Luật sư công

01/05/2005

Nguyễn Hoài Nam, Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội

Song song với tiến trình chuẩn bị soạn thảo Luật về luật sư và Pháp lệnh Trợ giúp pháp lý, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của nước ta trong tình hình mới, đã đến lúc cần phải xây dựng chế định luật sư công trong bộ máy nhà nước, theo đó, luật sư công là công chức nhà nước được bổ nhiệm làm luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách trong các tổ chức trợ giúp pháp lý của nhà nước. Luật sư công là vấn đề lớn, đang trong quá trình nghiên cứu, do đó, trong phạm vi bài viết, chúng tôi chỉ xin nêu một số ý kiến nghiên cứu bước đầu về vấn đề này.
Nhu cầu khách quan về luật s ư công
Có hai cách hiểu khác nhau về khái niệm luật sư công. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, luật sư công là công chức Nhà nước được bổ nhiệm làm luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước trong các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách trong các tổ chức trợ giúp pháp lý của nhà nước.   Loại ý kiến thứ hai cho rằng, luật sư được các cơ quan, tổ chức của Nhà nước thuê để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước hoặc được cơ quan nhà nước thuê để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách, thì trong những trường hợp này luật sư đó gọi là luật sư công. Trong loại ý kiến thứ hai, cũng có ý kiến đề nghị thu hẹp hơn nữa phạm vi luật sư công. Theo đó, chỉ những trường hợp mà cơ quan tiến hành tố tụng hình sự chỉ định luật sư làm người bào chữa thì mới coi đó là luật sư công. Về chủ trương xã hội hoá các hoạt động bổ trợ tư pháp, Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp ương Đảng (khoá VIII) về cải cách tư pháp đã chỉ rõ: “ Củng cố vàtăng c ư ờng các tổ chức bổ trợ t ư pháp. Đổi mới quản lý nhàn ư ớc đối với hoạt động luật s ư , t ư vấn pháp luật, giám định t ư pháp, ... phù hợp với chủ tr ư ơng xã hội hoá.” Nghị quyết số 08 ngày 02/01/2002 của Bộ chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới cũng tiếp tục nhấn mạnh “ Nghiên cứu việc xã hội hoá một số hoạt động bổ trợ t ư pháp”. Vì vậy, việc lập ra một đội ngũ luật sư công là cán bộ, công chức làm việc trong các cơ quan Nhà nước cần được nghiên cứu kỹ để bảo đảm chủ trương của Đảng về xã hội hoá một số hoạt động bổ trợ tư pháp được thực hiện, việc mở rộng thêm các tổ chức thuộc bộ máy nhà nước và tăng cường biên chế cho các tổ chức mới được thành lập này cũng chưa thật phù hợp với chủ trương cải cách hành chính của Đảng và Nhà nước ta là xây dựng bộ máy nhà nước tinh, gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Mặt khác, dịch vụ pháp lý mà luật sư thực hiện là một trong những dịch vụ xã hội, trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền, mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, việc có hai hình thức luật sư công và luật sư (tạm gọi là luật sư tư) sẽ khó bảo đảm được nguyên tắc các đương sự đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ tố tụng, chẳng hạn, trong việc thu thập chứng cứ thì luật sư công là công chức nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích của nhà nước nên có điều kiện thuận lợi trong việc thu thập chứng cứ hơn là luật sư tư. Hơn nữa, việc các đương sự đều bình đẳng được hiểu như thế nào nếu như trong phiên toà có đương sự do luật sư nhà nước bảo vệ, có đương sự do luật sư tư bảo vệ. Theo chúng tôi, để bảo đảm nguyên tắc các đương sự đều bình bình đẳng về  quyền và nghĩa vụ tố tụng thì mọi người, kể cả các cơ quan, tổ chức của nhà nước đều có thể sử dụng dịch vụ pháp lý của luật sư. Một điều đáng lưu ý là, các quy định của pháp luật tố tụng hiện hành không hạn chế các cơ quan, tổ chức của nhà nước nhờ luật sư tham gia tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Những vấn đề đặt ra
 Pháp lệnh Luật sư năm 2001 quy định luật sư không phải là cán bộ, công chức nhằm chuyên nghiệp hoá đội ngũ luật sư, bảo đảm cho luật sư là người tham gia tố tụng độc lập, khách quan và vô tư trong hoạt động nghề nghiệp của mình. Luật sư công là người tham gia tố tụng phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp lệnh tố tụng, đồng thời, với tư cách là công chức nhà nước cũng phải bảo đảm tuân thủ các quy định của Pháp lệnh Cán bộ công chức mààmột trong những nguyên tắc quan trọng là cán bộ, công chức phải chấp hành quyết định của cấp trên; khi có căn cứ để cho là quyết định đó trái pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra quyết định; trong trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó (Điều 8 Pháp lệnh Cán bộ, công chức). Trong khi đó, nguyên tắc hành nghề của luật sư là tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp của mình (Điều 2 Pháp lệnh Luật sư). Việc luật sư công phải chịu sự điều chỉnh bởi các nguyên tắc này không thể không ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan và vô tư trong hoạt động nghề nghiệp của mình, đặc biệt ảnh hưởng đến hoạt động tranh tụng dân chủ tại phiên toà, khi đó, luật sư phát biểu quan điểm của cá nhân mình hay phát biểu theo quan điểm của thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi mình làm việc. Do luật sư là người hành nghề tự do, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động nghề nghiệp của mình nên pháp luật về luật sư quy định các tổ chức hành nghề luật sư có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư. Vấn đề đặt ra là, nếu có luật sư công thì cơ quan, tổ chức của nhà nước có luật sư công có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho luật sư của mình không?. Một loạt vấn đề nữa đặt ra cần phải được giải quyết là, nếu có luật sư công thì cơ quan, tổ chức nào của nhà nước có luật sư, cơ chế tuyển dụng, bổ nhiệm luật sư công, cơ quan nào quản lý hoạt động của luật sư công, luật sư công là ngạch công chức riêng biệt hay đó là một hoạt động kiêm nhiệm của công chức nhà nước giống như người giám định tư pháp theo vụ việc mà Pháp lệnh Giám định tư pháp đã quy định. Theo chúng tôi, vấn đề quan trọng hơn cả là việc luật sư công là người tham gia tố tụng, đồng thời lại là công chức trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước thì người lãnh đạo quản lý luật sư công theo quy định của pháp luật tố tụng hay hành chính. Mặt khác, có nên đặt vấn đề trong cơ quan hành chính hoặc tổ chức sự nghiệp của Nhà nước (không phải là cơ quan tiến hành tố tụng) lại có một hoặc một nhóm người chuyên tham gia hoạt động tố tụng, điều này không phù hợp với nguyên tắc tổ chức và hoạt động của các cơ quan hành chính và tổ chức sự nghiệp của Nhà nước. Tham khảo kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của luật sư ở nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, là quốc gia có nhiều điểm tương đồng về kinh tế – xã hội và thể chế chính trị với nước ta cho thấy, Trung Quốc không có luật sư công, mặc dù hoạt động của luật sư và các tổ chức hành nghề luật sư của Trung Quốc phát triển rất nhanh. Từ những suy nghĩ nêu trên, chúng tôi nhận thấy, việc xây dựng chế định luật sư công trong bộ máy nhà nước cần phải được giải quyết một cách thoả đáng để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật nước ta, nhất là trong điều kiện đang xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, không nên tổ chức luật sư công một cách tràn lan. Luật sư công nên được tổ chức theo hướng, đó là luật sư mà trong những trường hợp nhất định được các cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định (thuê) làm người bào chữa hay người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự mới được coi là luật sư công, có như vậy mới phù hợp với các quy định của pháp luật tố tụng, phù hợp với xu hướng cải cách hành chính và cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành./.