Xây dựng nguồn nhân lực công an xã chính quy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả

31/10/2021

THS. PHẠM CÔNG TÙNG

Khoa Luật, Học viện An ninh nhân dân,

HOÀNG VĂN TẤN

Phòng Quản lý học viên, Học viện An ninh nhân dân.

Tóm tắt: Xây dựng nguồn nhân lực công an xã chính quy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy của ngành công an, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác, bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn cấp cơ sở. Trong phạm vi bài viết này, các tác giả bàn về quan điểm, yếu cầu, nội dung xây dựng nguồn nhân lực công an xã chính quy và đưa ra các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của lực lượng này trong thời gian tới.
Từ khóa: Công an xã chính quy, nguồn nhân lực.
Abstract: Establishment of a compact, efficient and effective permanent police at commune level is an important and strategic political task of our Party and State in order to strengthen the organizational apparatus of the police force, that meet the practical requirements in the prevention and combat of crimes and other law violations, and ensure security and order in the locality at the grassroots level. Within the scope of this article, the authors provide discussions of the views, requirements, and content of establishing the permanent police at commune level and make recommendations to improve the operational efficiency of this force in the coming time.
Keywords: Permanent commune police; humance resource.
 CÔNG-AN-XÃ.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Khái quát chung về xây dựng nguồn nhân lực công an xã chính quy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả
Xây dựng nguồn nhân lực công an xã chính quy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là nhiệm vụ chính trị quan trọng, có tính chiến lược của Đảng và Nhà nước ta nhằm kiện toàn tổ chức bộ máy của ngành công an, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác, bảo đảm an ninh, trật tự địa bàn cấp cơ sở.
Trong những năm qua, nhiều chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị được ban hành, trong đó có nội dung kiện toàn tổ chức, bộ máy của Bộ Công an, điển hình như Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành trung ương Đảng khoá XI về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 22 - NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; Nghị định số 01-2018/NĐ-CP ngày 06/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an; Nghị định số 42/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy. Theo đó, việc kiện toàn tổ chức, bộ máy của Bộ Công an tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả phải đảm bảo rút gọn được các đầu mối trung gian; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải được cụ thể hoá; phân công, phân cấp, phân quyền giữa các lực lượng, các địa bàn được tổ chức hợp lý, mạnh mẽ và đồng bộ; kiện toàn tổ chức bộ máy gắn với tinh giản biên chế; cơ cấu, sắp xếp, xây dựng lực lượng công an xã chính quy tại địa bàn cơ sở đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình mới.
Quán triệt tinh thần trên, Bộ Công an đã thực hiện kiện toàn tổ chức, bộ máy khi giảm 06 tổng cục, 01 đơn vị tương đương cấp tổng cục, 55 đơn vị cấp cục, 22 Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy (PCCC) cấp tỉnh, 07 trường và 1.014 đơn vị cấp phòng, giảm hơn 30.500 biên chế, trong đó thôi phục vụ trước thời hạn 4.100 người; hơn 5.100 người tinh giản theo quy định và số lao động hợp đồng hơn 1.100 người. Đặc biệt là bố trí 43.175 cán bộ Công an chính quy tại 8.621 xã, trung bình bố trí 5 Công an/xã, cơ bản tất cả Công an đơn vị, địa phương đều bố trí Công an xã chính quy, chất lượng công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở được nâng lên, cơ bản đều có những chuyển biến tích cực rõ nét, góp phần quan trọng trong việc kiềm chế tội phạm, vi phạm pháp luật về trật tự xã hội (cụ thể: năm 2018 tội phạm về trật tự xã hội giảm 0,61% so với năm 2017; năm 2019 giảm 7,39% so với năm 2018; năm 2020 giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2019)[1]. Đạt được kết quả to lớn này là do có sự vào cuộc cả hệ thống chính trị với quyết tâm, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả.
Xây dựng nguồn nhân lực công an xã chính quy quy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả được xác định là hoạt động có tính định hướng, có tổ chức, có kế hoạch cụ thể, đảm bảo đúng quy định của pháp luật, quy định của ngành công an, phù hợp với tình hình hình thực tế của địa phương; kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội với nhiệm vụ quốc phòng, kinh tế, xã hội địa phương. Những việc đã rõ, cần thực hiện thì thực hiện ngay; những việc mới, chưa được quy định, hoặc những việc đã có quy định nhưng không còn phù hợp thì mạnh dạn chỉ đạo thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từng bước hoàn thiện, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội; những việc chưa rõ, phức tạp, nhạy cảm, còn có ý kiến khác nhau thì tiếp tục nghiên cứu, tổng kết để có chủ trương, giải pháp phù hợp; bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; bố trí đủ nguồn lực cần thiết và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với những người chịu tác động trực tiếp trong quá trình sắp xếp; mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị, địa phương…
 Nội dung xây dựng nguồn nhân lực công an xã chính quy tập trung vào: xây dựng về tổ chức, bộ máy (mô hình, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng công an xã); xây dựng về đội ngũ cán bộ, chiến sĩ (đảm bảo về số lượng, cơ cấu, chất lượng); xây dựng đảng; xây dựng về cơ sở vật chất - kỹ thuật, trang thiết bị.
Về xây dựng tổ chức, bộ máy: Công an xã chính quy là Công an cấp cơ sở, bố trí ở các đơn vị hành chính xã, thị trấn, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân. Ở mỗi xã, Công an xã được bố trí đủ các chức danh: Trưởng Công an xã, Phó Trưởng Công an xã, Công an viên[2]. Lộ trình thực hiện hoàn thành việc tổ chức Công an xã chính quy ở các xã, thị trấn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự trước ngày 30/6/2021; các xã, thị trấn còn lại trong toàn quốc hoàn thành việc tổ chức Công an xã chính quy trước ngày 30/6/2022. Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tổ chức Công an xã chính quy; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trao đổi, thống nhất với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện trước khi báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Bộ trưởng Bộ Công an quyết định tổ chức Công an xã chính quy[3].
Kiện toàn tổ chức, bộ máy của lực lượng công an xã chính quy phải gắn với xây dựng chức năng, nhiệm vụ cụ thể cho lực lượng công an xã chính quy. Vì Công an xã chính quy là một bộ phận trong cơ cấu tổ chức, bộ máy của ngành công an, cho nên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn sẽ căn cứ theo Luật Công an nhân dân, Luật An ninh quốc gia và các văn bản pháp luật về an ninh, trật tự như: Luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Luật Thi hành án hình sự năm 2015, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2020, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật Đặc xá năm 2018…
Về xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ: Xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sỹ đảm nhiệm các chức danh Công an xã chính quy đủ về số lượng nhưng không được tăng biên chế của Bộ Công an đến năm 2021[4], đảm bảo cơ cấu hợp lý, chất lượng tốt.
Xét về số lượng, nguồn nhân lực công an cấp xã chính quy được tuyển chọn, bổ nhiệm, điều động từ số lượng sỹ quan, hạ sỹ quan công an nhân dân, đảm bảo tiêu chí biên chế của ngành công an, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng công an trong giai đoạn cách mạng mới, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn xã, thị trấn.
Cơ cấu nguồn nhân lực công an xã chính quy là tổng hòa các thành phần cán bộ, chiến sĩ được phân chia theo một hệ tiêu chí xác định trong hệ thống tổ chức Công an nhân dân Việt Nam. Cơ cấu nguồn nhân lực công an xã chính quy phản ánh cách thức sắp xếp cán bộ, chiến sỹ một cách hợp lý để phát huy có hiệu quả nguồn lực này, giúp tiết kiệm thời gian, vật chất, tránh sự chồng chéo, thừa biên chế, đảm bảo cơ cấu về ngành nghề, độ tuổi, giới tính, thành phần dân tộc… đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng công an trong giai đoạn cách mạng mới.
Về phương diện chất lượng, nguồn nhân lực công an xã chính quy được biểu hiện chủ yếu trên các khía cạnh như bản lĩnh chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, trình độ, chuyên môn, sức khỏe của đội ngũ cán bộ, chiến sỹ công an cấp cơ sở, đảm bảo mục tiêu xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Xây dựng về đội ngũ cán bộ, chiến sĩ công an đảm nhiệm các chức danh Công an xã chính quy được thực hiện đồng bộ qua tất cả các khâu như tuyển chọn, bố trí, sắp xếp, sử dụng công an chính quy; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; quản lý cán bộ và hướng dẫn thực hiện công tác nghiệp vụ; thực hiện chế độ chính sách; xây dựng về chính trị, tư tưởng cho lực lượng công an xã chính quy.
Công tác tuyển chọn, bố trí, sắp xếp, sử dụng công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã chính quy phải bảo đảm tính ổn định, lâu dài, có tính kế thừa đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn cơ sở; ưu tiên nguồn lực sẵn có trong biên chế của lực lượng công an nhân dân, đặc biệt là cấp huyện, các bộ phận, đơn vị nghiệp vụ hoặc cán bộ, chiến sĩ làm công tác phong trào, học viên tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo trong lực lượng công an nhằm vừa đảm bảo tăng cường cho lực lượng chiến đấu cấp cơ sở, vừa đảm bảo biên chế các phòng, ban của Công an cấp trên. Việc tuyển chọn phải bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, theo đúng quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Công an; cơ cấu độ tuổi của nguồn nhân lực công an cấp xã cần được thực hiện theo hướng trẻ hóa đảm bảo yêu cầu phát triển dài hạn, song phải trên cơ sở có trình độ, kinh nghiệm, sự hiểu biết, nhiệt huyết với công việc. Ngoài ra, về cơ cấu ngành nghề tuyển chọn, phân bố lực lượng công an xã phải cân đối, đồng bộ đảm bảo được vấn đề biên chế và hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ ở các cấp[5].
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực công an xã chính quy được thực hiện trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng hàng năm của Bộ Công an và của Công an các đơn vị, địa phương; đảm bảo đúng đối tượng, đúng tiêu chí chuyên môn, nghiệp vụ công tác và phù hợp với tình hình địa phương, nhu cầu sử dụng cán bộ, chiến sỹ của đơn vị. Nội dung chương trình học tập, bồi dưỡng nâng cao phải thường xuyên được cập nhật, bổ sung, phù hợp với từng đối tượng cụ thể, đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn công tác, chiến đấu của từng đơn vị, từng lĩnh vực công tác đặt ra trong từng thời kỳ[6].
Công tác quản lý cán bộ và hướng dẫn thực hiện công tác nghiệp vụ đối với lực lượng Công an xã chính quy được thực hiện theo quy trình thống nhất, có sự rõ ràng, rành mạch, hợp lý trong và ngoài ngành, giữa các lực lượng trên cùng một địa bàn: Trưởng Công an xã chịu sự chỉ huy, quản lý trực tiếp của Trưởng Công an cấp huyện về công tác bảo đảm an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng công an xã; Trưởng Công an xã chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã, sự giám sát của Hội đồng nhân dân cùng cấp về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn. Trưởng Công an xã sẽ chịu trách nhiệm chỉ huy, quản lý trực tiếp Phó Trưởng Công an xã và công an viên chính quy khác[7]. Về thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ tiến hành theo quy chế thông tin, báo cáo cấp trên trực tiếp, công an huyện và các đơn vị phòng nghiệp vụ có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện theo quy định của pháp luật và ngành Công an.
Trong thực hiện chế độ chính sách đối với nguồn nhân lực công an xã chính quy cần chú ý đến chính sách đãi ngộ về vật chất, động viên tinh thần kịp thời; các chính sách sử dụng và quản lý nguồn nhân lực. Đây là những yếu tố rất quan trọng tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển của nguồn nhân lực, tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, giúp cho cán bộ, chiến sỹ yên tâm công tác, góp phần hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
Xây dựng về chính trị, tư tưởng là hoạt động thường xuyên nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc, hết lòng phụng sự nhân dân, gắn bó mật thiệt với nhân dân. Cán bộ, chiến sỹ công an nhân dân phải có ý thức cảnh giác trước âm mưu và hoạt động của các thế lực thù địch, chống “diễn biến hòa bình”. Bản thân từng cán bộ, chiến sĩ phải không ngừng phấn đấu, học tập và rèn luyện, nêu cao tinh thần trách nhiệm và ý thức khắc phục khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ý thức trách nhiệm với công việc và đạo đức nghề nghiệp.
Về xây dựng tổ chức Đảng: Đây là nhiệm vụ then chốt, có ý nghĩa quyết định bảo đảm sự thành công trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hôi của lực lượng công an nhân dân nói chung, lực lượng công an xã chính quy nói riêng. Mục đích là nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo và cầm quyền của Đảng, tăng cường hiệu lực và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, bảo đảm tính đồng bộ, phù hợp giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị.
Xây các tổ chức Đảng của lực lượng công an xã chính quy phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên, hiệu quả cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ theo hướng dẫn tại quy định số 192-QĐ/TW, ngày08/5/2019 của Bộ Chính trị về tổ chức đảng trong Công an nhân dân Việt Nam và Công văn số 273-CV/BTCTW ngày 05 tháng 04 năm 2021 về việc sinh hoạt đảng của đảng viên là Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã: “Nếu ở xã có từ 03 đảng viên chính thức trở lên là Công an chính quy đảm nhiệm chức danh Công an xã, thì thành lập chi bộ công an xã trực thuộc đảng ủy xã, chịu sự lãnh đạo trực tiếp của đảng ủy xã; đồng thời, chịu sự lãnh đạo của đảng ủy công an huyện về an ninh, trật tự và xây dựng lực lượng. Chỉ những đồng chí đảng viên là Công an chính quy mới sinh hoạt ở chi bộ công an xã. Nhiệm vụ của chi bộ công an xã thực hiện theo Điều 24, Điều lệ Đảng và Điểm 5, Mục II, Quy định số 192-QĐ/TW, ngày 18/5/2019 của Bộ Chính trị”.
Xây dựng Đảng tại các chi bộ công an cấp xã phải quán triệt phương châm tăng cường xây dựng Đảng về chính trị, coi trọng xây dựng Đảng về tư tưởng, tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên theo tinh thần văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Xây dựng Đảng trong Công an nhân dân ở cấp xã là tăng cường giáo dục cho nguồn nhân lực công an cấp xã truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc và lịch sử cách mạng vẻ vang của Đảng, sự đoàn kết, thống nhất của toàn dân tộc; kiên định và không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, những thông tin xấu, độc trên Internet, mạng xã hội; phát huy thật tốt trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu.
Về xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật và các điều kiện đảm bảo khác: Hoạt động này là hết sức cần thiết, đòi hỏi phải có kế hoạch tổng thể, chi tiết. Bộ Công an bảo đảm các điều kiện hoạt động và thực hiện chế độ, chính sách đối với Công an xã chính quy; trang bị phương tiện làm việc, vũ khí, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị phục vụ công tác của Công an xã chính quy theo quy định của pháp luật. Các bộ, ngành trung ương tùy theo nhiệm vụ, quyền hạn của mình chủ trì nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Công an xã bán chuyên trách khi tổ chức Công an xã chính quy; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan, phối hợp với Bộ Công an hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện việc xây dựng Công an xã chính quy. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm: có phương án bố trí sắp xếp công tác hợp lý theo thẩm quyền đối với Công an xã bán chuyên trách để bổ nhiệm, điều động Công an chính quy thay thế; giải quyết chế độ, chính sách thôi việc đối với Công an xã bán chuyên trách khi bố trí Công an chính quy thay thế; bảo đảm trụ sở hoặc nơi làm việc; hỗ trợ ngân sách để đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở hoặc nơi làm việc, sinh hoạt và trang thiết bị, phương tiện, các điều kiện bảo đảm khác phục vụ cho hoạt động của lực lượng Công an xã[8].
Kinh phí bảo đảm về cơ sở vật chất và hoạt động của Công an xã chính quy do ngân sách nhà nước đảm bảo và được sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của Bộ Công an và các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành. Việc quản lý, sử dụng kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành[9].
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng còn một số tồn tại, hạn chế như: công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nguồn nhân lực công an xã chính quy ở từng địa bàn cụ thể còn gặp nhiều khó khăn, tính tập trung chưa cao, quan hệ phối hợp lực lượng có lúc còn bị động, chưa thực sự toàn diện; cơ sở pháp lý đảm bảo về tổ chức và hoạt động của lực lượng công an xã chính quy còn thiếu, các văn bản pháp lý hiện hành còn có những điểm bất hợp lý, khó áp dụng trong thực tế; việc tăng cường các nguồn lực cho lực lượng công an nói chung, trong đó có lực lượng công an cấp xã sẽ bị ảnh hưởng do Chính phủ đang thực hiện chi tiêu ngân sách nhà nước tiết kiệm; việc kiện toàn tổ chức, bộ máy công an cấp xã còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cán bộ, chiến sĩ bổ sung từ công an cấp huyện trên địa bàn huyện, do vậy đã phần nào gây nên sự xáo trộn về biên chế, nguồn cán bộ quy hoạch ở các đầu mối tỉnh, huyện; một bộ phận cán bộ, chiến sĩ được bố trí đảm nhiệm chức danh Công an xã chính quy chưa thực sự yên tâm công tác do tác động từ môi trường công tác mới, điều kiện về gia đình, kinh tế; việc bố trí, sắp xếp cán bộ có lúc, có nơi chưa phù hợp, chưa thực sự gắn với chuyên ngành đào tạo và năng lực, sở trường của cán bộ…
2. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả xây dựng nguồn nhân lực công an xã chính quy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới
Thời gian tới, để nâng cao chất lượng xây dựng nguồn nhân lực công an xã chính quy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả cần chú trọng tập trung thực hiện một số vấn đề sau:
Thứ nhất, cần tiếp tục cụ thể hoá, thể chế hoá chủ trương, nghị quyết, kết luận của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị, trong đó có nội dung về xây dựng lực lượng Công an xã chính quy cho phù hợp với thực tiễn xây dựng lực lượng công an xã chính quy trong tình hình mới với việc quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của lực lượng công an xã chính quy.
Thứ hai, rà soát, ban hành các văn bản hướng dẫn xây dựng về tổ chức, lực lượng, sử dụng kinh phí, thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lương công an xã chính quy bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, xác định rõ trách nhiệm giữa giữa các bộ, ngành với chính quyền địa phương trong xây dựng nguồn nhân lực công an xã chính quy. Đồng thời, phân định rõ trách nhiệm tập thể và trách nhiệm cá nhân, bảo đảm quản lý nhà nước thống nhất, thông suốt và hiệu quả; phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng đơn vị và từng cá nhân người đứng đầu bộ, ngành, địa phương và đơn vị trong xây dựng nguồn nhân lực công an xã chính quy.
Thứ ba, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 22 - NQ/TW ngày 15/3/2018 của Bộ Chính trị “về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy Bộ Công an tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, trong đó có nội dung xây dựng lực lượng Công an xã chính quy.
Thứ tư, đẩy mạnh việc thực hiện Chương trình tổng thể xây dựng lực lượng công an xã chính quy thống nhất trên địa bàn cả nước theo đúng lộ trình đặt ra; nghiên cứu sửa đổi Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự theo hướng sửa đổi, bổ sung về trách nhiệm, quyền hạn của Công an xã trong hoạt động điều tra hình sự; xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn tổ chức sinh hoạt đối với Chi bộ Công an xã; quan tâm công tác xây dựng Đảng, xây dựng phát triển đội ngũ cán bộ đảng viên, kết nạp đảng viên mới trong chi bộ công an xã; tạo cơ chế khuyến khích, khơi dậy tinh thần cống hiến vì đất nước, tạo động lực và áp lực để lực lượng công an xã hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao, tận tụy phục vụ nhân dân; chú trọng tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu và của đội ngũ cán bộ, chiến sĩ đảm nhiệm các chức danh Công an xã. Ngoài ra, nhanh chóng ban hành tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá kết quả, hiệu quả thực thi công vụ, nhiệm vụ của lực lượng công an xã, đổi mới công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm đánh giá đúng, khách quan, công bằng, công khai, khắc phục tình trạng bình quân, nể nang trong đánh giá.
Thứ năm, rà soát, điều chỉnh, thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng đối với lực lượng Công an xã, đặc biệt là cần tập trung bồi dưỡng về nghiệp vụ, quy trình làm việc; ưu tiên đào tạo tiếng dân tộc đối với Công an xã; tăng cường phối hợp với các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương trong xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị, công cụ hỗ trợ phục vụ công tác cho lực lượng công an xã; kiện toàn các chi bộ Đảng đối với Công an xã; kiện toàn chức danh Trưởng Công an xã đối với các xã còn khuyết chức danh Trưởng Công an xã./. 

 


[1] Xem: Báo cáo sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chủ trương xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy trên toàn quốc; triển khai xây dựng Công an phường điển hình, kiểu mẫu về an ninh, trật tự (ANTT) và văn minh đô thị của Bộ Công an ngày 31/5/2021.
[2] Hiện nay, trên địa bàn cả nước đang triển khai xây dựng mỗi công an xã có 05 đồng chí cán bộ, chiến sĩ, trong đó có 01 Trưởng Công an xã, 02 Phó trưởng Công an xã và 02 Công an viên. Căn cứ vào tình hình thực tế của từng địa phương, căn cứ vào biên chế cụ thể của lực lượng công an và các điều kiện khác để bố trí thêm cán bộ, chiến sĩ công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã.
[3] Xem: Điều 6 Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.
[4] Điều 4 Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2021 quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.
[5] Căn cứ vào Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã; Thông tư số 09 ngày 11/4/2019 của Bộ trưởng Bộ Công an về việc điều động sĩ quan, hạ sĩ quan CAND đảm nhiệm các chức danh Công an xã; Thông tư số 18/2016/TT-BCA ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong Công an nhân dân.
[6] Xem: Thông tư số 32/2011/TT-BCA của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chế độ học tập, bồi dưỡng thường xuyên trong CAND.
[7] Xem: Điều 5 Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy. 
[8] Xem: Điều 10, Điều 11 Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.
[9] Xem: Điều 8 Nghị định số 42/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định việc xây dựng Công an xã, thị trấn chính quy.
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 21 (445), tháng 11/2021.)