lực từ 15/3/2017, quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng là không trái với quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 về giới hạn lãi suất[14]. Vấn đề hiện nay là phải tìm cách giảm lãi suất cho vay tiêu dùng của những tổ chức trên ngay trên chính hợp đồng vay bằng những quy định của pháp luật. Có như vậy, quyền lợi của người tiêu dùng tài chính là công nhân, đối tượng là người nghèo, người có thu nhập thấp, thu nhập không ổn định mới được bảo đảm hơn. Trong công trình nghiên cứu của Damas Philip và MD. Israt Rayhan có tên gọi: “Tính dễ bị tổn thương và nghèo đói: Nguyên nhân là gì và chúng có liên quan như thế nào?”[15], nhóm nghiên cứu đã đưa ra kết luận là nghèo đói và tính dễ bị tổn thương là phức tạp và là khái niệm đa diện. Chúng có mối liên hệ tương hỗ và cái này tạo ra cái kia. Chính vì vậy, quản trị tốt và pháp quyền đóng vai trò quan trọng trong việc giảm nghèo.
Trong khi đó, quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dịch vụ tài chính là chưa rõ ràng, cần tiếp tục được hoàn thiện. Ví dụ, theo khoản 2 Điều 1 Thông tư số 30/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được ban hành 14/10/2016, có hiệu lực từ 28/11/2016, sửa đổi, bổ sung một số Thông tư quy định về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán thì: “Tổ chức phát hành thẻ phải thực hiện ngay các biện pháp để khóa thẻ khi chủ thẻ đề nghị do nghi ngờ có gian lận hoặc tổn thất và chịu trách nhiệm với toàn bộ tổn thất tài chính phát sinh đối với chủ thẻ do việc sử dụng thẻ sau thời điểm khóa thẻ”. Nhưng, vấn đề đặt ra là “thời điểm khóa thẻ” là thời điểm nào? Nếu tổ chức phát hành thẻ nhận được đề nghị khóa thẻ nhưng có lỗi trong việc chậm khóa thẻ và việc này làm người yêu cầu khóa thẻ bị mất tiền trong tài khoản trước thời điểm khóa thẻ, nhưng sau thời điểm chủ thẻ đề nghị khóa thẻ khá lâu, thì thiệt hại này ai phải gánh chịu? Theo Điều 19 Thông tư số 19/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được ban hành ngày 30/6/2016, có hiệu lực từ ngày 15/8/2016, quy định hoạt động thẻ ngân hang, thì “khi nhận được thông báo của chủ thẻ, tổ chức phát hành thẻ phải thực hiện ngay việc khóa thẻ và phối hợp với các bên liên quan để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác nhằm ngăn chặn các thiệt hại có thể xảy ra, đồng thời thông báo lại cho chủ thẻ. Thời hạn tổ chức phát hành thẻ hoàn thành việc xử lý thông báo nhận được từ chủ thẻ không quá 05 ngày làm việc đối với thẻ có BIN do Ngân hàng Nhà nước cấp hoặc 10 ngày làm việc đối với thẻ có BIN do tổ chức thẻ quốc tế cấp kể từ ngày nhận được thông báo của chủ thẻ”. Thiết nghĩ, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, sự gia tăng của tội phạm trong lĩnh vực tài chính, tính cấp bách của sự việc thì thời điểm khóa thẻ cần được quy định cụ thể hơn là chỉ được quy định gộp giữa việc khóa thẻ, phối hợp với các bên liên quan để thực hiện các biện pháp nghiệp vụ cần thiết khác nhằm ngăn chặn, xử lý thông báo nhận được từ chủ thẻ trong không quá 05 ngày làm việc, 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của chủ thẻ. Có như thế, việc phân định trách nhiệm giữa chủ thể phát hành thẻ và chủ thẻ mới được cụ thể, dễ dàng, tránh gây tranh cãi và thiệt thòi cho bên bị mất tiền trong tài khoản.
Như vậy, chúng ta cần có quy định rõ ràng, thống nhất và phù hợp hơn về quyền của người tiêu dùng dịch vụ tài chính trong Luật cũng như các văn bản quy phạm pháp luật khác liên quan đến từng vấn đề như: về lãi suất, về hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán và dịch vụ trung gian thanh toán, v.v… Điều này là phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 82/NQ-CP về chương trình hành động của Chính phủ thực hiện chỉ thị số 30-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Nghị quyết này đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp và phân công trách nhiệm cho Bộ Công Thương là “Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổng kết, đánh giá việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (2010), trên cơ sở đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan phù hợp với yêu cầu quản lý của đất nước và hội nhập quốc tế trong tình hình mới”./. 
 

 


[1] Dự thảo do Bộ Công thương trình Chính phủ tháng 6/2022.
[2] Tác giả không phân tích trường hợp chính doanh nghiệp phát hành thẻ quà tặng miễn phí cho người tiêu dung, vì điều đó liên quan đến chính sách riêng của doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, dịch vụ, thuộc chương trình khuyến mãi…
[3] Khoản 1 Điều 105 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: Quyền tài sản là quyền trị giá được bằng tiền, bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác.
[4] Khoản 2 Điều 93 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định “Trước khi giải thể, pháp nhân phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài sản”.
[5] Rosa Nguyen/ Theo News (2018), Thẻ quà tặng của Woolies sẽ không có hạn sử dụng, https://vietucnews.net/qua-tang-cua-woolies-se-khong-co-han-su-dung, truy cập ngày 02/4/2022.
 
[7] The Treasury Laws Amendment (Gift Cards) Act 2018 (the Gift Cards Act) received Royal Assent on 25 October 2018 and will apply to gift cards supplied on or after 1 November 2019.
The Gift Cards Act inserts provisions into the Australian Consumer Law (Schedule 2 of the Competition and Consumer Act 2010) which provide that a person must not:
•    supply a gift card to a consumer without a minimum three-year expiry period-section 99B (or they commit an offence - section 191A);
•    supply a gift card to a consumer without expiry information prominently disclosed on the gift card itself - section 99C (or they commit an offence-section 191B);
•    supply a gift card to a consumer with terms and conditions that allow or require the payment of banned post-supply fees - section 99D (or they commit an offence - section 191C); and
•    demand or receive banned post-supply fees - section 99E (or they commit an offence - section 191D).
[8] Bảo Hân (2020), Công nhân vay tiêu dùng: Vay một lần là….sợ, https://laodong.vn/xa-hoi/cong-nhan-vay-tieu-dung-vay-mot-lan-la-so-861117.ldo, truy cập ngày 02/4/2022.
[9] Đào Vũ (2021), Thống đốc lý giải chênh lệch lãi suất cho vay của công ty tài chính và ngân hàng, https://vneconomy.vn/thong-doc-ly-giai-chenh-lech-lai-suat-cho-vay-cua-cong-ty-tai-chinh-va-ngan-hang.htm, truy cập ngày 02/4/2022.
[10] Công ty Luật TNHH Minh Khuê (2022), Nhóm người dễ bị tổn thương là gì? Đảm bảo quyền của nhóm người dễ bị tổn thương ở Việt Nam?, https://luatminhkhue.vn/nhom-nguoi-de-bi-ton-thuong-la-gi-dam-bao-quyen-cua-nhom-nguoi-de-bi-ton-thuong-o-viet-nam.aspx, truy cập ngày 02/4/2022.
[11] Theo Dương Bá Hải và nhóm nghiên cứu (2022), Bảo vệ người tiêu dùng dịch vụ tài chính tại Việt Nam: Thực trạng và một số khuyến nghị, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM220015, truy cập ngày 02/4/2022.
[12] Hà Linh, Cảnh giác với “bẫy” cho vay tiêu dùng, http://www.hanoimoi.com.vn/ban-in/Tai-chinh/903042/canh-giac-voi-bay-cho-vay-tieu-dung, truy cập ngày 02/4/2022.
[13] Khoản 2 Điều 91 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 quy định: “Tổ chức tín dụng và khách hàng có quyền thỏa thuận về lãi suất, phí cấp tín dụng trong hoạt động ngân hàng của tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật”.
[14] Điều 4 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN được ban hành ngày 30/12/2016 (có hiệu lực từ 15/3/2017), về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng quy định: “1. Hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng được thực hiện theo thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan bao gồm cả pháp luật về bảo vệ môi trường”.
[15] Damas Philip and Md.Israt Rayhan (2004), Vulnerability and Poverty: What are the causes and how they are related?, Term paper for Interdisciplinary course, International Doctoral Studies, Program at ZEF Bonn, p.16

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 11 (459), tháng 6/2022.)