Qũy nâng cao sức khỏe – nguồn kinh phí bền vững trong phòng chống bệnh không lây nhiễm

01/01/2017

ThS. TRẦN HOÀI NAM

Vụ Hành chính Văn phòng Quốc hội.

ThS. LÊ THỊ THU

Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam.

Tóm tắt: Hiện nay, bệnh không lây nhiễm đang là mối đe dọa lớn với sức khỏe toàn cầu, gây ra số trường hợp tử vong lớn nhất so với các loại bệnh khác. Tại Việt Nam, theo ước tính của WHO, gánh nặng của các bệnh không lây nhiễm (như tiểu đường, ung thư, tim mạch, hô hấp mạn tính…) chiếm trên 66% tổng gánh nặng bệnh tật do tất cả các nguyên nhân. Bài viết bước đầu đánh giá thực trạng gánh nặng bệnh tật không lây nhiễm, chỉ ra khoảng trống về nguồn kinh phí bền vững cho phòng, chống bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam; trên cơ sở đó đề xuất thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng ở Việt Nam.
Từ khóa: Bệnh không lây nhiễm; sức khỏe cộng đồng; quỹ nâng cao sức khỏe
Abstract: Currently, non-communicable diseases are tremendous threats to global health, causing the most deaths than any other diseases. In Vietnam, according to WHO estimates, the burden of the non-communicable diseases (such as diabetes, cancer, cardiovascular disease, chronic respiratory ...) account for over 66% of the total burden of diseases due to overall causes. This article provides initial assessment of the burden of disease status the non-communicable diseases, indicating gaps in sustainable funding for prevention and control of non-communicable diseases in Vietnam, from which it is proposed for establishment of a fund for public health in Vietnam.
Keywords: non-communicable diseases; public health; fund for public health 
Untitled_6.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Gánh nặng bệnh tật và tổn thất kinh tế do bệnh không lây nhiễm ở Việt Nam và nhu cầu kinh phí bền vững cho phòng, chống bệnh không lây nhiễm và nâng cao sức khỏe
Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng bệnh tật và tử vong ngày càng lớn do các bệnh không lây nhiễm (BKLN). Trong giai đoạn 1990 - 2010, tỷ lệ người tử vong do BKLN trong tổng số tử vong đã gia tăng nhanh chóng từ 56% lên 72%. Trong đó, tử vong do bệnh tim mạch là 30%, ung thư: 21%, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính: 6%, bệnh đái tháo đường: 3%, và bệnh tâm thần - thần kinh là 2%. Gánh nặng bệnh tật tính bằng DALYs[1] do BKLN chiếm tới 66,3% tổng gánh nặng bệnh tật năm 2010. Ung thư và tai biến mạch máu não do xuất huyết là hai bệnh có gánh nặng bệnh tật cao nhất (lần lượt 11% và 5%)[2].
Sự gia tăng tỷ lệ mắc những BKLN này có nhiều nguyên nhân. Bên cạnh yếu tố già hóa dân số với sự gia tăng tỷ trọng người cao tuổi dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ mắc những rối loạn của chuyển hóa như tăng huyết áp, tăng đường máu và rối loạn mỡ máu, còn có nguyên nhân là sự gia tăng của các yếu tố nguy cơ như hút thuốc, sử dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý, thiếu hoạt động thể lực cùng với gia tăng các tình trạng thừa cân, béo phì[3].
Việc giải quyết những hậu quả của BKLN tạo gánh nặng với kinh tế gia đình và quốc gia thông qua các chi phí trực tiếp liên quan đến việc điều trị bệnh và chi phí gián tiếp do việc mất năng suất lao động hay thu nhập  do nghỉ việc cho khám chữa bệnh hay do mất sức lao động, do chết sớm, làm ảnh hưởng không chỉ đến ngành y tế mà còn đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Gánh nặng kinh tế cho điều trị 6 loại bệnh ung thư phổ biến tại Việt Nam năm 2012 (ung thư gan, ung thư đại trực tràng, ung thư khoang miệng, ung thư dạ dày, ung thư vú, ung thư cổ tử cung) lên tới 25.789 tỷ đồng, chiếm 0,22% tổng GDP năm 2012. Đáng chú ý là gánh nặng kinh tế cho việc điều trị các bệnh ung thư đổ dồn lên cả hộ gia đình (48%), bảo hiểm y tế (25%) và chính phủ (27%)[4]. Chi phí điều trị, nghỉ ốm và tử vong sớm do 5 nhóm bệnh liên quan đến hút thuốc lá ở Việt Nam năm 2011 (chỉ tính phần do hút thuốc gây ra) là 24.679,9 tỷ đồng, chiếm 0,97% GDP[5]. Năm 2010 có 90.568 hộ gia đình (4,5% tổng số hộ nghèo) bị nghèo hóa do chi phí mua rượu bia[6]
Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư cho các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe và phòng chống BKLN đã không tương xứng với quy mô của vấn đề và đang ngày càng hạn hẹp và không bền vững. Nguồn lực cho phòng chống BKLN từ ngân sách nhà nước chủ yếu thông qua Chương trình Mục tiêu quốc gia, nhưng rất thiếu và bị cắt giảm liên tục qua các năm, từ 195 tỷ (2012) xuống còn 73 tỷ (năm 2015). Nguồn lực ít nhưng lại phân bổ không đều và chỉ tập trung chủ yếu cho nhu cầu điều trị, ít chú trọng vấn đề dự phòng. Trong giai đoạn 2016 -2020, kinh phí cho phòng chống BKLN chủ yếu từ Chương trình mục tiêu y tế - dân số, với tổng kinh phí cho 5 năm cho BKLN là 339 tỷ, trong đó có 150 tỷ là mua thuốc cho bệnh nhân tâm thần, trung bình chỉ còn 8 tỷ/năm cho các hoạt động khác. Nguồn bảo hiểm y tế (BHYT) chủ yếu chi cho khám, điều trị bệnh tại bệnh viện. Nhiều hoạt động y tế dự phòng không nằm trong phạm vi quyền lợi BHYT như hoạt động dự phòng bệnh, truyền thông, tư vấn, sàng lọc, phát hiện sớm ung thư… Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đã được thành lập nhưng chỉ dành riêng cho hoạt động phòng, chống tác hại thuốc lá[7].
2. Khuyến cáo về Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng Việt Nam
2.1 Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để đảm bảo tài chính cho các hoạt động nâng cao sức khỏe, phòng chống BKLN, cần huy động nguồn tài chính và sự tham gia của xã hội và sự đóng góp bắt buộc của những ngành công nghiệp sản xuất những sản phẩm có hại cho sức khỏe, trực tiếp gây ra gánh nặng bệnh không lây nhiễm như thuốc lá, rượu bia . Giải pháp huy động nguồn tài chính này đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện thành công, đồng thời được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến khích nhân rộng, đó là thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe. Hiện nay việc hình thành Quỹ Nâng cao sức khỏe đã trở thành xu thế chung từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới, hiện có 21 quốc gia đã thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng với nguồn thu từ thuế hoặc phụ thu thuốc lá và rượu bia như Thái Lan, Estonia, Phần Lan, Slovenia, Mông Cổ, Tonga… hay từ nguồn ngân sách thường xuyên như Singapore, Australia; từ đóng góp từ thiện như Quỹ Canada; hoặc từ khoản đóng góp của người tham gia bảo hiểm như Quỹ Thụy Sỹ[8].
Thái Lan là một trong số các nước đã thành công trong việc thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe Thái Lan (viết tắt là ThaiHealth) từ năm 2001, thông qua một đạo luật cùng tên, qua đó thiết lập một cơ chế tài chính bền vững cho hoạt động nâng cao sức khỏe nhân dân. Quỹ được hình thành với mục tiêu nâng cao sức khỏe cho người dân với tầm nhìn: Mọi người Thái Lan đều được sống trong môi trường xã hội và tự nhiên có lợi cho sức khỏe. Nguồn tài chính của Quỹ được hình thành từ khoản phụ thu được tính bằng 2% giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hai sản phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe là thuốc lá và rượu bia.
Theo ước tính, Quỹ Nâng cao sức khỏe của Thái Lan chỉ chi 1% tổng chi cho y tế hàng năm nhưng đã cung cấp tài chính cho trên 1.000 dự án nâng cao sức khỏe mỗi năm. Quỹ được điều phối bởi Ban quản lý gồm đại diện của 8 bộ ngành và 8 chuyên gia độc lập. Để bảo đảm minh bạch, ThaiHealth hoạt động theo điều lệ với các quy định rất cụ thể; thực hiện kiểm toán nội bộ và chịu sự kiểm toán nhà nước; hàng năm báo cáo hiệu quả hoạt động và thu chi trước Quốc hội. Nguồn quỹ của ThaiHealth bao gồm thu 30% từ thuốc lá và 70% từ rượu bia, tuy nhiên số tiền Quỹ chi cho phòng, chống tác hại thuốc lá chỉ chiếm khoảng 9%, cho phòng chống rượu bia khoảng 12%, số còn lại chi cho các hoạt động nhằm thực hiện các biện pháp để nâng cao sức khỏe phòng chống các yếu tố nguy cơ khác của BKLN (phòng chống tai nạn giao thông, dinh dưỡng, hoạt động thể lực v.v..), nhờ đó, rất nhiều hoạt động cảnh báo, dự phòng để nâng cao sức khỏe được hưởng lợi từ Quỹ này[9].
Sau một thời gian thực hiện mô hình Quỹ Nâng cao sức khỏe, đến năm 2010, Thái Lan đã đạt được những thành tựu quan trọng như: xây dựng 21 văn bản chính sách công (Chiến lược quốc gia về Kiểm soát thuốc lá 2010 - 2014, Chiến lược Kiểm soát rượu, Nghị quyết về Quản lý thừa cân béo phì, Luật Bình đẳng giới…), 10 văn bản cấp tỉnh/địa phương, 2 tổ chức mới (Bệnh viện Nâng cao sức khỏe cấp huyện)… và góp phần giúp Thái Lan đạt được nhiều kết quả cụ thể như: giảm tỷ lệ hút thuốc chung ở người trưởng thành từ 25,5% (2001) xuống 20,7% (2009), giảm tỷ lệ người hút thuốc lá trong nhà từ 86% (2000) xuống còn 59% (2006); 4,1 triệu người bỏ thuốc lá (từ năm 2001 - 2009); số người sử dụng rượu bia giảm từ 16,2 triệu (2004) xuống còn 14,9 triệu (2007); tỷ lệ bắt đầu sử dụng rượu bia ở nữ giảm từ 5,6% xuống còn 1,8% và ở nam giảm từ 33,5% xuống còn 23,3% (từ 2003 - 2009); từ năm 2003 đến năm 2010, số tử vong do tai nạn giao thông giảm từ 124.500 xuống còn 70.300 ca[10].
Mô hình này được đánh giá là rất hiệu quả và bền vững do đảm bảo được nguồn tài chính lâu dài và huy động được các ngành, các cấp và đông đảo các tổ chức xã hội, cá nhân tham gia xây dựng và thực hiện các sáng kiến nâng cao sức khỏe trên toàn quốc. Đây cũng là mô hình Việt Nam có thể tham khảo và áp dụng trong tương lai để triển khai thành công các hoạt động phòng chống các BKLN, phòng chống tác hại của rượu bia và đồ uống có cồn.
2.2 Theo quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, Việt Nam đã có Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá. Đến nay, trong Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tiếp tục đề xuất thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng trên cơ sở Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá và huy động nguồn đóng góp bắt buộc của các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu bia và thuốc lá.Ngoài việc hỗ trợ các hoạt động phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá, Quỹ còn có thể tập trung vào dự phòng các yếu tố nguy cơ khác của bệnh không truyền nhiễm, các hoạt động nâng cao sức khỏe như truyền thông, tư vấn nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp lý, vệ sinh phòng bệnh, rèn luyện lối sống lành mạnh, phát huy vai trò của cộng đồng trong chăm sóc sức khỏe… góp phần phòng chống các BKLN đang ngày càng tăng như ung thư, tim mạch…, góp phần quan trọng để bảo vệ sức khỏe, tính mạng người dân, giảm chi phí y tế vốn ngày càng tăng với nguồn kinh phí ổn định và không phụ thuộc vào ngân sách nhà nước[11].
Việc thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe cộng đồng là một bước phát triển hoàn thiện, theo lộ trình Quyết định số 244/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Theo đó, quy định Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Chính phủ để đề xuất Quốc hội về việc thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng trên cơ sở lồng ghép với Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá; nghiên cứu, đề xuất quy định thu một khoản đóng góp từ hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia và đồ uống có cồn khác hoặc phương thức đóng góp phù hợp khác để hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động nâng cao sức khỏe cộng đồng và phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.
Để thực hiện thành công việc kiểm soát BKLN, cần có sự cam kết và vào cuộc của Chính phủ và đặc biệt, cần có nguồn tài chính bền vững cho hoạt động nâng cao sức khỏe, mà cụ thể là thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe hoạt động nhằm phục vụ lợi ích sức khỏe và xã hội của cộng đồng, huy động và tạo lập được một nguồn kinh phí ổn định cho công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, của rượu, bia và nâng cao sức khỏe cộng đồng của Việt Nam, bảo đảm sự tham gia của xã hội, phù hợp với quan điểm xã hội hóa y tế của Đảng và Nhà nước. Việc quy định nguồn hình thành Quỹ từ khoản đóng góp bắt buộc của người sử dụng rượu, bia, thuốc lá nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người sử dụng rượu bia và thuốc lá đối với sức khỏe của bản thân và nhân dân, giúp họ nhận thức mạnh mẽ hơn những ảnh hưởng của việc sử dụng rượu, bia đối với bản thân và xã hội, từ đó có thể thay đổi hành vi, hạn chế, giảm dần hoặc không sử dụng rượu, bia./.
 

[1] Để đánh giá gánh nặng của nhiều loại bệnh tật và vấn đề sức khỏe khác nhau, có rất nhiều chỉ số được sử dụng. Sau khi được giới thiệu lần đầu tiên vào năm 1993, chỉ số Số năm sống được hiệu chỉnh theo mức độ bệnh tật (cụm từ Disability Adjusted Live Years, viết tắt là DALY) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) áp dụng trong khá nhiều đo lường gánh nặng bệnh tật và được cập nhật đều đặn trong các báo cáo sức khỏe toàn cầu định kỳ. Một số nước như Úc, New Zealand, Chilê... và thậm chí những thành phố lớn như San Francisco và Los Angeles ở Mỹ đã xây dựng cho riêng mình hệ thống đo lường gánh nặng bệnh tật dựa trên DALY.
[2] Bộ Y tế, Báo cáo Tổng quan ngành Y tế, 2014, trang 16.
[3] Cục Y tế dự phòng, Điều tra Quốc gia yếu tố nguy cơ BKLN Việt Nam, 2015.
[4] Viện Nghiên cứu Ung thư, bài trình bày tại Hội thảo Chia sẻ kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu bia tại Việt Nam, ngày 26/09/2016.
[5] Hoang Anh PT, Thu LT, Ross H, et al. Tob Control Published Online First: [please include Day Month Year] doi:10.1136/tobaccocontrol-2014- 051821.
[6] Nguyễn Thạc Minh, Phạm Thị Hoàng Anh, Lê Thị Thu (2015), Nghiên cứu ảnh hưởng của rượu bia đến đói nghèo và đặc điểm của các gia đình sử dụng rượu bia thường xuyên tại Việt Nam.
[7] Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Báo cáo Thực trạng và nguồn lực cho phòng chống BKLN tại Việt Nam, Báo cáo tại Hội nghị ngày 28/12/2016.
[8] ThS. Nguyễn Tuấn Lâm - Tổ chức Y tế thế giới, Báo cáo chia sẻ kinh nghiệm một số Quỹ Nâng cao sức khỏe, tại Hội nghị ngày 28/12/2016.
[9] Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế, Quỹ Nâng cao sức khỏe - Nguồn tài chính bền vững để giảm thiểu gánh nặng bệnh không lây nhiễm, http://moh.gov.vn:8086/news/pages/tinkhac.aspx?ItemID=2554
[10]Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, Báo cáo Đề án thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe cộng đồng, tại Hội nghị ngày 28/12/2016.
[11] Bộ Y tế, Báo cáo đánh giá tác động chính sách phòng, chống tác hại của rượu, bia; tháng 12/2016.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 1+2(329+330)-tháng 2/2017)


Ý kiến bạn đọc