Hỗ trợ đầu tư với việc nâng cao năng lực cạnh tranh để hội nhập kinh tế của Việt Nam

08/04/2020

THS. ĐÀO THU HÀ

Khoa Luật, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Tóm tắt:Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của nước ta hiện nay, chúng ta cần phải thực hiện nhiều chính sách kinh tế với lộ trình ưu tiên khác nhau. Trong đó, những quy định của pháp luật về hỗ trợ đầu tư đóng vai trò là một trong những chính sách tạo cơ sở nâng cao năng lực cạnh tranh của nước ta. Bài viết phân tích thực trạng hỗ trợ đầu tư hiện nay và đề xuất một số giải pháp hoàn thiện nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Từ khóa: Hỗ trợ đầu tư, hội nhập kinh tế, năng lực cạnh tranh, pháp luật về hỗ trợ đầu tư.
Abstract: It is required to carry out a series of the economic policies with different priority roadmap to increase our national competitiveness. In particular, the provisions of the law on investment support play a role as one of the policies to generate a ground to improve the national competitiveness. This article provides analysis of the current investment supports and proposed solutions to enhance Vietnam's national competitiveness in the context of international economic integration.
Keywords: investment supports; economic integration; competition capacity; legal regulations on investment supports.
 Hỗ-trợ-đầu-tư-nâng-cao-nluc-cạnh-tranh..jpg
Ảnh minh họa: Nguồn internet
1. Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là điều kiện để thành công trong hội nhập kinh tế quốc tế
Hội nhập kinh tế quốc tế là xu thế tất yếu và thực tiễn đã cho thấy hội nhập kinh tế quốc tế là điều kiện bắt buộc để phát triển kinh tế đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế vừa tạo ra nhiều cơ hội lớn, đồng thời cũng tạo ra những thách thức không nhỏ cho các quốc gia đang phát triển. Vì vậy, không phải quốc gia nào cũng đạt được thành công trong quá trình hội nhập, có những quốc gia không thể tận dụng được các cơ hội do hội nhập kinh tế tạo ra mà ngược lại đã phải gánh chịu thiệt hại nặng nề từ những thách thức của quá trình hội nhập và trở thành “những người bị bỏ lại”. Thực tế cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có nguy cơ tụt hậu nếu chúng ta không có những chính sách phát triển hợp lý để tăng cường nội lực, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Đảng Cộng sản Việt Nam đã thông qua Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020, trong đó xác định quan điểm phát triển trong giai đoạn này là phải tăng cường nội lực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và hiệu quả[1]. Quan điểm này tiếp tục được nhấn mạnh tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII Đảng Cộng sản Việt Nam: “Kết hợp hiệu quả ngoại lực và nội lực, gắn hội nhập kinh tế quốc tế với xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ”[2]. Ở đây, tăng cường nội lực chính là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nói cách khác, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là chìa khoá để Việt Nam tận dụng được những cơ hội từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế bền vững.
Từ các nghiên cứu khác nhau về năng lực cạnh tranh quốc gia, có thể thấy rằng, năng lực cạnh tranh quốc gia là kết quả tương tác của nhiều yếu tố và chính sách phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, bao gồm: nguồn tài nguyên thiên nhiên, vị trí địa lý, nguồn lao động, trình độ quản trị doanh nghiệp, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nguồn vốn đầu tư, hạ tầng xã hội, sự ổn định của thể chế chính trị, chất lượng môi trường kinh doanh, các chính sách tiền tệ, chính sách bảo vệ, xúc tiến xuất nhập khẩu, trợ cấp để thúc đẩy phát triển một số ngành kinh tế của Chính phủ[3]. Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia, tình trạng của các yếu tố này là khác nhau. Bởi vậy, muốn nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì mỗi quốc gia cần phải có chính sách tận dụng, phát huy được những yếu tố thuận lợi (lợi thế), xây dựng và kích thích sự gia tăng mức độ thuận lợi của các yếu tố không sẵn có hoặc còn đang hạn chế, trong đó mấu chốt của vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là phải nâng cao năng suất của nền kinh tế[4].
Hiện nay, ở Việt Nam, năng suất lao động cũng như hiệu quả sử dụng vốn là thấp so với các quốc gia khác. Vì vậy, việc nâng cao năng suất lao động sẽ là yếu tố quan trọng để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Sự gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trên cơ sở nâng cao năng suất lao động sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế bền vững. Bởi lẽ, khi đó năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước cũng gia tăng, tránh được tình trạng bị lấn át ngay trên thị trường trong nước. Doanh nghiệp trong nước sẽ dần vươn ra cạnh tranh trên thị trường quốc tế, tận dụng được những lợi ích của hội nhập kinh tế, tránh không bị tụt hậu và phụ thuộc vào các quốc gia khác.
Ở Việt Nam hiện nay, để nâng cao năng suất lao động thì cần phải nâng cao chất lượng của nguời lao động, nâng cao trình độ quản lý doanh nghiệp, đồng thời phải nâng cao năng lực khoa học, công nghệ và áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp thì ngoài việc nâng cao năng suất lao động phải nâng cao khả năng tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế của doanh nghiệp.
2. Hỗ trợ đầu tư và mối liên hệ giữa hỗ trợ đầu tư với năng lực cạnh tranh quốc gia
Thuật ngữ “hỗ trợ đầu tư” lần đầu được đề cập trong Luật khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994, sau đó Luật đầu tư năm 2005, Luật đầu tư năm 2014 kế thừa và phát triển các quy định về hỗ trợ đầu tư. Tuy nhiên, các văn bản luật này chỉ xác định các hình thức hỗ trợ đầu tư mà không đưa ra cách hiểu thế nào là hỗ trợ đầu tư. Các hình thức hỗ trợ đầu tư được đề cập trong các văn bản luật nêu trên là rất phong phú, nhưng tựu chung lại, có thể nói rằng, hỗ trợ đầu tư chính là những biện pháp được Nhà nước tạo ra, nhằm làm giảm bớt khó khăn, tạo thuận lợi cho quá trình đầu tư của nhà đầu tư. Tong từng giai đoạn nhất định, căn cứ vào mục đích phát triển kinh tế, Nhà nước thực hiện các hình thức hỗ trợ đầu tư khác nhau. Ví dụ như để thực hiện mục tiêu thu hút vốn đầu tư, Nhà nước có thể tạo ra các hình thức hỗ trợ đầu tư để giúp các nhà đầu tư hạn chế khó khăn trong việc tiếp cận các yếu tố đầu vào của sản xuất, kinh doanh (đất đai, tín dụng, lao động…), hay giúp nhà đầu tư giảm thiểu các chi phí đầu tư, từ đó khuyến khích đầu tư, thu hút vốn đầu tư. Như vậy, Nhà nước hoàn toàn có thể thiết lập và sử dụng các hình thức hỗ trợ đầu tư một cách linh hoạt để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho việc hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Như ở trên đã đề cập, điều kiện để Việt Nam thành công trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay là phải nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trên cơ sở nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Những điều kiện này chỉ có thể được đảm bảo với sự giúp sức từ phía Nhà nước thông qua việc Nhà nước thiết lập và thực hiện các hình thức hỗ trợ đầu tư thích hợp. Cụ thể là, để nâng cao năng suất lao động ở các doanh nghiệp, Nhà nước có thể thực hiện sự hỗ trợ cho doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất, kinh doanh, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào hoạt động sản xuất; hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực theo hướng, người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ năng cao, người quản lý doanh nghiệp có trình độ và chuyên môn quản lý sản xuất, kinh doanh tốt, nguồn nhân lực tri thức về khoa học, kỹ thuật để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, phát triển, đổi mới và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh…. Ngoài ra, để nâng cao năng lực cạnh tranh, Nhà nước cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận và khai thác các thị trường trong và ngoài nước. Nhà nước có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong việc khai thác, phát triển các thị trường thông qua việc cung cấp các thông tin về thị trường tiềm năng, tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp xúc và kết nối với khách hàng, và có thể giúp các doanh nghiệp tiếp cận các thị trường mới ở nước ngoài thông qua hoạt động ngoại giao, ký kết các thoả thuận thương mại với các quốc gia đó.
Như vậy, hỗ trợ đầu tư có thể trở thành công cụ, biện pháp để góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo ra các điều kiện cần thiết cho sự thành công của Việt Nam khi tham gia hội nhập kinh tế quốc tế.
3. Thực trạng pháp luật về hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam
Hiện nay ở nước ta, Luật đầu tư năm 2014 quy định về hỗ trợ đầu tư tại các Điều 19, Điều 20 và Điều 21; trong đó, Điều 19 xác định bảy hình thức hỗ trợ đầu tư và xác định việc quy định chi tiết các hình thức hỗ trợ đầu tư áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực được khuyến khích thuộc trách nhiệm của Chính phủ, còn Điều 20 và Điều 21 quy định cụ thể hơn về hình thức hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội. Các hình thức hỗ trợ đầu tư quy định trong Luật đầu tư năm 2014 gồm bảy hình thức là: 1) Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án; 2) Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; 3) Hỗ trợ tín dụng; 4) Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ di dời cơ sở sản xuất ra khỏi nội thành, nội thị; 5) Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; 6) Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin; 7) Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển. Nhìn chung, các quy định về hỗ trợ đầu tư này rất ngắn gọn và đơn giản, chỉ xác định tên gọi của các hình thức hỗ trợ đầu tư mà không quy định rõ về các điều kiện và cách thức thực hiện hỗ trợ (trừ hình thức hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội), cách quy định như vậy là rất hợp lý, tránh sự trùng lặp và chồng chéo với các quy định tại luật chuyên ngành, bởi hiện tại, pháp luật chuyên ngành về giáo dục, đào tạo, quy định về tín dụng, quy định về khoa học, công nghệ, về chuyển giao công nghệ, về đất đai… tương ứng với các lĩnh vực hỗ trợ đầu tư đã được bổ sung, hoàn thiện nhiều và đã đề cập tương đối đầy đủ những biện pháp, cách thức thực hiện hỗ trợ đầu tư trong từng lĩnh vực tương ứng. Tóm lại, pháp luật hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam là tập hợp các quy định có tính đồng bộ, bao gồm quy định xác định các hình thức hỗ trợ đầu tư trong Luật đầu tư năm 2014 (luật chung) và các quy định về cách thức thực hiện các hỗ trợ đầu tư trong các văn bản pháp luật chuyên ngành như: Luật khoa học và công nghệ năm 2013, Luật công nghệ cao năm 2008, Luật chuyển giao công nghệ năm 2006; Luật giáo dục năm 2005, Luật giáo dục đại học năm 2012 và Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014; Luật đất đai; Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017 và các văn bản dưới luật khác… Những nội dung pháp luật về các hình thức hỗ trợ đầu tư hiện nay có thể khái quát như sau:
Hình thức hỗ trợ xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội là hình thức hỗ trợ được thực hiện để xây dựng và nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở phục vụ cho tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội; theo đó, các công trình hạ tầng kỹ thuật – xã hội thường được xây dựng và nâng cấp thông qua hình thức hợp đồng BT, BOT, BTO[5], nhờ thế mà hạ tầng cơ sở ở Việt Nam đã phát triển khá nhanh chóng trong thời gian qua. Tuy nhiên, nhiều dự án loại này đã không phát huy được hiệu quả kinh tế - xã hội, gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước. Hình thức hỗ trợ xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật – xã hội này cũng có những quy định áp dụng riêng trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp được Chính phủ hỗ trợ thông qua việc bảo lãnh vay vốn để chủ dự án tự xây dựng mặt bằng nhà xưởng của dự án, sau khi thực hiện xây dựng xong Chính phủ sẽ thanh toán cho chủ dự án số vốn vay đó và giao cho nhà đầu tư sử dụng tài sản[6]. Cơ chế này có thể rủi ro, lãng phí nếu nhà đầu tư sau khi nhận hỗ trợ để xây dựng xong nhà xưởng nhưng không tiếp tục triển khai thực hiện dự án.
Hình thức hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đã được thực hiện từ lâu nay, với chính sách phát triển giáo dục là phải gắn với nhu cầu và để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Luật giáo dục năm 2005, Luật giáo dục đại học năm 2012 và Luật giáo dục nghề nghiệp năm 2014 đều xác định việc ưu tiên chi ngân sách cho giáo dục nghề nghiệp và gia tăng chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng huy động, khuyến khích xã hội hoá giáo dục, đào tạo, thu hút các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài đầu tư thành lập các trường giáo dục nghề nghiệp và các trường đại học ở Việt Nam[7]. Nhà nước còn có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập các quỹ hỗ trợ đào tạo để sử dụng vào mục đích đào tạo và phát triển nguồn nhân lực[8]. Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động cũng được khuyến khích chủ động tổ chức đào tạo, đào tạo lại nâng cao năng lực cho người lao động đang làm việc với các quy định cho tính trừ các chi phí dành cho đào tạo người lao động khi xác định thu nhập chịu thuế[9]. Ngoài những quy định áp dụng chung đó, hỗ trợ về đào tạo còn có quy định áp dụng cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa được cử người lao động đủ tiêu chuẩn tham gia các khoá học về khởi sự kinh doanh; quản trị doanh nghiệp và đào tạo nghề được tổ chức bằng nguồn ngân sách nhà nước. Chi phí cho khoá học có thể được miễn hoặc giảm tối thiểu 50%[10]. Các dự án đầu tư trong nông nghiệp cũng được hỗ trợ 70% kinh phí cho đào tạo nghề[11].
Hỗ trợ tín dụng là hình thức hỗ trợ để giúp đỡ giải quyết khó khăn về vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam. Hình thức hỗ trợ tín dụng được thực hiện thông qua một số quỹ tài chính đặc biệt như Quỹ phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quỹ này đứng ra bảo lãnh tín dụng cho các nhà đầu tư được vay vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại hoặc khuyến khích các ngân hàng thương mại cho vay[12] hay khuyến khích các quỹ của tư nhân thành lập góp vốn vào các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo[13]. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hình thức hỗ trợ này chưa chú trọng giúp đỡ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng phương án kinh doanh khả thi và như vậy thì hiệu quả sử dụng vốn tín dụng không cao. Ngoài ra, nội dung quy định về hình thức hỗ trợ này cũng chưa cho những biện pháp mạnh mẽ để huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách tham gia hỗ trợ vốn cho các nhà đầu tư nhỏ và vừa, những nhà đầu tư mới còn thiếu vốn và cả mức độ tín nhiệm.
Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh được thực hiện bằng cách lập ra các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế, có sẵn các cơ sở hạ tầng kỹ thuật – xã hội để thuận lợi cho các nhà đầu tư thuê sử dụng thực hiện dự án[14]. Luật đất đai cũng cho phép các nhà đầu tư có thể tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh trên cơ sở được Nhà nước giao đất, hoặc cho thuê đất, hoặc được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất, hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất từ người sử dụng đất khác. Theo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017, các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn trong việc tiếp cận mặt bằng sản xuất, cụ thể là chính quyền cấp tỉnh phải bố trí quỹ đất nhằm phát triển cụm công nghiệp, khu chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, hải sản tập trung cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; và tuỳ điều kiện ngân sách địa phương, chính quyền cấp tỉnh có thể quyết định hỗ trợ giá thuê mặt bằng (tối đa là 5 năm kể từ ngày thuê mặt bằng) cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp trên địa bàn.
Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ là việc Nhà nước giúp đỡ giải quyết những khó khăn về khoa học, kỹ thuật cho các doanh nghiệp, dự án đầu tư thông qua việc thành lập các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ để cung cấp dịch vụ khoa học và công nghệ gồm: cung cấp thông tin khoa học, công nghệ; tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội; tư vấn và trợ giúp về chuyển giao công nghệ; và phát triển thị trường chuyển giao công nghệ[15]. Tuy nhiên, Luật Khoa học và công nghệ năm 2013 chưa quy định cụ thể, rõ ràng trách nhiệm và hình thức cung cấp các loại dịch vụ khoa học và công nghệ của tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đồng thời chưa quy định rõ cơ chế thực hiện sự hỗ trợ này, nên các doanh nghiệp còn khó tiếp cận để được hỗ trợ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng có chính sách truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ, trong đó Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm và kế hoạch 5 năm về công tác này. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư thực hiện hoạt động truyền thông, phổ biến kiến thức khoa học và công nghệ. Nhà nước cũng có chủ trương xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và thống kê về khoa học và công nghệ để cung cấp thông tin cho các tổ chức, cá nhân có thể yêu cầu nhằm phục vụ nghiên cứu, đào tạo, sản xuất và kinh doanh. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, việc tra cứu, khai thác, và cung cấp thông tin, cơ sở dữ liệu về sáng chế, thông tin công nghệ, kết quả nghiên cứu được miễn phí[16]. Nhìn chung, cơ chế thực hiện các biện pháp hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ được thực hiện chủ yếu bằng các Chương trình do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện như Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia được quy định trong Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006.
Hỗ trợ phát triển thị trường là sự hỗ trợ để giải quyết khó khăn về thị trường sản phẩm đầu ra cho các doanh nghiệp với việc tổ chức và thực hiện Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Bộ Công thương phụ trách thực hiện. Chương trình này gồm các hoạt động xúc tiến thương mại như thu thập thông tin về thị trường, khách hàng và hàng hoá; xây dựng cơ sở dữ liệu các thị trường xuất khẩu; tìm kiếm thị trường xuất khẩu; tổ chức gian hàng hội chợ, triển lãm hàng hoá; tổ chức hội nghị quốc tế ngành hàng xuất khẩu tại Việt Nam; quảng bá thương hiệu hàng hoá, dịch vụ của Việt Nam… những hoạt động này được thực hiện theo quy định tại Luật quản lý ngoại thương năm 2017. Để hỗ trợ phát triển thị trường trong nước, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được vận động trên toàn quốc. Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức, cá nhân chủ động thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và nước ngoài theo quy định của Luật thương mại năm 2005. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng nhận được sự hỗ trợ phát triển thị trường thông qua việc tham gia chuỗi phân phối sản phẩm do cơ quan nhà nước hỗ trợ thiết lập. Các doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp siêu nhỏ còn được ưu tiên lựa chọn nhà thầu khi tham gia đấu thầu thực hiện các hợp đồng với Nhà nước. Các dự án nông nghiệp[17] thuộc trường hợp đặc biệt ưu đãi được hỗ trợ 50% chi phí quảng cáo, kinh phí tham gia triển lãm hội chợ trong nước và phí tiếp cận thông tin thị trường và phí dịch vụ từ cơ quan xúc tiến thương mại của Nhà nước.
Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển cũng được quy định tại Luật khoa học và công nghệ năm 2013. Nhà nước thực hiện hình thức hỗ trợ nghiên cứu và phát triển cho các doanh nghiệp, dự án đầu tư bằng cách đảm bảo năng lực nghiên cứu và phát triển của các tổ chức khoa học và công nghệ; đồng thời xây dựng, phát triển được thị trường khoa học và công nghệ. Cơ chế thực hiện hình thức hỗ trợ này bao gồm việc Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ khoa học, công nghệ; ưu đãi, hỗ trợ thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ đối với các tổ chức khoa học và công nghệ, các cá nhân hoạt động khoa học và công nghệ. Ngoài ra, để tăng cường năng lực nghiên cứu trong nước, Luật này cũng đưa ra quy định về hội nhập quốc tế trong nghiên cứu và phát triển; và quy định về việc sử dụng ngân sách nhà nước mua sáng chế, thiết kế, tài liệu kỹ thuật, bí quyết công nghệ để phục vụ nghiên cứu và phát triển; phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Như vậy, các hình thức hỗ trợ đầu tư ở Việt Nam hiện nay rất đa dạng, đã bao quát để giải quyết những khó khăn chủ yếu mà các dự án đầu tư có thể gặp phải, từ những khó khăn do thiếu vốn, khó tiếp cận mặt bằng sản xuất kinh doanh, khó khăn do cơ sở hạ tầng thiếu và không đồng bộ, khó khăn về nguồn lao động chất lượng phù hợp; đến những khó khăn trong tiếp cận các thông tin chính sách pháp luật và thông tin thị trường…, việc thực hiện các hỗ trợ đầu tư sẽ tạo ra những thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp, các dự án, đồng thời còn giúp các nhà đầu tư tiết kiệm được chi phí cho hoạt động đầu tư của mình. Do đó, pháp luật về hỗ trợ đầu tư hiện này có khả năng tăng cường thu hút vốn đầu tư. Bên cạnh đó, những quy định hỗ trợ đầu tư hiện nay đã bao gồm những hỗ trợ về nghiên cứu và phát triển, khoa học, kỹ thuật cũng như hỗ trợ về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ phát triển thị trường, đây cũng chính là những hình thức hỗ trợ có thể giúp gia tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp như đã phân tích ở phần 3. Như vậy, pháp luật về hỗ trợ đầu tư ở Việt Nam hiện nay đã hướng tới việc tạo ra những điều kiện để Việt Nam thành công trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy vậy, những quy định về hỗ trợ đầu tư này còn có hạn chế, đặc biệt là những hạn chế trong cơ chế thực hiện hỗ trợ khiến chúng chưa phát huy được tác động mong muốn đối với việc nâng cao năng lực cạnh tranh và năng suất lao động của các doanh nghiệp. Do đó, những quy định về hỗ trợ đầu tư cần tiếp tục hoàn thiện, phần tiếp theo bài viết sẽ đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam nhằm đảm bảo quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam đạt được sự hiệu quả và thành công, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
4. Một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật về hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam
Từ những phân tích ở trên cho thấy pháp luật về hỗ trợ đầu tư tại Việt Nam hiện nay quy định về nhiều hình thức hỗ trợ đầu tư nhưng không phải hình thức hỗ trợ đầu tư nào cũng có tác động trực tiếp và có hiệu quả cao trong nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nâng cao năng suất lao động, ví dụ như các hỗ trợ xây dựng, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật – xã hội, hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, hơn nữa chi phí đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật đòi hỏi rất cao. Vậy, hoàn thiện pháp luật hỗ trợ đầu tư gắn với hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay ở Việt Nam cần tập trung vào hoàn thiện các quy định về hỗ trợ đào tạo, hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ phát triển thị trường, hỗ trợ tín dụng.
Về hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, các biện pháp hỗ trợ đào tạo nâng cao tay nghề, nâng cao trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh hiện nay đã được đưa ra và áp dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa và các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, phát triển nông thôn, nhưng ngoài việc hỗ trợ đào tạo 2 yếu tố đó thì nên bổ sung thêm biện pháp hỗ trợ đào tạo về kiến thức kỹ thuật để nâng cao khả năng tiếp cận, sử dụng kỹ thuật và công nghệ mới cho các doanh nghiệp, việc hỗ trợ đào tạo này sẽ tạo ra cơ sở thuận lợi để việc hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, và hỗ trợ nghiên cứu, phát triển được triển khai hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ đào tạo về quản trị sản xuất, kinh doanh cũng không nên chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa mà cần thiết phải hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp trong nước về vấn đề này. Có thể thực hiện hỗ trợ đào tạo quản trị sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp trong nước thông qua các hội thảo để giới thiệu mô hình quản trị hiệu quả, trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp hoặc các khoá học chuyên sâu về quản trị sản xuất, kinh doanh. Ngoài việc hỗ trợ đào tạo trực tiếp để nâng cao năng lực nguồn nhân lực đang làm việc ở các doanh nghiệp hiện nay, để phát triển nguồn nhân lực bền vững và lâu dài, hỗ trợ đào tạo cũng phải chú trọng việc nâng cao chất lượng của toàn thể hệ thống giáo dục quốc dân, từ cấp tiểu học đến phổ thông trung học, nhằm tạo ra một nền tảng kiến thức cơ bản cho người lao động, song song với việc nâng cao chất lượng của hệ thống các cơ sở đào tạo nghề, cũng như chất lượng đào tạo đại học.
Về hỗ trợ khoa học, kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, pháp luật trong lĩnh vực hỗ trợ này cần bổ sung quy định xác định rõ trách nhiệm hỗ trợ cung cấp thông tin khoa học và công nghệ của các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ, trong đó giao nhiệm vụ cho các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ công lập phải cung cấp thông tin miễn phí, phải định kỳ tổ chức các hội nghị giới thiệu thông tin về các công trình khoa học kỹ thuật, các sản phẩm công nghệ mới trong nước và trên thế giới cho các doanh nghiệp trong nước, nhằm giúp các doanh nghiệp tìm kiếm được giải pháp công nghệ, khoa học phù hợp để áp dụng trong sản xuất, kinh doanh, để nâng cao năng suất lao động. Về hỗ trợ chuyển giao công nghệ, cần đưa ra những quy định cụ thể đối với việc dùng ngân sách nhà nước để mua công nghệ từ nước ngoài và phổ biến công nghệ đó cho các doanh nghiệp trong nước, đồng thời thúc đẩy việc chuyển giao công nghệ giữa các tổ chức khoa học cho các doanh nghiệp. Trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ này, các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ công lập phải đóng vai trò chính để đào tạo các kiến thức khoa học, kỹ thuật nhằm giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và sử dụng hiệu quả công nghệ được chuyển giao. Song song với tăng cường vai trò, trách nhiệm của tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ công lập, pháp luật trong lĩnh vực này cũng cần phải khuyến khích, thúc đẩy sự tham gia tích cực của các tổ chức dịch vụ khoa học và công nghệ ngoài công lập, cũng như các tổ chức khoa học trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, cần bổ sung các quy định của pháp luật để thiết lập cơ chế kết nối và đẩy mạnh việc kết nối giữa các doanh nghiệp có nhu cầu phát triển công nghệ mới với các tổ chức khoa học và công nghệ trong nước hoặc nước ngoài, để các bên hợp tác trong nghiên cứu và phát triển tạo ra những sản phẩm mới có giá trị thương mại cao hoặc những công nghệ, kỹ thuật mới có tính ứng dụng cao trong sản xuất, kinh doanh.
Về hỗ trợ phát triển thị trường, bên cạnh việc tiếp tục thực hiện tốt các hoạt động xúc tiến thương mại để giúp các doanh nghiệp trong nước tiếp cận và gia nhập các thị trường nước ngoài, các quy định của pháp luật trong lĩnh vực này cần thiết lập cơ chế kết nối và thúc đẩy việc kết nối giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp nhỏ và vừa ở trong nước, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cùng ngành, lĩnh vực, để các bên có thể chia sẻ thông tin, kinh nghiệm về thị trường, cũng có thể kết nối để các doanh nghiệp này trở thành đối tác, khách hàng của nhau, hỗ trợ lẫn nhau trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ. Liên quan đến việc phát triển thị trường, pháp luật cần hoàn thiện các quy định về hỗ trợ cung cấp thông tin về thị trường, về quy định của pháp luật cho doanh nghiệp, cụ thể là xác định đầu mối cung cấp các thông tin, quy định thống nhất cách thức cung cấp thông tin cần thiết cho các doanh nghiệp, trong đó các thông tin kinh tế - xã hội cần được chuẩn hoá và công khai đầy đủ, để giúp các doanh nghiệp dự đoán quy mô thị trường, xu hướng phát triển thị trường, từ đó ra quyết định đầu tư kinh doanh chính xác.
Về hỗ trợ tín dụng, đây là hình thức hỗ trợ cần thiết để nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Vì sự thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng sẽ giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa gia tăng quy mô sản xuất, cũng như có khả năng đổi mới công nghệ sản xuất, đào tạo nhân lực từ đó tăng cường năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Như vậy, hoàn thiện hình thức hỗ trợ tín dụng có tác động tích cực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước ở Việt Nam. Cụ thể là cần hoàn thiện quy định về hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo hướng: không chỉ tập trung thẩm định năng lực hiện tại của doanh nghiệp để đảm bảo thu hồi vốn vay, mà quá trình xét duyệt hướng đến việc giúp đỡ các doanh nghiệp này thiết lập được dự án kinh doanh có tính khả thi, thông qua đó giúp nâng cao năng lực quản lý và triển khai dự án kinh doanh của các doanh nghiệp đó. Điều đó góp phần giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Pháp luật hỗ trợ tín dụng cần được hoàn thiện để khuyên khích, huy động các ngân hàng thương mại và các cá nhân, tổ chức tham gia vào việc hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí có thể quy định bắt buộc các ngân hàng thương mại thực hiện hỗ trợ tín dụng với chỉ tiêu cụ thể. Ngoài ra, ngân hàng nhà nước cần xác định các mức lãi suất và thời hạn tín dụng khác nhau cho từng trường hợp cho vay, nếu là khoản tín dụng đề hình thành tài sản cố định (như nhà xưởng, thiết bị máy móc và chuyển giao công nghệ) của doanh nghiệp thì cần quy định mức lãi suất thấp và thời hạn vay dài hơn so với trường hợp tín dụng dành cho vốn lưu động, như vậy vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới công nghệ, cũng như đảm bảo lợi ích của phía ngân hàng cho vay.
Để đảm bảo phát huy hiệu quả của việc hỗ trợ đầu tư, pháp luật về hỗ trợ đầu tư nên hoàn thiện thêm ở một số vấn đề sau: Một là cần đặt ra những yêu cầu về kết quả kinh doanh phải đạt được đối với các doanh nghiệp nhận được hỗ trợ, coi đó là điều kiện để tiếp tục nhận được hỗ trợ khác, đó cũng là cách để các doanh nghiệp phải tích cực và nỗ lực sử dụng hiệu quả sự giúp đỡ, hỗ trợ của Nhà nước. Hai là cần quy định phân cấp trách nhiệm hỗ trợ đầu tư một cách cụ thể, rõ ràng, phân cấp trách nhiệm thực hiện hỗ trợ đầu tư cần gắn liền với phân cấp quản lý dự án đầu tư để đảm bảo tính kịp thời, đúng đối tượng và đảm bảo tính hiệu quả kinh tế của hỗ trợ đầu tư, đồng thời với việc phân cấp thực hiện hỗ trợ đầu tư cũng cần phải xác lập cơ chế giám sát thực hiện hỗ trợ đầu tư, để tránh tạo ra sự tuỳ tiện trong việc áp dụng pháp luật hỗ trợ đầu tư, và tránh hình thành lợi ích nhóm từ việc trao quyền phê duyệt, quyết định hỗ trợ đầu tư cho các cơ quan nhà nước. Ba là trong bối cảnh nguồn lực có hạn thì cần xác định những lĩnh vực, ngành kinh tế mà Việt Nam có thế mạnh để tập trung nhiều nhất sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong nước hoạt động trong lĩnh vực đó, nhưng cũng phải đảm bảo xây dựng môi trường kinh doanh tự do, cạnh tranh bình đẳng để tạo cơ hội cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động hiệu quả và được đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế, đóng góp cho sự thành công của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Như vậy, để hội nhập kinh tế quốc tế thành công, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách phát triển kinh tế, trong đó có pháp luật về hỗ trợ đầu tư. Pháp luật về hỗ trợ đầu tư phải được hoàn thiện sao cho có thể giúp tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, từ đó tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo điều kiện để Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế thành công. Cụ thể, Việt Nam cần phải tập trung hoàn thiện các quy định về hỗ trợ trong lĩnh vực đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, hỗ trợ phát triển thị trường… cũng như tiếp tục xây dựng môi trường kinh doanh tự do, đảm bảo sự cạnh tranh bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế ở Việt Nam./.
 

 


[1]Xem Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI năm 2011 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
[2] Xem Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII năm 2016 của Đảng Cộng sản Việt Nam.
[3] Xem CIEM & ACI (2010), Báo cáo Năng lực cạnh tranh Việt Nam, Hà Nội.
[4] Xem Delgado, Mercedes, Michael E. Porter, and Scott Stern (2012), ‘The Determinants of National Competitiveness’, NBER Working Paper Series, No. 18249.
[5] Xem Điều 20 Luật Đầu tư 2014 và Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật đầu tư.
[6] Xem Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
[7] Xem Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường.
[8] Xem Nghị định số 30/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tổ chức, hoạt động của quỹ xã hội, quỹ từ thiện.
[9] Xem Bộ luật Lao động năm 2012 và Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 hướng dẫn thi hành Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 quy định và hướng dẫn thi hành Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
[10]Xem Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
[11] Xem Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tlđd.
[12] Xem Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước; Nghị định số 138/2007/NĐ-CP ngày 28/8/2007 về tổ chức và hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển địa phương.
[13] Xem Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo.
[14]Xem Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế (Nghị định này được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 164/2013/NĐ-CP và Nghị định số 114/2015/NĐ-CP) và Nghị định số 99/2003/NĐ-CP ngày 28/8/2003 của Chính phủ ban hành Quy chế khu công nghệ cao.
[15]Xem Luật số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013 về Khoa học và công nghệ.
[16]Xem Nghị định số 11/2014/NĐ-CP ngày 18/2/2014 của Chính phủ về hoạt động thông tin khoa học và công nghệ và Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
[17] Xem Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, tlđd.

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 1 (401), tháng 1/2020.)