Đổi mới tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân trong mô hình chính quyền thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh

15/09/2021

THS. PHAN NGUYỄN PHƯƠNG THẢO

Khoa Luật Hành chính Nhà nước, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh.

Tóm tắt: Việc thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh là yêu cầu cần thiết giúp “giãn dân giảm áp lực cho khu vực trung tâm đô thị, giúp tinh gọn bộ máy, hình thành “hạt nhân”, một “cực” tăng trưởng kinh tế, phát huy thế mạnh tổng hợp của ba quận gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Thủ Đức phải được tổ chức phù hợp với đặc thù, điều kiện tự nhiên, dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.Trong phạm vi bài viết này, tác giả trình bày, phân tích thực trạng tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và bàn về hướng đổi mới tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND trong mô hình chính quyền thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
Từ khóa: Cơ quan chuyên môn thuộc UBND,thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Abstract: The establishment of Thu Duc city in Ho Chi Minh City is an essential requirement to reduce the population density as well as reduce pressure on the urban center, it is also a significant factor for streamlining the government system, establishing an economic developing “center”, or in another word, an economic developing “pole” of the City, and ultimately promoting the combined strengths of former District 2, District 9 and Thu Duc. Within the scope of this article, the author makes discussions and analysis of the actual situation of the organization of specialized agencies under the People's Committee of Thu Duc city in Ho Chi Minh City and discusses the direction of reforming the organization of specialized agencies under the People's Committee in the model. Government image of Thu Duc city in Ho Chi Minh City.
Keywords: Specialized agency under People's Committee, Thu Duc city, Ho Chi Minh City.
 TP-THỦ-ĐỨC.1.jpg 
Ảnh minh họa: Nguồn internet
Theo Nghị quyết số 111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), thành phố Thủ Đức được thành lập trên cơ sở sáp nhập ba quận ở phía Đông Thành phố Hồ Chí Minh (Tp. HCM) gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Việc thành lập Thành phố thuộc Thành phố trực thuộc trung ương chưa có tiền lệ ở nước ta,  Tp. HCM là địa phương đầu tiên của cả nước có mô hình Thành phố thuộc Thành phố trực thuộc trung ương. Việc sáp nhập ba quận để thành lập thành phố Thủ Đức phù hợp với yêu cầu thực tiễn, góp phần tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay.
Mục tiêu của việc thành lập thành phố Thủ Đức là nhằm phát triển nơi này trở thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, hình thành “hạt nhân”, một “cực” tăng trưởng mới, thúc đẩy kinh tế Tp. HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ. Với kỳ vọng nơi đây sẽ đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của thành phố, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước[1]. Đô thị sáng tạo là một ý tưởng tổ chức đô thị mới xuất hiện trong những năm gần đây, trước tiên từ những thảo luận trong giới nghiên cứu chính sách tại Hoa Kỳ. Khu đô thị sáng tạo là những khu vực địa lý (trong đó) bao gồm các trường - viện hàng đầu cùng với các doanh nghiệp kết nối với các khởi nghiệp, các vườn ươm và tăng tốc khởi nghiệp. Những khu đô thị này thường có quy mô nhỏ, giao thông thuận tiện với cơ sở hạ tầng kết nối hiện đại cung cấp không gian văn phòng, nhà ở, lẫn mua sắm[2]. Nơi đây sẽ hội tụ các ngành nghề khác nhau, hướng tới mục tiêu tăng cường các tương tác đa ngành.
Việc sáp nhập ba quận gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành thành phố Thủ Đức sẽ mang lại nhiều cơ hội nhưng kèm với đó là các thách thức, do vậy cần được xem xét kỹ để tránh tình trạng không có sự khác biệt với mô hình các quận, huyện, gây lãng phí. 
1. Thực trạng tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh
Nghị quyết số 111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2010 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021[3]. Ngày 22/01/2021, Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Thủ Đức trực thuộc Tp. HCM khai mạc kỳ họp để bầu các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND, UBND thành phố Thủ Đức; đồng thời chính thức kết thúc nhiệm vụ, quyền hạn của bộ máy các UBND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Ngay khi các chức danh lãnh đạo được sắp xếp, hoạt động của thành phố Thủ Đức bắt đầu tính từ ngày 22/01/2021, với con dấu riêng cho các cơ quan, đơn vị và các phường trên địa bàn.
Nhằm tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố thuộc TP. HCM, ngày 29/3/2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 33/2021/NĐ-CP (Nghị định số 33) ngày 29/3/2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Tp. HCM (Nghị quyết số 131). Nghị định số 33 quy định số lượng, tên gọi các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố thuộc Tp. HCM là cần thiết, kịp thời đáp ứng yêu cầu tổ chức của chính quyền đô thị  Tp. HCM.
Theo quy định của khoản 1 Điều 15 Nghị định số 33, UBND thành phố thuộc Tp. HCM có các cơ quan chuyên môn sau: Văn phòng HĐND và UBND, Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp, Phòng Tài chính – Kế hoạch, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Thanh tra quận, Phòng Kinh tế, Phòng Y tế, Phòng Khoa học và Công nghệ. Như vậy, trong cơ cấu các phòng chuyên môn thuộc UBND thành phố thuộc Tp. HCM, ngoài 10 phòng được tổ chức thống nhất ở các đơn vị hành chính cấp huyện, 02 phòng được thành lập ở các quận là Phòng Kinh tế, Phòng Quản lý đô thị,  có thêm 01 phòng đặc thù là Phòng Khoa học và Công nghệ.
            Việc có thêm một Phòng chuyên môn là Phòng Khoa học và Công nghệ thuộc UBND thành phố Thủ Đức là rất cần thiết và phù hợp với mục tiêu xây dựng khu đô thị sáng tạo. Bên cạnh đó, Nghị định số 33 không quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố thuộc Tp. HCM, mà giao cho HĐND, UBND thành phố Thủ Đức thuộc Tp. HCM quyết định trên cơ sở đề nghị của UBND thành phố thuộc Tp. HCM. Quy định này phù hợp với nguyên tắc phân định thẩm quyền của chính quyền địa phương. Thực tế cho thấy, kể từ ngày 22/01/2021 các cơ quan chuyên môn thuộc UNBD thành phố Thủ Đức thuộc Tp. HCM được tổ chức lại theo hướng sắp xếp, sáp nhập một cách cơ học 12 Phòng chuyên môn thuộc UBND của ba quận gồm quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức trước đây.
   Về hoạt động, thành phố Thủ Đức được thành lập có phạm vi đơn vị hành chính thuộc quyền và nguồn lực dân cư tăng lên đáng kể. Do vậy, khối lượng công việc mà các cơ quan nhà nước nói chung và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND đảm nhiệm sẽ tăng lên đáng kể. Do đó, hoạt động của các cơ quan này cũng có những xáo trộn, khó khăn nhất định. Ví dụ, tháng 01/2021, Sở Xây dựng Tp. HCM thành lập Đội Thanh tra địa bàn thành phố Thủ Đức trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng (trên cơ sở sáp nhập Đội Thanh tra địa bàn quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức) để thực hiện quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố Thủ Đức[4]. Đội thanh tra địa bàn thành phố Thủ Đức có 115 thành viên, trong đó có 01 Đội trưởng (do Phó Giám đốc Sở Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh kiêm nhiệm), 06 Đội phó. Trong khi đó, tháng 01/2021 UBND thành phố Thủ Đức thành lập Đội Quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị thuộc UBND thành phố Thủ Đức. Đội được thành lập từ trên cơ sở sáp nhập nhân sự của Đội Quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Bên cạnh đó, thực tế cho thấy, các cơ quan nhà nước nói chung và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Thủ Đức nói riêng có hệ thống tổ chức riêng, hoạt động tương đối độc lập với hệ thống tổ chức của Đảng. Điều này dẫn tới hiện giữa một số cơ quan trong hệ thống tổ chức Đảng với cơ quan bên chính quyền (Ban Tổ chức cấp ủy với Phòng Nội vụ, Ủy ban Kiểm tra cấp ủy với Thanh tra quận, Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND) có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau. Từ thực tế đó, nếu không có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa công tác tổ chức với công tác nội vụ, công tác kiểm tra của Đảng với công tác thanh tra của chính quyền sẽ dẫn đến tình trạng thiếu thống nhất, chồng chéo, giải quyết vụ việc không kịp thời.
2. Hướng đổi mới tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân trong mô hình chính quyền thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh
Thành phố Thủ Đức được thành lập có diện tích và quy mô dân số rất lớn so với chuẩn quy định (hơn 211.56 km², đạt tỷ lệ 141%; hơn 1.013.795 người, đạt tỷ lệ 675%[5]), với 34 phường (giảm 2 phường so trước sáp nhập). Do đó, nếu không đi kèm với việc phân cấp, ủy quyền đủ mạnh và cơ chế, chính sách thực sự thu hút sẽ không phát huy tác dụng[6]. Trước khi sáp nhập, các cơ quan hành chính quận 2, quận 9, quận Thủ Đức quản lý địa bàn có diện tích, dân số nhất định (quận 2: diện tích 49.79 km², dân số 171.311 người, quận 9: diện tích: 113.97 km², dân số: 310.107 người, quận Thủ Đức: 47.80 km², dân số: 532.377 người[7]), khi thành phố Thủ Đức được thành lập với diện tích rộng và một nguồn lực dân cư tăng lên đáng kể đòi hỏi việc tổ chức cơ quan hành chính nhà nước phải đổi mới phù hợp, đáp ứng được yêu cầu, định hướng phát triển. Vì vậy, trong thời gian tới thành phố Thủ Đức cần nhanh chóng kiện toàn tổ chức của 13 phòng chuyên môn. UBND Thành phố HCM cần khẩn trương trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn các cơ quan chuyên môn của UBND thành phố Thủ Đức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, thống nhất cho hoạt động của các cơ quan chuyên môn nói riêng, UBND thành phố Thủ Đức nói chung.
Ngoài 13 phòng chuyên môn nêu trên, UBND thành phố Thủ Đức nên thành lập thêm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc. Điều này bảo đảm nguyên tắc việc tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố Thủ Đức sẽ vừa áp dụng mô hình tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước, vừa tính đến yếu tố đặc thù về kinh tế, xã hội của địa phương, phù hợp với loại hình đơn vị hành chính đô thị và điều kiện tự nhiên, dân số, tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Bởi lẽ, theo báo cáo của Sở Xây dựng Tp. HCM, 06 tháng đầu năm 2019 xảy ra 1.550 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, quận Thủ Đức đứng đầu về vi phạm trật tự xây dựng với 144 vụ, tiếp theo là quận 9 có 111 vụ, quận 12 có 100 vụ, quận 2 có 59 vụ…[8]. Đặc biệt, thành phố Thủ Đức được hình thành các dự án bất động sản sẽ tăng, chính quyền thành phố Thủ Đức cần thực hiện theo quy hoạch được phê duyệt, kiên quyết không để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND thành phố được thành lập nhằm tham mưu, giúp UBND thực thi các quy định của pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị góp phần khắc phục tình trạng xây dựng không phép, trái phép. Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị thuộc UBND thành phố sẽ được thành lập trên cơ sở sáp nhập các Đội Thanh tra của thành phố Thủ Đức thuộc Thanh tra Sở Xây dựng và Đội Quản lý trật tự đô thị thuộc Phòng Quản lý đô thị của UBND thành phố. Đội sẽ tiếp nhận, bàn giao số lượng công chức, người lao động, cơ sở vật chất, trang thiết bị của hai đơn vị trên nên sẽ bảo đảm không tăng biên chế công chức. Việc thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị nhằm quán triệt nguyên tắc cơ quan nào cấp phép xây dựng[9] thì cơ quan đó sẽ quản lý sau cấp phép, khắc phục những bất cập đã và đang tồn tại trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị thời gian qua. Mô hình Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị rất cần thiết đối với hai thành phố lớn là thành phố Hà Nội và Tp. HCM. Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị đã được triển khai thí điểm tại thành phố Hà Nội trong 02 năm (từ ngày 10/8/2018 đến ngày 10/8/2020) theo Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg ngày 22/6/2018 thí điểm thành lập Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại thành phố Hà Nội. Với những kết quả đạt được đặc biệt là trong việc giảm đáng kể số lượng các công trình xây dựng không phép, trái phép, nên hiện UBND thành phố Hà Nội đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành phố Hà Nội tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm trên trong 03 năm tiếp theo (đến ngày 10/8/2023).
Bên cạnh đó, khi sáp nhập ba quận cũng cần xem xét đến việc bố trí, sắp xếp các chức danh lãnh đạo, quản lý, đội ngũ công chức, người lao động tại các Phòng chuyên môn. Phương án bố trí, sắp xếp nhân sự cần phải phù hợp và bảo đảm quyền lợi và tránh tâm lý hoang mang, bất ổn, bảo đảm việc sắp xếp nhân sự công khai, minh bạch. Theo Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh, tổng số cán bộ, công chức, viên chức ba quận được giao năm 2020 là 1.221 người; số có mặt đến ngày 30/6/2020 là 1.127 người. Sau khi nhập ba quận, 882 người dự kiến được bố trí ở thành phố mới, 399 người bị dôi dư[10].Theo đó, Sở Nội Vụ đưa ra phương án tham mưu UBND Thành phố Hồ Chí Minh gửi Chính phủ để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua về bố trí, sắp xếp nhân sự của UBND thành phố Thủ Đức như sau: nhân sự UBND thành phố Thủ Đức năm 2021 là 657 người, gồm: một Chủ tịch, ba Phó chủ tịch và thủ trưởng các đơn vị: Văn phòng HĐND và UBND, Nội vụ, Tư pháp, Tài chính - Kế hoạch, Tài nguyên – Môi trường, Lao động Thương binh và Xã hội, Văn hoá Thông tin, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Quản lý đô thị, Kinh tế, Thanh tra. Sau năm 2025, nhân sự của khối này giảm còn 459 người[11]. Đối với 399 người dôi dư, để bảo đảm quyền lợi người lao động, Thành phố Hồ Chí Minh có phương án trước mắt trong năm 2021, Tp. Hồ Chí Minh sẽ sắp xếp, bố trí 66 cán bộ, công chức và 26 viên chức, người lao động tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc quận; điều động sang quận khác hoặc sở, ngành, thành phố; giải quyết chế độ nghỉ hưu (đúng tuổi, trước tuổi) hoặc không đủ chuẩn để tái cử sẽ giải quyết thôi việc.. Việc tinh giảm biên chế ưu tiên giảm từ các đồng chí tới tuổi hưu, không đủ tái cử trong nhiệm kỳ tới 2025-2030, khuyến khích các trường hợp xin về hưu trước tuổi theo Nghị định số 143/2020/NĐ-CP ngày 10/12/2020. Các chuyên viên là công chức sẽ được phân công công việc cụ thể từng khu vực, chấm dứt các hợp đồng tạm tuyển, không đủ điều kiện thi tuyển công chức năm 2020, khuyến khích làm đơn xin nghỉ việc được hưởng chế độ ưu đãi ngoài chế độ theo quy định. Tương tự, thành phố sẽ sắp xếp những trường hợp còn lại trong các năm từ 2022 đến 2025. Trường hợp dôi dư không bố trí, sắp xếp được sẽ động viên thôi việc, hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định, chính sách của Thành phố[12]. Đối với các Phòng chuyên môn thuộc UBND thành phố Thủ Đức, dự kiến tinh giảm từ 2021 đến năm 2025 sẽ giảm còn 1 Trưởng phòng, 3 Phó Trưởng phòng. UBND thành phố Thủ Đức xem xét, quyết định, sắp xếp lại số lượng Phó Trưởng phòng theo quy định của Nghị định số 33/2021/NĐ-CP, nhưng phải bảo đảm không quá 03 người. Đối với các vị trí lãnh đạo, có thể xét theo bằng cấp để xếp vị trí Trưởng phòng, dựa vào trình độ học vấn cao nhất, Phó trưởng phòng sẽ rà soát lại bằng cấp theo tiêu chuẩn hiện nay. Về phân công lại nhiệm vụ, đồng chí nào trước kia phụ trách khu vực các phường thuộc quận cũ sẽ hoán đổi lại khu vực các phường khác của quận khác để nắm bắt địa bàn rộng hơn.
Vấn đề đặt ra là liệu các Phòng chuyên môn thuộc UBND thành phố Thủ Đức có thể thực hiện một cách hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong khi phạm vi đơn vị hành chính thuộc quyền và nguồn lực dân cư tăng lên đáng kể. Câu trả lời là có thể nếu đặt trong các giải pháp tổng thể như tổ chức bộ máy hợp lý, nâng cao nguồn nhân lực, chất lượng hoạt động... So với thành phố thuộc tỉnh có diện tích, dân số tương đương thành phố Thủ Đức với 12 Phòng chuyên môn[13] vẫn vận hành và hiệu quả như thành phố Biên Hòa tỉnh Đồng Nai có tổng diện tích tự nhiên là 264,08 km² [14], là thành phố thuộc tỉnh đông dân nhất cả nước - gần 1,1 triệu người[15], là thành phố trực thuộc tỉnh có nhiều phường nhất cả nước - 29 phường và 1 xã[16]. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của một đô thị đang trên đà phát triển trong khi tinh gọn bộ máy hoạt động, đòi hỏi con người trong bộ máy hành chính cần phải nâng cao năng lực, hiệu quả công việc, chất lượng công tác để đáp ứng mọi yêu cầu đặt ra. Với quy mô dân số hơn 1 triệu dân, đòi hỏi thành phố Thủ Đức phải có bộ máy, nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chính trị và quản lý nhà nước theo yêu cầu. Thành phố Thủ Đức cần chú trọng đến việc đầu tư, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công cụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức trong phục vụ Nhân dân. Nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thành phố Thủ Đức cần thực hiện tốt chương trình đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức; bên cạnh đó, căn cứ vào đề án vị trí việc làm, khảo sát trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ của từng cán bộ, công chức để xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng hàng năm. Cùng với đó là chế độ tiền lương chi trả cho các công chức cần tương xứng với khối lượng công việc, sức lao động, phù hợp điều kiện phát triển kinh tế - xã hội để công chức trên địa bàn yên tâm công tác, đồng thời thu hút được nguồn năng lực trẻ giỏi vào công tác tại các cơ quan hành chính nhà nước. Trong thời gian đầu thành lập thành phố Thủ Đức nên tổ chức các Phòng chuyên môn như trên. Tuy nhiên, về lâu dài nhằm hướng tới mục tiêu tinh gọn bộ máy, đáp ứng đòi hỏi thực tiễn, cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về nhất thể hoá một số tổ chức và chức danh lãnh đạo Đảng với chính quyền, thành phố Thủ Đức cần nghiên cứu và tiến hành hợp nhất một số tổ chức Đảng với cơ quan bên chính quyền có chức năng, nhiệm vụ gần giống nhau như Ban Tổ chức cấp ủy với Phòng Nội vụ thành cơ quan Tổ chức - Nội vụ, thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy về công tác tổ chức, cán bộ và tham mưu giúp UBND Thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực nội vụ; hợp nhất Ủy ban Kiểm tra cấp ủy với Thanh tra thành cơ quan Thanh tra - Kiểm tra thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy về công tác kiểm tra và tham mưu, giúp UBND thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực thanh tra; hợp nhất Văn phòng cấp ủy với Văn phòng HĐND và UBND thành Văn phòng thành phố thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc cho cấp ủy, HĐND và UBND Thành phố về công tác văn phòng.
 Thành phố Thủ Đức  cần một bộ máy hành chính nhà nước thống nhất, đồng bộ, hiện đại và hiệu quả, sự chủ động cao để phát huy tổng thể thế mạnh của ba quận, thành phố, khu vực và cả nước; và có năng lực quản lý, điều hành hiệu quả cao, biến khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía đông thành phố thành một “cực” tăng trưởng mạnh mẽ nhất, lớn nhất của thành phố và khu vực[17]. Để đạt được mục tiêu trên cùng với việc không tổ chức HĐND ở phường thuộc thành phố Thủ Đức[18], đòi hỏi UBND phải thay đổi phương thức hoạt động, khi đó vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu phải được đề cao hơn. UBND thành phố Thủ Đức và UBND các phường hoạt động theo cơ chế thủ trưởng. UBND Tp. HCM sẽ tăng cường phân cấp, ủy quyền các nhiệm vụ cho UBND thành phố Thủ Đức, đồng thời Chính phủ sẽ có những quy định mới, những cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Thủ Đức. Khi đó, vai trò tham mưu, giúp UBND Thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn thuộc UBND phải càng được đề cao, nâng cao chất lượng hoạt động để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh mới.
Bên cạnh đó, với định hướng phát triển thành phố Thủ Đức trở thành khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, các cơ quan hành chính nhà nước nói chung và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND nói riêng trên địa bàn cần tiếp tục chủ động triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý và điều hành. Việc áp dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong quản lý nhà nước giúp thu hẹp khoảng cách không gian, rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực tế và nhờ vậy trực tiếp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành (ví dụ: ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng tiêu chuẩn ISO… trong hoạt động quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực khác nhau ở tất cả các cấp chính quyền)[19]
Cuối cùng, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện nói chung và cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoạt động, Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan cần sửa đổi, bổ sung một số quy định của pháp luật nhằm khắc phục tình trạng trùng lắp, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND. Theo đó, pháp luật cần phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong tham mưu, giúp UBND quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực giữa các cơ quan chuyên môn thuộc UBND bảo đảm nguyên tắc: một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính. Chính phủ và các Bộ ngành có liên quan cần hướng dẫn thống nhất về địa vị pháp lý, sử dụng con dấu của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện nói chung và Thành phố thuộc Thành phố trực thuộc trung ương nói riêng, quy định thống nhất về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Văn phòng HĐND và UBND./. 

 


[1] Đề án thành lập Thành phố Thủ Đức, tr.5.
[2] Nguyễn Đăng Sơn, Hiểu thế nào cho đúng về khu đô thị sáng tạo - Thành phố Thủ Đức, https://tuoitre.vn/hieu-the-nao-cho-dung-ve-khu-do-thi-sang-tao-thanh-pho-thu-duc-20200924114337909.htm, truy cập ngày 16/10/2020.
[3] Điều 5 Nghị quyết số 111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2010.
[4] Từ năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 26/2013/NĐ-CP quy định Thanh tra xây dựng chỉ tổ chức 02 cấp là Thanh tra Bộ và Thanh tra Sở. Theo đó, toàn bộ Thanh tra xây dựng tại Thành phố đưa về Sở Xây dựng quản lý với 22 Đội Thanh tra địa bàn đặt tại 22 quận, huyện, thành phố trực thuộc Thanh tra Sở Xây dựng.
[5] Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
[7] Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết số 111/NQ-UBTVQH14 ngày 09/12/2020 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.
[9] Theo khoản 3 Điều 103 Luật Xây dựng năm 2014, Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy phép xây dựng đối với các công trình, nhà ở riêng lẻ... Ủy ban nhân dân quận, huyện thuộc Thành phố Hồ Chí Minh 1 năm cấp khoảng 55.000 đến 60.000 giấy phép xây dựng, trong đó chủ yếu là nhà ở riêng lẻ. Sở xây dựng mỗi năm cấp khoảng 300 giấy phép xây dựng.
[10] Trần Xuân Tình, Thành phố Hồ Chí Minh: gấp rút sắp xếp, tổ chức bộ máy Thành phố Thủ Đức, https://ttbc-hcm.gov.vn/tpho-chi-minh-gap-rut-sap-xep-to-chuc-bo-may-thanh-pho-thu-duc-14293.html, truy cập ngày 26/4/2021. 0.
[11] Tlđd (10).
[12] Tlđd (10).
[13] Phòng Kinh tế, Phòng Quản lý - Đô thị, Phòng Nội vụ, Phòng Tư pháp, Phòng Tài chính - Kế hoạch, Phòng Tài nguyên - Môi trường, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Phòng Y tế, Thanh tra thành phố, http://bienhoa.dongnai.gov.vn/Pages/gioithieu.aspx?CatID=46, truy cập ngày 16/11/2020.
[15]  Theo Cục Thống kê Đồng Nai, kết quả tổng điều tra dân số vào tháng 4/2019.
[17] Tlđd (1), tr. 5.
[18] Theo Nghị quyết số 131/2020/QH14, Chính quyền địa phương ở Thành phố Thủ Đức thuộc Thành phố Hồ Chí Minh là cấp chính quyền địa phương gồm có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Chính quyền địa phương ở phường thuộc Thành phố Thủ Đức là UBND phường. UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ.
[19] Nguyễn Minh Phương, Bùi Văn Minh, “Các yếu tố tác động đến hiệu quả quản lý nhà nước ở nước ta hiện nay”, Tạp chí tổ chức nhà nước, https://tcnn.vn/news/detail/41620/Cac-yeu-to-tac-dong-den-hieu-qua-quan-ly-nha-nuoc-o-nuoc-ta-hien-nay.html, truy cập ngày 16/11/2020.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10 (435), tháng 6/2021.)


Ý kiến bạn đọc