Chuyển quyền yêu cầu bồi thường trong pháp luật bảo hiểm

04/04/2022

ĐỖ VĂN ĐẠI

Giảng viên Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh,

NGUYỄN THỊ KHÁNH NGÂN

Trường Đại học Văn Lang.

 Tóm tắt: Chuyển quyền yêu cầu bồi thường trong pháp luật bảo hiểm là quy định nhằm giúp doanh nghiệp bảo hiểm được quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm trong trường hợp thiệt hại do người thứ ba gây ra. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000 về vấn đề này vẫn còn những bất cập. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả phân tích những vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn và đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật liên quan đến chế định bồi hoàn trong bảo hiểm.
Từ khóa: Chuyển quyền yêu cầu bồi thường, bảo hiểm, Luật Kinh doanh bảo hiểm.
Abstract: Transfer of right to claim under insurance law is a provision that insurers have a right to ask a third party for reimbursing the insured amount in case of damage caused by the third party. However, the reality shows that the relevant provision to this issue still has shortcomings under the Law on Insurance Business of 2000. Within the scope of this article, the authors provide an analysis of legal issues arising in practice and give out recommendations for further improvements of the law related to law on insurance indemnity.
Keywords: Transfer of right to claim; insurance; Law on Insurance Business.
 BỒI-THƯỜNG-BẢO-HIỂM.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Dẫn nhập
Khi một người bị thiệt hại (như thiệt hại về tài sản) và thiệt hại này có một người chịu trách nhiệm bồi thường nhưng người bị thiệt hại có bảo hiểm do có hợp đồng với doanh nghiệp bảo hiểm, người bị thiệt hại có thể lựa chọn phương án yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền. Trong trường hợp này, pháp luật đương đại cho phép doanh nghiệp bảo hiểm quay sang yêu cầu người chịu trách nhiệm bồi thường bồi hoàn khoản tiền mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người bị thiệt hại. 
Ở Pháp, trong một thời gian, doanh nghiệp bảo hiểm thường đưa vào hợp đồng bảo hiểm quy định theo hướng doanh nghiệp bảo hiểm thế vào quyền của người bị thiệt hại để yêu cầu người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại bồi hoàn khoản tiền bảo hiểm. Sau này, vào năm 1930, các nhà lập pháp của Pháp đã ban hành quy định ghi nhận việc thế quyền như vừa nêu và ngày nay Điều L. 121-12 (khoản 1) Bộ luật Bảo hiểm của Pháp (tức khoản 1 Điều 36 Luật năm 1930) quy định “doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bảo hiểm được thế quyền, trong phạm vi khoản tiền bảo hiểm, của người được bảo hiểm để đòi người thứ ba, người bằng hành vi của mình đã gây thiệt hại làm phát sinh trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm”.
Ở Việt Nam hiện nay, Luật Kinh doanh bảo hiểm (sau đây viết tắt là “Luật KDBH”) có quy định liên quan đến việc bồi hoàn như của Pháp nêu trên. Tuy nhiên, cơ chế này (được thiết lập ở thời điểm ban hành Luật KDBH năm 2000) đã thể hiện một số nhược điểm mà chúng ta nên khắc phục trong lần sửa đổi này.
2. Phạm vi áp dụng của cơ chế bồi hoàn
Pháp luật kinh doanh bảo hiểm có quy định liên quan đến cơ chế bồi hoàn. Cụ thể, theo điểm e khoản 1 Điều 17 Luật KDBH, “Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền: Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm do người thứ ba gây ra đối với tài sản và trách nhiệm dân sự” và, theo khoản 1 Điều 49 (về bảo hiểm tài sản), “Trong trường hợp người thứ ba có lỗi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm thì người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm”.
Quy định này có nhược điểm liên quan đến loại trách nhiệm bồi thường mà người thứ ba chịu trách nhiệm. Để hiểu rõ hơn, chúng ta căn cứ vào pháp luật dân sự để phân tích hai loại trách nhiệm dân sự bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.
1- Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra
-Tồn tại song song với thiệt hại do người gây ra
Từ rất lâu, pháp luật dân sự ghi nhận hai loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại (ngoài hợp đồng) dựa vào nguyên nhân gây ra thiệt hại và hai loại này hiện nay được ghi nhận rõ nét tại Điều 584 BLDS năm 2015.
Cụ thể, theo khoản 1 và 3 Điều 584 BLDS năm 2015, “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác” (khoản 1) và “Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này” (khoản 3). Ở đây, khoản 1 đề cập tới thiệt hại do hành vi của con người gây ra còn khoản 3 đề cập tới thiệt hại do tài sản gây ra. Bên cạnh đó, BLDS còn có nhiều quy định nữa về bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra như Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra tại Điều 601, Bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra tại Điều 603, Bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra tại Điều 604 và Bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra tại Điều 605.
Như vậy, bên cạnh trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người gây ra, pháp luật dân sự còn ghi nhận một loại trách nhiệm bồi thường nữa là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra.
-Nhược điểm của pháp luật bảo hiểm
Quy định nêu trên trong pháp luật bảo hiểm, nhất là những nội dung in nghiêng nêu trên, cho thấy pháp luật bảo hiểm tập trung vào thiệt hại do người gây ra; quy định này không đề cập tới thiệt hại do tài sản gây ra trong khi đó thiệt hại (nhất là thiệt hại về tài sản) do tài sản gây ra lại rất phổ biến trong thực tiễn[1].
Trong thực tế, đã có trường hợp thiệt hại phát sinh do nguồn nguy hiểm cao độ (một dạng tài sản) và yêu cầu bồi hoàn của doanh nghiệp bảo hiểm đã bị Tòa án từ chối do quy định hiện hành tập trung vào thiệt hại do người gây ra. Cụ thể, đã xảy ra vụ cháy lớn làm tiêu hủy một phần hàng hóa lưu tại kho và Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy có Công văn số 573/CSPCCC(P2) về việc “Thông báo kết quả điều tra vụ cháy” xác định nguyên nhân vụ cháy như sau: “Do trên đường dây dẫn điện cung cấp điện cho đèn cao áp chiếu sáng thuộc kho số 1 theo hướng Nam-Bắc. Vị trí này có tọa độ cách tường hướng Bắc 2,8m, cách tường hướng Đông 27m đã xảy ra sự cố chạm chập điện (ngắn mạch). Sự cố ngắn mạch phát sinh hồ quang mang năng lượng cao đốt cháy vỏ cách điện, làm nóng cháy lõi dây dẫn điện tạo hạt đồng nóng chảy mang nhiệt độ cao (>15000 C) văng ra gây cháy các vật liệu dễ cháy (nhựa, giấy..), từ đây đám cháy phát triển đi các hướng và gây cháy lớn”. Sau khi khẳng định “Tổng Công ty Bảo hiểm B là đơn vị kinh doanh bảo hiểm. Theo quy định tại Điều 309, Điều 577 Bộ luật Dân sự năm 2005 và điểm e khoản 1 Điều 17, Điều 49 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì căn cứ để cơ quan bảo hiểm đòi người thứ ba phải trả tiền bảo hiểm là: Người thứ ba là người có hành vi vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc là người có hành vi trái pháp luật và gây ra thiệt hại cho người được bảo hiểm; Công ty bảo hiểm đã bồi thường thiệt hại cho người được bảo hiểm; Người được bảo hiểm đã có văn bản thế quyền, chuyển quyền bồi hoàn cho công ty bảo hiểm”, Tòa án đã xét rằng “Qua các chứng cứ trên cho thấy, S đã thực hiện đúng các quy định về đảm bảo an toàn, phòng cháy chữa cháy. Sự cố hỏa hoạn xảy ra ngày 12/4/2013 là sự kiện xảy ra một cách khách quan, không thể lường trước được vì S đã áp dụng đầy đủ các biện pháp về an toàn đối với hệ thống điện theo quy định. Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn cũng không xuất trình được chứng cứ nào khác để chứng minh vụ hỏa hoạn là do lỗi của bị đơn. Bản án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tổng Công ty Bảo hiểm B là có căn cứ. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm không có cơ sở để chấp nhận kháng cáo của Tổng Công ty Bảo hiểm B. Chấp nhận đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh giữ nguyên bản án sơ thẩm[2].
Ở vụ việc trên, thiệt hại đã xảy ra đối với tài sản được bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bảo hiểm cho người bị thiệt hại nhưng doanh nghiệp bảo hiểm không được yêu cầu người thứ ba bồi hoàn cho dù, theo pháp luật dân sự, vẫn có thể có người thứ ba chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Thực tế, theo pháp luật dân sự, chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ (trong đó có đường dây tải điện)[3] phải chịu trách nhiệm bồi thường và trách nhiệm này là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra dù chủ sở hữu không có lỗi[4]. Vì vậy, việc loại trừ trách nhiệm bồi hoàn của chủ nguồn nguy hiểm cao độ gây thiệt hại là không thuyết phục, nhưng sự không thuyết phục này là do quy định của pháp luật bảo hiểm thiên về thiệt hại do người gây ra và chưa bao quát hết các trường hợp trong đó có thiệt hại do tài sản gây ra. 
- Dự thảo sửa đổi Luật
Hiện nay, chúng ta có Dự thảo sửa đổi Luật kinh doanh bảo hiểm[5] và sau đây viết gọn là “Dự thảo sửa đổi”) trong đó có quy định về bồi hoàn nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề nêu trên.
Cụ thể, theo Dự thảo sửa đổi, “Người được bảo hiểm có trách nhiệm chuyển giao quyền yêu cầu bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm để yêu cầu người thứ ba có hành vi gây thiệt hại chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật. Nguyên tắc này không áp dụng đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe” (khoản 4 Điều 13), “Doanh nghiệp bảo hiểm có các quyền sau đây: Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm do người thứ ba gây ra đối với tài sản, lợi ích kinh tế, nghĩa vụ theo hợp đồng, nghĩa vụ theo quy định pháp luật và trách nhiệm dân sự” (điểm e khoản 1 Điều 17) và “Trong trường hợp người thứ ba có trách nhiệm bồi thường do hành vi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm, trên cơ sở người được bảo hiểm đã chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình sẽ nhận bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm” (khoản 1 Điều 53).
Nội dung trên cho thấy, Dự thảo sửa đổi vẫn tập trung vào thiệt hại do người gây ra và chưa khắc phục được nhược điểm nêu trên vì chưa đề cập tới khả năng bồi hoàn đối với thiệt hại do tài sản gây ra theo pháp luật dân sự.
- Kinh nghiệm nước ngoài
Phần Dẫn nhập cho thấy pháp luật Pháp cũng ghi nhận cơ chế thế quyền cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Ở quy định trên của Pháp, văn bản đề cập tới thiệt hại do người thứ ba gây ra bằng hành vi của họ và nội dung này được thể hiện ở đoạn “người bằng hành vi của mình đã gây thiệt hại”. Nếu căn cứ vào nội dung này, “quyền yêu cầu bồi hoàn có vẻ chỉ được ghi nhận đối với chủ thể trực tiếp gây ra thiệt hại, người bằng hành vi của mình, tức lỗi, làm phát sinh thiệt hại”[6]. Tuy nhiên, “án lệ đã không áp dụng cứng nhắc văn bản. Án lệ đã chấp nhận rằng thế quyền quy định tại Điều L. 121-12 Bộ luật Bảo hiểm có thể được áp dụng cho tất cả ai chịu trách nhiệm bồi thường, dù căn cứ làm phát sinh trách nhiệm là gì, hợp đồng hay ngoài hợp đồng”[7]. Vì thế, “doanh nghiệp bảo hiểm có thể yêu cầu tất cả những ai mà trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng hay gần như vậy được xem xét đối với thiệt hại, dù trách nhiệm phát sinh từ hành vi của mình, từ hành vi của người khác hay do tài sản gây ra[8].
Nội dung trên cho thấy, văn bản của Pháp khá giống chúng ta hiện nay (vì được xay dựng gần 100 năm nay) nhưng nhược điểm của văn bản đã được khắc phục bởi án lệ. Ở đây, thiệt hại do người gây ra và thiệt hại do tài sản gây ra đều có thể làm phát sinh quyền yêu cầu bồi hoàn của doanh nghiệp bảo hiểm. Pháp luật một số nước khác cũng theo hướng không giới hạn ở thiệt hại do người gây ra mà chỉ xem xét đến điều kiện phát sinh trách nhiệm chuyển quyền yêu cầu bồi hoàn là “Chủ hợp đồng bảo hiểm có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại từ một bên thứ ba[9] hoặc “Nếu một người được bảo hiểm có quyền yêu cầu bồi thường từ bên thứ ba do xảy ra tổn thất”[10].
-Hướng hoàn thiện ở Việt Nam
Nội dung trên cho thấy, văn bản hiện nay ở Việt Nam có nhược điểm là mới tập trung vào thiệt hại do người gây ra và còn bỏ sót thiệt hại do tài sản gây ra. Khác với Pháp, chúng ta chưa có án lệ mở rộng phạm vi áp dụng chế định bồi hoàn đối với thiệt hại do tài sản gây ra.
Quy định như hiện nay đã dẫn tới quyền yêu cầu bồi hoàn của doanh nghiệp bảo hiểm bị loại trừ dù theo pháp luật dân sự vẫn có người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại (là loại trách nhiệm bồi thường thiệt hại do tài sản gây ra). Ở đây, doanh nghiệp bảo hiểm vô tình phải gánh chịu tổn thất trong khi đó, theo pháp luật dân sự, vẫn có người chịu trách nhiệm đối với thiệt hại và Dự thảo sửa đổi cũng chưa cải thiện được nhược điểm này.
   Để tương thích với pháp luật dân sự và trên cơ sở kinh nghiệm nước ngoài nêu trên, chúng ta nên mở rộng việc bồi hoàn cho cả thiệt hại do tài sản gây ra. Dự thảo nên tiếp cận thêm theo hướng này, tức mở rộng ra cả đối với thiệt hại do tài sản gây ra.
2.2. Đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người gây ra
-Trách nhiệm không cần lỗi
Ở thời điểm Luật KDBH được ban hành năm 2000, BLDS năm 1995 đang có hiệu lực và văn bản này yêu cầu yếu tố lỗi trong những căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Chẳng hạn, theo Điều 609 BLDS năm 1995, “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc các chủ thể khác mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường”. Ở quy định nêu trên của Luật KDBH, “lỗi” của người gây thiệt hại (người thứ ba) cũng là yếu tố cần thiết để yêu cầu người thứ ba bồi hoàn và việc Luật KDBH yêu cầu người thứ ba có lỗi như chúng ta đã thấy trong quy định ở trên là tương thích với BLDS ở thời điểm xây dựng Luật KDBH. Ở đây, “chế định chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn trong bảo hiểm tài sản chỉ có thể được áp dụng khi người thứ ba phải thực hiện hành vi có lỗi gây thiệt hại”[11].
Tuy nhiên, BLDS năm 2015 đã có cải cách lớn theo hướng bỏ yếu tố “lỗi” trong các căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại (trong hợp đồng cũng như ngoài hợp đồng). Cụ thể, BLDS năm 2015 lần lượt quy định “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác” (Điều 360 áp dụng cho thiệt hại trong hợp đồng), “Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác” (khoản 1 Điều 584 về thiệt hại ngoài hợp đồng). Ở các quy định vừa nêu, yếu tố “lỗi” không còn được giữ lại nữa nên việc Luật KHBH duy trì yếu tố “lỗi” đối với người thứ ba để cho doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện yêu cầu bồi hoàn là không còn tương thích với BLDS mới[12].
Trong các quy định của Dự thảo sửa đổi nêu trên về bồi hoàn, chúng ta không thấy nhắc lại yếu tố “lỗi” của người thứ ba chịu trách nhiệm bồi thường nữa. Hướng bỏ yếu tố “lỗi” trong Dự thảo sửa đổi so với Luật KDBH là thuyết phục, tương thích với quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong BLDS năm 2015 và hy vọng sẽ được thông qua về nội dung này.
-Cả thiệt hại do người khác gây ra
Liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người gây ra trong BLDS trước đây và BLDS hiện nay, chúng ta có hai loại trách nhiệm bồi thường.
Trách nhiệm thứ nhất là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do chính mình gây ra. Đây là trách nhiệm áp dụng cho chính người gây ra thiệt hại và đã được thể hiện rõ nét tại khoản 1 Điều 584 BLDS năm 2015 nêu trên. Bên cạnh đó, chúng ta còn một loại trách nhiệm nữa là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người khác gây ra, tức người chịu trách nhiệm bồi thường và người gây ra thiệt hại là hai chủ thể khác nhau như Bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra tại Điều 600 BLDS năm 2015 hay Bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ratại Điều 597 BLDS năm 2015.
Trong Điều 17 và Điều 49 nêu trên, Luật KDBH quy định về bồi hoàn của người thứ ba và người thứ ba chịu trách nhiệm bồi hoàn là người “gây thiệt hại”. Điều đó có nghĩa là Luật KDBH tập trung vào loại trách nhiệm thứ nhất nêu trên (trách nhiệm về thiệt hại do mình gây ra) mà còn bỏ ngỏ trách nhiệm thứ hai nêu trên, tức trách nhiệm về thiệt hại do người khác gây ra. Dự thảo sửa đổi nêu trên có nội dung “người thứ ba có trách nhiệm bồi thường do hành vi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm” nên vẫn tập trung vào loại trách nhiệm thứ nhất; chủ thể chịu trách nhiệm bồi hoàn tiền doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chính là “người thứ ba” gây ra thiệt hại cho người được bảo hiểm.
-Cả thiệt hại do người khác gây ra (tiếp)
Phần trên liên quan đến pháp luật của Pháp cho thấy hệ thống này không chỉ ghi nhận việc bồi hoàn đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do mình gây ra mà cả đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người khác gây ra (do án lệ mở rộng văn bản được xây dựng từ năm 1930).
Thực tế, Tòa án Pháp đã ghi nhận cho doanh nghiệp bảo hiểm được yêu cầu bồi hoàn đối với cha mẹ của đứa trẻ gây thiệt hại[13] và đây chính là bồi hoàn trong khuôn khổ của trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người khác gây ra (cha mẹ chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do con gây ra). Luật KHBH và Dự thảo sửa đổi của chúng ta như nêu trên chưa tập trung vào trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người khác gây ra và thực tiễn xét xử đã ghi nhận khả năng này[14] nhưng hướng này vẫn chưa được phát triển thành án lệ (chưa có án lệ nào được công bố về chủ đề này).
Trên cơ sở kinh nghiệm nước ngoài và thực tiễn tại Việt Nam nêu trên, Dự thảo sửa đổi nên mạnh dạn theo hướng ghi nhận việc bồi hoàn cho cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người khác gây ra (nên không cần nhấn mạnh người thứ ba gây thiệt hại bằng hành vi của mình mà chỉ cần nêu đơn giản là người thứ ba chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật).
3. Thực hiện cơ chế bồi hoàn
3.1.Thời điểm chuyển quyền yêu cầu bồi thường
   -Sau khi thanh toán cho người được bảo hiểm
Theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, quyền yêu cầu bồi thường của người được bảo hiểm được chuyển cho doanh nghiệp bảo hiểm để tiến hành yêu cầu bồi hoàn được tiến hành sau khi doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán cho người được bảo hiểm.
Cụ thể, theo điểm e khoản 1 Điều 17 Luật KDBH, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm “đã bồi thường cho người được bảo hiểm”. Tương tự, theo khoản 1 Điều 49 Luật KDBH quyền yêu cầu bồi thường được chuyển cho doanh nghiệp bảo hiểm khi doanh nghiệp bảo hiểm “đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm”. Hướng như vừa nêu ở nước ta khá giống với pháp luật của Pháp nêu trong phần Dẫn nhập.
Kinh nghiệm của Pháp cho thấy “yêu cầu phải thanh toán trước có thể bất lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là khi yêu cầu bồi thường của người được bảo hiểm đối với người thứ ba có thời hiệu khởi kiện ngắn vì doanh nghiệp bảo hiểm phải khởi kiện trong thời hạn này trong khi đó có thể doanh nghiệp bảo hiểm không có thời gian để xử lý vụ việc. Chính vì vậy, Tòa án tối cao Pháp đã làm mềm mỏng yêu cầu thanh toán trước này. Thực tế, Tòa án tối cao Pháp cho phép doanh nghiệp bảo hiểm yêu cầu người thứ ba bồi hoàn trước khi thanh toán cho người được bảo hiểm với điều kiện doanh nghiệp bảo hiểm làm việc này trước khi Tòa án tuyên về bồi hoàn”[15]. Đây là điểm chúng ta nên học hỏi để đưa vào trong Dự thảo nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm.
   -Trước khi thanh toán cho người được bảo hiểm
Trong mối quan hệ với việc doanh nghiệp bảo hiểm thanh toán, Dự thảo sửa đổi đã có sự thay đổi so với Luật KDBH hiện hành vì khoản 1 Điều 53 về Chuyển quyền yêu cầu bồi hoàncủa Dự thảo sửa đổi quy định “Trong trường hợp người thứ ba có trách nhiệm bồi thường do hành vi gây thiệt hại cho người được bảo hiểm, trên cơ sở người được bảo hiểm đã chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình sẽ nhận bồi thường từ doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm”.
   Với quy định trong Dự thảo sửa đổi, việc chuyển quyền yêu cầu được tiến hành trước khi doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền cho người được bảo hiểm; người được bảo hiểm phải thực hiện chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn trước thì doanh nghiệp bảo hiểm mới trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm. Theo Tờ trình kèm theo Dự thảo sửa đổi, sự thay đổi (bỏ khoản 1 Điều 49 Luật hiện hành và thay bằng quy định trên) được lý giải như sau: Luật hiện hành “chưa quy định hậu quả pháp lý đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm đã trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm mà người được bảo hiểm không chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm”.
   Việc có quy định mới như Dự thảo sửa đổi nêu trên sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm nhưng điều này sẽ làm chậm việc thanh toán cho người được bảo hiểm. Do đó, bên cạnh thủ tục chuyển quyền yêu cầu trước khi thanh toán, Dự thảo sửa đổi nên theo hướng ghi nhận thêm chuyển quyền yêu cầu tự động một khi thanh toán cho người được bảo hiểm như chúng ta sẽ thấy rõ hơn ở phần sau.
3.2. Vai trò của người được bảo hiểm bị thiệt hại
   -Các cách thức chuyển giao
Theo pháp luật dân sự, quyền yêu cầu trong một quan hệ nghĩa vụ như nghĩa vụ trả tiền có thể được chuyển giao từ người này sang người khác (thế quyền) theo một trong hai cách sau đây:
   Cách thứ nhất là việc chuyển giao lệ thuộc vào ý chí của người có quyền yêu cầu. Chẳng hạn, theo khoản 1 và 2 Điều 365 BLDS năm 2015 (đã có trong BLDS trước đây), “Bên có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ có thể chuyển giao quyền yêu cầu đó cho người thế quyền theo thỏa thuận” và “Khi bên có quyền yêu cầu chuyển giao quyền yêu cầu cho người thế quyền thì người thế quyền trở thành bên có quyền yêu cầu”. Ở đây, việc chuyển giao quyền yêu cầu cần có ý chí của người có quyền. Lệ thuộc vào người có quyền (chuyển quyền yêu cầu theo giao dịch).
   Cách thức thứ hai là việc chuyển giao quyền yêu cầu không lệ thuộc vào ý chí của người có quyền vì đây là chuyển quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật. Chẳng hạn, theo Điều 614 BLDS năm 2015 (đã tồn tại trong BLDS trước đây), “Kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại”. Ở đây, quyền của người chết (như quyền yêu cầu được bồi thường thiệt hại) được chuyển cho những người thừa kế từ thời điểm người đó chết mà không lệ thuộc vào ý chí của người có quyền.
-Chuyển quyền yêu cầu trong pháp luật bảo hiểm
Pháp luật bảo hiểm hiện hành không thực sự mạch lạc trong việc quy định về chuyển quyền yêu cầu bồi thường để doanh nghiệp bảo hiểm được bồi hoàn. Điểm e khoản 1 Điều 17 Luật KDBH quy định theo hướng “doanh nghiệp bảo hiểm có quyền: Yêu cầu người thứ ba bồi hoàn số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã bồi thường cho người được bảo hiểm do người thứ ba gây ra đối với tài sản và trách nhiệm dân sự” và quy định như vậy chưa rõ về cách thức quyền yêu cầu bồi thường của người được bảo hiểm chuyển sang cho doanh nghiệp bảo hiểm. Đến lượt mình, khoản 1 Điều 49 (về bảo hiểm tài sản) quy định “người được bảo hiểm phải chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn khoản tiền mà mình đã nhận bồi thường cho doanh nghiệp bảo hiểm”. Như vậy, Luật KDBH để việc chuyển quyền yêu cầu lệ thuộc vào người được bảo hiểm bị thiệt hại. Dự thảo sửa đổi cũng chưa thoát được tư duy này vì khoản 1 Điều 53 Dự thảo sửa đổi nêu trên vẫn có nội dung “trên cơ sở người được bảo hiểm đã chuyển quyền yêu cầu người thứ ba bồi hoàn”.
Ở Pháp, quy định nêu trong phần Dẫn nhập cho thấy việc chuyển quyền yêu cầu để doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện việc bồi hoàn là luật định, không lệ thuộc vào ý chí của người được bảo hiểm bị thiệt hại. Ở đây, “việc thế quyền của doanh nghiệp bảo hiểm đương nhiên được diễn ra xuất phát từ bản thân việc thanh toán tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm”[16]. Trước đây, BLDS năm 2005 cũng theo hướng chuyển quyền yêu cầu tự động/luật định tại Điều 577 về Chuyển yêu cầu hoàn trả, theo đó “Trong trường hợp người thứ ba có lỗi mà gây thiệt hại cho bên được bảo hiểm và bên bảo hiểm đã trả tiền bảo hiểm cho bên được bảo hiểm thì bên bảo hiểm có quyền yêu cầu người thứ ba hoàn trả khoản tiền mà mình đã trả” (khoản 1). Tuy nhiên, quy định đó không còn được giữ lại trong BLDS năm 2015 nên việc chuyển quyền yêu cầu bồi thường trong lĩnh vực bảo hiểm được tiến hành theo các quy định trên của Luật KDBH, tức lệ thuộc vào ý chỉ của người được bảo hiểm.
Thiết nghĩ quy định theo hướng như trong BLDS năm 2005 nêu trên là thuyết phục và Luật KDBH nên kế thừa trong đợt sửa đổi đang được triển khai, tức nên theo hướng đây là trường hợp chuyển quyền yêu cầu luật định nên không lệ thuộc vào ý chí của người được bảo hiểm như pháp luật của Pháp nêu trên.
4. Kết luận
Pháp luật bảo hiểm hiện hành đã ghi nhận cơ chế bồi hoàn cho doanh nghiệp bảo hiểm và việc ghi nhận này là chính đáng để buộc người chịu trách nhiệm bồi thường phải bồi thường.
Tuy nhiên, cơ chế bồi hoàn hiện nay được xây dựng từ năm 2000 đã thể hiện một số nhược điểm bất lợi cho doanh nghiệp. Để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho doanh nghiệp bảo hiểm, chúng ta nên có sự sửa đổi về phạm vi cũng như cơ chế thực hiện việc bồi hoàn như đã phân tích ở trên.
Hiện nay, chúng ta đã có Dự thảo sửa đổi nhưng Dự thảo này vẫn chưa giải quyết được hết các nhược điểm hiện nay. Hy vọng rằng Dự thảo sẽ tiếp tục được hoàn thiện với những góp ý nêu trên./.

 


[1] Xem Đỗ Văn Đại, Luật bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng Việt Nam - Bản án và bình luận bản án, Nxb. Hồng Đức - Hội luật gia Việt Nam 2021 (xuất bản lần thứ năm).
[2] Bản án số 1013/2017/DS-PT ngày 15/11/2017 của Toà án nhân dân Tp. Hồ Chí Minh.
[3] Theo khoản 1 Điều 601 BLDS năm 2015 (đã tồn tại trong BLDS trước đây), “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định”.
[4] Theo khoản 3 Điều 601 BLDS năm 2015 (đã tồn tại trong BLDS trước đây), “Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi”.
[5] Phiên bản ngày 21/9/2021.
[6] Maud Asselain, “Fasc. 10-20 : Assurances terrestres – Assurances de dommages – Règles générales. Indemnité d'assurance”, JurisClasseur Civil Annexes 2021, phần số 99.
[7] Maud Asselain, Tlđd, phần số 99.
[8] Maud Asselain, Tlđd, phần số 99.
[9] Điều 86 Luật Bảo hiểm Đức.
[10] Điều 53 Luật Bảo hiểm Đài Loan.
[11] Nguyễn Thị Thủy, Đỗ Lệnh Quân, “Chế định chuyển yêu cầu đòi bồi hoàn trong pháp luật bảo hiểm tài sản”, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 15 (439), tháng 8/2021.
[12] Về việc bỏ yếu tố lỗi trong BLDS năm 2015, xem thêm Đỗ Văn Đại (chủ biên), Bình luận khoa học những điểm mới BLDS 2015, Nxb. Hồng Đức - Hội luật gia Việt Nam 2020 (xuất bản lần thứ ba).
[13] Cass. 1re civ., 12 juin 1990 : RGAT 1990, p. 640, note J. Kullmann .
[14] Xem Bản án số 172/2018/DS-PT ngày 18/9/2018 của TAND tỉnh Cà Mau. Ở đây, anh Gi là người làm công cho DNTN H đã gây ra thiệt hại cho xe ô tô của chị Ng. Chị Ng có mua bảo hiểm xe cơ giới nên sau khi thiệt hại xảy ra thì công ty bảo hiểm đã thực hiện nghĩa vụ bồi thường cho chị Ng theo hợp đồng bảo hiểm. Tuy nhiên, rủi ro là do anh Gi gây ra nên chị Ng đã chuyển quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại cho công ty bảo hiểm yêu cầu bà H phải bồi thường thiệt hại cho Công ty bảo hiểm. Tòa án đã căn cứ việc anh Gi là người được DNTN H ký hợp đồng lao động và quyết định bà H là chủ DNTN H phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do anh Gi gây ra. Hướng xử lý của Tòa án như trên là hoàn toàn thuyết phục. Thứ nhất, rủi ro xảy ra đối với xe ô tô của chị Ng là do hành vi vi phạm của người thứ ba nên sau khi được chị Ng chuyển quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại thì công ty bảo hiểm có quyền yêu cầu chủ thể có trách nhiệm bồi thường là DNTN H bồi hoàn cho công ty bảo hiểm khoản tiền công ty đã thanh toán cho chị Ng. Thứ hai, Anh Gi là người làm công của DNTN H nên bà H là chủ DNTN phải thực hiện bồi hoàn cho công ty bảo hiểm.
[15] Catherine Caillé, “Assurance de dommages-Règles communes aux assurances de dommages”, Répertoire de droit civil 2021, phần số 152.
[16] Catherine Caillé, Bđd, phần số 160. 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 06 (454), tháng 03/2022.)


Ý kiến bạn đọc