Chế độ chính sách cho các thành viên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội

06/02/2020

TẠ THỊ YÊN

Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu, Văn phòng Quốc hội.

Tóm tắt: Quốc hội có vị trí đặc biệt quan trọng trong bộ máy nhà nước, là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và thực hiện quyền giám sát tối cao đối với hoạt động của bộ máy nhà nước. Hiệu quả hoạt động của Quốc hội được đánh giá thông qua hiệu quả hoạt động của các cơ quan của Quốc hội là Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và cá nhân từng đại biểu Quốc hội. Để tiếp tục đổi mới nâng cao hơn nữa hiệu quả, chất lượng hoạt động của Quốc hội thì việc nghiên cứu, đổi mới chế độ chính sách cho các thành viên trong Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội là cần thiết.
Từ khóa: Chế độ chính sách; thành viên Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội.
Abstract: The National Assembly plays a crucial role in the state structure, is the highest representative entity of the People, the highest state power body of the Socialist Republic of Vietnam. The National Assembly exercises its constitutional power and legislative power, approve important matters of the country and exercises the supreme supervision over the performance of the state apparatus. The performance of the National Assembly is assessed through the performance of the entities under the National Assembly, including the Nationality Council, Committees of the National Assembly, National Assembly Delegations, and each of National Assembly Deputies. In order to continue the renovation for further improvement of the efficiency and quality of the National Assembly's performance, it is necessary to review and improve the policies and allowances for the members of the Nationality Council and Committees of the National Assembly.
Keywords: policies and allowances; members of Nationality Council and Committees of the National Assembly
 Untitled_134.jpg
Ảnh minh họa: nguồn internet
 
Điều 24 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách dành toàn bộ thời gian làm việc để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu tại cơ quan của Quốc hội hoặc tại Đoàn ĐBQH ở địa phương”. Về trách nhiệm tham gia các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Điều 26 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “ĐBQH là thành viên của Hội đồng dân tộc (HĐDT), Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm tham dự các phiên họp, tham gia các hoạt động khác của Hội đồng, Ủy ban; thảo luận và biểu quyết các vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của HĐDT, Ủy ban mà mình là thành viên”. Như vậy, ĐBQH là thành viên của HĐDT, Ủy ban của Quốc hội cũng có người hoạt động chuyên trách và cũng có người hoạt động không chuyên trách. ĐBQH hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của ĐBQH, đồng thời thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan của Quốc hội mà mình là thành viên theo sự phân công của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), HĐDT, Ủy ban của Quốc hội.
Theo quy định của pháp luật, hoạt động của HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội tập trung  chủ yếu vào xây dựng pháp luật, nghị quyết và giám sát việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, UBTVQH; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cáo, các Bộ, cơ quan ngang bộ và giám sát các văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan này thuộc lĩnh vực HĐDT, Ủy ban phụ trách.
Hoạt động xây dựng pháp luật của HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội bao gồm công tác thẩm tra và chỉnh lý các dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết và các đề án khác. Sau khi được phân công chủ trì thẩm tra, HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội phân công cho ĐBQH chuyên trách là thành viên Thường trực Hội đồng, Ủy ban (thường là một Phó Chủ tịch Hội đồng hoặc một phó Chủ nhiệm Ủy ban) chủ trì phụ trách công tác chuẩn bị thẩm tra. Trong điều kiện số lượng đại biểu chuyên trách tại các cơ quan Quốc hội còn thiếu so với quy định của Luật, khối lượng công việc nhiều nên trên thực tế, mỗi dự án được phân công cho một hoặc hai đại biểu chuyên trách phụ trách phục vụ công tác thẩm tra, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Các đại biểu này đóng vai trò chủ đạo, nòng cốt trong hoạt động thẩm tra của HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội, nêu lên các ý kiến về những vấn đề còn chưa thống nhất, định hướng quá trình thảo luận của các thành viên tham gia cuộc họp thẩm tra nên chất lượng các cuộc họp thẩm tra được nâng lên, có tính phản biện và tính xây dựng cao.
Về hoạt động giám sát, theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, HĐDT, Ủy ban của Quốc hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH; giám sát văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực HĐDT, Ủy ban phụ trách; giúp Quốc hội, UBTVQH thực hiện quyền giám sát theo sự phân công của các cơ quan này. Trung bình mỗi năm, HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức từ 3 đến 6 đoàn đi giám sát ở địa phương, cơ quan, tổ chức.
Ngoài các hoạt động liên quan đến công tác lập pháp, giám sát, các đại biểu chuyên trách là thành viên của HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội còn tham gia vào việc tham mưu, phục vụ Quốc hội, UBTVQH quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước như chính sách tiền tệ quốc gia; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; thành lập và bãi bỏ các bộ, cơ quan ngang bộ; chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính. ĐBQH chuyên trách tham gia các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế của Quốc hội, tổ chức các hội nghị, hội thảo...
Xuất phát từ yêu cầu thực hiện chức trách, nhiệm vụ cũng như tính chất chuyên trách hay kiêm nhiệm, chế độ chính sách cho các thành viên của HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội được quy định và thực hiện khác nhau, cụ thể như sau:
1.1. Lương, phụ cấp chức vụ, hoạt động phí của ĐBQH
Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004 của UBTVQH và Nghị định số 204/NĐ-CP của Chính phủ quy định bảng lương chức vụ đối với các chức danh bao gồm cả bầu cử và bổ nhiệm, từ Trung ương đến cấp huyện và công chức cấp xã có trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ được thực hiện xếp theo lương chuyên môn, theo ngạch, bậc công chức, viên chức và hưởng phụ cấp lãnh đạo. Theo các quy định này, lương và phụ cấp đối với cán bộ, công chức là ĐBQH thành viên của HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội được quy định cụ thể như sau:
- Chủ tịch HĐDT, Chủ nhiệm các Ủy ban có 2 bậc (bậc 1: hệ số 9,70; bậc 2: hệ số 10,30) có hệ số lương tương đương Bộ trưởng;
+ ĐBQH chuyên trách giữ các chức danh Phó Chủ tịch HĐDT, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban có hệ số phụ cấp chức vụ 1,30 tương đương Thứ trưởng;
+ Ủy viên thường trực HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 tương đương Tổng cục trưởng;
+ ĐBQH chuyên trách ở Trung ương có 2 mức: mức 1, hệ số 1,05; mức 2, hệ số 1,20;
Ngày 17/4/2017, UBTVQH ban hành Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14 quy định bổ sung một số chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của ĐBQH đã quy định nguyên tắc chung của việc quy định chế độ và điều kiện bảo đảm hoạt động của đại biểu Quốc hội là phải phù hợp với quy định có liên quan của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, có tính đến các yếu tố đặc thù trong hoạt động của Quốc hội. Theo đó, ĐBQH hoạt động không chuyên trách bao gồm cả các đại biểu là thành viên HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội, trong thời gian thực hiện nhiệm vụ đại biểu được người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi ĐBQH làm việc bảo đảm trả lương, phụ cấp và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, ĐBQH nếu không hưởng lương (kể cả người hưởng lương hưu) hoặc hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước hoặc từ quỹ bảo hiểm xã hội được hưởng thù lao tham gia hoạt động Quốc hội bằng hệ số 0,2 mức lương cơ sở/ngày, tính cho 120 ngày làm việc/năm.
Bên cạnh đó, ĐBQH được hưởng một khoản phụ cấp hoạt động phí bằng hệ số 1,0/tháng của mức lương tối thiểu[1] và ĐBQH chuyên trách được hưởng thêm phụ cấp công tác ĐBQH chuyên trách bằng hệ số 2,0/tháng của mức lương tối thiểu[2].
Nhìn chung, công tác bảo đảm phục vụ cho hoạt động của ĐBQH chuyên trách nói chung, đại biểu là thành viên của HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội nói riêng được nâng lên đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế nhất định trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách đối với đại biểu. ĐBQH chuyên trách thường làm nhiệm vụ khoảng từ 2, 3 nhiệm kỳ Quốc hội, khi gần hết nhiệm kỳ Quốc hội do không đủ tuổi tái cử nên cơ quan nhà nước có thẩm quyền bố trí công tác khác cho đại biểu, nhưng có những trường hợp chức vụ mới đảm nhiệm có phụ cấp chức vụ, phụ cấp lương thấp hơn các chế độ lương đang hưởng. Theo quy định chung hiện nay, chỉ đảm bảo giữ nguyên các chế độ đang hưởng trong 6 tháng, hết 6 tháng sẽ hưởng lương và các chế độ theo chức vụ mới đảm nhiệm. Như vậy, bản thân đại biểu sẽ cảm thấy bị thiệt thòi sau khi kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội (có trường hợp sĩ quan Công an biệt phái công tác tại Quốc hội giữ chức vụ Phó Chủ nhiệm Ủy ban, phụ cấp chức vụ hệ số 1,30, khi kết thúc nhiệm kỳ trở lại công tác tại Bộ Công an, chỉ được bố trí chức vụ tương đương Phó Vụ trưởng của Bộ Công an. Qua các nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, có nhiều trường hợp cán bộ là ĐBQH chuyên trách không đủ tuổi tái cử, sau khi bố trí công tác khác phụ cấp chức vụ giảm từ 1,30 xuống 1,25, trong khi đại biểu đó luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương bậc cao khi kết thúc nhiệm kỳ). Do đó, khi cải cách tiền lương cần nghiên cứu, đánh giá thận trọng, đề xuất phương hướng sửa đổi phù hợp với xu hướng và tình hình thực tế hiện nay, đảm bảo quyền lợi ích chính đáng của cán bộ, công chức, phát huy tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận tụy hoàn thành tốt công tác chuyên môn.
1.2. Văn phòng giúp việc và chế độ thuê khoán thư ký giúp việc
Văn phòng Quốc hội là cơ quan giúp việc của Quốc hội, có chức năng nghiên cứu, tham mưu tổng hợp và tổ chức phục vụ các hoạt động của Quốc hội, UBTVQH, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội; các hoạt động của HĐDT, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của UBTVQH. Các vụ, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội được phân theo nhóm công việc, bao gồm các vụ, đơn vị có chức năng tham mưu, giúp việc công tác chuyên môn và các vụ, đơn vị phục vụ về quản trị, hành chính. Chủ tịch HĐDT, Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội được bố trí thư ký riêng giúp việc theo quy định của UBTVQH. Đại biểu là Phó Chủ tịch HĐDT, Phó Chủ nhiệm các Uỷ ban của Quốc hội được bố trí một chuyên viên giúp việc bán chuyên trách. Đại biểu là ủy viên chuyên trách được Vụ chuyên môn giúp việc chung.
Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14 quy định ĐBQH trong đó có ĐBQH là thành viên HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội có quyền thuê người thực hiện một hoặc một số việc của công tác thư ký. Người được thuê thực hiện công tác thư ký cho ĐBQH phải là người đang làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi ĐBQH làm việc. Nội dung công tác thư ký giúp việc gồm: xây dựng kế hoạch công tác; tiếp nhận, chuẩn bị tài liệu, công văn, liên lạc với cử tri nơi ứng cử; truyền đạt, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện ý kiến đề nghị của ĐBQH và một số công việc hành chính khác tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi ĐBQH làm việc. ĐBQH được cấp kinh phí khoán hằng tháng để có thể tự thuê người thực hiện công việc thư ký. Mức khoán đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách bằng 100% của 2,34 mức lương cơ sở; đối với ĐBQH hoạt động không chuyên trách bằng 40% của 2,34 mức lương cơ sở. ĐBQH trực tiếp thanh toán cho người được thuê thực hiện công tác thư ký theo mức thỏa thuận đối với từng công việc. Trường hợp ĐBQH tự giải quyết công việc hành chính để thực hiện nhiệm vụ đại biểu thì ĐBQH được nhận khoản kinh phí này. ĐBQH có chế độ thư ký giúp việc theo quy định của Đảng và Nhà nước nhưng chưa bố trí được thư ký thì được áp dụng chế độ quy định tại khoản này cho đến khi bố trí được thư ký chính thức.
Đây là một quy định mới theo hướng mở để các ĐBQH nói chung, đại biểu là thành viên HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội chủ động thuê thư ký giúp việc. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cũng phát sinh nhiều vấn đề cần phải tiếp tục hoàn thiện như: việc bố trí phòng làm việc và các điều kiện bảo đảm khác cho thư ký như thế nào? Trong thời gian tới nếu số lượng ĐBQH chuyên trách là thành viên của HĐDT và các Ủy ban tăng lên thì có bảo đảm đủ số lượng thư ký phải là người đang làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi ĐBQH làm việc hay không? Các thư ký được thuê như hiện nay có làm các công tác chuyên môn khác của Vụ hay chỉ thực hiện nhiệm vụ thư ký?
1.3. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng
Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14 quy định ĐBQH được bồi dưỡng kỹ năng hoạt động, cập nhật kiến thức theo quy định của UBTVQH. Đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách là thành viên HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội có thể tham gia các khóa học nâng cao trình độ phù hợp với điều kiện và lĩnh vực chuyên môn được đảm nhiệm. Kinh phí tham gia các khóa học do Văn phòng Quốc hội bảo đảm. Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH đã tổ chức khoảng 100 hội nghị dành cho ĐBQH. Năm 2018, đã tổ chức 06 hội nghị dành cho ĐBQH. Các hội nghị được các đại biểu đánh giá rất cao về tính thiết thực, đáp ứng nhu cầu của ĐBQH.
Tuy nhiên, trước sự đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, chương trình bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng vẫn chưa thật sự phù hợp so với thực tế hoạt động của ĐBQH, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của đại biểu; đội ngũ báo cáo viên còn hạn chế về mặt số lượng. Việc thiết kế các chương trình riêng cho một số đối tượng đặc thù như thành viên HĐDT và các Ủy ban còn chưa được quan tâm một cách thỏa đáng. Trong nhiệm kỳ Quốc hội, trừ các hội nghị dành cho đại biểu mới trúng cử có số lượng đại biểu tham dự đông đảo, các hội nghị sau đó ngày càng giảm về số lượng. Trong thời gian tới, việc đào tạo, bỗi dưỡng ĐBQH cần được tiến hành đúng thời điểm, đúng đối tượng để có thể mang lại giá trị nhiều hơn cho ĐBQH, để đại biểu sử dụng nhiều hơn trong hoạt động của mình. Ví dụ, đại biểu là thành viên HĐDT cần đào tạo, bồi dưỡng nhiều hơn kiến thức về các kỹ năng tiếp xúc cử tri là đồng bào các dân tộc thiểu số, kiến thức về hỗ trợ vùng khó khăn hay kiến thức liên quan đến đánh giá tác động của dự án đến các đối tượng yếu thế.
1.4. Các điều kiện bảo đảm
Về quản lý cán bộ, ĐBQH hoạt động chuyên trách là thành viên HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội do UBTVQH quản lý. Cơ quan giúp UBTVQH quản lý ĐBQH hoạt động chuyên trách ở trung ương là Ban Công tác đại biểu. Nội dung quản lý bao gồm bố trí, phân công, điều động, luân chuyển cán bộ và phân cấp quản lý cán bộ; đánh giá cán bộ; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; miễn nhiệm cán bộ; khen thưởng, kỷ luật cán bộ; thực hiện chế độ, chính sách cán bộ; và kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác cán bộ và cán bộ. Những nhiệm kỳ Quốc hội gần đây, việc giải quyết chế độ hưu trí và bố trí công việc đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách là thành viên HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội khi hết nhiệm kỳ Quốc hội đã được quan tâm nhưng vẫn còn những khó khăn, vướng mắc nhất định do chưa có quy định cụ thể, nhất là đối với ĐBQH hoạt động chuyên trách khi hết nhiệm kỳ chưa đến tuổi nghỉ hưu mà không tái cử. Trên thực tế, khi hết nhiệm kỳ Quốc hội, ĐBQH hoạt động chuyên trách đã đến tuổi nghỉ hưu đã được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của Nhà nước đối với cán bộ, công chức nhà nước. Đối với các ĐBQH hoạt động chuyên trách là thành viên HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội khi hết nhiệm kỳ mà không tái cử, nhưng chưa đến tuổi nghỉ hưu thì được cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác. Tuy nhiên, chưa có văn bản quy định cụ thể cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm bố trí công tác cho đại biểu và chưa quy định về vị trí công tác cụ thể cho đại biểu khi thôi làm nhiệm vụ.
Ngoài ra, ĐBQH có các điều kiện bảo đảm khác như: hỗ trợ nghiên cứu để tham gia ý kiến vào các dự án luật; chế độ chi mời chuyên gia nghiên cứu để phục vụ công tác đại biểu; được trang cấp một máy vi tính xách tay, điện thoại di động, điện thoại công vụ tại nhà riêng và được cung cấp báo chí, tài liệu và các chế độ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh và các chế độ khác theo quy định của pháp luật. Một trong những bất cập hiện nay liên quan đến chế độ thi đua, khen thưởng ĐBQH chuyên trách không được quy định trong Luật Thi đua khen thưởng mà chỉ có hình thức khen cống hiến.
2. Một số kiến nghị
Để tiếp tục hoàn thiện các chế độ chính sách cho thành viên HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như sau:
2.1. Lương, phụ cấp đối với đại biểu chuyên trách là thành viên Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội
Để phù hợp với xu hướng tăng dần số lượng ĐBQH hoạt động chuyên trách, giảm dần tỷ lệ ĐBQH khối cơ quan hành pháp; đồng thời, do hoạt động của Quốc hội có nhiều đặc thù riêng và để đảm bảo tương quan chung về vị trí, vai trò ĐBQH Việt Nam với các nước trên thế giới (mỗi đại biểu là một chính khách quan trọng của hệ thống chính trị, các nước trên thế giới có chế độ lương đối với đại biểu rất cao, tương xứng với vai trò, trách nhiệm của người đại biểu), chúng ta cần nghiên cứu xây dựng một hệ thống thang bảng lương chức vụ riêng với mức lương tương xứng vị trí công tác và trách nhiệm của đại biểu; cần xây dựng Bảng lương riêng giành cho ĐBQH hoạt động chuyên trách, trong đó ĐBQH giữ các vị trí khác nhau tại HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội có thang bảng lương riêng, mỗi thang bảng lương có các bậc lương khác nhau.
2.2. Tổ chức lại việc thuê khoán thư ký giúp việc
Việc hỗ trợ để các ĐBQH là thành viên trong HĐDT và các Ủy ban thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình là cần thiết. Tuy nhiên, hình thức hỗ trợ và cách thức tổ chức việc thuê khoán thư ký cần phải được cân nhắc. Quy định “người được thuê thực hiện công tác thư ký cho ĐBQH phải là người đang làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi ĐBQH làm việc. Trường hợp ĐBQH tự giải quyết công việc hành chính để thực hiện nhiệm vụ đại biểu thì ĐBQH được nhận khoản kinh phí này” sẽ dẫn đến các vụ, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội không thể bảo đảm đủ số lượng để phục vụ các đối tượng là thành viên HĐDT và các Ủy ban hoạt động chuyên trách tại các cơ quan của Quốc hội. Vì vậy, nên để các ĐBQH có thể chủ động tổ chức công tác thư ký phục vụ cho mình; nếu các đại biểu thuê thư ký, Văn phòng Quốc hội có thể bố trí một số phòng làm phòng thư ký chung, có các máy tính và phương tiện, máy móc hỗ trợ. Ngoài ra, ĐBQH có thể tổ chức các tình nguyện viên, thực tập sinh hay văn phòng giúp việc của riêng mình.
2.3. Ban hành quy định cụ thể đối với đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là thành viên Hội đồng dân tộc và các Ủy ban khi hết nhiệm kỳ chưa đến tuổi nghỉ hưu mà không tái cử
Điều 42 Luật Tổ chức Quốc hội quy định: “khi ĐBQH hoạt động chuyên trách thôi làm nhiệm vụ đại biểu thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền có trách nhiệm bố trí công tác cho ĐBQH”. Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy định cụ thể cơ quan, tổ chức nào có trách nhiệm bố trí công tác cho đại biểu và chưa quy định về vị trí công tác cụ thể cho đại biểu khi thôi làm nhiệm vụ. Do đó, UBTVQH cần có quy định cụ thể về các cơ quan, tổ chức đơn vị có trách nhiệm, cũng như quy định rõ các chức vụ tương đương để ĐBQH hoạt động chuyên trách là thành viên HĐDT và các Ủy ban khi hết nhiệm kỳ chưa đến tuổi nghỉ hưu mà không tái cử có thể bố trí công tác.
Chương trình bồi dưỡng cần bám sát chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, đúng thời điểm, đúng đối tượng. Bên cạnh đó, chương trình, nội dung các hội nghị bồi dưỡng ĐBQH cần được tiếp tục thiết kế theo hướng kết hợp lý luận và thực tiễn, kiến thức với kỹ năng, tạo nhiều điều kiện để đại biểu thảo luận, thực hành. Bên cạnh các nội dung gắn với chương trình hoạt động của Quốc hội, đề nghị tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng vận động bầu cử cho những người quy hoạch vào ĐBQH chuyên trách hoạt động tại HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội.
2.5. Chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội
Có nhiều trường hợp đại biểu hoạt động tại HĐDT và các Ủy ban của Quốc hội đến 3 nhiệm kỳ, nhưng do không có quy định về việc khen thưởng nên không có cơ sở để xét nâng lương sớm trước thời hạn. Do đó, cần quan tâm sửa đổi quy định, tạo cơ chế xét tặng khen thưởng đối với những trường hợp ĐBQH hoạt động chuyên trách có thời gian cống hiến từ 2 – 3 nhiệm kỳ trở lên. UBTVQH cần thành lập Hội đồng Thi đua – Khen thưởng do một đồng chí lãnh đạo Quốc hội làm Chủ tịch Hội đồng để xem xét, khen thưởng hàng năm cho ĐBQH chuyên trách ở Trung ương./.
 
 
 

 


[1] Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 08/2002/NQ-QH11 ngày 16/12/2002 của Quốc hội; Nghị quyết số 353/2017/UBTVQH14 ngày 17/4/2017 quy định về chế độ hoạt động phí.
[2] Nghị quyết số 555 /NQ-UBTVQH13 ngày 28/12/2012 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về phụ cấp công tác đại biểu Quốc hội chuyên trách.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 19(395), tháng10/2019)