Hoàn thiện hoạt động thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa và các gợi ý từ kinh nghiệm của Hàn Quốc

27/01/2020

TS.ĐẶNG TẤT DŨNG

GV. Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh.

 Tóm tắt: Luật Giáo dục năm 2019 được ban hành để hoàn thiện hơn các quy định của pháp luật trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, trong đó bao gồm định hướng mới về biên soạn, thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa. Theo đó, việc biên soạn sách giáo khoa được xã hội hóa và Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ quy định các khung quy chuẩn để thẩm định và lựa chọn. Để góp ý hoàn thiện các quy định của pháp luật về phân loại, thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa theo định hướng mới này, bài viết có nêu các kinh nghiệm từ Hàn Quốc để tham khảo. 
Từ khóa: Sách giáo khoa, Luật Giáo dục 
Abstract: Law on Education of 2019 was issued to enhance the effectiveness of the legal framework in education and training sector, including the new regulations on compilation, appraisal and selection of textbooks. Accordingly, the compilation of textbooks shall be socialized and the Ministry of Education and Training only stipulates the normative frameworks for evaluation and selection. For further improvements of the legal regulations on classification, appraisal and selection of textbooks adapting the new undertakings, this article presents experiences from Korea for Vietnam’s reference. 
 
Keywords: textbook, school book, Education Law.
Luật Giáo dục năm 2019 được Quốc hội khóa XIV thông qua tại kỳ họp thứ 7 để thay thế cho Luật Giáo dục năm 2005 và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục năm 2009 nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới giáo dục và đào tạo, trong đó bao gồm những định hướng mới về biên soạn, thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên, để hoạt động thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa được hoàn thiện theo định hướng của Luật Giáo dục năm 2019 và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, hai câu hỏi cần được làm rõ gồm: khái niệm sách giáo khoa và sự phân loại sách giáo khoa như thế nào? Cơ chế thẩm định và lựa chọn với từng nhóm loại sách giáo khoa nên như thế nào? 200416-ket-luan-kiem-tra-sach-giao-khoa-bklh.jpg
  1. Sách giáo khoa và phân loại sách giáo khoa
 Tại mục giải thích từ ngữ của Luật Giáo dục năm 2019[1] không giải thích về thuật ngữ “sách giáo khoa” nhưng trong Luật Giáo dục năm 2019, những cách hiểu về sách giáo khoa được quy định rải rác trong các quy định về “Chương trình giáo dục” (Chuẩn kiến thức, kỹ năng, yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực người học quy định trong chương trình giáo dục phải được cụ thể hóa thành sách giáo khoa đối với giáo dục phổ thông)[2] và trong quy định về phân loại “Sách giáo khoa” tại Điều 32. Theo đó,  sách giáo khoa giáo dục phổ thông được quy định như sau[3]: “Sách giáo khoa triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về mục tiêu, nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực của học sinh; định hướng về phương pháp giảng dạy và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục; nội dung và hình thức sách giáo khoa không mang định kiến dân tộc, tôn giáo, nghề nghiệp, giới, lứa tuổi và địa vị xã hội; sách giáo khoa thể hiện dưới dạng sách in, sách chữ nổi Braille, sách điện tử”.
Như vậy, sách giáo khoa được hiểu chung là các sách để “triển khai chương trình giáo dục phổ thông, cụ thể hóa yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông” nhưng vẫn chưa được xác định cụ thể là loại sách nào. Trong quá trình giảng dạy trong các trường phổ thông, nhiều loại sách có thể được dùng tại lớp như: sách kiến thức, sách tham khảo, sách bài tập... và không có loại sách nào được in rõ ngoài bìa là “sách giáo khoa”. Do vậy, tất cả các sách được dùng trong trường học phổ thông đều được xem là sách giáo khoa hay chỉ một số loại sách nào trong các loại trên sẽ được xem là sách giáo khoa và cần áp dụng quy trình thẩm định chặt chẽ dành cho sách giáo khoa? Nếu tất cả đều được xem là sách giáo khoa và thẩm định như nhau thì có thực sự cần thiết và đủ thời gian thẩm định hết?  
Trong bối cảnh xã hội hóa mở rộng việc biên soạn sách giáo khoa như Luật Giáo dục năm 2019 quy định thì việc xác định những sách nào được xem như sách giáo khoa là quan trọng không chỉ vì có thể phải phân chia quy trình thẩm định khác biệt cho các loại sách khác nhau mà còn vì các quy định “về ưu đãi về thuế đối với sách giáo khoa và tài liệu, thiết bị dạy học” có thể cũng có sự phân hóa khác biệt[4].
Tại Hàn Quốc, sách giáo khoa của học sinh gồm sách học và các sách hướng dẫn học khác. "Sách giáo khoa" được hiểu là các sách, bản ghi âm, hình ảnh, tác phẩm điện tử... được sử dụng trong các trường học để giáo dục học sinh, còn "sách hướng dẫn" là sách, bản ghi âm, hình ảnh, tác phẩm điện tử... được sử dụng bởi giáo viên để giáo dục học sinh tại trường[5]. Tuy nhiên, do khái niệm sách giáo khoa là một khái niệm khá rộng, do vậy, trong Điều 2, Quy định về các sách học tập (Regulations on Curriculum Books) của Bộ Giáo dục Hàn Quốc lại tiếp tục phân cấp thành 3 loại sách giáo khoa và được Bộ Giáo dục giải thích làm rõ là:
- “Sách do Chính phủ chỉ định” (government-designated books) là sách học do Bộ Giáo dục giữ bản quyền;
- “Sách được ủy quyền” là sách học do Bộ trưởng Bộ Giáo dục ủy quyền soạn thảo và xuất bản bởi những nhà xuất bản tư nhân (authorized by the Minister of Education and published by private publishers);
- “Sách được phê duyệt” có nghĩa là sách được Bộ trưởng Bộ Giáo dục chấp thuận sử dụng trong trường hợp không có sách do Chính phủ chỉ định hoặc sách được uỷ quyền tồn tại, hoặc khó sử dụng hoặc cần bổ sung (recognized by the Minister of Education as relevant and useful).
Việc phân loại tốt các nhóm sách sử dụng trong quá trình giảng dạy cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thẩm định, sử dụng sách giáo khoa cho từng cấp học. Luật Giáo dục tiểu học và trung học Hàn Quốc và Nghị định của Tổng thống về sách giáo khoa dựa trên cơ sở phân loại đó để quy định cụ thể hơn, như đối với bậc học mẫu giáo, tài liệu giảng dạy cho giáo viên là những sách giáo khoa “nhóm một” (sách học do Bộ Giáo dục giữ bản quyền). Đối với chương trình giảng dạy ở cấp tiểu học, được phép sử dụng nhiều loại sách giáo khoa cho mỗi môn học nhưng cũng là những sách thuộc “nhóm một”. Ở cấp trung học, các môn học cơ bản, thiết yếu được thiết kế cho các trường trung học thuộc nhóm học thuật và các môn học chuyên ngành dành cho các trường trung học dạy nghề và các trường trung học chuyên ngành khác. Sách giáo khoa, do vậy, cũng được phân chia thành hai nhóm tương ứng. Hầu hết các sách giáo khoa của các môn học tại các trường trung học nhóm học thuật, ngoại trừ ngôn ngữ, đạo đức và lịch sử Hàn Quốc, thuộc “nhóm 2” (sách được Bộ Giáo dục ủy quyền soạn thảo), còn hầu hết các sách giáo khoa cho các môn học chuyên ngành của các trường trung học dạy nghề và các trường trung học chuyên ngành khác được phát triển bởi các tổ chức nghiên cứu và trường đại học do Bộ Giáo dục ủy quyền[6].
2. Về thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa
Định hướng “mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa” mà Luật Giáo dục năm 2019 quy định đã được xác định trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế[7] và trong Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông[8].
Vì thực hiện xã hội hóa việc biên soạn sách giáo khoa nên Bộ Giáo dục và Đào tạo không còn nắm quyền biên soạn sách giáo khoa mà chuyển sang vị trí “trọng tài”, chỉ ban hành các tiêu chí và quy trình đánh giá sách, thẩm định sách giáo khoa và hướng dẫn việc lựa chọn sách giáo khoa trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, hiện nay việc biên soạn sách giáo khoa vẫn được thực hiện theo Quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa Ban hành kèm theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT)[9]. Theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT,   việc thẩm định sách giáo khoa được thực hiện bởi Hội đồng quốc gia về thẩm định. Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học, giúp Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định sách giáo khoa[10]. Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan; có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học, hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng. Số lượng thành viên Hội đồng là số lẻ, tối thiểu là bảy người. Thành viên Hội đồng phải đạt tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, tư tưởng và sức khỏe; có trình độ từ đại học trở lên, am hiểu về khoa học giáo dục, có chuyên môn phù hợp với sách giáo khoa được thẩm định; đã từng tham gia một trong các công việc sau: xây dựng chương trình giáo dục phổ thông, thẩm định chương trình giáo dục phổ thông, biên soạn sách giáo khoa, thẩm định sách giáo khoa; hoặc có ít nhất ba năm trực tiếp dạy học ở cấp học có sách giáo khoa được thẩm định[11]. Sách giáo khoa sau khi thẩm định có thể được đánh giá là "Đạt" (khi được ít nhất 3/4 tổng số thành viên Hội đồng xếp loại "Đạt"), "Đạt nhưng cần sửa chữa" (khi được ít nhất 3/4 tổng số thành viên Hội đồng xếp loại "Đạt" và loại "Đạt nhưng cần sửa chữa" hoặc ít nhất 3/4 tổng số thành viên Hội đồng xếp loại "Đạt nhưng cần sửa chữa") và "Không đạt" cho các trường hợp còn lại[12]. Sau khi sách được thẩm định,  Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo[13].
Quy trình thẩm định sách giáo khoa như trên rất đầy đủ về khung quy định (thành phần ban thẩm định, tiêu chuẩn, quy trình...) nhưng thực tế cho thấy, quy trình này vẫn còn chưa hoàn chỉnh, dẫn đến vẫn còn những lỗi sai sót về sách giáo khoa trong thời gian qua. Việc lựa chọn sách giáo khoa cũng chưa có những quy định rõ ràng. Do đó, trong giai đoạn dự thảo Luật Giáo dục năm 2019, vấn đề về quy trình thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa đã được nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm vì chưa có cơ chế thực hiện hiệu quả[14]. Điều này cũng được thể hiện trong “Tờ trình về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” tại phiên họp Chính phủ ngày 13/10/2017. Theo yêu cầu của Nghị quyết 88/2014/QH13, từ năm học 2018 - 2019 sẽ bắt đầu triển khai áp dụng chương trình và sách giáo khoa mới theo hình thức cuốn chiếu đối với mỗi cấp tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông. Tuy nhiên, căn cứ tình hình xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới và chuẩn bị điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục phổ thông trên phạm vi toàn quốc đến tháng 9 năm 2017, có thể thấy nếu triển khai theo lộ trình trên thì chất lượng chương trình, sách giáo khoa mới cũng như điều kiện về nhân lực và cơ sở vật chất, kỹ thuật để dạy học theo chương trình, sách giáo khoa mới chưa bảo đảm, do đó việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa khó đảm bảo thành công và khó nhận được sự đồng thuận, yên tâm của xã hội[15]. Do đó, Quốc hội đã quyết nghị điều chỉnh lộ trình thực hiện việc triển khai áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo lộ trình tuần tự trong từng cấp học, chậm nhất từ năm học 2020-2021 đối với lớp đầu cấp của cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học cơ sở và từ năm học 2022-2023 đối với lớp đầu cấp của cấp trung học phổ thông[16].
Trong giai đoạn hoàn thiện quy trình thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa tại Việt Nam theo định hướng của Luật Giáo dục Việt Nam năm 2019, các kinh nghiệm của hoạt động này tại Hàn Quốc có thể là những kinh nghiệm nên tham khảo. Tại Hàn Quốc, nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa trong trường học được thực hiện như sau: Hiệu trưởng trường ưu tiên sử dụng “sách do Chính phủ chỉ định” khi sách này sẵn có. Nếu sách do Chính phủ chỉ định không có, hiệu trưởng sẽ lựa chọn “sách được ủy quyền”. Khi hiệu trưởng của trường chọn “sách được ủy quyền” hoặc “sách được phê duyệt” để sử dụng tại trường, hiệu trưởng phải tiến hành các cuộc thảo luận hoặc các buổi tư vấn để lấy ý kiến ​​của hội đồng trường và các nhân viên nhà trường. Các cuộc họp thảo luận phải có mặt ít nhất hai phần ba thành viên ban chỉ đạo của trường và phải đạt được sự biểu quyết tán thành của ít nhất hai phần ba số thành viên có mặt tại buổi họp thì sách mới được chọn[17]. Ngoài ra, để minh bạch, trước khi thực hiện hoạt động ủy quyền xuất bản sách, Bộ trưởng Bộ Giáo dục phải thông báo công khai trên cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và in trên các nhật báo các vấn đề sau ít nhất một năm và sáu tháng trước khi bắt đầu một năm học mà sách được ủy quyền đó đầu tiên được sử dụng[18]:
- Các loại sách giáo trình được ủy quyền
- Năng lực của đơn vị thực hiện
- Thời gian đề nghị thực hiện
- Các tiêu chuẩn của hoạt động ủy quyền
- Những điểm chú ý trong việc biên soạn sách
- Số lượng bản sách được ủy quyền
- Phí ủy quyền và phương thức thanh toán
- Các vấn đề khác cần thiết để ủy quyền.
Quá trình biên soạn các bản sách này sẽ được giám sát bởi những đơn vị do Bộ trưởng Bộ Giáo dục quyết định nếu xét thấy cần thiết, như Viện Ngôn ngữ Quốc gia Hàn Quốc và các đơn vị khác. Để quyết định sách có được phép sử dụng hay không, Bộ Giáo dục phải lập một hội đồng xét duyệt. Thành phần hội đồng xem xét bên cạnh cơ quan quản lý còn phải mời các thành phần khác gồm: giáo viên; các chuyên gia nghiên cứu trong lĩnh vực tương ứng; người làm việc cho các cơ quan hành chính hoặc viện nghiên cứu giáo dục; phụ huynh học sinh; những người được các tổ chức xã hội liên quan đề cử; người có chuyên môn trong việc xuất bản sách giáo trình; các chuyên gia có liên quan làm việc cho các cơ quan khảo sát giá hoặc các cơ quan kế toán chi phí; những người khác có kiến thức sâu sắc về các chủ đề hoặc sách có liên quan[19].
Nếu bộ sách được xác nhận ủy quyền cho phép sử dụng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục phải công bố công khai các thông tin sau trong Công báo quốc gia: tên sách được ủy quyền; ngày và số của từng loại sách ủy quyền; số lượng bản in, hình thức in, số lýợng trang, số tập trên mỗi ðầu sách, môi trýờng sử dụng (ðối với bản ghi âm, hình ảnh và tác phẩm điện tử); chất lượng giấy và phương cách đóng sách; các loại trường và niên học có thể sử dụng sách này; tên tác giả; địa chỉ và tên của các nhà xuất bản[20].
Như vậy, việc phân loại sách giáo khoa thành các nhóm sách cụ thể (gồm “Sách do Chính phủ chỉ định"; "Sách được ủy quyền" và "Sách được phê duyệt") tại Hàn Quốc phần nào đó đã tạo sự thuận tiện cho việc áp dụng các cơ chế thẩm định và lựa chọn khác nhau. Từ việc phân nhóm sách giáo khoa cụ thể như vậy nên việc sử dụng sách giáo khoa cho từng cấp học cũng được cân nhắc cụ thể từng cấp học nào sẽ ưu tiên dùng sách loại nào để đảm bảo sự nhận thức hoàn chỉnh của học sinh với nguyên tắc lựa chọn sách giáo khoa rất cụ thể. Đặc biệt, những nguyên tắc về sự minh bạch trong thẩm định và lựa chọn sách giáo khoa cũng giúp cho hoạt động này đạt được hiệu quả cao và dễ dàng hơn trong việc đạt được sự đồng thuận giữa các bên trong quá trình dạy và học./.
 
Tài liệu tham khảo
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW) ngày 04/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế
- Luật Giáo dục số: 43/2019/QH14, thông qua ngày 14/6/2019.
- Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
- Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội ngày 21/11/2017 về Điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.
- Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/ 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
- Luật Giáo dục Tiểu học và Trung học Hàn Quốc.
- Nghị định của Tổng thống Hàn Quốc (Presidential Decree) số 24423 (ngày 23/3/2013).
- Nghị định của Tổng thống Hàn Quốc (Presidential Decree) số 2556 (ngày 08/10/2014).
 

 


[1] Điều 5, Luật Giáo dục 2019.
[2] Điều 8, Luật Giáo dục năm 2019.
[3] Khoản 1, Điều 32, Luật Giáo dục năm 2019.
[4] Điều 100, Luật Giáo dục năm 2019 quy định: Việc xuất bản sách giáo khoa, giáo trình, tài liệu dạy học; sản xuất và cung ứng thiết bị dạy học, đồ chơi cho trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non; nhập khẩu sách, báo, tài liệu giảng dạy, học tập, thiết bị dạy học, thiết bị nghiên cứu dùng trong cơ sở giáo dục được Nhà nước ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật.
[5] Nghị định của Tổng thống (Presidential Decree) số 2556 (ngày 08/10/2014) về “Quy định về sách học”.
[6] Bộ Giáo dục Hàn Quốc, http://english.moe.go.kr/sub/info.do?m=020101&s=english, truy cập ngày 16/8/2019.
[7] Phần II (2), Nhiệm vụ - giải pháp, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI.
[8] Khoản 1, Điều 2, Nghị quyết số 88/2014/QH13.
[9] Theo thông báo số 543/TB-BGDĐT ngày 24/6/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Về việc “tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 1” thì căn cứ để thực hiện hoạt động thẩm định sách gia khoa vào tháng 7/2019 vẫn được thực hiện theo Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[10] Điều 12 Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[11] Điều 13 Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[12] Điều 16 Thông tư số 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/ 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
[13] Điều 32 Luật Giáo dục năm 2019.
[14] Trích phát biểu của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 30/5/2018: "Cả một vấn đề lớn như thế này mà để cho nhiều sách giáo khoa thì quản lý thế nào, thì soạn thế nào, chọn thế nào để mà học, người nào chọn đây? Bộ trưởng Bộ Giáo dục thành lập hội đồng để thẩm định thì có thẩm định hết không cho 3 bộ, 5 bộ, 15 bộ sách giáo khoa, chỗ nào người ta cũng tìm đến cả thì làm sao mà ngồi thẩm định được. Thẩm định 1 bộ sách giáo khoa, tôi cam đoan phải làm cả năm và dùng ít nhất 10 đến 15 năm đến 20 tổng kết và bắt đầu từ đó và tính thống nhất rất quan trọng”.
[15] Trang thông tin Quốc hội: <http://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=33973> , truy cập ngày 16/8/2019.
[16] Điều 1, Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội ngày 21/11/2017 về  Điều chỉnh lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về Đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
[17] Điều 3 Quy định về Sách giáo khoa, được bổ sung bởi Nghị định số 25646 của Tổng thống (ngày 08/10/2014).
[18] Điều 7 Quy định về Sách giáo khoa, được sửa đổi bởi Nghị định số 24423 của Tổng thống (ngày 23/3/2013).
[19] Điều 19 Quy định về Sách giáo khoa, được sửa đổi bởi Nghị định số 24423 của Tổng thống (ngày 23/3/2013).
[20] Điều 11 Quy định về Sách giáo khoa, được sửa đổi bởi Nghị định số 24423 của Tổng thống (ngày 23/3/2013).

 

(Nguồn tin: Bài viết được đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18 (394), tháng 9/2019.)