Thực hiện chính sách, pháp luật liên kết vùng trong phát triển du lịch ở các tỉnh Bắc Trung Bộ

05/05/2021

TS. BÙI QUỲNH THƠ

Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh.

Tóm tắt: Liên kết vùng là một trong những giải pháp phát triển du lịch tiết kiệm nhưng hiệu quả khi mà biên giới du lịch giữa các địa phương đã không còn hiện hữu, thay vào đó là một điểm đến chung thống nhất với sự đa dạng sản phẩm dựa trên lợi thế riêng biệt vùng miền. Thông qua khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về liên kết vùng trong phát triển bền vững du lịch tại các tỉnh Bắc Miền Trung từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế, tác giả đánh giá việc thực hiện chính sách pháp luật về liên kết vùng trong phát triển du lịch và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện.
Từ khóa: Liên kết vùng trong phát triển du lịch, Bắc Trung Bộ.
Abstract: Regional linkage is one of the solutions to develop tourism in an economical but effective manner when tourism borders between localities are no longer exist, instead, it is a unified common destination with diverse product based on regional advantages. Through a survey on the implementation of the legal policy on regional linkage in sustainable tourism development in the North Central provinces from Thanh Hoa to Thua Thien Hue, the author provides assessments of the performance of the legal system of regional linkages in tourism development, then proposes solutions for further improvements.
Keywords: Regional linkage, tourism, North Central region
 Biển-bắc-trung-bộ.jpg
 Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Chính sách pháp luật về liên kết vùng trong phát triển du lịch các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ
Phát triển du lịch là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta, được cụ thể hóa trong nhiều văn bản pháp lý: Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 16/01/2017 về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Luật Du lịch năm 2017,  Quyết định số 2743/QĐ-TTg ngày 29/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam; Quyết định số 201/QĐ-TTg ngày 22/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030...
Đối với vùng Bắc Trung Bộ, ngày 11/11/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2161/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nhấn mạnh tập trung phát triển du lịch tham quan nghiên cứu di sản thế giới và văn hóa - lịch sử; liên kết, hợp tác nội vùng, liên vùng và quốc tế là nội dung quan trọng, xuyên suốt đối với phát triển du lịch Bắc Trung Bộ.
Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ, Ủy ban nhân dân (UBND) các địa phương thuộc vùng đã xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch địa phương đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Để hoàn thành nhiệm vụ phát triển du lịch nói chung, liên kết du lịch nói riêng, chính quyền các tỉnh Bắc Trung Bộ đã thực hiện tuyên truyền, phổ biến, chỉ đạo, triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời xây dựng, ban hành các chính sách, văn bản pháp luật (VBPL) về phát triển du lịch, liên kết vùng phát triển du lịch[1].
Để đánh giá tình hình thực hiện chính sách, pháp luật liên kết vùng trong phát triển du lịch từ thực tiễn các địa phương, một cuộc khảo sát được tổ chức tại 6 tỉnh Bắc Miền Trung từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế với những nội dung sau[2]:
- Mục đích khảo sát: Đánh giá chính sách, pháp luật liên kết vùng trong phát triển du lịch; đánh giá tình hình thực hiện chính sách pháp luật về liên kết vùng trong phát triển du lịch tại các địa phương;
- Đối tượng khảo sát: công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, nhân viên ở các khu du lịch, doanh nghiệp kinh doanh du lịch, nhà khoa học và khách du lịch.
- Số phiếu phát ra là 600 phiếu, số phiếu thu vào sau khi làm sạch là 568 phiếu.
2. Kết quả khảo sát tình hình tổ chức triển khai thực hiện các chính sách, pháp luật ở các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ về phát triển du lịch, liên kết vùng phát triển du lịch trong thời gian qua
2.1. Về Chính sách, pháp luật liên kết vùng trong phát triển du lịch ở các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ
Bai-Qtho1.png
Kết quả khảo sát cho thấy, các nhà quản lý, doanh nghiệp và người dân đều đánh giá ở mức trung bình khá về mức độ đầy đủ, thực tiễn, khả thi và thống nhất, đồng bộ của các VBPL hiện hành liên quan đến liên kết vùng phát triển du lịch các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ (trong khoảng từ 3,0 đến 3,52). Tuy nhiên, các đối tượng khảo sát cũng cho rằng, các VBPL hiện hành về liên kết vùng du lịch chưa có quy định cụ thể cơ chế phối hợp giữa các địa phương; nội dung liên kết còn hình thức, chủ yếu dừng lại ở các văn bản thỏa thuận, tự nguyện mà chưa có cơ chế chặt chẽ để giải quyết hài hòa lợi ích giữa các địa phương tham gia, đặc biệt chưa có cơ chế ràng buộc nên hiệu quả liên kết không cao.
Đánh giá về các chính sách cụ thể của Nhà nước trong từng lĩnh vực có liên quan đến liên kết vùng trong phát triển du lịch cho thấy các mức độ đánh giá ở mức khá (trên 3,5), trong đó các chính sách về phát triển nguồn nhân lực du lịch được đánh giá ở mức cao nhất. Nhìn chung, các địa phương trong vùng đã có những chính sách để huy động các nguồn nhân lực đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá du lịch cũng như phát triển nguồn nhân lực và tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch, từ đó tạo thuận lợi để phát triển du lịch địa phương cũng như tạo cơ sở cho việc phát triển liên kết vùng Bắc Trung Bộ về du lịch[3]. Tuy nhiên, trong quy hoạch phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ còn thiếu cơ chế, chính sách đầu tư trọng điểm nhằm tạo sự phát triển lan tỏa trong vùng cũng như thiếu hệ thống tổ chức điều hành liên kết nhằm tạo ra sự thống nhất giữa các tỉnh trong đầu tư phát triển. Sự liên kết giữa các địa phương trong vùng còn hạn chế, mỗi tỉnh có xu hướng quy hoạch một hướng nên có hiện tượng cạnh tranh thiếu lành mạnh thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút vốn, hiện tượng đầu tư trùng lắp… tạo bất lợi cho sự phát triển trong nội vùng.
Bảng 2: Đánh giá về chính sách của Nhà nước liên quan đến liên kết vùng trong phát triển du lịch ở các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ

Bai-Qtho1_1.png

2.2. Về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật liên kết vùng trong phát triển du lịch ở các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ 
- Kết quả thực hiện chính sách, pháp luật liên kết vùng trong phát triển du lịch ở các tỉnh Bắc Trung Bộ
Theo Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ, nhu cầu vốn cho đầu tư phát triển du lịch vùng đến năm 2030 là 165.025 tỷ đồng (tương đương khoảng 8,05 tỷ USD). Mục tiêu này cũng đặt ra không ít thách thức đối với vùng Bắc Trung Bộ, bởi đây là vùng còn nhiều khó khăn về nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nói chung và nguồn lực phát triển du lịch nói riêng. Trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Bắc Trung Bộ, các địa phương trong vùng đã xây dựng và ban hành các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, chính sách phát triển du lịch địa phương.
Bảng 3: Đánh giá về việc lập quy hoạch, kế hoạch liên kết trong phát triển du lịch ở các tỉnh Bắc Trung Bộ

Bai-Qtho1_2.png

Kết quả khảo sát đánh giá về liên kết lập quy hoạch, kế hoạch liên kết vùng về du lịch các tỉnh Bắc Trung Bộ cho thấy, các nội dung được đánh giá ở mức trung bình (từ 2,73 đến 2,88). Các đối tượng khảo sát đánh giá quy hoạch phát triển du lịch của các địa phương chủ yếu dừng lại phạm vi từng tỉnh nên thiếu tính đồng bộ và liên kết. Nhìn chung, các địa phương chưa quan tâm đúng mức đến liên kết vùng trong phát triển du lịch.
- Kết quả thực hiện chính sách liên kết phát triển sản phẩm du lịch vùng Bắc Trung Bộ 
Quy hoạch tổng thể du lịch Bắc Trung Bộ đã xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng là phát triển du lịch tham quan nghiên cứu di sản thế giới và văn hóa - lịch sử. Các địa phương trong vùng đã khai thác các thế mạnh của địa phương để xây dựng nên các sản phẩm đặc trưng của từng tỉnh, tạo tiền đề phát triển các tour, tuyến du lịch vùng[4].
Kết quả khảo sát thực hiện liên kết phát triển sản phẩm du lịch vùng Bắc Trung Bộ cho thấy, các nội dung phát triển sản phẩm đặc thù của từng tỉnh, liên kết phát triển sản phẩm đặc trưng của từng nhóm địa phương và liên kết xây dựng các tour, tuyến du lịch và được đánh giá ở mức khá. Các chương trình liên kết đã bước đầu giới thiệu được các sản phẩm du lịch đặc trưng của vùng Bắc Trung Bộ và từng nhóm địa phương cũng như sản phẩm đặc thù của từng địa phương.
Tuy nhiên, việc liên kết phát triển các sản phẩm du lịch chung toàn vùng và liên kết hình thành chuỗi dịch vụ du lịch ở toàn vùng chưa được đánh giá cao (dưới trung bình). Nguyên nhân là do việc phối hợp, liên kết liên kết giữa các địa phương thực hiện chính sách phát triển du lịch chưa thường xuyên, đôi khi còn hình thức, chưa xây dựng được hình ảnh chung để quảng bá, xúc tiến du lịch do còn thiếu kinh nghiệm, chưa tạo được nhiều sản phẩm du lịch mới đồng thời chưa tạo được bản sắc, thương hiệu riêng có của vùng. Sản phẩm du lịch bị trùng lặp khiến cho sức hút khách du lịch đến vùng Bắc Trung Bộ còn yếu. Du lịch biển các tỉnh trong vùng không có gì khác biệt rõ rệt. Hệ thống sản phẩm dịch vụ bổ trợ, bổ sung còn đơn điệu, chưa phong phú đa dạng.
Bảng 4: Đánh giá việc thực hiện chính sách liên kết phát triển
sản phẩm du lịch vùng Bắc Trung Bộ
Bai-Qtho1_3.png
- Về liên kết tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch
Kết quả khảo sát cho thấy, phần lớn người được hỏi (90,42%) cho rằng, chương trình liên kết du lịch ở vùng Bắc Trung Bộ đã có tác dụng nâng cao thương hiệu du lịch ở Băc Trung Bộ. Nhiều tour, tuyến du lịch liên kết được hình thành và đưa vào khai thác có hiệu quả. Nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng được xây dựng nhờ việc kết nối các tour, tuyến, điểm du lịch. Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình đã có nhiều chương trình hợp tác liên kết xây dựng nhiều sản phẩm du lịch đặc thù trở thành một trong những tuyến du lịch thu hút khá đông khách quốc tế. Chất lượng du lịch cộng đồng được cải thiện đáng kể. Sự phát triển của các chương trình liên kết du lịch và các tour, tuyến du lịch liên tỉnh đã tạo điều kiện từng bước hiện đại hóa hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch. Xu hướng đầu tư vào phân khúc cao cấp với sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực du lịch ở vùng Bắc Trung Bộ đã hình thành. Sự liên kết giữa các tỉnh ở vùng Bắc Trung Bộ với các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh đã tạo ra sức hút đầu tư lớn. Các tỉnh Bắc Trung Bộ đã thu hút được nhiều dự án đầu tư khu du lịch, khu nghỉ dưỡng, cơ sỏ lưu trú cao cấp, trong đó nhiều dự án xây dựng khách sạn đạt chuẩn từ 3 - 4 sao, góp phần thay đổi diện mạo một số khu du lịch và từng bước đáp ứng yêu cầu về chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch.
- Về liên kết xây dựng đồng bộ hạ tầng du lịch, đặc biệt là hạ tầng giao thông
Hạ tầng giao thông trong khu vực được chú trọng đầu tư. Về giao thông đường bộ, các dự án lớn (dự án nâng cấp mạng lưới giao thông khu vực miền Trung - ADB5, dự án nâng cấp mở rộng đường Hồ Chí Minh, dự án cầu vượt ngã ba Huế - Đà Nẵng,…) đã được xúc tiến triển khai nhằm đẩy mạnh sự giao lưu giữa các vùng Bắc - Nam Trung Bộ với các cực phát triển của cả nước là đồng bằng sông Hồng (phía Bắc) và Đông Nam Bộ (phía Nam), góp phần tạo nền tảng phát triển kinh tế xã hội, qua đó thúc đẩy hoạt động du lịch. Trong vùng Bắc Trung Bộ, hệ thống vận tải đường bộ giữ vai trò chủ đạo, chiếm 90% thị phần vận tải, các phương thức khác chỉ đảm nhận thị phần nhỏ (hàng không 2,2% hành khách), đường sắt (4,49% hành khách). Hệ thống giao thông đường bộ về cơ bản đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách nội vùng, liên vùng và vận tải quốc tế, nhất là vận tải quá cảnh quốc tế. Hệ thống cầu trên quốc lộ 1A được cải tạo, nâng cấp, xây mới đã nâng cao đáng kể năng lực lưu thông của hệ thống giao thông đường bộ trong vùng.
- Về liên kết hợp tác nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch
Hợp tác, liên kết du lịch vùng Bắc Trung Bộ được hình thành ở mức độ ban đầu. Điều này được thể hiện ở cả ba phạm vi hợp tác. Ở phạm vi hợp tác nội bộ địa phương, các cơ chế hợp tác giữa các bên mang tính giao dịch nhiều hơn là quá trình hợp tác. Tương tự với liên kết doanh nghiệp cấp vùng. Ở cấp liên kết chính sách vùng, một số sáng kiến và kết quả hợp tác đã được ghi nhận (như tổ chức một số hoạt động xúc tiến chung, trao đổi thông tin …). Tuy nhiên, hợp tác chính sách cấp vùng mới dừng lại ở các hoạt động cụ thể mà chưa hình thành nên các chương trình hành động hay ở mức cao hơn là một cách tiếp cận chiến lược cho hợp tác.
Các hoạt động hợp tác liên kết đang chuyển từ tạo lập niềm tin sang giai đoạn xây dựng các chương trình hợp tác. Việc tạo lập niềm tin được xem là giai đoạn đầu tiên của hợp tác, từ có những định hướng hợp tác, phụ thuộc lẫn nhau trong hoạt động động trước khi có những quyết định hành động chung. Quá trình hợp tác, liên kết du lịch trong khu vực Bắc Trung Bộ chuyển dần từ giai đoạn thử nghiệm, thăm dò sang giai đoạn định hướng phối hợp hành động chung. Điều này thấy rõ hơn ở liên kết chính sách cấp vùng và liên kết nội bộ tại các địa phương.
   Hợp tác và liên kết du lịch trong vùng không thực sự cân xứng, do phát triển không đồng đều của du lịch các tỉnh trong vùng. Du lịch vùng Bắc Trung Bộ nổi bật trong vùng là du lịch tỉnh Quảng Bình - trung tâm du lịch của cả vùng. Tại Quảng Bình, lực lượng các doanh nghiệp du lịch đã được hình thành khá đông đảo. Không chỉ là các cơ sở lưu trú, cung cấp dịch vụ địa phương, sự hình thành của các doanh nghiệp lữ hành đánh dấu giai đoạn phát triển mới của điểm đến du lịch này - giai đoạn tăng trưởng (development). Trong khi đó, các tỉnh khác trong vùng mới trong giai đoạn phát triển khai phá (exploration) hoặc tham gia (involvement) khi ngành du lịch còn rất non trẻ.
Phạm vi hợp tác chủ yếu trong cấp độ ngành du lịch (cấp sở và doanh nghiệp). Các hoạt động hợp tác đã và ngày càng nhận được sự quan tâm của cấp lãnh đạo tỉnh. Tuy vậy, những quan tâm này chưa được chuyển nhiều thành những định hướng chính sách và đầu tư ở cấp Tỉnh, làm hạn chế hiệu quả và năng lực hợp tác, liên kết.
Cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò quan trọng trong quá trình hợp tác. Trong vùng Bắc Trung Bộ, trừ tỉnh Quảng Bình, doanh nghiệp du lịch chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, mới hình thành, có phạm vi hoạt động bó hẹp tại địa phương. Các hoạt động hợp tác, liên kết mới ở trạng thái bị động. Trong điều kiện đó, hợp tác liên kết du lịch trong vùng nổi lên vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Các cơ quan này tiên phong trong hợp tác, tạo ra nhận thức về tầm quan trọng của hoạt động này, từng bước giới thiệu và thúc đẩy các mô hình hợp tác. Tuy các kết quả mới chỉ là bước đầu nhưng vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước ngày càng  được thể hiện rõ rệt.
Vai trò của các đối tác ngoài vùng thúc đẩy quá trình hợp tác, liên kết. Một trong những đối tác quan trọng ngoài vùng là các công ty lữ hành đưa khách tới du lịch trong vùng. Một tour du lịch vùng Bắc Trung Bộ thường đi qua nhiều địa điểm du lịch tại nhiều tỉnh trong vùng. Gắn kết các điểm du lịch, các dịch vụ du lịch này trở thành một tua, một sản phẩm du lịch là công việc của các công ty lữ hành. Quá trình kinh doanh các tour du lịch đem lại yêu cầu hợp tác giữa các doanh nghiệp của địa phương với các doanh nghiệp du lịch ở ngoài vùng. Dần dần, quá trình hợp tác này lan tỏa thành hợp tác giữa các doanh nghiệp và các bên tham gia của địa phương. Một ví dụ điển hình của hợp tác này là những chuyến du lịch làm quen (FAM trip) giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ du lịch địa phương tới các công ty lữ hành để xây dựng sản phẩm.
3. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật liên kết vùng trong phát triển du lịch ở các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ
Nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật liên kết vùng trong phát triển du lịch ở các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ, chúng tôi cho rằng, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng kết nối các khu điểm du lịch của vùng; có cơ chế cởi mở, thông thoáng, ưu đãi, khích lệ các doanh nghiệp và người dân chủ động và tích cực tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, sáng tạo ý tưởng, đầu tư nguồn lực để hình thành các sản phẩm du lịch; xây dựng cơ chế điều phối liên kết vùng để cùng giải quyết những vấn đề chung đảm bảo mục tiêu hài hòa lợi ích và cạnh tranh bình đẳng giữa các tỉnh trong vùng, từng bước thực hiện vai trò động lực lan tỏa vùng kinh tế Bắc Trung Bộ; xây dựng cơ chế, chính sách hợp lý, phù hợp với tình hình phát triển để tăng cường năng lực bộ máy và hoạt động xúc tiến quảng bá, đẩy mạnh liên kết giữa các địa phương trong vùng cùng với Tổng cục Du lịch triển khai các chương trình xúc tiến quảng bá du lịch quốc gia và của vùng; khuyến khích người dân và doanh nghiệp tư nhân tham gia góp ý vào các dự án đầu tư, xây dựng và đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ du lịch như dịch vụ lưu trú tại nhà dân, dịch vụ ẩm thực, hướng dẫn du lịch bản địa, sản xuất và bán các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, hàng lưu niệm truyền thống của địa phương, cung cấp sản vật của địa phương cho phát triển du lịch.
Thứ hai, đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá du lịch vùng Bắc Trung Bộ.
Đẩy mạnh quảng bá du lịch vùng trên internet và các mạng truyền thông xã hội. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch và các doanh nghiệp trong vùng chủ động tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, các chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam tại những thị trường trọng điểm và tiềm năng ở nước ngoài. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch Vùng thông qua việc xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch vùng dựa trên cơ sở các sản phẩm du lịch đặc thù của Vùng và tiềm năng du lịch của từng địa phương trong Vùng.
Thứ ba, nâng cao năng lực của cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội Du lịch trong phát triển du lịch ở các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ.
Nâng cao năng lực quản lý chuyên ngành du lịch của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong vùng; nâng cao năng lực quản lý trong xây dựng và quản lý quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá, đào tạo bồi dưỡng, quản lý môi trường du lịch…; tăng cường liên kết, hợp tác, phối hợp trong hoạt động du lịch giữa các ngành ở địa phương; giữa các địa phương trong vùng để tạo sản phẩm du lịch có chất lượng, khác biệt, hấp dẫn và có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế và trong nước.
Nâng cao vai trò của Hiệp hội Du lịch của các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ trong việc kết nối, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp lữ hành và các doanh nghiệp đẩy mạnh liên kết, hợp tác xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù của vùng, từ đó hình thành các chương trình du lịch hấp dẫn.
Thực hiện liên kết chặt chẽ trong vùng về đầu tư phát triển du lịch, xây dựng các chương trình liên kết chung của vùng, liên kết quảng bá xúc tiến du lịch vùng, liên kết đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch, xây dựng trang thông tin điện tử du lịch chung của vùng; đẩy mạnh liên kết với các địa phương ngoài vùng, đặc biệt chú trọng liên kết với Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Ninh Bình và Quảng Nam; thúc đẩy hợp tác liên kết chặt chẽ, hiệu quả với các quốc gia trên Hành lang kinh tế Đông Tây và trong Tiểu vùng Sông Mêkông mở rộng.
Đẩy mạnh và tăng cường hợp tác, liên kết giữa các tỉnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, giữa các doanh nghiệp trong và ngoài vùng để đầu tư phát triển sản phẩm du lịch vùng; thường xuyên trao đổi kinh nghiệm và tìm được tiếng nói chung thông qua các kênh hợp tác, liên kết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt của vùng, nâng cao vị thế cạnh tranh điểm đến cho toàn vùng. Hợp tác, liên kết trong đào tạo phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp, chất lượng, đảm bảo tiêu chuẩn nghề quốc gia và khu vực.
Thứ tư, tăng cường liên kết ứng dụng khoa học công nghệ giữa các địa phương trong vùng. Tích cực ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong đầu tư phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến, quảng bá du lịch; áp dụng công nghệ sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch trong các doanh nghiệp du lịch ở vùng Bắc Trung Bộ.
Kết luận. Liên kết vùng là một trong những khâu đột phá để phát triển du lịch. Để liên kết phát triển du lịch thực sự có hiệu quả, bền vững, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó việc xây dựng một hệ thống chính sách pháp luật vững mạnh là yếu tố cơ bản để việc thực thi, triển khai trong thực tế được thông suốt và mang tính hiệu quả cao, đạt được mục tiêu gắn liên kết du lịch với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương và điều đó cũng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát huy tiềm năng du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng như các nghị quyết Trung ương và Chính phủ đã đề ra./. 
 

 


[1]Thanh Hóa: Quyết định Số: 492/QĐ-UBND ngày 09 tháng 02 năm 2015 Phê duyệt “Chiến lược phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”; Nghệ An: Nghị quyết số 05-NQ/TU của BTV Tỉnh uỷ về phát triển du lịch Nghệ An giai đoạn 2011-2020; Quyết định 1384/QĐ-UBND ngày 26/4/2012 về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết;  Hà Tĩnh: Quyết định 2145/QĐ-UBND Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030; Quảng Bình: Quyết định số 1928/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2025; Quảng Trị: Nghị quyết 35/2017/NQ-HĐND về việc thông qua Đề án "Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030"; Thừa Thiên Huế: Quyết định số 1622/QĐ-UBND ngày 26/8/2013 của UBND tỉnh về quy hoạch tổng thế phát triển du lịch Thừa Thiên Huế giai đoạn 2013-2020.
[2] Cuộc khảo sát do tác giả cùng đồng nghiệp tổ chức.
[3] Nghệ An: Nghị quyết 07/2020/NQ-HĐND về một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025; Hà Tĩnh: Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND ngày 13/12/2017 của HĐND tỉnh về quy định một số chính sách phát triển du lịch Hà Tĩnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo; Quảng Bình: Nghị quyết số 19/2017/NQ-HĐND ngày 18/7/2017 của HĐND tỉnh Quảng Bình về việc ban hành quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Thừa Thiên Huế: Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh ngày 09/7/2019 về quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025.
[4] Các dòng sản phẩm du lịch đặc thù của các địa phương gồm du lịch văn hóa lịch sử gắn với cuộc kháng chiến chống Mỹ; du lịch văn hóa lịch sử triều Nguyễn gắn với quần thể di tích cố đô Huế; du lịch nghiên cứu, tìm hiểu văn hóa lịch sử kiến trúc thành nhà Hồ - Lam Kinh; du lịch sinh thái gắn với di sản thiên nhiên thế giới và vùng cảnh quan tự nhiên độc đáo; du lịch học tập, nghiên cứu tìm hiểu các danh nhân văn hóa, lịch sử Việt Nam; du lịch nghỉ dưỡng biển...
 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 03+04 (427+428), tháng 2/2021.)


Ý kiến bạn đọc