Chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp dưới góc độ so sánh

25/08/2021

THS. HUỲNH THIÊN TỨ

Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Tóm tắt: Luật Doanh nghiệp năm 2020 sửa đổi quy định về đối tượng ký kết hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp, đồng thời bổ sung quy định về chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng giữa các bên theo quy định của Bộ luật Dân sự. Quy định mới không chỉ thay đổi về cách nhìn nhận đối với tư cách chủ thể giao kết mà còn tạo cơ chế chịu trách nhiệm rõ ràng hơn cho các bên liên quan đến hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp. Trên cơ sở đánh giá lý thuyết về hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp và so sánh với hướng tiếp cận của pháp luật Trung Quốc, tác giả phân tích các quy định của pháp luật Việt Nam về chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp, và đưa ra kiến nghị hoàn thiện pháp luật về vấn đề này.
Từ khoá: Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp, chuyển giao quyền và nghĩa vụ, Luật Doanh nghiệp.
Abstract: The Law on Enterprises of 2020 consists of provisions on on the legal subject who entered into a pre-incorporation contract, moreover, it requires the contractual parties to transfer respective rights and responsibilities in accordance with the Civil Code. With this new rule, a new regard has been given to the promoter who enters into a pre-incorporation contract, at the same time, parties are entitled to liabilities in a clearer manner. This article provides an analysis of the Vietnamese approach to pre-incorporation contractual rights and responsibilities transfer and also provides recommendations for further improvements.
Keywords: Pre-incorporation contract, transfer of rights and responsibilities, Law on Enterprises
 HỢP-ĐỒNG_1.jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp
1.1.  Khái quát hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp theo pháp luật Việt Nam
Theo quy định của Điều 18 Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2020, hợp đồng trước đăng ký DN là hợp đồng được giao kết bởi một bên là người thành lập DN, phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của DN trước và trong quá trình đăng ký DN.
Hợp đồng trước đăng ký DN có các đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, một trong các bên giao kết hợp đồng là người thành lập DN. Theo khoản 25 Điều 4 Luật DN năm 2020, người thành lập DN là cá nhân, tổ chức thành lập hoặc góp vốn để thành lập DN. Như vậy, người ký kết hợp đồng trước đăng ký DN theo Luật DN năm 2020 có thể vừa là (a) cá nhân, tổ chức thành lập DN, cũng có thể là (b) cá nhân, tổ chức góp vốn để thành lập DN.
Thứ hai, mục đích của việc giao kết hợp đồng là nhằm phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của DN. DN có tư cách pháp nhân, nên DN phải chịu trách nhiệm bằng tài sản của chính pháp nhân đối với nghĩa vụ và trách nhiệm phát sinh do vi phạm hợp đồng[1]. DN tương lai sẽ phải tiếp nhận thực hiện các nghĩa vụ phát sinh từ một hợp đồng mà chính pháp nhân DN không ký kết.  
Thứ ba, thời điểm giao kết hợp đồng là trước và trong quá trình thành lập DN. Như đã phân tích ở trên, thời điểm DN chưa thành lập thì chưa có tư cách pháp nhân để trở thành một bên chủ thể của hợp đồng. Có thể dựa trên các quy định riêng tại từng chế định về các loại hình DN để xác định thời điểm DN được thành lập. Công ty[2] có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký DN, chính vì vậy, từ thời điểm ấy trở đi, các công ty mới có thể tự mình xác lập, thực hiện và thay đổi hợp đồng với chủ thể khác. Trước thời điểm ấy, các hợp đồng được giao kết vì lợi ích công ty thì do người thành lập công ty giao kết.
Thứ tư, trường hợp DN không được thành lập, người mang nghĩa vụ và chịu trách nhiệm đối với vi phạm hợp đồng là người trực tiếp giao kết hợp đồng, trong trường hợp này là người thành lập DN. Trường hợp DN được thành lập, DN phải tiếp tục thực hiện hợp đồng.
Bốn đặc điểm trên đã khái quát hoá định nghĩa của hợp đồng trước đăng ký DN theo cách nhìn nhận hiện đại của pháp luật Việt Nam. Các hợp đồng này có thể là hợp đồng được người thành lập DN giao kết với người không phải người thành lập DN, hoặc có thể là hợp đồng giao kết giữa những người thành lập DN với nhau[3]. Tuy nhiên, vấn đề được quan tâm nhất về dạng hợp đồng này là sự xung đột giữa chủ thể giao kết và chủ thể thực hiện hợp đồng, từ đó gây ra sự khó khăn trong việc xác định chủ thể chịu trách nhiệm với bên đối ứng.  
1.2. Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp theo lý thuyết hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba
Theo học giả Liang Yuxian (Lương Vũ Hiền) của Đài Loan (Trung Quốc), một trong các lý thuyết về hợp đồng được áp dụng để định vị hợp đồng trước thành lập DN là thuyết hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba. Theo thuyết hợp đồng vì lợi ích của bên thứ ba, hợp đồng trước đăng ký DN có thể được lý giải như sau:
Thứ nhất, người thành lập DN nhân danh chính mình giao kết hợp đồng với bên dự hứa vì lợi ích của DN chưa được thành lập. Đây là một dạng thỏa thuận, theo đó một bên yêu cầu bên kia thực hiện một nghĩa vụ vì lợi ích của một bên thứ ba. Theo Nguyễn Thị Quỳnh Yến và Ngô Quốc Chiến, có thể chia dạng hợp đồng này thành hai loại: loại thứ nhất, người giao kết vẫn được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ của bên đối ứng và loại thứ hai, người giao kết không được hưởng lợi ích gì mà chỉ có bên thứ ba ngoài hợp đồng hưởng lợi ích mà thôi[4].
Thứ hai, thời điểm DN chưa thành lập, DN vẫn có thể là bên thứ ba nhận lợi ích từ hợp đồng này. GS. Vũ Văn Mẫu xác nhận quan điểm này theo tinh thần của dân luật Pháp; theo đó, án lệ ở Pháp cho phép hợp đồng được giao kết vì lợi ích của một đệ tam nhân, ngay cả trong trường hợp đệ tam nhân ấy chưa tồn tại vào thời điểm hợp đồng được giao kết[5].
Tuy nhiên, lý thuyết này không đứng vững khi giải quyết vấn đề trách nhiệm chủ thể của hợp đồng bởi hai lý do sau:
Một là, theo cách tiếp cận của lý thuyết hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, người thứ ba không phải là một chủ thể của kết ước, vì thế, không giải trừ các bên kết ước khỏi địa vị chủ thể giao kết. Nếu nhìn nhận hợp đồng trước đăng ký DN theo lý thuyết này, DN sau đăng ký sẽ là bên hưởng lợi ích từ hợp đồng chứ không phải một bên chủ thể, cũng không đương nhiên trở thành chủ thể. Các chủ thể của hợp đồng vẫn phải chịu trách nhiệm phát sinh từ việc không thực hiện nghĩa vụ. 
Hai là, cũng theo GS. Vũ Văn Mẫu, Bộ Dân luật Pháp cho phép người giao kết hợp đồng bãi ước, với điều kiện người đệ tam chưa chấp thuận việc giao kết này. Tiếp cận từ lý thuyết này, DN sau thành lập sẽ có quyền lực tuyệt đối trong việc quyết định bản thân có là một bên của hợp đồng hay không. Nếu DN sau thành lập chấp thuận việc giao kết, người giao kết hợp đồng không được bãi ước, tức sửa đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng. Quy định từ lý thuyết này vẫn nguyên giá trị và được thể hiện qua Điều 417 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2015.
1.3. Hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp theo cách tiếp nhận của hệ thống thông luật “Common law”
Các nước theo hệ thống Common law tiếp cận theo hướng quy định trách nhiệm của chủ thể thực sự của hợp đồng. Theo đó, chủ thể của hợp đồng cần phải có đầy đủ tư cách chủ thể. Chủ thể chưa hình thành không thể là chủ thể của hợp đồng, vì lý do đó, pháp luật về công ty Anh, Mỹ đều quy định hợp đồng trước đăng ký DN chỉ bao gồm quyền và nghĩa vụ giữa người thành lập DN với bên đối ứng mà thôi[6].
Theo khoản 1 Điều 51 Luật Công ty Anh[7], người duy nhất chịu trách nhiệm phát sinh từ hợp đồng là người khởi xướng, tức người thành lập công ty, nếu không có các thỏa thuận khác. Không có gì chắc chắn rằng công ty sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký công ty, một khi công ty không được thành lập, người khởi xướng cần tự mình chịu trách nhiệm đối với hợp đồng đã giao kết.
Có thể lý giải hướng tiếp cận của Common law bằng hai lý do sau:
Thứ nhất, người giao kết hợp đồng trước đăng ký công ty không đương nhiên là thành viên công ty sau thời điểm thành lập công ty. Điều này xuất phát từ thực tiễn, trong quá trình chuẩn bị phục vụ công tác thành lập công ty, những người khởi xướng không có quyền và nghĩa vụ ràng buộc đối với công ty chưa thành hình. Trong nhiều trường hợp, sợi dây duy nhất ràng buộc người thành lập DN với công ty chưa hình thành là quan hệ uỷ thác; cụ thể, người khởi xướng có nghĩa vụ trung thành và thiện chí với các thành viên khác của công ty[8].
Thứ hai, việc tiếp nhận hay phê duyệt hợp đồng vi phạm điều kiện về ý chí chủ thể hợp đồng[9]. Giả sử khi giao kết, người khởi xướng không nêu rõ mình đang hành động vì lợi ích của công ty, cũng không có thỏa thuận chuyển giao với bên còn lại của hợp đồng. Bên đối ứng không thể biết sự tồn tại của công ty tương lai với tư cách là một chủ thể của hợp đồng. Vì vậy, quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng này chỉ có hiệu lực ràng buộc với người khởi xướng mà không có hiệu lực ràng buộc đối với DN hình thành trong tương lai.
Muốn trở thành một bên bị ràng buộc bởi trách nhiệm phát sinh từ hợp đồng, bên có quyền, người khởi xướng và công ty đã thành lập phải tiến hành ký kết một thỏa thuận thay thế nghĩa vụ (novation). Thỏa thuận thay thế nghĩa vụ là một thỏa thuận lại về nghĩa vụ, có hiệu lực thay thế thoả thuận cũ, xác định lại nội dung của các thỏa thuận trước đó và có giá trị[10]. Thỏa thuận này có thể được xem như một hợp đồng riêng, tạm gọi là hợp đồng chuyển giao. Hợp đồng chuyển giao này được giao kết bởi ít nhất ba bên trong quan hệ chuyển giao, trong đó gồm người khởi xướng, người đại diện công ty đã thành lập mà không phải người khởi xướng và bên còn lại của hợp đồng[11]. Như vậy, sau thỏa thuận thay thế nghĩa vụ, hợp đồng trước đăng ký DN chấm dứt hiệu lực, nghĩa vụ từ hợp đồng bị thay thế bởi thỏa thuận mới giữa DN và bên đối ứng.
Tiếp cận theo hướng thỏa thuận thay thế nghĩa vụ của Common law tạo ra cơ chế bảo vệ quyền lợi của bên đối ứng, bởi thời điểm DN được đăng ký không còn nhiều ý nghĩa trong việc xác định chủ thể chịu tráhh nhiệm từ hợp đồng. Muốn xác định chủ thể chịu trách nhiệm, chỉ cần lưu ý thời điểm các bên thực hiện chuyển giao nghĩa vụ: trước thời điểm chuyển giao, người khởi xướng vẫn phải chịu trách nhiệm đối với hợp đồng. Kể từ sau thời điểm chuyển giao, một thỏa thuận mới hình thành trên nền thỏa thuận cũ giữa DN và bên đối ứng, DN thực hiện hợp đồng và chịu trách nhiệm trong trường hợp vi phạm theo hợp đồng mới, hình thành trên tinh thần của hợp đồng đã bị thay thế.
2. Pháp luật Trung Quốc về chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng ký kết trước đăng ký doanh nghiệp
Trong hệ thống pháp luật Trung Quốc, cơ chế chịu trách nhiệm từ hợp đồng được quy định ở các điều từ Điều 1 đến Điều 4 Quy định thứ ba của Pháp viện nhân dân tối cao Trung Quốc về áp dụng một số quy định của Luật Công ty Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa (Quy định III)[12].
2.1. Từ “phát khởi nhân” đến doanh nghiệp đang thành lập – người ký kết hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp
Khác với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật Trung Quốc có cách tiếp cận “mở” hơn khi gián tiếp thừa nhận sự tồn tại của các DN ngay cả trong quá trình đang thành lập[13]. Điều đó phản ánh qua quy định cho phép người khởi xướng thành lập DN thực hiện việc thành lập DN theo sự uỷ quyền của tổ chức chưa có tư cách pháp nhân. Theo nghiên cứu của các nhà luật học Trung Quốc, hợp đồng trước thành lập DN được hiểu là các hợp đồng được ký kết bởi người khởi xướng (phát khởi nhân) và những người khác không phải người khởi xướng, trong phạm vi được uỷ quyền, vì lợi ích của công ty[14].
Cần lý giải hướng tiếp cận của pháp luật Trung Quốc qua lý thuyết về hợp đồng trước đăng ký DN của các nhà luật học theo trường phái luật thực định. Về mặt kỹ thuật, công ty chỉ bắt đầu tồn tại từ lúc được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký DN. Trên cơ sở này, công ty đang trong quá trình thành lập thì không có tư cách pháp nhân, không phải là công ty. Nhằm giải quyết vấn đề chủ thể chịu trách nhiệm của hợp đồng trước đăng ký DN, các nhà nghiên cứu thuộc trường phái luật lục địa đã đề xuất nhiều lý thuyết về quan hệ giữa người ký kết và công ty đang hình thành. Một vài lý thuyết điển hình có thể kể đến là: thuyết hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba, thuyết đại diện theo uỷ quyền, thuyết kế thừa nghĩa vụ và thuyết người ký kết là cơ quan không tách rời của công ty đang hình thành[15].
Ở Trung Quốc, khái niệm “phát khởi nhân” được hiểu rộng hơn khái niệm “người thành lập DN” của Việt Nam, bao gồm: (a) những người ký tên vào điều lệ công ty; (b) những người thực tế tham gia vào quá trình thành lập và thực hiện các giao dịch phục vụ cho việc thành lập công ty[16]. Đi xa hơn, học giả Wang Baoshu và Cui Qinzhi cho rằng, pháp luật Trung Quốc nhìn nhận các phát khởi nhân như thành viên của công ty, họ cũng là một bộ phận cấu thành công ty đang thành lập. Rõ ràng, giới nghiên cứu luật học Trung Quốc ủng hộ thuyết người ký kết là cơ quan hữu cơ, không tách rời khỏi công ty, bất luận công ty ấy đã được cấp Giấy Chứng nhận đăng ký DN hay chưa[17].
Xuất phát từ cách nhìn nhận trên, phát khởi nhân có thể ký kết hợp đồng nhân danh chính mình hoặc nhân danh công ty; từ đó, cơ chế chịu trách nhiệm từ hợp đồng, cũng như việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng sẽ có sự khác nhau trong các trường hợp cụ thể.
2.2. Cơ chế chịu trách nhiệm với hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp trong pháp luật Trung Quốc
Với trường hợp doanh nghiệp không được thành lập, Điều 4 “Quy định III” quy định, người thành lập DN tự mình chịu trách nhiệm liên đới đối với nghĩa vụ từ hợp đồng. Tuy nhiên, khi DN được thành lập, do tính “tuy hai mà một”, “Quy định III” quy định, trường hợp công ty phải chịu trách nhiệm từ hợp đồng tại đoạn 2 Điều 2. Theo đó, điều kiện để DN trở thành chủ thể chịu trách nhiệm là:
(a) DN được thành lập;
(b) DN trực tiếp thừa nhận sự tồn tại của hợp đồng, hoặc thực tế đã thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng, hoặc hưởng lợi ích thực tế từ hợp đồng giao kết bởi người khởi xướng và bên đối ứng. Trường hợp sau, dẫu không có sự chuyển giao chính thức, DN phải chịu trách nhiệm khi bên còn lại có yêu cầu.
Như vậy, ở Trung Quốc, bên đối ứng có quyền yêu cầu hoặc cá nhân, hoặc DN thực hiện hợp đồng và chịu trách nhiệm theo hợp đồng, giữa người thành lập giao kết hợp đồng và DN sau thành lập không cần thực hiện chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng. Điều này nhằm bảo vệ quyền lợi của bên đối ứng trước việc giao kết hợp đồng với chủ thể không rõ là ai. Trên thực tế, sau khi DN được thành lập, các bên thường có xu hướng thỏa thuận lại hợp đồng, bên đối ứng chỉ thực thi quyền lựa chọn người thực hiện hợp đồng một lần trong thỏa thuận ấy.
Từ phân tích trên đây, có thể rút ra nhận xét sau:
Thứ nhất, không có sự chuyển giao nghĩa vụ giữa các bên trong hợp đồng, vì thế, hợp đồng trước thành lập DN không mất hiệu lực, không bị thay thế bởi một thỏa thuận nào khác.
Thứ hai, pháp luật không quy định rõ thế nào là “hưởng lợi ích theo hợp đồng”. Trường hợp xác định được là DN đã hưởng lợi ích từ hợp đồng, DN sau thành lập đương nhiên trở thành chủ thể mang nghĩa vụ và chịu trách nhiệm do vi phạm hợp đồng.
Hệ quả từ hai điều trên là người giao kết hợp đồng ban đầu không đương nhiên bị giải trừ khỏi nghĩa vụ hợp đồng. Bên đối ứng có quyền lựa chọn người tiếp tục thực hiện hợp đồng là DN hay người giao kết ban đầu. Trường hợp đã chọn công ty làm người tiếp tục thực hiện hợp đồng, có khả năng người giao kết hợp đồng ban đầu vẫn phải chịu trách nhiệm liên đới đối với hợp đồng, quy định cho phép bên yêu cầu lựa chọn người ký kết ban đầu chịu trách nhiệm tại Điều 3 “Quy định III” càng củng cố cho lập luận này.
3. Chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng ký kết trước đăng ký doanh nghiệp ở Việt Nam
Về nguyên tắc, người giao kết hợp đồng bị ràng buộc bởi quyền và nghĩa vụ được ghi nhận trong hợp đồng. Đây là nguyên tắc mang tính nền tảng của chế định hợp đồng, bởi hợp đồng là nguồn gốc căn bản và quan trọng của nghĩa vụ[18]. Nếu không có sự chuyển giao hoặc pháp luật không quy định thì người thành lập DN đã giao kết hợp đồng trước đăng ký DN phải tiếp tục thực hiện và chịu trách nhiệm phát sinh từ việc vi phạm hợp đồng đó, bất luận hợp đồng có được giao kết vì lợi ích của công ty hay không[19]. Chỉ khi công ty không được thành lập thì lúc ấy, người thành lập DN mới phải chịu trách nhiệm cá nhân từ việc vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng đã giao kết.
Để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người thành lập DN và của cả bên có quyền yêu cầu, trước đây, pháp luật về DN quy định công ty sau thành lập tiếp nhận quyền và nghĩa vụ phát sinh theo hợp đồng. Luật DN năm 2014 đã sửa đổi điều khoản này. Theo đó, DN sau thành lập phải tiếp tục thực hiện hợp đồng. Tuy nhiên, tiếp tục thực hiện hợp đồng không có nghĩa là phải chịu trách nhiệm toàn bộ đối với hợp đồng đã được giao kết; đồng thời, việc quy định như thế không giải trừ nghĩa vụ của người thành lập DN khỏi hợp đồng ký kết trước đăng ký DN. Vô hình chung, cách tiếp cận này lại tương đồng với cách tiếp cận của pháp luật Trung Quốc. Điểm mới mang tính đột phá trong Luật DN năm 2020 là quy định các quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng được người thành lập DN chuyển giao cho công ty theo quy định của BLDS.
Tuy nhiên, thế nào là chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng theo quy định của BLDS thì Luật DN năm 2020 không giải thích thêm. Đối chiếu các quy định về chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong BLDS, có một số vấn đề chưa thật sự sáng tỏ sau đây:
Thứ nhất, việc buộc các bên thực hiện chuyển giao nếu không có thỏa thuận khác tạo ra một ngoại lệ cho nguyên tắc tự do giao kết hợp đồng. Đối với công ty được thành lập, pháp nhân này buộc phải nhận chuyển giao toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng từ người thành lập DN, nếu các bên không có thỏa thuận khác. Giả sử sau khi thành lập, công ty mới không mặn mà với việc nhận chuyển giao thì có quyền không tiến hành chuyển giao hay không? Luật Doanh nghiệp chưa dự liệu chế tài đối với trường hợp này. 
Thứ hai, người thành lập DN giao kết hợp đồng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ và chịu trách nhiệm từ việc vi phạm hợp đồng nếu bên có quyền không đồng ý việc chuyển giao (khoản 1 Điều 370 BLDS năm 2015). Mặc dù quy định đã đề cao nguyên tắc thỏa thuận, song thực tế vẫn có thể xảy ra trường hợp các bên không thỏa thuận do nhiều lý do, nếu bên có quyền không đồng ý việc chuyển giao thì công ty không thể trở thành chủ thể của hợp đồng.
Thứ ba, quyền và nghĩa vụ hợp đồng được chuyển giao toàn bộ hay các bên có thể chuyển giao một phần quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng? Hiện tại, BLDS năm 2015 chưa dự liệu vấn đề chuyển giao toàn bộ quyền và nghĩa vụ theo một hợp đồng, mà chỉ dự liệu việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ chung chung. Điều này có thể dẫn đến việc các bên chỉ chuyển giao một phần quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng, và vì thế, không giải phóng hoàn toàn chủ thể giao kết hợp đồng ban đầu khỏi nghĩa vụ và trách nhiệm phát sinh từ việc vi phạm hợp đồng[20]. Đây là một bất cập cần sớm được khắc phục
Thứ tư, hình thức của việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng không được xác định trong văn bản luật. Các bên có thể áp dụng Điều 119 BLDS năm 2015 để nhìn nhận tính hợp lệ của việc chuyển giao thể hiện qua lời nói, qua văn bản, qua thông điệp điện tử hoặc hành vi cụ thể hay không? Đi xa hơn, có thể suy luận rằng, quy định các bên chuyển giao nghĩa vụ theo hình thức công ty tiếp nhận nghĩa vụ (novation); trong đó, các bên có cần đạt được sự thỏa thuận chung trước khi chuyển giao nghĩa vụ hay không? Trường hợp việc chuyển giao được ghi nhận thành một hợp đồng chuyển giao, hợp đồng này có thay thế hợp đồng trước đó, và từ đó chấm dứt hiệu lực của hợp đồng giao kết trước đăng ký DN hay không? Đây là những câu hỏi chưa tìm được câu trả lời từ quy định của pháp luật hiện nay.
4. Kiến nghị hoàn thiện các quy định của pháp luật về chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng trước đăng ký doanh nghiệp
Để hoàn thiện quy định của pháp luật về chuyển giao quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng trước đăng ký DN, tác giả đề xuất một số kiến nghị sau đây:
Một là, quy định rõ các chủ thể tham gia việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng, trong đó, ít nhất ba bên cần tham gia là bên chuyển giao, bên nhận chuyển giao, bên đối ứng. Trong trường hợp này, có thể tham khảo quy định của Luật Công ty Anh về việc tiếp nhận nghĩa vụ sau khi công ty được thành lập[21]; theo đó, ba bên phải tiến hành chuyển giao nghĩa vụ bằng một thỏa thuận mới. Thỏa thuận này có hiệu lực như một hợp đồng mới, thay thế hiệu lực cho hợp đồng đã giao kết trước đó. Quy định theo hướng này tránh được tình trạng mập mờ về chủ thể mang nghĩa vụ và gánh chịu trách nhiệm trong trường hợp vi phạm hợp đồng, nhất là đối với trách nhiệm phát sinh trong quá trình chưa hoàn thành chuyển giao: “ai ký, nấy chịu”. 
Hai là, phân biệt giữa chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng đăng ký DN và chuyển giao một phần quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng trước đăng ký DN. Trường hợp chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng đăng ký DN, chủ thể giao kết hợp đồng ban đầu cần được giải phóng toàn bộ khỏi quyền và nghĩa vụ của hợp đồng, pháp nhân DN sau thành lập trở thành chủ thể thực hiện toàn bộ quyền và nghĩa vụ của hợp đồng. Trường hợp chuyển giao một phần quyền, nghĩa vụ theo hợp đồng, cả hai chủ thể là người thành lập DN và pháp nhân DN đều có trách nhiệm thực hiện một phần hợp đồng. Trong trường hợp này, các bên có thể thỏa thuận về phần quyền, nghĩa vụ mà mình sẽ thực hiện theo hợp đồng.
Ba là, bổ sung điều kiện có hiệu lực của việc chuyển giao quyền và nghĩa vụ, theo đó bên đối ứng có quyền phản đối việc chuyển giao, nếu ngay từ đầu bên đối ứng không biết việc giao kết hợp đồng là vì lợi ích của công ty chưa thành lập. Trong trường hợp này, bên đối ứng và công ty sau thành lập có thể thỏa thuận giao kết lại hợp đồng mới. Hợp đồng mới này không thay thế hợp đồng mà người thành lập DN đã giao kết với bên đối ứng trước đó./.

 


[1] PGS. TS. Nguyễn Ngọc Điện, “Giáo trình Luật Dân sự tập 1,” Nxb. Chính trị quốc gia, năm 2016, tr.74-85.
[2] Ở Việt Nam, các DN có tư cách pháp nhân bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên (khoản 2 Điều 46 Luật DN năm 2020), công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên (khoản 2 Điều 74 Luật DN năm 2020), công ty cổ phần (khoản 2 Điều 111 Luật DN năm 2020) và hợp danh (khoản 2 Điều 177 Luật DN năm 2020). Hợp tác xã có tư cách pháp nhân, nhưng không nằm trong phạm vi nghiên cứu của bài viết này.
[3] Xem Phạm Hoài Huấn (Chủ biên), Nguyễn Thị Thanh Lê, Đặng Quốc Chương, Lê Nhật Bảo, “Luật DN Việt Nam Tình huống – Dẫn giải – Bình luận”, Nxb. Chính trị quốc gia sự thật, năm 2019, tr. 66-67. Trong sách này, các tác giả nhận định thoả thuận cổ đông/thành viên có thể được xem là hợp đồng trước đăng ký DN.
[4] Nguyễn Thị Quỳnh Yến và Ngô Quốc Chiến, “Người thứ ba trong Bộ luật dân sự 2015”, Tạp chí Quảng lý và Kinh tế quốc tế, số 86, http://tapchi.ftu.edu.vn/các-số-tạp-ch%C3%AD-ktđn/tạp-ch%C3%AD-ktđn-số-81-90/tạp-ch%C3%AD-ktđn-số-86/1401-người-thứ-ba-trong-bộ-luật-dân-sự-2015.html.
[5] Vũ Văn Mẫu, “Việt Nam Dân Luật Lược Khảo - Quyển II: Khế ước và nghĩa vụ”, tr. 297.
[6] S. Le Gall, “Pre-Incorporation Contracts: Legislation v. Common Law”, Anglo-Am. Law Rev., kỳ 21, số p.h 4, tr.425–429, tháng 10 1992, doi: 10.1177/147377959202100403. Xem thêm: Lipton, P., Herzberg, A., & Welsh, M. “Understanding company law”, Thompson Reuters Australia, năm 2016.
[7] Khoản 1 Điều 51 Luật Công ty Anh: “A contract that purports to be made by or on behalf of a company at a time when the company has not been formed has effect, subject to any agreement to the contrary, as one made with the person purporting to act for the company or as agent for it, and he is personally liable on the contract accordingly”. Tạm dịch: “Một hợp đồng được giao kết bởi một công ty, hoặc được giao kết nhân danh công ty vào thời điểm công ty đó chưa được thành lập thì hợp đồng này có hiệu lực như hợp đồng giao kết với cá nhân thay mặt công ty hoặc đại diện cho công ty, theo đó, người này sẽ tự chịu trách nhiệm cá nhân đối với hợp đồng này”, http://www.legislation.gov.uk/ukpga/2006/46/section/51, truy cập ngày 02/4/2021.
[8] S. McLaughlin, “Unlocking Company Law”, Routledge, năm 2013, tr.126-129.
[9] S. Le Gall, tlđd.
[10] PGS. TS. Nguyễn Ngọc Điện, “Nhận dạng lợi ích gắn với nghĩa vụ trong quan hệ kết ước – kinh nghiệm của Anh và Pháp”, Tạp chí Nghiên cứu lập pháp, số 01+02 (210+211), năm 2012.
[11] S. McLaughlin, tlđd, tr. 129. 
[12] Tham khảo Điều 1 và Điều 4 của Quy định thứ ba của Pháp viện nhân dân tối cao Trung Quốc về áp dụng một số quy định của Luật Công ty Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tại https://wenku.baidu.com/view/fb5d7ff4700abb68a982fb6d.html.
[13]ZHANG Lu, “论发起人对公司成立前合同的责任 (Trách nhiệm của phát khởi nhân đối với hợp đồng trước thành lập công ty)”, Tạp chí Legal System and Society (Trung Quốc), năm 2010.
[14]TIAN Jinhua, “Study on the Effect of Pre-Incorporation Contract and Its Relative Liability (公司成立前合同之效力及其责任归属探析)”, Journal of Social Science of Jiamusi University (佳木斯大学社会科学学报), số p.h 1, năm 2013.
[15] LIANG Yuxian, “Corporation law(公司法論)”, Tam Dân Thư Cục (三民書局), năm 2015, tr.269.
[16] ZHANG Lu, tlđd.
[17] XIAO Zhigang, “Debt before the Establishment of Company (公司成立前所生债的承担)”, Tạp chí National Judges College Law Journal (Trung Quốc), vol 197, số 8, năm 2002, tr.43.
[18] PGS. TS. Ngô Huy Cương, “Giáo trình Luật Hợp đồng Phần chung”, Nxb. Đại học Quốc Gia Hà Nội, năm 2013, tr. 366.
[19] S. Le Gall, tlđd.
[20] Trần Thị Như Thuỷ, “Chuyển giao hợp đồng theo pháp luật dân sự Việt Nam”, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, năm 2017.
[21] Tham khảo thêm tại S. McLaughlin, “Unlocking company law”, Routledge, năm 2013. Xem thêm Ngô Quốc Chiến, “Bộ luật Dân sự cần bổ sung quy định về chuyển giao hợp đồng”, https://tks.edu.vn/thong-tin-khoa-hoc/chi-tiet/81/574.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (432), tháng 4/2021.)