Miễn trách nhiệm đối với vi phạm hợp đồng do phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

12/06/2022

THS. NGUYỄN VĂN HÙNG

Khoa luật Thương mại, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ lên đời sống kinh tế xã hội, trong đó có việc các doanh nghiệp không thể tiếp tục thực hiện các hợp đồng thương mại đã ký kết. Việc không thực hiện được hợp đồng do phải tuân thủ các quyết định liên quan đến hoạt động chống dịch thì có được miễn trách nhiệm hay không, vấn đề này liên quan đến việc áp dụng chế định miễn trách nhiệm. Chế định miễn trách nhiệm được quy định trong hệ thống pháp luật nhằm bảo đảm nguyên tăc công bằng cho các bên khi thực hiện hợp đồng trong lĩnh vực thương mại, pháp luật thương mại Việt Nam quy định vấn đề này tại Điều 294 Luật Thương mại năm 2005. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích các quy định của pháp luật về trường hợp miễn trách nhiệm do phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, phân tích bình luận một số tình huống áp dụng quy định này trong thực tiễn và đưa ra các kiến nghị.
Từ khóa: Vi phạm hợp đồng, miễn trách nhiệm, Luật Thương mại.
Abstract:The Covid-19 pandemic has had a strong impact on socio-economic activities, including the inability of businesses to continue to perform signed commercial contracts, the failure to perform contracts due to compliance of the decisions related to anti-epidemic activities are exempt from responsibility or not, this issue is related to the application of the exemption regime. The institution of liability exemption is prescribed in the legal system to ensure the principle of fairness for the parties when performing a contract in the Article No. 294 of Law on Commerce of 2005. Within the scope of this article, the author provides an analysis off the legal provisions on the case of exemption from liability due to the decision of a competent agency, analysis of and comments on a number of situations where the regulation is applied and relevant recommendations.

Keywords: Violation of contract; liability exemption; Law on Commerce of 2005.

 MIỄN-TRÁCH-NHIỆM-HỢP-ĐỒNG.jpg

Ảnh minh họa: Nguồn internet

Theo nguyên tắc chung, khi hợp đồng được giao kết một cách hợp pháp thì nó sẽ có hiệu lực pháp luật, theo đó nếu bất kỳ bên nào không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ thì đó là hành vi vi phạm hợp đồng và phải chịu trách nhiệm với hành vi vi phạm đó. Mặt khác, pháp luật hợp đồng cũng áp dụng nguyên tắc công bằng; bởi lẽ, sẽ là không công bằng nếu bên vi phạm phải chịu trách nhiệm trong mọi trường hợp[1]. Chế định miễn trách nhiệm do vi phạm hợp đồng được quy định trong các văn bản pháp luật đóng vai trò bảo vệ bên vi phạm hợp đồng trong trường hợp vi phạm xảy ra là do những sự cố nằm ngoài khả năng dự đoán và khả năng kiểm soát của bên vi phạm. Trong lĩnh vực thương mại, các trường hợp miễn trách nhiệm được quy định tại Điều 294 Luật Thương mại năm 2005. Một trong các trường hợp được miễn trách nhiệm đó là: “Hành vi vi phạm của một bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết được vào thời điểm giao kết hợp đồng[2]. Có thể xác định rằng, hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là một trong những sự kiện cụ thể của trường hợp bất khả kháng. Vì vậy, khi rơi vào trường hợp này, bên vi phạm nghĩa vụ vẫn có thể viện dẫn trường hợp bất khả kháng để làm căn cứ miễn trách nhiệm. Để áp dụng quy định này trong thực tiễn điều chỉnh quan hệ hợp đồng thương mại, cần làm rõ hai vấn đề pháp lý sau đây: thứ nhất, những chủ thể nào là cơ quan có thẩm quyền, nội dung của quyết định, đồng thời xác định văn bản của các chủ thể này ban hành có đúng thẩm quyền hay không; thứ hai, khả năng nhận biết của các bên đối với quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

1. Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyềnđược quy định tại điểm d khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005 được hiểu theo nghĩa rộng, không chỉ bao gồm các loại văn bản hành chính nói chung, mà còn bao hàm các quyết định cá biệt, các nghị quyết cá biệt hay các văn bản hành chính khác như công văn, thông báo. Nghị quyết hay quyết định cá biệt (còn được gọi là văn bản áp dụng quy phạm pháp luật) là các văn bản  được ban hành theo trình tự hình thức thủ tục do pháp luật quy định nhằm áp dụng các quy phạm pháp luật vào từng trường hợp cụ thể có hiệu lực áp dụng một lần đối với một hoặc một số đối tượng cụ thể về một vấn đề cụ thể. Điều quan trọng là các văn bản này phải tác động một cách trực tiếp vào khả năng thực hiện nghĩa vụ của bên có hành vi vi phạm hợp đồng.
Bên cạnh đó, để xác định căn cứ miễn trừ trách nhiệm, cần phải căn cứ vào mục đích của quyết định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành. Bởi lẽ, không phải tất cả các quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có sự tác động đến khả năng thực hiện hợp đồng của các bên liên quan đều có thể lấy làm căn cứ miễn trừ trách nhiệm. Trong vấn đề này, có quan điểm cho rằng, những quyết định của cơ quan có thẩm quyền có tính chất cấm đoán nhưng không xuất phát từ việc bảo đảm an ninh quốc gia trong một lĩnh vực nào đó như vấn đề an ninh lương thực hay an ninh xã hội chẳng hạn thì không thể được coi là trường hợp được miễn trách nhiệm theo điểm d khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005[3]. Cụ thể, trong một vụ tranh chấp về hợp đồng vận chuyển hàng hóa[4], bên A là chủ tàu ký với bên B là chủ hàng một hợp đồng vận chuyển hạt lúa mì. Trong quá trình thực hiện hợp đồng bên A đã phải dừng việc dỡ hàng khi vẫn còn 2000 tấn lúa mì trên tàu theo quyết định của một cơ quan có thẩm quyền nước sở tại cấm tiêu thụ số lúa mì này vì ba lý do: thứ nhất, trong hàng hóa có lẫn rỉ sắt từ tàu; thứ hai, hàng hóa có chứa Phosyoxin là một loại thuốc trừ sâu bị cấm sử dụng cho hàng hóa; thứ ba, hàng có lẫn các hạt cỏ độc với số lượng vượt quá mức cho phép. Bên A đã đòi bên B bồi thường thiệt hại cho thời gian giữ hàng hóa trên tàu quá hạn, tiền bồi thường thiệt hại thương mại của tàu và các chi phí khác. Tuy nhiên, bên B lại cho rằng, nghĩa vụ dỡ hàng của mình đã không thực hiện được do có có sự kiện bất khả kháng là quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ủy ban trọng tài cho rằng, quyết định không cho phép dỡ hàng của cơ quan chức trách không được coi là một sự kiện bất khả kháng vì nó xuất phát từ hai nguyên nhân, một thuộc lỗi của tàu và một thuộc về bản thân hàng hóa. Trong hợp đồng này, bên A có nghĩa vụ phải bảo đảm tàu không làm hư hại hàng hóa, bên B có nghĩa vụ phải đảm bảo hàng hóa không chứa các thành phần độc hại. Do đó, Ủy ban trọng tài quyết định mỗi bên đều phải chịu trách nhiệm đối với hậu quả của việc hàng hóa không được bốc dỡ như thỏa thuận trong hợp đồng.
Vụ việc thứ hai: Công ty A và công ty B ký hợp đồng dịch vụ tổ chức sự kiện kỷ niệm 10 năm thành lập công ty A vào ngày 26/3/2020 tại nhà hàng X có địa chỉ tại quận 2, Tp. Hồ Chí Minh với số lượng khách tham dự là 100 người. Tuy nhiên, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch Covid 19, ngày 24/3/2020 UBND Tp. Hồ Chí Minh đã ban hành công văn số 1049/UBND về việc tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn thành phố. Cụ thể, tạm dừng hoạt động các khu vui chơi giải trí, nhà hàng, quán Beer club, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống có công suất phục vụ từ 30 người trở lên, câu lạc bộ Bida, phòng tập thể hình, cơ sở làm đẹp, uốn tóc, hớt tóc trên địa bàn thành phố kể từ 18 giờ ngày 24/3/ 2020 đến hết ngày 31/3/2020. Do phải thực hiện quy định này, công ty B đã không thể thực hiện được nghĩa vụ hợp đồng mà hai bên đã thỏa thuận. Trong trường hợp này, công ty B được miễn trách nhiệm vì việc không thực hiện hợp đồng hoàn toàn do phải tuân thủ theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà các bên không thể biết vào thời điểm giao kết hợp đồng.
Trong một trường hợp khác, bên vi phạm hợp đồng cũng viện dẫn Công văn 1049/UBND-TH nêu trên để yêu cầu được miễn trách nhiệm như sau: Công ty X hoạt động kinh doanh phòng tập thể hình có địa chỉ ở quận 1, Tp. Hồ Chí Minh. Do mới đi vào hoạt động nên công ty X đã ký hợp đồng thuê trang thiết bị và dụng cụ tập thể hình với công ty Y. Tuy nhiên, sau khi biết được công văn thông báo của UBND Tp. Hồ Chí Minh, công ty X đã gửi thông báo chấm dứt hợp đồng thuê trước thời hạn tới công ty Y và yêu cầu không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào với lý do hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch bệnh và phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Yêu cầu này của công ty X là không hợp lý. Bởi vì, chủ thể vi phạm chỉ có thể được miễn trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng là hậu quả trực tiếp của việc thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi nhất định theo quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Trong tình huống này, công ty X hoàn toàn vẫn có thể tiếp tục thực hiện hợp đồng với công ty Y như đã thỏa thuận, quyết định tạm dừng một số hoạt động trên địa bàn thành phố của Ủy ban nhân dân Tp. Hồ Chí Minh cùng với tình hình dịch bệnh tại thời điểm đó chỉ được coi như là một trở ngại khách quan khiến cho lợi nhuận của công ty X bị sụt giảm. Do đó, nếu công ty X đơn phương chấm dứt hợp đồng với công ty Y thì vẫn phải chịu mọi trách nhiệm phát sinh. Tham khảo Bộ luật Thương mại thống nhất Hoa Kỳ cho thấy, các quy định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành chỉ làm cho việc thực hiện hợp đồng trở nên khó khăn hay làm cho tính lợi nhuận bị kém đi thì không phải là căn cứ để miễn thực hiện nghĩa vụ hợp đồng[5]. Như vậy, trong trường hợp này, nếu công ty X thỏa thuận với công ty Y về việc tạm ngừng hợp đồng thuê trong thời gian dịch bệnh hoặc yêu cầu công ty Y xem xét giảm một phần tiền thuê sẽ là những giải pháp hợp lý.
Những phân tích trên cho thấy, bên vi phạm chỉ được miễn trách nhiệm khi quyết định của cơ quan có thẩm quyền tác động trực tiếp đến khả năng thực hiện nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng, nhưng quyết định đó là vì lợi ích chung không xuất phát từ lỗi của các bên. Nói cách khác, nếu như các bên trong hợp đồng không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ các nghĩa vụ đã được giao kết trong hợp đồng hoặc theo quy định của pháp luật dẫn đến việc cơ quan có thẩm quyền ban hành các quyết định có tính hành chính nhằm xử lý các vi phạm trong hoạt động thương mại hoặc các quyết định nhằm thực hiện công tác quản lý nhà nước trong hoạt động thương mại thì các bên không được áp dụng chế định miễn trách này.
Trong trường hợp, nếu các bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng do phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng bản thân quyết định này lại trái pháp luật hoặc không đúng thẩm quyền, thì các bên vi phạm nghĩa vụ trong tình huống này có được áp dụng chế định miễn trách hay không? Pháp luật thương mại của Việt Nam hiện nay vẫn chưa quy định cụ thể về vấn đề này. Tham chiếu quy định tại Điều 13 và Điều 16 Bộ luật Dân sự Cộng hòa liên bang Nga, khi một quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được ban hành mà việc áp dụng văn bản này dẫn đến nghĩa vụ của một bên trong hợp đồng bị trì hoãn hoặc không thực hiện được và trong trường hợp quyết định này bị Tòa án tuyên bố là trái pháp luật, thì cơ quan nhà nước đã ban hành ra quyết định này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do quyết định của mình gây ra[6]. Như vậy, trong trường hợp này, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định phải chịu trách nhiệm bồi thường các thiệt hại phát sinh trên cơ sở phán quyết của Tòa án về tính hợp pháp của quyết định. Quy định này nhằm bảo vệ quyền lợi của các bên trong hợp đồng cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc ban hành các quyết định của mình.
2. Khả năng nhận biết của các bên đối với quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền
Theo quy định của điểm d khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005, chế định miễn trách nhiệm chỉ được áp dụng khi hành vi vi phạm của bên do thực hiện quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi mà tại thời điểm giao kết hợp đồng các bên không thể biết đến quyết định đó. Do vậy, nếu các bên đã biết hoặc có thể biết đến quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được viện dẫn để làm căn cứ miễn trách nhiệm. Ở đây, pháp luật muốn ràng buộc trách nhiệm của bên vi phạm hợp đồng trên cơ sở xác định năng lực hành vi của bên vi phạm nghĩa vụ. Theo đó, nếu như các bên đã nhận thức được việc không thể thực hiện được hợp đồng mà vẫn tiến hành giao kết thì phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.
Tình huống sau đây minh chứng cho luận điểm nêu trên[7]: Theo nội dung vụ kiện, bên A đã không thanh toán cho bên B với lý do là không thể thanh toán tiền hàng do lệnh cấm của Hoa Kỳ trong việc sử dụng tiền USD và đồng Euro tại Cộng hòa Sudan. Theo Hội đồng trọng tài thì lệnh cấm của chính phủ Hoa Kỳ với Cộng hòa Sudan đã có từ năm 2006, tức là trước khi hai bên xác lập hợp đồng. Do vậy, bên A đã biết hoặc buộc phải biết về lệnh cấm này vào thời điểm xác lập hợp đồng, như vậy việc không thực hiện được nghĩa vụ của bên A trong trường hợp này không được coi là trường hợp miễn trách nhiệm. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là, luật quy định các bên không thể biết tức là bao gồm cả bên vi phạm và bên bị vi phạm hợp đồng. Thực tiễn cho thấy, việc biết hay phải biết quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ có ý nghĩa đối với bên vi phạm hợp đồng vì họ chính là chủ thể được xem xét miễn trách nhiệm hay không; bên bị vi phạm thì không nhất thiết phải áp dụng quy định này. Có những vụ việc tại thời điểm giao kết hợp đồng, chỉ có bên bị vi phạm biết trước về quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhưng họ vẫn đồng ý ký kết hợp đồng với bên kia. Trong trường hợp, quyết định của cơ quan nhà nước đó dẫn đến việc bên có nghĩa vụ vi phạm hợp đồng thì liệu bên bị vi phạm có phải gánh trách nhiệm hay không khi mà điều kiện hai bên đều không thể biết quyết định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm giao kết hợp đồng. Tham chiếu pháp luật của Hoa Kỳ về vấn đề này cho thấy, thời điểm quyết định của cơ quan có thẩm quyền là căn cứ để miễn trách. Theo đó, nếu như quyết định của cơ quan có thẩm quyền được ban hành sau khi hợp đồng của các bên được xác lập thì chế định miễn trách sẽ được áp dụng. Trong trường hợp này, pháp luật áp dụng nguyên tắc suy đoán hợp lý khi xác định rằng, các bên chắc chắn đã không biết về quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Ví dụ viện dẫn sau đây minh chứng cho quan điểm này:[8] Công ty Centex đã có khả năng nhận biết sẽ có một lệnh của Chính phủ sẽ ngăn cản việc thực hiện nghĩa vụ thanh toán của mình tại thời điểm giao kết hợp đồng nhưng yếu tố này hoàn toàn không được thẩm phán Tòa tối cao bang Texas xem xét khi xác định khả năng công ty Centex có được miễn nhiệm hay không. Trong vụ việc này, Tòa án bang Texas đã nhận định rằng, Lệnh của Ủy ban ngân hàng đã cấm công ty Centex thực hiện thỏa thuận với công ty Dalton nếu không có Lệnh này thì theo luật hợp đồng của bang, việc thực hiện nghĩa vụ này sẽ được đảm bảo thực hiện; theo đó, công ty Centex không thể thanh toán cho công ty Dalton vì phải tuân thủ quy định của Chính phủ. Điều này dẫn đến việc vi phạm nghĩa vụ của công ty Centex theo thỏa thuận trong hợp đồng với công ty Dalton. Do vậy, công ty Centex được miễn trách nhiệm. Vụ việc này cho thấy, căn cứ cho việc miễn trách nhiệm vi phạm nghĩa vụ thanh toán của công ty Centex chỉ dựa vào hai yếu tố đó là lệnh của Chính phủ được ban hành sau khi các bên giao kết hợp đồng và việc thi hành nghĩa vụ hợp đồng là vi phạm lệnh của Chính phủ. 
Bên cạnh đó, để xác định về tình trạng nhận biết thông tin của các bên, cần xác định các kênh thông tin mà các chủ thể tiếp nhận quyết định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các quyết định này phải được đăng tải trên các kênh thông tin chính thống, bởi lẽ, trong trường hợp những kênh thông tin không đáng tin cậy đưa tin trước về việc một quyết định nào đó của cơ quan có thẩm quyền sẽ được ban hành và có nguy cơ ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng, mặc dù các bên nhận biết được thông tin này nhưng họ không tin và vẫn giao kết, trong trường hợp này thì vẫn chưa có đủ để cơ sở khẳng định rằng, các bên đã biết về quyết định đó tại thời điểm giao kết hợp đồng.
Như vậy, khác với quy định của Công ước Viên 1980[9], trường hợp miễn trách nhiệm do phải thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của Luật Thương mại năm 2005, với tư cách là một trường hợp miễn trách độc lập, không tạo ra sự chồng chéo hay mâu thuẫn với các văn bản pháp luật khác, mà nó còn giúp cho việc giải quyết các tranh chấp thương mại được thuận lợi hơn. Bởi lẽ, luật quy định chi tiết, cụ thể sẽ giảm thiểu được các mâu thuẫn trong việc giải thích và áp dụng luật. Tuy nhiên, xét về bản chất thì đây cũng là trường hợp miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng. Khác với trường hợp miễn trách nhiệm do sự kiện bất khả kháng, trường hợp này không phải xem xét tới tính khách quan, không thể lường trước được và không thể khắc phục được của quyết định của cơ quan nhà nước./. 

 


[1] Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh (2017), Giáo trình Pháp luật thương mại hàng hóa và dịch vụ, Nhà xuất bản Hồng Đức, Hội Luật gia Việt Nam, tr.440.
[2] Điểm d khoản 1 Điều 294 Luật Thương mại năm 2005.
[3] Trường Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh (2016), Giáo trình Luật Hợp đồng thương mại quốc tế, Nxb. Đại học quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, tr. 111.
[4] Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (2016), Giải quyết tranh chấp hợp đồng- những điều doanh nhân cần biết, Nxb. Thanh niên, tr. 223-226.
[5] Hoàng Ngọc Thiết (chủ nhiệm đề tài-2005), Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa theo Bộ luật Thương mại thống nhất Hoa Kỳ, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp bộ, mã số B2003.40.30, Trường Đại học Ngoại thương, tr 29.
[6] Lý Minh Hằng (2014), Miễn trách nhiệm bồi thường thiệt hại hợp đồng theo pháp luật Việt Nam, luận văn thạc sĩ luật học, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.30.
[7] Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (2016), Giải quyết tranh chấp hợp đồng- những điều doanh nhân cần biết, Nxb. Thanh niên, tr. 198.
[8] Hoàng Ngọc Thiết (chủ nhiệm đề tài-2005), Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa theo Bộ luật Thương mại thống nhất Hoa Kỳ, Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp bộ, mã số B2003.40.30, Trường Đại học Ngoại thương, tr. 30-32.
[9] Khoản 1 Điều 79  Công ước Viên 1980 – Công ước của Liên hợp quốc về Mua bán hàng hóa quốc tế.

 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 07 (455), tháng 04/2022.)