Quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh

07/01/2022

LÊ DUY BÌNH

Học viên cao học Khóa 31_32, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ là một trong các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật. Trong những năm gần đây, các sơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ xuất hiện ngày càng nhiều để đáp ứng nhu cầu làm đẹp của con người. Thực tế cho thấy, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động trái pháp luật, gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước.
 Từ khóa: Quản lý nhà nước, phẫu thuật thẩm mỹ, kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.
Abstract: The provision of plastic surgery services is one of the conditional business category as prescribed by law. In recent years, the providers of plastic surgery services more and more meet the beauty needs of community. In fact, there are still a number of the providers of plastic surgery operating illegally, causing several difficulties for governmental management. The article analyzes state management activities for the plastic surgery service business, points out some shortcomings, and proposes some solutions..
Keywords: Governmental management; plastic surgery; business of plastic surgery services
 PHẪU-THUẬT-THẨM-MỸ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát về quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ
Theo Đại từ điển Tiếng Việt, “thẩm mỹ” (thẩm: xem xét, cảm thụ; mỹ: đẹp) là “khả năng cảm thụ và hiểu biết về cái đẹp”[1]. Dưới góc độ y học thìhành nghề chuyên ngành thẩm mỹ là một hoạt động y tế nhằm tạo ra một sự cân bằng hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần cho con người thông qua các kỹ thuật điều trị không xâm lấn, ít xâm lấn và xâm lấn dựa trên cơ sở y học chứng cứ[2]. Với cách hiểu này thì ngoài các kỹ thuật điều trị xâm lấn như phẫu thuật thẩm mỹ thì hoạt động hành nghề thẩm mỹ còn cung cấp nhiều dịch vụ thẩm mỹ khác nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu làm đẹp của khách hàng.
Tùy thuộc vào từng kỹ thuật làm đẹp mà người hành nghề và cơ sở thẩm mỹ phải bảo đảm tuân theo quy định của pháp luật. Cụ thể, nhằm tạo thuận tiện trong công tác quản lý và bảo đảm an toàn cho khách hàng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 vàNghị định số 109/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởiNghị định số 155/2018/NĐ-CP quy định các cơ sở hành nghề thẩm mỹ hiện nay được tồn tại dưới ba hình thức: (i)Bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ và bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ do Bộ Y tế cấp phép hoạt động; (ii) Phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ là cơ sở do Sở Y tế cấp phép hoạt động; (iii)Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không cần giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định số 109/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởiNghị định số 155/2018/NĐ-CP gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ thuộc nhóm ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện[3]. Nhằm bảo đảm cho hoạt động kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ đi vào nền nếp thì bên cạnh việc quy định rõ về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ, Chính phủ còn ban hành Nghị định số 96/2016/NĐ-CP quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 và Nghị định số 96/2016/NĐ-CP, cơ quan quản lý đối với kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ ở trung ương gồm có: Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ. Theo đó, Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, kinh doanh nói chung và vấn đề kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ nói riêng trong phạm vi cả nước. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về một hoặc một số ngành, lĩnh vực và dịch vụ công thuộc ngành, lĩnh vực trong phạm vi toàn quốc[4]. Bên cạnh đó, quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ phải có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ với các bộ như Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tư pháp và các cơ quan ngang Bộ khác thực hiện chức năng quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm trước Chính phủ về tổ chức, hoạt động kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ có liên quan do mình quản lý[5].
Ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ trong phạm vi toàn tỉnh. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước cao nhất ở địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các hoạt động quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ tại địa phương. Qua đó, tiến hành chỉ đạo, điều hành việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ trong phạm vị địa phương mình, góp phần bảo đảm sự quản lý, điều hành thống nhất từ trung ương đến cơ sở.
Căn cứ vào Nghị định số 96/2016/NĐ-CP thì nội dung quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ gồm: (i) Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; (ii) Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; (iii) Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho công tác quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; (iv) Báo cáo về tổ chức, hoạt động kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; (v) Kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.
2. Thực trạng quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Theo số liệu thống kê từ Hội Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ Việt Nam (VSAPS), năm 2019 Việt Nam có hơn 20 bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân, 31 khoa tạo hình thẩm mỹ trong các bệnh viện, 320 phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân, 479 phòng khám da liễu có thực hiện kỹ thuật thẩm mỹ cùng hàng ngàn cơ sở chăm sóc da ngoài sự quản lý của ngành y tế[6]
Mặc dù được kỳ vọng và trên thực tế đã có bước phát triển khá mạnh mẽ, nhưng vào thời điểm hiện tại, vấn đề kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ đã xuất hiện khá nhiều vấn đề bất cập. Do những quy định, chế tài cũng như công tác quản lý nhà nước về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ chưa đồng bộ, sự phối kết hợp giữa các cơ quan ban ngành còn thiếu nhịp nhàng đã tạo ra nhiều kẽ hở khiến nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động “chui”, hoạt động vượt quá phạm vi được cấp phép, quảng cáo quá chuyên môn của mình... gây ra nhiều sự cố và hệ lụy cho khách hàng. Cụ thể:
-Về phạm vi thẩm quyền quản lý nhà nước đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Hiện nay, các cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ có thể hoạt động dưới hình thức sau: (i) Bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ; (ii) Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ; (iii) Cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Trong đó, bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ là các cơ sở khám, chữa bệnh thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động. Do vậy, trước khi đi vào hoạt động và cung cấp các dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ thì bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ phải làm thủ tục để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động[7]. Trong khi đó, đối với cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, Điều 23a Nghị định số 109/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 155/2018/NĐ-CP quy định cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thuộc loại hình phải có giấy phép hoạt động nhưng phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày. Chính vì quy định về điều kiện hoạt động tương đối “dễ dãi” này là nguyên nhân khiến cho công tác quản lý của Sở Y tế đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ gặp rất nhiều khó khăn.
Đơn cử, theo thống kê, trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 1.398 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ (dưới hình thức các cơ sở chăm sóc da, spa…). Trong số này chỉ có 8 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có văn bản báo cáo Sở Y tế và được thẩm định đủ điều kiện thực hiện các kỹ thuật phun, thêu, xăm thẩm mỹ hợp lệ, còn lại 1.390 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không thể kiểm soát được có thực hiện phun, xăm, thêu thẩm mỹ hay không. Trong khi đó, qua phản ánh trên các phương tiện truyền thông đại chúng, các cơ sở này thường thực hiện việc quảng cáo tràn lan và có thực hiện các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc hoặc các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người như phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác hay xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, tiêm chất làm đầy…[8]. Do vậy, việc quản lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ này là bài toán nan giải đối với các cơ quan quản lý nhà nước.
-Về đội ngũ nhân lực thực hiện quản lý nhà nước đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh
Như đã trình bày, trước nhu cầu làm đẹp không ngừng tăng cao của người dân, số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ liên tục ra đời đã gây sức ép rất lớn cho công tác quản lý nhà nước. Một điều dễ dàng nhận thấy là đối tượng quản lý rất nhiều, trong khi đó đội ngũ nhân sự của các cơ quan có chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực này còn rất khiêm tốn. Do vậy, công tác quản lý nhà nước chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Chẳng hạn, tại Quận 10, thành phố Hồ Chí Minh hiện có 65 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 229 cơ sở dịch vụ thẩm mỹ, trong khi đó nhân sự của Phòng Y tế Quận 10 chỉ có 1 bác sỹ, 1 dược sỹ và một số nhân sự phụ trách các lĩnh vực khác. Trong 9 tháng đầu năm 2019, Phòng Y tế Quận 10 đã kiểm tra 19 cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ và xử phạt 14 cơ sở vi phạm với tổng số tiền phạt lên đến 400 triệu đồng. Nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mỹ dưới hình thức các cơ sở chăm sóc da đã thực hiện “chui” một số dịch vụ như tiêm chất làm đầy (filler, botox), nhấn mí, cắt mí, truyền trắng, kinh doanh mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ và hết hạn sử dụng. Thậm chí, nhiều cơ sở còn liên kết với các bác sỹ “chạy sô, mổ dạo, mổ chui” thực hiện các kỹ thuật có xâm lấn vượt quá mức cho phép. Chính vì lý do đội ngũ nhân sự mỏng, thiếu và yếu trong khi số lượng các cơ sở thẩm mỹ ngày một phát triển “nở rộ” khiến đơn vị này rơi vào tình trạng “bất lực” [9].
-Về biện pháp xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ
Kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ là hoạt động mang lợi khoản lợi nhuận cao, vì thế nhiều cá nhân, tổ chức sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm liên quan đến kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ để vụ lợi. Qua thanh tra tại Bệnh viện Trưng Vương, Thanh tra thành phố Hồ Chí Minh phát hiện từ năm 2012-2018 có 11 bác sĩ ở khoa bỏng Bệnh viện Trưng Vương thực hiện 3.010 ca phẫu thuật, song tại thời điểm phẫu thuật lại không có chứng chỉ hành nghề phẫu thuật thẩm mỹ. Theo kết luận thanh tra, có 6 bác sĩ đã thu lợi trái pháp luật với số tiền gần 4 tỷ đồng. Trong đó bác sĩ Nguyễn Ngọc N đã thực hiện 132 ca phẫu thuật, thủ thuật có sử dụng vật liệu nhân tạo, thu tiền trái pháp luật hơn 2,6 tỷ đồng. Còn bác sĩ Võ Anh M thực hiện 115 ca phẫu thuật, thủ thuật và thu tiền trái pháp luật hơn 2,8 tỷ đồng[10].
Theo Báo cáo của Sở Y tế, trong thời gian từ năm 2020 đến tháng 6/2021, Thanh tra Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành kiểm tra 327 cơ sở (bao gồm phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ), phát hiện và xử phạt 121 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ và 90 cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ với tổng số tiền phạt 7.616.450.000 đồng. Các vi phạm chủ yếu của các cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ bị phát hiện xử phạt gồm: Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định; cung cấp dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; khám bệnh, chữa bệnh khi chưa được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh…[11].
Đa số các vi phạm về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Tuy nhiên, công tác xử phạt vẫn chưa phát huy hiệu quả trong việc đấu tranh, phòng chống các vi phạm trong lĩnh vực này. Có thể chỉ ra một số hạn chế sau:
Một là, mức xử phạt đối với một số vi phạm về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ còn quá thấp, chưa đủ sức răn đe đối tượng vi phạm.
Mục đích chính của việc phạt tiền là tạo lập khả năng tránh tái diễn hành vi vi phạm của cá nhân, tổ chức và hàm ý không khuyến khích cá nhân, tổ chức khác thực hiện hành vi tương tự, với cơ chế thúc đẩy tâm lý “sợ bị phạt”; tâm lý đó sẽ làm cho các cá nhân kiểm soát tốt hành vi của mình cũng như đưa ra những lựa chọn thực hiện hành vi hợp pháp hoặc thậm chí là cá nhân có thể vẫn cố tình thực hiện hành vi nhưng sẽ có sự cân nhắc, tiết chế nhằm giảm thiểu mức độ sai phạm; nhờ đó mà nâng cao tính tuân thủ pháp luật tốt hơn[12]. Tuy nhiên, mức xử phạt đối với các vi phạm về kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe, hay nói cách khác, giữa lợi ích có được do thực hiện vi phạm với thiệt hại gánh chịu do bị xử phạt là chưa tương xứng với nhau. Điều này dẫn đến tâm lý “sẵn sàng vi phạm để hưởng lợi” từ các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ. Qua phản ánh của báo chí, Thanh Tra Sở Y tế Hà Nội đã kiểm tra và ra quyết định xử phạt hàng loạt Thẩm mỹ viện về hành vi quảng cáo quá phạm vi chuyên môn được cấp phép như: Thẩm mỹ viện Sline, Thẩm mỹ viện Hoàng Sơn, Thẩm mỹ viện Hoàng Tuấn, Viện thẩm mỹ Asia… Tuy nhiên, dường như các mức xử phạt quá thấp không đủ mức răn đe, cho nên các Thẩm mỹ viện vẫn vô tư vi phạm, chấp nhận nộp phạt để kinh doanh dịch vụ[13].
Hai là, quy định chế tài đối với một số vi phạm là chưa đầy đủ.
Theo Điều 3 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định cụ thể có 4 hình thức xử phạt bổ sung gồm “tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính; đình chỉ hoạt động có thời hạn; trục xuất”. Trong đó, “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” được áp dụng với tính chất là hình thức xử phạt chính hoặc hình thức xử phạt bổ sung. Hình thức xử phạt này không chỉ gây thiệt hại đến tài sản mà còn có ý nghĩa ngăn chặn việc các chủ thể sử dụng chính các tang vật, phương tiện này tiếp tục thực hiện hành vi vi phạm. Tuy nhiên, các vi phạm hành chính về cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại Nghị định này đều không được áp dụng hình thức xử phạt “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính”.
Theo Điều 26 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 thì “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là việc sung vào ngân sách nhà nước vật, tiền, hàng hóa, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính, được áp dụng đối với vi phạm hành chính nghiêm trọng do lỗi cố ý của cá nhân, tổ chức”. Như vậy, hình thức xử phạt này chỉ được áp dụng khi thỏa mãn cả điều kiện “cần” và “đủ”. Có thể hiểu, điều kiện cần là “tang vật, phương tiện có liên quan trực tiếp đến vi phạm hành chính”, điều kiện đủ là “hình thức xử phạt này chỉ áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính nghiêm trọng với lỗi cố ý”. Qua khảo cứu, có một số hành vi vi phạm về cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ đáp ứng những điều kiện trên nhưng đều không được áp dụng hình thức xử phạt này. Đơn cử, với hành vi “sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể ...” (khoản 6 Điều 40 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP) có thể thấy, đây hành vi vi phạm nghiêm trọng, hành vi này gắn liền với tang vật, phương tiện “thuốc, các chất, thiết bị...” và các chủ thể vi phạm hoàn toàn có đủ khả năng nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật, nhưng vẫn cố ý thực hiện vì mong muốn tìm kiếm lợi nhuận. Do đó, áp dụng hình thực xử phạt “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” đối với vi phạm này là hoàn toàn hợp lý. Bên cạnh đó, cơ sở dịch vụ thẩm mỹ chỉ được cung cấp dịch vụ phun xăm thẩm mỹ, chăm sóc da thông thường không được sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm. Như vậy, việc sử dụng thuốc, thiết bị,... để can thiệp vào cơ thể người là vượt quá phạm vi được phép hoạt động. Vì vậy, nếu không xem xét áp dụng hình thức xử phạt bổ sung “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” sẽ giúp các chủ thể “có cơ hội” tiếp tục vi phạm. Đáng tiếc, vì lý do nào đó, mà nhà làm luật đã “bỏ quên” vai trò của hình thức xử phạt này đối với các vi phạm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.
3. Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh
Thứ nhất,quy định của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP về điều kiện hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ hiện nay vẫn còn khá “lỏng lẻo”. Điều này đã gián tiếp tạo điều kiện để các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ “trá hình” thực hiện các hành vi vi phạm, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh cũng như làm phá vỡ trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế. Do vậy, Chính phủ cần xem xét siết chặt điều kiện hoạt động của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ để bảo đảm khả năng quản lý trong thực tế. Theo quan điểm của tác giả, đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có thể không cần thiết phải xin giấy phép hoạt động như bệnh viên có chuyên khoa thẩm mỹ hay phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ. Tuy nhiên, cần phải tăng mức kiểm soát đối với các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ bằng quy định yêu cầu các cơ sở này phải làm hồ sơ để Sở Y tế xem xét cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trước khi hoạt động thay vì thủ tục gửi văn bản thông báo như hiện nay. Do đó, cần sửa đổi nội dung quy định về vấn đề này trong Nghị định số 109/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởiNghị định số 155/2018/NĐ-CP.
Thứ hai, đội ngũ nhân sự có ý nghĩa quan trọng trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ. Do đó, để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, các cơ quan quản lý về y tế cần bổ sung đội ngũ nhân sự để quản lý chặt chẽ hoạt động của các cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tiến hành các hoạt động thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở này để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm. Tăng cường thực hiện các biện pháp tuyên truyền, giáo dục pháp luật về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ; đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng và phát huy vai trò của quần chúng nhân dân trong công tác quản lý nhà nước đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.
Thứ ba, hoàn thiện các quy định của pháp luật về các biện pháp xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ.
Chính phủ cần phải đánh giá một cách tổng quan các vi phạm hành chính về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ trong Nghị định số 117/2020/NĐ-CP để xem xét tăng mức tiền phạt đối với các vi phạm này nhằm bảo đảm mức tiền phạt sẽ đủ sức răn đe đối với chủ thể vi phạm. Về vấn đề này, có nhiều quan điểm khác nhau. Có quan điểm cho rằng, phải tăng mức tiền phạt để xử phạt thật nặng chủ thể vi phạm; ý kiến khác lại cho rằng, mấu chốt không phải ở việc tăng mức phạt lên quá cao mà quan trọng là xác định mức phạt thật phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi vi phạm. Theo quan điểm của tác giả, các nhà làm luật cần cân nhắc tăng mức phạt tiền đối với các vi phạm về kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ để răn đe và ngăn chặn vi phạm vì thực tế cho thấy các vi phạm trong lĩnh vực này rất phức tạp, có tính chất nguy hiểm cao và đang diễn ra rất phổ biến.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần rà soát để bổ sung vào Nghị định số 117/2020/NĐ-CP việc áp dụng hình thức xử phạt “tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính” đối với một số vi phạm về cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ. Theo đó, nếu xác định vi phạm hành chính về cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ là nghiêm trọng và có sử dụng tang vật, phương tiện liên quan thì quy định việc áp dụng hình thức xử phạt này bởi mục đích của hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính là nhằm loại trừ khả năng tiếp tục sử dụng tang vật, phương tiện đó để vi phạm hành chính trong tương lai.
Ngoài ra, cần xem xét bổ sung trách nhiệm hình sự đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ hoạt động trái pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người bệnh để góp phần ngăn chặn các vi phạm đang diễn ra phổ biến hiện nay./. 

 


[1] Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt (tái bản lần thứ 13), Nxb. Đại học Quốc gia Tp. Hồ Chí Minh, năm 2013, tr. 786.
[2] Bộ Y tế (2016), “Dự thảo tài liệu hướng dẫn phạm vi hoạt động chuyên môn đối với người hành nghề chuyên ngành thẩm mỹ, tr.18.
[3] Học viện hành chính quốc gia, Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế, Nxb. Giáo dục, năm 2016, tr. 68.
[4] Nghị định số 123/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 101/2020/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ.
[5] Bộ Công an, Các quy chuẩn chuyên môn trong quản lý nhà nước đối với ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Tài liệu lưu hành nội bộ, Hà Nội, năm 2018, tr. 68.
[6] Nguyễn Trọng Khoa (2019), “Kiểm soát chất lượng của các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ”, Tạp chí Y khoa Việt Nam, số 4.
[7] Điều kiện cấp giấy phép hoạt động đối với bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ và phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ được quy định tại Điều 23 và Điều 26 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 155/2018/NĐ-CP.
[8] Bạch Dương, “Bất lực trong quản lý cơ sở dịch vụ thẩm mỹ”, https://khoahocdoisong.vn/bat-luc-trong-quan-ly-co-so-dich-vu-tham-my-132154.html, truy cập ngày 15/8/2021.
[9] Đinh Hằng, “Quản lý cơ sở thẩm mỹ - vừa thiếu, vừa yếu và bất lực”, https://baotintuc.vn/xa-hoi/quan-ly-co-so-tham-my-vua-yeu-vua-thieu-va-bat-luc-20191107195509046.htm, truy cập ngày 20/8/2021.
[10] Thái An – Hoàng Lộc, “Bác sĩ phẫu thuật “chui, lụi” trong Bệnh viện Trưng Vương, bỏ túi tiền tỷ”, https://tuoitre.vn/bac-si-phau-thuat-chui-lui-trong-benh-vien-trung-vuong-bo-tui-tien-ti-20201228095133184.htm, truy cập ngày 22/8/2021.
[11] Báo cáo số 3402/BC-SYT ngày 08/6/2021 của Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh báo cáo việc thực hiện Quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, tr. 3.
[12] Trương Thế Nguyễn, Trần Thanh Tú (2019), “Tính răn đe của hình thức phạt tiền trong xử phạt vi phạm hành chính”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 22.
[13] Minh Quân, “Khó xử lý thẩm mỹ viện hoạt động chui?”, https://congluan.vn/kho-xu-ly-tham-my-vien-hoat-dong-chui-post102901.html, truy cập ngày 25/8/2021.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 22 (446), tháng 11/2021.)