Hoàn thiện quy định của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm

23/07/2021

THS. NGUYỄN THỊ NGUYỆT

Khoa Kinh tế Luật, Đại học Thương mại.

 
Tóm tắt: Chỉ dẫn địa lý đồng âm là đối tượng được quan tâm trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Hiện nay, pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam không nhắc đến nhưng cũng không phủ nhận việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm. Tuy nhiên, do tính chất đặc biệt của chỉ dẫn địa lý đồng âm nên pháp luật cần có những quy định cụ thể hơn về đối tượng này. Trong phạm vi bài viết này, tác giả tập trung phân tích khái niệm chỉ dẫn địa lý đồng âm, sự cần thiết đối với việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm và đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật sở hữu trí tuệ về vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm.
Từ khóa: Chỉ dẫn địa lý đồng âm, bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm, sở hữu trí tuệ.
Abstract: Homogeneous geographical indications are an object of interest in the Vietnam - European Union Free Trade Agreement (EVFTA). Currently, the law on the protection of intellectual property rights in Vietnam does not mention but also does not deny the protection of homogeneous geographical indications. However, due to the special nature of the homogeneous geographical indication, the law needs to have more specific provisions on this object. In the scope of this article, the author focuses on an analysis of the concept of homogeneous geographical indications, the need for the protection of homogeneous geographical indications and provides a number of recommendations to further improve the law on intellectual property on the issue of protecting homogeneous geographical indications.
Keywords: Homogeneous geographical indications; protection of homogeneous geographical indications; protection of intellectual property.
 
Ngày nay, có thể thấy, việc sử dụng những dấu hiệu chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm, hàng hóa tạo ra những giá trị vô hình cho các sản phẩm tự nhiên ở các vùng miền khác nhau trên thế giới. Khác với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý có chức năng chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm có chất lượng đặc biệt so với sản phẩm cùng loại đến từ những vùng khác; những khu vực này thường là nơi có điều kiện thổ nhưỡng, tự nhiên hay yếu tố con người độc đáo. Bởi vậy, việc bảo hộ hiệu quả các chỉ dẫn địa lý này sẽ góp phần nâng cao giá trị thương mại của hàng hóa Việt Nam trên thị trường thế giới. Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập một số điều ước quốc tế (gần đây nhất là Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu - EVFTA). Các văn bản này đều nhấn mạnh về vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý nói chung cũng như giải quyết vấn đề liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm.BAO-ho-chi-dan-dia-ly.jpg
1. Khái niệm chỉ dẫn địa lý đồng âm
Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (Hiệp định TRIPs) năm 1994 chính thức sử dụng khái niệm “chỉ dẫn địa lý” trên cơ sở hai thuật ngữ “chỉ dẫn nguồn gốc” và “tên gọi xuất xứ hàng hóa” được đề cập trong Công ước Paris năm 1883 và Thỏa ước Madrid năm 1891. Theo Hiệp định này, chỉ dẫn địa lý được hiểu là “những chỉ dẫn về hàng hóa bắt nguồn từ lãnh thổ của một thành viên hoặc từ khu vực hay địa phương thuộc lãnh thổ đó, có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính nhất định chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định”[1]. Khái niệm trên cho thấy, chỉ dẫn địa lý có thể là những dấu hiệu bất kỳ để chỉ ra nguồn gốc của sản phẩm được sản xuất từ lãnh thổ, địa phương hay một khu vực nhất định. Trong đó, sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có chất lượng, uy tín hoặc đặc tính mà các tính chất này chủ yếu do xuất xứ địa lý quyết định.
Ở Việt Nam, lần đầu tiên chỉ dẫn địa lý được quy định trong Nghị định số 54/200/NĐ-CP ngày 03/10/2000 của Chính phủ và được bảo hộ đồng thời với tên gọi xuất xứ hàng hóa. Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 và năm 2019 (Luật SHTT) thống nhất sử dụng thuật ngữ chỉ dẫn địa lý. Khoản 4 Điều 22 Luật SHTT quy định: “Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể”. Xuất phát từ đặc trưng của chỉ dẫn địa lý là chỉ dẫn nguồn gốc của sản phẩm nên dấu hiệu được công nhận là chỉ dẫn địa lý phải là những dấu hiệu nhận biết bằng thị giác như từ ngữ, hình ảnh, biểu tượng. Như vậy, chỉ dẫn địa lý có thể là bất cứ dấu hiệu nào để chỉ dẫn nguồn gốc của sản phẩm.
Cũng giống như các chỉ dẫn thương mại khác, hiện tượng tồn tại các chỉ dẫn thương mại giống hệt nhau được sử dụng để chỉ dẫn nguồn gốc của các sản phẩm được sản xuất từ các quốc gia, các vùng lãnh thổ khác nhau có thể xảy ra. Vấn đề này xuất phát từ việc trùng tên gọi của các vùng, lãnh thổ trong một quốc gia hoặc ở các quốc gia khác nhau. Các chỉ dẫn địa lý giống nhau được gắn cho các sản phẩm được tiêu thụ trên một thị trường khiến nhiều người lo điều này dễ gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về xuất xứ thực sự của sản phẩm. Bởi vậy, trong các văn kiện quốc tế và pháp luật ở các quốc gia bắt đầu đề cập đến bảo hộ cho các chỉ dẫn địa lý đồng âm.
Nếu hiểu theo nghĩa phổ thông, thuật ngữ đồng âm (homonym) được định nghĩa trong Merriam Webster’s Collegiate Dictionary là “một trong hai hoặc nhiều từ được đánh vần và phát âm giống nhau nhưng khác nhau về nghĩa”[2]. Định nghĩa này giúp ta hiểu rằng, chỉ dẫn địa lý đồng âm là những chỉ dẫn địa lý được viết và phát âm giống nhau được dùng để chỉ dẫn nguồn gốc địa lý của sản phẩm xuất phát từ các vùng lãnh thổ, các quốc gia khác nhau.
Hiệp định TRIPs, lần đầu tiên đề cập đến chỉ dẫn địa lý đồng âm[3] và việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm cho sản phẩm rượu vang nhưng không đưa ra khái niệm thế nào là chỉ dẫn địa lý đồng âm. Tuy nhiên, theo cách hiểu trong Hiệp định TRIPs, các chỉ dẫn địa lý đồng âm là các dấu hiệu để chỉ các vùng lãnh thổ có tên gọi giống nhau về nghĩa đen được sử dụng để chỉ nguồn gốc địa lý của các sản phẩm đến từ các quốc gia khác nhau[4]. Ví dụ “Rioja” là tên của một vùng ở Tây Ban Nha và ở Argentina và cụm từ này áp dụng cho rượu vang được sản xuất ở hai quốc gia này. Như vậy “Rioja” là chỉ dẫn địa lý đồng âm dùng để chỉ dẫn xuất xứ của rượu vang đến từ hai quốc gia khác nhau.
Luật SHTT không quy định về khái niệm chỉ dẫn địa lý đồng âm, nhưng khoản 22 Điều 4 Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2020 (Dự thảo Luật)[5] đã bổ sung thêm khái niệm này như sau: “Chỉ dẫn địa lý đồng âm được hiểu là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau”. Việc pháp luật SHTT Việt Nam đưa ra định nghĩa về chỉ dẫn địa lý đồng âm là cần thiết. Bởi lẽ, việc có một định nghĩa chính xác và đầy đủ về chỉ dẫn địa lý đồng âm là cơ sở quan trọng để xác định đối tượng được bảo hộ và các điều kiện cho phép các chỉ dẫn địa lý này đồng thời tồn tại.
2. Sự cần thiết bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm
Thứ nhất, xuất phát từ đặc điểm của chỉ dẫn địa lý là dù các dấu hiệu chỉ dẫn nguồn gốc sản phẩm được viết hoặc phát âm giống nhau nhưng không làm mất đi tính phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý đồng âm.
Đối với các chỉ dẫn thương mại như nhãn hiệu, tên thương mại là các chỉ dẫn thương mại do con người sáng tạo, lựa chọn để tạo ra sự phân biệt giữa các cơ sở sản xuất, kinh doanh với nhau hay sản phẩm được sản xuất bởi các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau. Bởi vậy, nếu pháp luật công nhận sự tồn tại của các nhãn hiệu hay tên thương mại giống hệt nhau tất yếu sẽ gây ra sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng về xuất xứ của sản phẩm được cung cấp bởi các nhà sản xuất khác nhau. Hơn nữa, những chỉ dẫn thương mại này do các tổ chức, cá nhân tự sáng tạo ra nên khi đã bị trùng với một nhãn hiệu hay tên thương mại đã có từ trước, họ có thể lựa chọn các dấu hiệu khác để gắn cho sản phẩm hoặc cơ sở kinh doanh của mình. Điều này không làm ảnh hưởng đến chất lượng của sản phẩm mà họ cung cấp. Ví dụ, “Trung Nguyên” là một nhãn hiệu gắn cho sản phẩm cà phê của công ty cà phê Trung Nguyên được dùng để phân biệt với sản phẩm cà phê do các chủ thể khác sản xuất. Tuy nhiên, nếu trước đó, Công ty cà phê Trung Nguyên sử dụng nhãn hiệu khác để gắn lên sản phẩm của mình thì vẫn tạo ra được tính phân biệt và không làm ảnh hưởng đến đánh giá của người tiêu dùng về chất lượng của sản phẩm. Vậy nên đối với nhãn hiệu hay tên thương mại, một nguyên tắc bảo hộ được sử dụng là chủ thể nào sử dụng tên thương mại trước hay đăng ký đối với nhãn hiệu trước thì sẽ được công nhận quyền trước, các chủ thể kinh doanh khác không được đăng ký hay sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại trùng hay tương tự với nhãn hiệu, tên thương mại đã được đăng ký, được sử dụng trước.
Trong khi đó, chỉ dẫn địa lý là các dấu hiệu được sử dụng để chỉ dẫn đến xuất xứ của sản phẩm đến từ một quốc gia, vùng lãnh thổ nhất định. Ý nghĩa của chỉ dẫn địa lý là chỉ dẫn đến nguồn gốc của sản phẩm có chất lượng được đánh giá bởi người tiêu dùng và chất lượng đó do điều kiện thổ nhưỡng, tự nhiên hay yếu tố con người của một vùng lãnh thổ tạo nên. Ngay từ đầu, điều kiện để pháp luật công nhận các dấu hiệu này là chỉ dẫn địa lý xuất phát từ yếu tố đặc biệt của vùng lãnh thổ được chỉ dẫn đến. Ít trường hợp có hai hoặc nhiều vùng lãnh thổ khác nhau nhưng có cùng điều kiện về tự nhiên và con người làm nên chất lượng sản phẩm vượt trội, có chăng phải là các vùng lãnh thổ sát gần nhau. Ví dụ, nước mắm Phú Quốc nổi tiếng trong cả nước và nước ngoài nhờ độ đạm cao, có màu, mùi, vị thơm ngon đặc trưng xuất phát từ nguồn tài nguyên chất lượng và truyền thống làm nước mắm lâu đời của người dân Phú Quốc, Kiên Giang. Hơn nữa, đây chỉ là hiện tượng các dấu hiệu được viết và phát âm giống nhau còn các vùng lãnh thổ thường sẽ nằm ở các vị trí địa lý khác nhau nên không có hiện tượng trùng về chỉ dẫn địa lý. Bởi vậy, dù dấu hiệu của các chỉ dẫn địa lý có thể được viết hoặc phát âm giống nhau nhưng chúng ta vẫn có thể phân biệt được nguồn gốc của sản phẩm thông qua điều kiện đặc biệt từ vùng lãnh thổ tạo ra sản phẩm đó và vị trí địa lý của các vùng lãnh thổ đó.
Bên cạnh đó, khác với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý không được lựa chọn tùy tiện mà dùng để chỉ đến một khu vực địa lý riêng liên quan đến các sản phẩm có nguồn gốc từ đó. Có thể các vùng địa lý khác nhau có tên gọi giống nhau và là nơi xuất xứ của cùng một loại sản phẩm. Tên gọi của các vùng địa lý được đặt và công nhận bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đã được người dân sử dụng lâu đời mang tính truyền thống, nên khó có thể tùy tiện thay đổi tên gọi của các chỉ dẫn này. Bởi vậy, hiện tượng chỉ dẫn địa lý đồng âm tồn tại là điều tất yếu.
Thứ hai, xuất phát từ vai trò của chỉ dẫn địa lý. Bảo hộ một chỉ dẫn địa lý là chống lại việc sử dụng các chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đó cho sản phẩm không đạt các chỉ tiêu pháp lý (không có nguồn gốc từ khu vực địa lý tương ứng, không đạt các chỉ tiêu về sản phẩm hoặc các chỉ tiêu về quy trình sản xuất sản phẩm). Nước mắm Phú Quốc, chè Shan tuyết Mộc Châu, cà phê Ban Mê Thuật, bưởi Đoan Hùng, rượu Bourdeux... là những ví dụ về tên gọi nổi tiếng thường làm chúng ta liên tưởng đến những sản phẩm tự nhiên, có chất lượng cao ở Việt Nam và trên thế giới. Một đặc điểm chung của tất cả các tên gọi này là ý nghĩa về mặt địa lý của chúng, tức là chức năng chỉ dẫn một khu vực, thành phố, huyện, tỉnh... Những ví dụ trên cho chúng ta thấy rằng, chỉ dẫn địa lý có thể nổi tiếng và vì thế có thể là tài sản thương mại có giá trị. Chính vì vậy, các chỉ dẫn địa lý này thường bị giả mạo dẫn tới nhu cầu phải được bảo hộ.
Bảo hộ chỉ dẫn địa lý có hiệu quả tạo ra lợi ích kinh tế cho tất cả các mắt xích tham gia quy trình sản xuất, lưu thông, tiêu dùng sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý. Đặc biệt, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý có vai trò và ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bảo hộ chỉ dẫn địa lý tạo công cụ pháp lý để nhà sản xuất chống lại các hành vi giả mạo chỉ dẫn địa lý. Từ đó, nhà sản xuất có thể gia tăng giá trị cho sản phẩm của mình. Một khi người tiêu dùng biết chắc chắn hàng hóa định mua là sản phẩm thật sự được bảo đảm về nguồn gốc, họ sẵn sàng trả giá cao cho sản phẩm đó. Tuy nhiên, để có được điều đó cũng đòi hỏi bản thân các nhà sản xuất sản phẩm phải tự hoàn thiện và bảo đảm quy trình sản xuất, kinh doanh sản phẩm để có thể đưa ra thị trường các sản phẩm có chất lượng ổn định, có nguồn gốc rõ ràng. Nếu không công nhận sự tồn tại một trong các chỉ dẫn địa lý đồng âm đồng nghĩa với việc một trong số các chỉ dẫn địa lý này không được bảo hộ, dẫn đến việc có thể có hành vi giả mạo sản phẩm và có thể khó khăn trong việc quản lý và duy trì chất lượng sản phẩm ở những vùng mà chỉ dẫn địa lý không được công nhận. Đây sẽ là một sự mất mát lớn cho sản phẩm truyền thống có chất lượng của một vùng lãnh thổ.
Thứ ba, xét về cơ sở pháp lý. Như đã phân tích ở trên, pháp luật về SHTT hiện hành của Việt Nam không đề cập đến thuật ngữ chỉ dẫn địa lý đồng âm và những điều kiện riêng cho bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm. Trên cơ sở quy định của Điều 79 Luật SHTT về điều kiện bảo hộ chỉ dẫn địa lý và các trường hợp loại trừ không bảo hộ chỉ dẫn địa lý quy định tại Điều 80 Luật SHTT, pháp luật không loại trừ việc bảo hộ đồng thời các chỉ dẫn địa lý đồng âm. Bên cạnh đó, pháp luật Việt Nam không căn cứ vào nguyên tắc nộp đơn trước mà vẫn công nhận cho sự tồn tại của các chỉ dẫn địa lý nếu chỉ dẫn đúng về nguồn gốc địa lý và không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý thực của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, cần quy định cụ thể hơn về chỉ dẫn địa lý đồng âm bởi sự tồn tại nguy cơ xung đột giữa các chỉ dẫn địa lý đồng âm khi được sử dụng trên cùng một thị trường. Ngoài ra, trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam gia nhập hoặc ký kết đều có đề cập đến hiện tượng chỉ dẫn địa lý đồng âm và có quy định riêng cho chỉ dẫn địa lý đồng âm như trong Hiệp định TRIPs và gần đây nhất trong EVFTA đã có những thỏa thuận cụ thể để xử lý các vấn đề liên quan đến bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm.
Thứ tư, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn. Hiện nay,dù ở Việt Nam chưa có trường hợp chỉ dẫn địa lý đồng âm nào được bảo hộ, nhưng có thể nhìn thấy rõ nhu cầu về bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm trong tương lai. Năm 2006, Việt Nam đã chấp nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý Pisco của Peru. Năm 2011, Việt Nam đã công nhận “Pisco” của Chile là chỉ dẫn địa lý theo định nghĩa của Điều 22 Hiệp định TRIPs trong FTA giữa Việt Nam và Chile. Mới đây, Chile đã nộp đơn yêu cầu bảo hộ chỉ dẫn địa lý Pisco ở Việt Nam. Ở Việt Nam cũng có các vùng lãnh thổ trùng tên như huyện Kỳ Sơn tỉnh Nghệ An và huyện Kỳ Sơn tỉnh Hòa Bình… và có thể xuất hiện hiện tượng đồng âm trong tương lai. Vì vậy, pháp luật SHTT của Việt Nam cần thiết phải quy định các điều kiện riêng cho bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm.
3. Kiến nghị
Từ những phân tích trên, chúng tôi đề xuất một số kiến nghị cụ thể liên quan đến vấn đề bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm:
Thứ nhất, sửa đổi khoản 22 Điều 4 Dự thảo Luật về khái niệm chỉ dẫn địa lý đồng âm theo hướng làm rõ thêm hai vấn đề: (i) Phạm vi bảo hộ chỉ dẫn đồng âm đối với tất cả các sản phẩm hay chỉ một số sản phẩm; (ii) Các chỉ dẫn địa lý được coi là đồng âm khi nó chỉ dẫn đến nguồn gốc của các sản phẩm bất kỳ hay là các sản phẩm cùng loại.
+ Tùy thuộc vào hệ thống pháp luật mỗi quốc gia khác nhau xác định bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm cho các loại sản phẩm khác nhau. Theo quy định của Hiệp định TRIPs và một số quốc gia như Trung Quốc, New Zealand… quy định chỉ bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm đối với rượu vang. Tuy nhiên, hiện nay, việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm cho nhiều sản phẩm bên cạnh sản phẩm rượu vang đã được một số quốc gia thừa nhận, chẳng hạn như Thái Lan đã thừa nhận chỉ dẫn địa lý đồng âm đối với một số sản phẩm đặc biệt[6] hay Ấn Độ thừa nhận bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm đối với tất cả các sản phẩm[7]. Hơn thế nữa, trong cam kết của Việt Nam trong EVFTA, chúng ta đã thừa nhận việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý và cho rằng, chỉ dẫn địa lý đồng âm không nên bị giới hạn trong một, một số sản phẩm cụ thể mà nên mở rộng bảo hộ chỉ dẫn địa lý đồng âm cho tất cả các sản phẩm.
+ Nên xem xét chỉ dẫn địa lý đồng âm đối với các dấu hiệu được chỉ dẫn nguồn gốc của các sản phẩm cùng loại. Việc tồn tại đồng thời các chỉ dẫn địa lý đồng âm hoàn toàn hợp lý bởi vì các chỉ dẫn chỉ ra nguồn gốc địa lý thực sự của các sản phẩm mà chúng được sử dụng. Tuy nhiên, xung đột thường nảy sinh khi các sản phẩm sử dụng các chỉ dẫn địa lý đồng âm được bán vào cùng một thị trường và chỉ dẫn đến nguồn gốc của các sản phẩm giống hệt nhau. Việc sử dụng đồng thời các chỉ dẫn địa lý đồng âm trong cùng một lãnh thổ có thể gây ra vấn đề khi sản phẩm sử dụng chỉ dẫn địa lý có những phẩm chất và đặc điểm riêng biệt mà không có sản phẩm sử dụng từ đồng âm của chỉ dẫn địa lý đó. Trong trường hợp này, việc sử dụng chỉ dẫn địa lý đồng âm sẽ gây hiểu lầm, vì các kỳ vọng liên quan đến chất lượng của sản phẩm mà chỉ dẫn địa lý đồng âm được sử dụng không được đáp ứng. Đối với các chỉ dẫn thương mại khác như nhãn hiệu, khi xét nhãn hiệu đăng ký sau có trùng hay tương tự với nhãn hiệu đã được đăng ký trước, pháp luật cũng chỉ xem xét nhãn hiệu được gắn lên các sản phẩm cùng loại[8]. Trong Hiệp định TRIPs, chỉ dẫn địa lý đồng âm cũng chỉ được xác định đối với các chỉ dẫn đến xuất xứ của các loại rượu vang. Nói cách khác, Hiệp định TRIP chỉ công nhận sự tồn tại đồng thời của các chỉ dẫn địa lý đồng âm được gắn với các sản phẩm cùng loại. Bởi vậy, chỉ xác định là chỉ dẫn địa lý đồng âm để chỉ dẫn nguồn gốc của các sản phẩm cùng loại.
Vì vậy, khoản 22 Điều 4 Dự thảo Luật cần được viết lại như sau: “22. Chỉ dẫn địa lý đồng âm là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau để chỉ dẫn nguồn gốc của các sản phẩm cùng loại”.
Thứ hai, sửa đổi Điều 79 Dự thảo Luật theo hướng bổ sung thêm các yêu cầu cụ thể đảm bảo phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý đồng âm.
Điều 23.3 của Hiệp định TRIPs đặt ra một quy tắc cụ thể cho các chỉ dẫn địa lý đồng âm cho rượu vang bằng cách quy định cụ thể các trường hợp chỉ dẫn địa lý đồng âm cho các loại rượu mà việc sử dụng không thể hiện sai cho công chúng rằng hàng hóa có nguồn gốc từ lãnh thổ khác như quy định tại Điều 22.4 của Hiệp định TRIPs. Trong trường hợp này, cả hai chỉ dẫn phải được bảo hộ và các thành viên WTO liên quan phải xác định các điều kiện cần thiết để phân biệt các chỉ dẫn đồng âm cho rượu vang. Khi làm như vậy, họ phải đảm bảo rằng người tiêu dùng không bị lừa dối và các nhà sản xuất liên quan được đối xử công bằng. Hiệu quả thực tế của quy định này là nó thúc đẩy các thành viên WTO mở cửa thị trường của mình trong các trường hợp có chỉ dẫn địa lý đồng âm và buộc phải tìm ra các giải pháp thích hợp để các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đồng âm đó cùng tồn tại. Tương tự như Hiệp định TRIPs, EVFTA cũng để cho các quốc gia thành viên tự quy định về điều kiện thực tế để có thể hạn chế sự nhầm lẫn cho người tiêu dùng về xuất xứ của các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đồng âm.
Theo pháp luật của Ấn Độ, có hai điều kiện cần được xem xét trước khi quyết định bảo hộ các chỉ dẫn địa lý đồng âm. Cơ quan cấp phép bảo hộ cho một chỉ dẫn địa lý này so với chỉ dẫn địa lý kia; trong đó, hai chỉ dẫn địa lý đồng âm với nhau chỉ được bảo hộ khi đáp ứng các điều kiện sau: 1) Xác suất thực tế có thể phân biệt được các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó về tính chất, chất lượng, hình dáng, công dụng và cảm nhận tổng thể của sản phẩm để tránh mọi khả năng nhầm lẫn của người tiêu dùng; 2) Trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền có thể đảm bảo đối xử công bằng đối với các nhà sản xuất hai sản phẩm liên quan và bảo vệ quyền của các nhà sản xuất[9].
Năm 1999, Đại hội đồng văn phòng rượu nho quốc tế (OIV) đã thông qua Nghị quyết ECO/3/99, xử lý các chỉ dẫn địa lý đồng âm. Nghị quyết khuyến nghị các quốc gia thành viên OIV, khi đặt ra các quy tắc phân biệt cho các tên đồng âm, cần xem xét những điều kiện sau: (i) Sự công nhận chính thức được sử dụng ở nước xuất xứ; (ii) Khoảng thời gian tên đã được sử dụng; (iii) Việc sử dụng có trung thực hay không; (iv) Tầm quan trọng của việc trình bày các nhãn đồng âm đối với hoạt động tiếp thị; (v) Khuyến khích đề cập đầy đủ thông tin phân biệt để tránh sự nhầm lẫn của người tiêu dùng.
Chúng tôi cho rằng, Điều 79 Dự thảo Luật cần được bổ sung thêm các yêu cầu để đảm bảo hạn chế nhầm lẫn của người tiêu dùng về các chỉ dẫn địa lý đồng âm cùng tồn tại trên thị trường như: tầm quan trọng của việc trình bày các nhãn đồng âm; đề cập đầy đủ thông tin để phân biệt tránh sự nhầm lẫn của người tiêu dùng…
Thứ ba, cần bổ sung quy định về quyền được thông báo và được góp ý của chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước khi chỉ dẫn địa lý đồng âm được xem xét bảo hộ.
Đây là nội dung mà Việt Nam đã cam kết trong EVFTA, cụ thể: “Nếu một Bên, trong đàm phán với một nước thứ ba, đề xuất bảo hộ một chỉ dẫn địa lý của nước thứ ba đó đồng âm với một chỉ dẫn địa lý của Bên kia được bảo hộ theo Tiểu Mục này thì phải thông báo cho Bên kia và dành cho Bên kia cơ hội để góp ý trước khi chỉ dẫn địa lý của nước thứ ba được bảo hộ”. Biết trước về việc sẽ bảo hộ cho một chỉ dẫn địa lý đồng âm với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ là quyền chính đáng của chủ sở hữu; đồng thời, đây cũng là một nội dung mà Việt Nam đã cam kết trong EVFTA. Vì vậy, Dự thảo Luật cần bổ sung thêm nội dung liên quan quyền được thông báo và quyền được góp ý trước khi bảo hộ một chỉ dẫn địa lý đồng âm với chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ của chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý đó./.
 

 


[1] Khoản 1 Điều 22 Hiệp định TRIPS.
[2] “one of two or more words spelled and pronounced alike but different in meaning (such as the noun quail and the verb quail).
[3] Xem quy định Điều 23.3 Hiệp định TRIPS.
[4] WIPO Standing Committee On The Law Of Trademarks, Industrial Designs And Geographical Indicaitons, “Possible Solutions For Conflicts Between Trademarks and Geographical Indications and For Conflicts Between homonymous Geographical Indicaitons’ WIPO Doc.Sct/5/3, 8 June 2000.
[5] Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT năm 2020, https://www.most.gov.vn/vn/Pages/chitietduthao.aspx?iDuThao=822.
[6] Xem Điều 29 Luật Bảo hộ chỉ dẫn địa lý của Thái Lan năm 2003.
[7] Xem Điều 10 Luật Đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với hàng hóa của Ấn Độ năm 1999.
[8] Xem điểm e khoản 2 Điều 74 Luật SHTT.
[9] Xem Điều 10 Luật Đăng ký và bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với hàng hóa của Ấn Độ năm 1999, có thể dịch là Đạo luật chỉ dẫn địa lý hàng hóa (Đăng ký và bảo hộ - GIG) năm 1999 của Ấn Độ. https://legislative.gov.in/sites/default/files/A1999-48.pdf.
 
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 08 (432), tháng 4/2021.)