Văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015

13/09/2021

THS. NGÔ VĂN LƯỢNG

Phó Viện trưởng Viện Kiểm Sát nhân dân huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Tóm tắt: Hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự là điều cần thiết trong quá trình đưa Bộ luật Hình sự vào áp dụng trong đời sống xã hội. Trong phạm vi bài viết này, tác giả phân tích chỉ ra những hạn chế, bất cập trong việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình (BLHS) năm 2015 và đề xuất kiến nghị tăng cường và nâng cao chất lượng của công tác này.
Từ khóa: Văn bản hướng dẫn thi hành, Bộ luật Hình sự năm 2015.
Abstract: Guidelines for the enforcement of the Penal Code are essential in the process of applying the Penal Code in social actitivies. Within the scope of this article, the author provides an analysis of and points out the shortcomings in the promulgation of documents providing guidelines of enforcement of the Penal Code of 2015 and proposes recommendations to strengthen and improve the enforcement quality of the Penal Code.
Keywords: Guidelines of enforcement, the Penal Code of 2015.
 
Khi xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật hình sự nói riêng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền luôn cố gắng tới mức cao nhất dự liệu trước những tình huống (hoàn cảnh, điều kiện) có thể xảy ra trong thực tế đời sống xã hội cần phải điều chỉnh. Tuy nhiên, đời sống xã hội hết sức đa dạng, hành vi vi phạm pháp luật phát sinh theo tiến trình phát triển của xã hội nên pháp luật hình sự cũng cần thay đổi cho phù hợp với cuộc sống. Vì vậy, từ năm 1985 đến nay, trong 35 năm nhưng đã 03 lần pháp điển hóa với 03 Bộ luật Hình sự (BLHS năm 1985; năm 1999 và năm 2015) có đến 8 lần sửa đổi, bổ sung. Đặc biệt là lần sửa đổi năm 2015 được xác định là sửa đổi cơ bản và toàn diện[1]. Bên cạnh đó, để các quy định của BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017 (BLHS năm 2015) đi vào cuộc sống, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành BLHS đã được ban hành. Nhìn chung, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành BLHS năm 2015 kịp thời, đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống tội phạm. Bên cạnh đó, việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành BLHS năm 2015 còn một số bất cập sau:

bo-luat-hinh-su-1708115957_1.jpg

Thứ nhất, một số trường hợp chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình năm 2015.
Theo quy định của Điều 3 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội, Quốc hội giao cho Chính phủ quy định chi tiết về các biện pháp giám sát, giáo dục áp dụng trong trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự quy định tại Mục 2 Chương XII của BLHS năm 2015. Tuy nhiên, cho đến nay, Chính phủ chưa ban hành văn bản quy định chi tiết về vấn đề này mà tiếp tục thực hiện Nghị định số 52/2001/NĐ-CP hướng dẫn thi hành biện pháp tư pháp đưa vào trường giáo dưỡng; Nghị định số 53/2001/NĐ-CP hướng dẫn thi hành các hình phạt cấm cư trú và quản chế; Nghị định số 54/2001/NĐ-CP hướng dẫn thi hành hình phạt trục xuất.
Thứ hai, ban hành văn bản hướng dẫn không đúng thể thức.
Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) ban hành văn bản hướng dẫn với hình thức là giải đáp, công văn. Ví dụ, Giải đáp số 01-2017/GĐ-TANDTC ngày 7/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao về giải đáp một số vấn đề về nghiệp vụ… (Giải đáp số 01).
Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (KSNDTC) không phải là cơ quan hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự, nhưng với trách nhiệm giải đáp cho cán bộ trong ngành nhận thức pháp luật hình sự, Viện KSNDTC cũng ban hành nhiều văn bản. Với việc giải đáp của ngành kiểm sát thì cán bộ trong ngành nghiên cứu thực hiện, tuy nhiên đối với cán bộ ngành Tòa án thì có nơi vận dụng, nơi không. Ví dụ, Công văn số 5887/VKSTC-V14 ngày 05/12/2019 của Viện KSNDTC về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; theo đó, Mục 14.I giải đáp nỏ thủy tinh là một đơn vị dụng cụ sử dụng trái phép chất ma túy.
 Bộ Công an ban hành công văn hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự, ví dụ như Công văn số 552/c44 ngày 23/02/2018 của Bộ Công an về hướng dẫn xử lý trách nhiệm hình sự đối với người mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng chất ma túy…
Thứ ba, văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật Hình sự năm 2015 không thống nhất, không đồng bộ.
Việc ban hành văn bản của nhiều cơ quan chưa thống nhất và đồng bộ, điển hình như hướng dẫn về tình tiết “phạm tội lần đầu”… được quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 và Điều 66 BLHS năm 2015.
Mục 4.I Giải đáp số 01-2017/GĐ-TANDTC 07/4/2017 của Tòa án nhân dân tối cao (Giải đáp số 01) giải thích phạm tội lần đầu là: “Từ trước đến nay chưa phạm tội lần nào. Nếu trước đó đã phạm tội và bị kết án, nhưng đã được xóa án tích hoặc chưa bị kết án, nhưng đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa bị kết án, chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự nay bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng lần phạm tội sau, thì không được coi là phạm tội lần đầu”.
Khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP 24/4/2018 của Hội đồng thẩm phán TANDTC (Nghị quyết số 01) hướng dẫn áp dụng Điều 66 và Điều 106 của BLHS năm 2015 về tha tù trước thời hạn quy định: “Được coi là phạm tội lần đầu và có thể xem xét nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: “a” Trước đó chưa phạm tội lần nào; “b” Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được miễn trách nhiệm hình sự; “c” Trước đó đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng được áp dụng biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; “d” Trước đó đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích”.
Như vậy, cùng một thuật ngữ “phạm tội lần đầu” có 2 văn bản hướng dẫn áp dụng. Theo quy định của khoản 2 và 3 Điều 156 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015:
“2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn;
3. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật do cùng một cơ quan ban hành có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng quy định của văn bản quy phạm pháp luật ban hành sau”.
Nếu dựa trên quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì sẽ áp dụng theo Nghị quyết số 01 (bởi Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao là văn bản quy phạm pháp luật[2] còn Giải đáp số 01 chỉ là văn bản giải thích luật của TANDTC đồng thời ban hành trước Nghị quyết, trái với Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán[3]. Tuy nhiên, trên thực tế xét xử của Tòa án cho thấy, tùy vào trường hợp cụ thể, các Thẩm phán áp dụng văn bản giải thích “phạm tội lần đầu” khác nhau[4]. Cụ thể, đối với tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm i khoản 1 Điều 51 BLHS năm 2015 thì Mục 4.I Giải đáp số 01 được áp dụng; khi áp dụng tình tiết thực hiện Điều 66 và Điều 106 của BLHS về tha tù trước thời hạn thì khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 01 được vận dụng để xử lý.
Thứ tư, chậm hệ thống hóa văn bản hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cho đến nay, khái niệm “có tính chất côn đồ” trong quy định của BLHS năm 2015 vẫn chưa được giải thích một cách chính thức. Ngày 17/10/2018, Hội đồng Thẩm phán TANDTC thông qua Án lệ số 17/2018/AL về tình tiết “Có tính chất côn đồ” trong tội “Giết người” có đồng phạm và được công bố theo Quyết định số 269/QĐ-CA ngày 06/11/2018 của Chánh án TANDTC. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giới thiệu riêng lẽ một vấn đề mà chưa bao hàm hết nội dung khái niệm về “tính chất côn đồ” được áp dụng trong pháp luật hình sự. Chính vì việc mang yếu tố định tính việc đánh giá một hành vi phạm tội “có tính côn đồ” hay không chủ yếu dựa vào cảm quan của người đánh giá nên trên thực tiễn rất nhiều vụ án hình sự bị hủy, sửa án, điển hình như: Thông báo rút kinh nghiệm số 529/TB-VKSTC-VPT1 ngày 13/8/2014 của Viện KSND tối cao; Thông báo rút kinh nghiệm số 554/TB-VKSTC ngày 16/11/2018 của Viện KSND tối cao; Thông báo rút kinh nghiệm số 54/TB-VC1-HS ngày 27/11/2018 của Viện kiểm sát nhân dân Cấp cao Hà Nội[5].
Tương tự, quy định về “Phạm tội có tổ chức”. Theo quy định của khoản 2 Điều 17 BLHS năm 2015, “Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”. Tuy nhiên, cần hiểu như thế nào là “có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm” thì cho đến nay, các Tòa án vẫn áp dụng hướng dẫn tại Mục I Nghị quyết số 02-/HĐTP/NQ 16/11/1988 hướng dẫn bổ sung Nghị quyết số 02-HĐTP 05-01-1986, mặc dù Nghị quyết trên là hướng dẫn BLHS đầu tiên (BLHS năm 1985).
Thứ năm, văn bản hướng dẫn áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 chưa rõ nghĩa.
Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của TANDTC “về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử” hướng dẫn về tội “Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ” quy định tại Điều 264 BLHS năm 2015. Mục 9.I Công văn giải thích “người khác ở trong trường hợp này được hiểu là bất kỳ người nào, trừ người giao phương tiện giao thông”. Giải thích này dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau: cách hiểu thứ nhất, người khác, tức là người bị đối tượng điều khiển phương tiện giao thông gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hay tài sản; cách hiểu thứ hai, người khác là, ngoài người bị đối tượng điều khiển phương tiện giao thông gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe hay tài sản còn có cả người điều khiển phương tiện, tức là người được giao phương tiện, chỉ trừ người giao phương tiện mà thôi[6].
Để đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất trong văn bản hướng dẫn thi hành BLHS năm 2015, chúng tôi kiến nghị:
(1)Cần mở rộng thẩm quyền hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự dưới hình thức thông tư liên tịch để hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật. Việc mở rộng trên phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
(2)Thực hiện kịp thời Nghị quyết số 41 của Quốc hội, Chính phủ, TANDTC, VKSNDTC khẩn trương phối hợp rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành về pháp luật hình sự, trên cơ sở đó, thống nhất ban hành một văn bản chung hướng dẫn áp dụng các vấn đề chưa rõ trong BLHS năm 2015.
(3)Trong phạm vi, quyền hạn và trách nhiệm của mình, TANDTC cần kịp thời tổng kết thực tiễn xét xử, tự ban hành hay phối hợp các cơ quan liên quan ở trung ương hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật hình sự.
(4)Tăng cường công tác thẩm định, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nói chung và văn bản quy phạm pháp luật cũng như văn bản hưởng dẫn áp dụng pháp luật hình sự nói riêng; Ủy ban thường vụ Quốc hội cần tăng cường thực hiện giám sát việc ban hành văn bản hướng dẫn thi hành BLHS, góp phần bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
(5)Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 theo hướng: Những vấn đề có thể giải thích thì giải thích ngay trong luật, những vấn đề có thể thay đổi thường xuyên thì quy định linh hoạt để đảm bảo tính ổn định của BLHS; hạn chế việc hướng dẫn, chỉ dẫn áp dụng BLHS./.
 

 


[1] Xem cụ thể hơn: TS. Trần Văn Dũng, Một số điểm mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều bởi Luật số 12/2017/QH-14 “Về sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự 2015” ( các tr.1- 14) của Báo cáo tại Tọa đàm khoa học (Hà Nội, ngày 12/7/2017) - Trong tập: Tọa đàm khoa học “Giới thiệu và bình luận về Phần những quy định chung của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017” do Bộ môn Tư pháp hình sự - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức.
[2] Xem khoản 7 Điều 5 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[3] Xem khoản 1 Điều 159 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[4]Xem: Đào Thị Lan Phương, Áp dụng tình tiết phạm tội lần đầu – Hiểu như thế nào cho đúng, http://vienkiemsathaiphong.gov.vn/vks/132/3105/4269/14037/VKSND-Quan--Huyen/Ap-dung-tinh-tiet-pham-toi-lan-dau---Hieu-nhu-the-nao-cho-dung.aspx, truy cập ngày 10/12/2020.
[5] Xem: Tổng hợp 57 Thông báo rút kinh nghiệm của Viện Kiểm sát về án hình sự, https://amilawfirm.com/tong-hop-57-thong-bao-rut-kinh-nghiem-cua-vien-kiem-sat-ve-an-hinh-su/, truy cập ngày 10/12/2020.
[6] Ngô Văn Lượng, Bất cập trong quy định về người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, Tạp chí kiểm sát số 02-2021, tr. 61.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 10 (434), tháng 5/2021.)


Ý kiến bạn đọc