Vai trò của yếu tố lỗi trong xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu

01/01/2017

ThS. HÀ THỊ NGUYỆT THU

Cục Sở hữu trí tuệ.

Tóm tắt: Bài viết phân tích vai trò của yếu tố lỗi trong xác định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, đưa ra nhận định: khi xem xét hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) đối với nhãn hiệu làm cơ sở truy cứu trách nhiệm pháp lý (TNPL) thì chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm đã được suy đoán là có lỗi và do vậy, không cần xem xét đến yếu tố lỗi khi xác định có vụ việc xâm phạm quyền hay không. Việc xác định hình thức và mức độ lỗi có vai trò quan trọng trong việc xác định biện pháp xử lý hành vi xâm phạm.
Từ khoá: Lỗi, nhãn hiệu, xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, xâm phạm nhãn hiệu gián tiếp
Abstract: This article provides in-depth analysis of the fault in determining an infringement act of rights to trademarks. Based on the analysis, the author makes a comment upon reviewing an act of infringement of trademark rights as basis for legal prosecution, whereby the actor of infringement act were presumed to be guilty, and therefore, there is no need to consider his fault in determining whether the case is a trademark infringement or not. However, determining the form and seriousness of the fault has an important role in determining measures to handle the act of infringement.
Keywords: Fault, trademark, infringement act of rights to trademarks, indirect trademark infringement 
Untitled_5.png
Ảnh minh họa: (Nguồn internet)
1. Lỗi - dấu hiệu cơ bản của vi phạm pháp luật, căn cứ để truy cứu trách nhiệm pháp lý
Khi xem xét vi phạm pháp luật (VPPL) thông thường, dấu hiệu trái pháp luật mới chỉ là biểu hiện bên ngoài của hành vi. Để xác định hành vi VPPL luôn cần xem xét mặt chủ quan của nó, nghĩa là xác định lỗi của chủ thể thực hiện hành vi trái pháp luật đó. Lỗi là yếu tố chủ quan thể hiện thái độ của chủ thể đối với hành vi trái pháp luật của họ và hậu quả do hành vi đó gây ra. Nếu hành vi trái pháp luật được thực hiện do những điều kiện và hoàn cảnh khách quan, chủ thể hành vi đó không cố ý và cũng không vô ý thực hiện hoặc không thể ý thức (nhận thức) được, từ đó không thể lựa chọn hoặc điều khiển được hành vi của mình theo yêu cầu của pháp luật thì chủ thể hành vi đó không bị coi là có lỗi và hành vi đó không liên quan đến VPPL[1]. Chỉ những hành vi trái pháp luật nào có lỗi (được chủ thể thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý) mới có thể bị coi là VPPL.
Việc một chủ thể thực hiện hành vi VPPL là đã đi ngược lại với ý chí của Nhà nước đã được pháp luật quy định. Những hành vi như vậy luôn gây hại cho Nhà nước, xã hội và cho mọi người, do vậy chúng bị lên án và phải loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội, cũng như phải gánh chịu những hậu quả pháp lý bất lợi thông qua việc bị truy cứu trách nhiệm pháp lý (TNPL).
Về nguyên tắc, TNPL chỉ áp dụng đối với các chủ thể có năng lực TNPL khi họ thực hiện hành vi trái pháp luật có lỗi, tức là chủ thể hành vi đó có khả năng nhận thức những hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra nhưng cố ý hoặc vô ý gây ra.
Như vậy, theo lý thuyết thông thường, để xác định một chủ thể có phải chịu TNPL do có hành vi vi phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu hay không, cần phải xác định yếu tố lỗi trong cấu thành VPPL để có căn cứ áp dụng những biện pháp chế tài đã được pháp luật quy định đối với chủ thể VPPL.
2. Lỗi trong vi phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu ở Việt Nam
Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu là một loại quyền tài sản được Nhà nước công nhận[2]. Quyền sở hữu đối với nhãn hiệu được Nhà nước bảo hộ thông qua cơ chế bảo hộ quyền SHCN, theo đó, nội dung quyền SHCN đối với nhãn hiệu gồm quyền sử dụng nhãn hiệu, quyền cho phép, cấm người khác sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của mình cho hàng hoá trùng hoặc tương tự và quyền định đoạt nhãn hiệu[3].
Xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu - nói một cách chung nhất - là việc người thứ ba không phải chủ sở hữu nhãn hiệu (hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép) thực hiện các hành vi VPPL xâm hại đến quan hệ pháp luật về quyền SHCN đối với nhãn hiệu được pháp luật SHTT xác lập và bảo vệ. Nói cụ thể thì xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu là việc người thứ ba không phải chủ sở hữu nhãn hiệu (hoặc người được chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép), trong thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu, sử dụng nhãn hiệu cho hàng hoá, dịch vụ theo cách thức khiến người tiêu dùng bị nhầm lẫn hoặc lừa dối về nguồn gốc hàng hoá hoặc dịch vụ.
Theo pháp luật Việt Nam, khi nhãn hiệu bị xâm phạm nghĩa là quyền đối với tài sản nhãn hiệu của chủ sở hữu bị vi phạm, do vậy, chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm trước tiên bị coi là vi phạm trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng. Tuỳ theo tính chất và mức độ xâm phạm mà chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm có thể VPPL hành chính hoặc hình sự.
Khác với các tài sản hữu hình, nhãn hiệu là một loại tài sản vô hình tồn tại dưới dạng thông tin, dễ lan truyền, dễ bị xâm phạm, khi bị xâm phạm thì có khả năng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của nhiều người cũng như của cả xã hội. Ví dụ, một nhãn hiệu dùng cho sản phẩm dược bị làm giả sẽ khiến cho doanh nghiệp sở hữu nhãn hiệu bị mất thị phần, môi trường kinh doanh trở nên không lành mạnh, khách hàng, người tiêu dùng không mua được đúng loại thuốc mình cần và có thể bị nguy hiểm đến tính mạng nếu hàng mang nhãn hiệu giả đó không có tác dụng chữa bệnh… Như thế, một hành vi xâm phạm nhãn hiệu không chỉ gây hậu quả tiêu cực cho người nắm giữ quyền bị xâm phạm đó, mà còn ảnh hưởng đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng khác, cũng như ảnh hưởng tiêu cực đối với xã hội[4]. Điều đó có nghĩa là hành vi xâm phạm nhãn hiệu đã vi phạm các quan hệ pháp luật về bảo hộ và quản lý nhà nước trong lĩnh vực SHTT, gây ảnh hưởng đến lợi ích của chủ thể nắm giữ quyền, lợi ích của người tiêu dùng và gây ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội, cần phải loại trừ. Do vậy, trong một số trường hợp nhất định được pháp luật quy định rõ, hành vi xâm phạm quyền SHTT có thể bị coi là hành vi vi phạm hành chính hoặc tội phạm. 
Luật SHTT Việt Nam năm 2005 (sửa đổi năm 2009) không đưa ra khái niệm xâm phạm quyền SHTT đối với nhãn hiệu mà chỉ liệt kê những hành vi bị coi là xâm phạm quyền nếu khi thực hiện không được sự cho phép của chủ sở hữu nhãn hiệu trong khoản 1 Điều 129 như sau:
“a) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó;
b) Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
c) Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
d) Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng hoặc dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng cho hàng hoá, dịch vụ bất kỳ, kể cả hàng hoá, dịch vụ không trùng, không tương tự và không liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng dấu hiệu đó với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng”. 
Ngoài ra, có một số trường hợp miễn trừ trách nhiệm được quy định gián tiếp tại điểm h khoản 2 Điều 125 Luật SHTT, theo đó việc sử dụng một cách trung thực tên người, dấu hiệu mô tả chủng loại, số lượng, chất lượng, công dụng, giá trị, nguồn gốc địa lý và các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ không bị coi là xâm phạm nhãn hiệu.
Những nội dung nêu trên cho thấy, khi thực hiện bất kỳ hành vi nào thuộc những trường hợp nêu tại khoản 1 Điều 129 Luật SHTT mà chủ thể thực hiện hành vi không xin phép chủ sở hữu nhãn hiệu và không thuộc trường hợp miễn trừ trách nhiệm thì sẽ bị coi là xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu, không phụ thuộc vào việc chủ thể đó có ý thức được nhãn hiệu đó đang thuộc sở hữu của người khác hay hành vi của mình có được cho phép hay không.
Cách quy trách nhiệm cho người có hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu theo pháp luật Việt Nam cũng phù hợp với Hiệp định TRIPS khi chúng ta xem xét quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho hành vi xâm phạm nhãn hiệu tại đoạn 2 Điều 45.  
“2. ...Trong trường hợp thích hợp, các thành viên có thể cho các cơ quan xét xử được quyền ra lệnh thu hồi các khoản lợi nhuận và/hoặc trả các khoản đền bù thiệt hại đã ấn định trước, kể cả trường hợp người xâm phạm đã thực hiện hành vi xâm phạm khi không biết hoặc không có căn cứ để biết điều đó”. 
Có thể thấy, yếu tố lỗi trong cấu thành hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu để truy cứu TNPL nói chung đã được bỏ qua. Trong trường hợp này, thực tế không phải là việc truy cứu TNPL không tính đến yếu tố lỗi mà thực chất yếu tố lỗi đã được suy đoán khi chủ thể thực hiện một trong những hành vi vi phạm đã được pháp luật SHTT quy định.
Vậy tại sao lỗi lại được suy đoán trong trường hợp xác định xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu? Việc áp dụng nguyên tắc suy đoán lỗi trong truy cứu TNPL của chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu xuất phát từ các lý do sau:
Thứ nhất, do mục đích của việc bảo hộ quyền SHTT. Mục tiêu chính của việc bảo hộ quyền SHTT là khuyến khích hoạt động sáng tạo, sáng chế và đổi mới, nhờ đó mang lại cho đại bộ phận công chúng những lợi ích của hoạt động đó một cách kinh tế và nhanh chóng[5]. Chúng ta có thể thấy ý nghĩa của việc bảo hộ quyền SHTT là bảo vệ thành quả sáng tạo, đầu tư của chủ thể sáng tạo, chủ thể đầu tư đối với thành quả lao động của họ. Giới luật gia các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ[6] đã đưa ra học thuyết tự nhiên khi nói về quyền của người sáng tạo, theo học thuyết này, kết quả của sự sáng tạo chính là phần thưởng dành riêng cho người đã tạo ra nó. Bởi vậy, họ có toàn quyền sử dụng, khai thác và định đoạt sản phẩm do chính họ tạo ra.
Đối với nhãn hiệu, yếu tố sáng tạo ở đây không nhiều và không được tập trung nhưng dù gì thì chủ sở hữu nhãn hiệu cũng là người tạo ra, gây dựng uy tín cho nhãn hiệu và do vậy, họ xứng đáng được hưởng thành quả cho nỗ lực tạo dựng uy tín cho nhãn hiệu của mình. Hơn thế nữa, họ còn được trao quyền để ngăn chặn những người khác sử dụng tài sản trí tuệ của mình mà không có sự đồng ý và/hoặc không có sự bù đắp hoặc thù lao cho chủ thể sáng tạo hoặc những người có liên quan.
Pháp luật thừa nhận công sức sáng tạo và tạo dựng uy tín đối với tài sản trí tuệ của chủ sở hữu bằng việc tạo cho họ khả năng nhận được phần thưởng cho những nỗ lực của mình thông qua cơ chế độc quyền. Rõ ràng cơ chế này đã tập trung vào khía cạnh thương mại của quyền SHTT vì cho phép chủ sở hữu đối tượng SHTT được độc quyền khai thác tài sản trí tuệ của mình trong một khoảng thời gian nhất định nhằm bù đắp chi phí sáng tạo, đầu tư và có lợi nhuận để tiếp tục chu trình sáng tạo, đầu tư. Và vì mục đích chống lại việc khai thác thương mại nên đối tượng mà các chế tài pháp luật SHTT muốn nhằm tới khi xảy ra hành vi vi phạm nhãn hiệu chính là các chủ thể kinh doanh. Hơn nữa, nhãn hiệu ngay từ lúc ra đời đã thực hiện chức năng cá biệt hoá hàng hoá của các chủ thể khác nhau. Dần dần, cùng với quá trình giao lưu thương mại, nhãn hiệu đóng vai trò dấu hiệu để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của các chủ thể kinh doanh, nhãn hiệu được sử dụng gắn với hoạt động kinh doanh. Bởi thế, một chủ thể đã tiến hành hoạt động kinh doanh nhằm tìm kiếm lợi nhuận thì mọi hành vi liên quan đến kinh doanh của họ về nguyên tắc đều được coi là có tính toán. Việc họ thực hiện hành vi pháp luật không cho phép là sử dụng một nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu của người khác cho hàng hoá trùng hoặc tương tự dù vô tình hay cố ý thì cũng không được chấp nhận và hành vi đó của họ đã hàm chứa yếu tố lỗi.
Thứ hai, do thuộc tính vô hình của tài sản trí tuệ nói chung và thuộc tính riêng của nhãn hiệu. Thuộc tính vô hình được thể hiện qua mối quan hệ giữa quyền SHTT với các vật hữu hình và quyền sở hữu đối với vật đó[7]. Chủ sở hữu nhãn hiệu nhưng lại không cầm, giữ… được nó trong tay như các tài sản hữu hình thông thường. Mặt khác, nhãn hiệu là đối tượng có thể dễ dàng bắt chước ngay khi nó xuất hiện trên thị trường, dẫn đến tình trạng dễ bị mất quyền về mặt thực tế của chủ sở hữu. Bởi thế, pháp luật thường quy định người thứ ba (không phải chủ nhãn hiệu) có nghĩa vụ phải tôn trọng và thực hiện những biện pháp hợp lý để việc sử dụng nhãn hiệu của mình không xâm phạm quyền của người khác. Nếu một người sử dụng nhãn hiệu trong hoạt động kinh doanh mà thuộc vào những hành vi pháp luật quy định là không được phép thì có nghĩa là họ đã không thực hiện đúng nghĩa vụ của mình và điều này hàm nghĩa họ đã có lỗi.
Thứ ba, ngoài những trường hợp miễn trừ không làm tổn hại một cách bất hợp lý đến lợi ích hợp pháp của chủ thể sở hữu nhãn hiệu[8] và phù hợp với thực tiễn kinh doanh trung thực, không thấy tồn tại trên thực tế khả năng miễn trừ TNPL do chủ thể bị buộc phải thực hiện hành vi xâm phạm trong điều kiện bất khả kháng. Điều đó minh chứng việc thực hiện hành vi xâm phạm nhãn hiệu đã hàm chứa yếu tố lỗi của chủ thể thực hiện hành vi đó.
Qua những phân tích ở trên cho thấy, khi xem xét hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu làm cơ sở truy cứu TNPL thì chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm đã được suy đoán là có lỗi và do vậy, không cần xem xét đến yếu tố lỗi khi xác định có vụ việc xâm phạm quyền hay không.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù lỗi là yếu tố không cần xác định trong cấu thành VPPL nhưng trong những trường hợp nhất định yếu tố lỗi cũng được xem xét đến khi xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu. Do chức năng của nhãn hiệu là dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ thể này với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác nên điểm mấu chốt của việc xác định vụ việc xâm phạm nhãn hiệu là trả lời câu hỏi dấu hiệu bị nghi ngờ xâm phạm có trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đang được bảo hộ hay không. Để xác định mức độ tương tự gây nhầm lẫn giữa nhãn hiệu đang được bảo hộ và dấu hiệu nghi ngờ xâm phạm, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới sử dụng các tiêu chí[9] (8-11 tiêu chí), trong đó có một tiêu chí là dụng ý của bên bị cho là xâm phạm quyền SHCN khi sử dụng dấu hiệu bị nghi ngờ xâm phạm. Khi xác định được chủ thể bị nghi ngờ xâm phạm cố ý sử dụng dấu hiệu trùng, tương tự với nhãn hiệu đang được bảo hộ thì có thể kết luận mục đích của người này là muốn gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng. Tiêu chí này góp phần khẳng định bên bị nghi ngờ xâm phạm đã xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu. Vậy là, tuy lỗi có thể suy đoán nhưng trong chừng mực nhất định lỗi cũng là một yếu tố được cân nhắc khi xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu. Trong trường hợp lỗi cố ý thì chắc chắn là có việc xâm phạm quyền SHCN.
Như vậy, việc xác định một người có xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu hay không thì không cần phải xem xét đến yếu tố lỗi của chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm, do lỗi đã được suy đoán hàm chứa trong chính hành vi khách quan của chủ thể đó. Điều này phù hợp với tính chất đặc thù của tài sản trí tuệ và hoạt động bảo hộ quyền SHTT đồng thời cũng tạo thuận lợi cho chủ thể nắm giữ quyền SHCN trong việc bảo vệ nhãn hiệu của mình, bảo vệ quyền lợi của đối tượng chịu tác động của hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu là người tiêu dùng và xã hội. Tuy nhiên, nếu xác định được lỗi của chủ thể bị nghi ngờ xâm phạm thì kết luận về việc có hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu càng thêm chắc chắn.
3. Vai trò của việc xem xét yếu tố lỗi trong xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu
Như đã phân tích, tuỳ tính chất, mức độ của hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu mà người thực hiện hành vi xâm phạm sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự, hành chính hay hình sự. Lỗi của người thực hiện hành vi xâm phạm nhãn hiệu tuy không phải là yếu tố bắt buộc phải chỉ ra khi xác định vụ việc xâm phạm quyền SHCN nhưng lại là căn cứ để xác định hành vi xâm phạm đã vi phạm quan hệ pháp luật do ngành luật nào điều chỉnh, từ đó xác định được nội dung, biện pháp xử lý xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu.
Ở Việt Nam, theo quy định của Bộ luật Hình sự[10], lỗi cố ý là một trong những nội dung được quy định trong cấu thành tội phạm hình sự của tội xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu. Do vậy, xem xét ở góc độ lỗi thì chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có căn cứ chứng tỏ người này có lỗi cố ý khi thực hiện hành vi xâm phạm.
Ngoài ra, theo pháp luật và thực tiễn xét xử ở một số nước, trong một số trường hợp, việc xác định lỗi của chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm cũng có ý nghĩa quyết định làm phát sinh TNPL của chủ thể này. Lỗi cố ý là điều kiện bắt buộc phát sinh TNPL của người xâm phạm gián tiếp quyền SHCN đối với nhãn hiệu. Quy định này thường được tìm thấy ở những nước công nghiệp phát triển, nơi hệ thống pháp luật về SHCN có mức độ hoàn thiện hơn, có xu hướng bảo hộ một cách chặt chẽ hơn các quyền SHCN, đặc biệt là trong xu thế phát triển của công nghệ thông tin, tình trạng xâm phạm nhãn hiệu trong môi trường mạng Internet có xu hướng gia tăng. Theo đó, không chỉ những người trực tiếp xâm phạm đối tượng SHCN phải chịu TNPL mà những người có vai trò gián tiếp (người giúp sức, hỗ trợ, người xúi giục người trực tiếp thực hiện hành vi xâm phạm quyền SHCN) cũng bị coi là đã xâm phạm (gián tiếp) quyền SHCN và cũng phải chịu TNPL cho hành vi VPPL của mình. Trong trường hợp này, người vi phạm gián tiếp mặc dù biết rõ hoặc cần phải nhận thấy rõ hành vi của người được mình giúp sức, hỗ trợ hoặc xúi giục là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình cũng như người được mình giúp sức, hỗ trợ hoặc xúi giục nhưng vẫn cố ý để cho hậu quả xảy ra.
Luật Nhãn hiệu của Hoa Kỳ (Luật Lanham) không đề cập đến hành vi xâm phạm giúp sức và trách nhiệm gián tiếp song các toà án của Hoa Kỳ lại áp dụng những nguyên tắc tiền lệ dựa trên học thuyết về xâm phạm nhãn hiệu giúp sức cho những trường hợp xâm phạm quyền gián tiếp. TNPL cho hành vi xâm phạm nhãn hiệu và cạnh tranh không lành mạnh có thể được mở rộng không chỉ những người bán hàng hoá mang nhãn hiệu xâm phạm mà gồm cả những người giúp sức cho việc xâm phạm - những người cố ý hợp tác để thực hiện những hoạt động bất hợp pháp và có hại[11]. Bị đơn có thể phải chịu trách nhiệm về hành vi xúi giục vi phạm nếu anh ta có chủ đích gợi ý một cách trực tiếp cho người khác vi phạm nhãn hiệu của nguyên đơn và người đó đã thực hiện hành vi vi phạm, bị đơn cũng phải chịu trách nhiệm nếu bán hàng hoá đến người khác khi biết hoặc có lý do để biết rằng người mua sẽ sử dụng hàng hoá đó vào việc trực tiếp vi phạm nhãn hiệu của nguyên đơn[12].
 Để bảo vệ quyền SHCN đối với nhãn hiệu một cách chặt chẽ khỏi bị xâm phạm, một số điều khoản được quy định rõ trong Luật Nhãn hiệu Nhật Bản (từ khoản 2 đến khoản 8 Điều 37) để xác định những hành vi chuẩn bị trước khi thực hiện hành vi xâm phạm quyền với tư cách là hành vi xâm phạm gián tiếp[13]. Trong khi quyền yêu cầu xử lý xâm phạm nói chung có thể được tiến hành không cần quan tâm đến việc xem xét đến thái độ chủ quan của người thực hiện hành vi xâm phạm thì trong trường hợp xâm phạm gián tiếp, hành vi xâm phạm gián tiếp chỉ cấu thành khi có kèm theo yếu tố chủ quan của chủ thể xâm phạm như “nhằm mục đích chuyển giao, phân phối hoặc xuất khẩu”, “trong việc cung cấp các dịch vụ”, “nhằm mục đích sử dụng nhãn hiệu đó”, “nhằm mục đích khiến cho nhãn hiệu đó được sử dụng”, và đặc biệt rõ nhất là khoản 8 Điều 37 “hành vi sản xuất, chuyển giao, phân phối hoặc nhập khẩu, ở phạm vi thương mại, những vật dụng được sử dụng dành riêng cho việc sản xuất hàng hoá mang nhãn hiệu nhái hoặc tương tự với nhãn hiệu đang được bảo hộ của người khác”. Có thể thấy, trong trường hợp xâm phạm gián tiếp nhãn hiệu, thái độ chủ quan chứa đựng yếu tố lỗi cố ý của chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm có tính chất quyết định đến việc xác định hành vi xâm phạm quyền SHCN. Chỉ khi xác định được lỗi cố ý của chủ thể thực hiện hành vi xâm phạm gián tiếp thì hành vi đó mới bị coi là xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu.
Như vậy, khi xem xét hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu, yếu tố lỗi trong cấu thành hành vi xâm phạm để truy cứu TNPL nói chung được xác định theo nguyên tắc suy đoán lỗi. Điều đó có nghĩa là một chủ thể cứ thực hiện hành vi pháp luật quy định là hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu thì mặc nhiên bị suy đoán là có lỗi và phải chịu trách nhiệm cho hành vi vi phạm của mình. Tuy nhiên, ở một số nước có quy định việc chịu TNPL cho hành vi xâm phạm gián tiếp quyền SHCN đối với nhãn hiệu thì yếu tố lỗi có vai trò quyết định trong việc xác định xâm phạm. Người thực hiện hành vi xâm phạm gián tiếp nhãn hiệu chỉ bị truy cứu TNPL khi có lỗi cố ý. Ở Việt Nam, tuy không quy định về hành vi xâm phạm gián tiếp nhãn hiệu nhưng việc xác định hình thức và mức độ lỗi có vai trò quan trọng trong việc xác định biện pháp xử lý hành vi xâm phạm./.
 

[1] Trường Đại học Luật Hà Nội (2013), Giáo trình Lý luận Nhà nước và Pháp luật, Hà Nội.
[2] Điều 115 Bộ luật Dân sự năm 2015.
[3] Khoản 1 Điều 123 Luật SHTT năm 2005 (sửa đổi năm 2009).
[4] Trần Minh Dũng, Bảo vệ quyền SHTT bằng biện pháp hành chính (www.thanhtra.most.gov.vn).
[5] Shalid Alikhan (2007), Lợi ích kinh tế - xã hội của việc bảo hộ SHTT ở các nước đang phát triển, Tổ chức SHTT thế giới.
[6] Alan B. Morrison (1996, 1997, 1998, 1999), Fundamentals of American law, New York University School of Law, Oxford University Press.
[7] Lê Hồng Hạnh, Đinh Thị Mai Phương (2004), Bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
[8] Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (Hiệp định TRIPS), xem thêm tại: http://www.customs.gov.vn/Lists/VanBanPhapLuat/ViewDetails.aspx?List=b83d2062-3090-4797-af61-7498eff47f51&ID=5540&Web=c00daeed-988b-468d-b27c-717ca31ae3ff.
[9] Đề tài “Nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn nhằm xây dựng phương pháp xác định yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu” (2008), Viện Khoa học SHTT, Bộ Khoa học và công nghệ.
[10] Điều 226 Bộ luật Hình sự năm 2015.
[11] J. Thomas McCarthy, McCarthy On Trademark and Unfair Competition (2002) §§ 25:17, 18, referencing Warner & Co. v. Eli Lilly & Co., 265 U.S. 526 (1924) (applying common law concept of contributory infringement).
[12] Đinh Thị Mai Phương (2008), Lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại của pháp luật về SHCN Việt Nam và một số nước trên thế giới, Nhà nước và Pháp luật số 1/2008.
[13] Sachiko Serita, Takeshi Kikuchi (2010), Trademark Disputes and Their Handling, Japan Patent Office, Asia-Pacific Industrial Property Center, JIII.

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên ấn phẩm Nghiên cứu lập pháp số 1+2(329+330)-tháng 2/2017)