Kinh nghiệm khuyến khích phát triển sở hữu trí tuệ trong trường đại học ở nước ngoài

01/09/2013

PGS.TS. PHẠM DUY NGHĨA

Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Hoa Kỳ là một quốc gia có nhiều trường đại học nghiên cứu, những trường đại học đó dẫn đầu thế giới về số lượng các phát minh sáng chế được đăng ký bảo hộ. Để hậu thuẫn cho quá trình đó, Nhà nước thường định hướng cho các trường đại học ở quốc gia này ban hành chính sách quản lý SHTT, tuyên bố sở hữu của nhà trường đối với những đối tượng SHTT được tạo ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của nhà trường. 
 Untitled_434.png
Ảnh minh họa: nguồn internet
1. Xu thế khuyến khích phát triển sở hữu trí tuệ trong trường đại học ở nước ngoài
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ quốc tế WIPO, khoảng 1/3 các hoạt động nghiên cứu ở các nước công nghiệp được tiến hành bởi các viện và trường đại học. Các trường đại học ở các quốc gia đó đã được cấp nhiều văn bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, là chủ sở hữu của nhiều đối tượng sở hữu trí tuệ (SHTT)[1]. Đi đầu trong trào lưu này phải kể đến các trường đại học ở Hoa Kỳ. Chuyển giao công nghệ đã thực sự trở thành một ngành dịch vụ có doanh thu đáng kể ở quốc gia này. Từ khi đạo luật Bayh Dole Act được ban hành năm 1980, pháp luật Hoa Kỳ xác định trong trường hợp sáng chế được tạo ra với tài trợ từ ngân sách nhà nước, các trường đại học có quyền nhân danh chính mình để đăng ký sáng chế, quản lý và khai thác các sản phẩm SHTT như tài sản của nhà trường. Để thúc đẩy quá trình thương mại hóa SHTT từ đại học tới doanh nghiệp, pháp luật Hoa Kỳ định hướng cho các trường thành lập các văn phòng quản lý SHTT và chuyển giao công nghệ.
Sau hơn 10 năm thực thi đạo luật này, nhiều trường đại học Hoa Kỳ đã vượt xa các đại học ở Đức, Nhật, Anh và các quốc gia công nghiệp khác về số lượng sáng chế được đăng ký và được cấp văn bằng độc quyền. Năm 1993, Cục sáng chế Hoa Kỳ cấp 1.603 bằng sáng chế cho các trường đại học, trong khi ở Đức chỉ cấp 335 cho các trường đại học[2]. Cũng như vậy, vào năm 1995, các trường đại học Hoa Kỳ nộp 5.100 đơn xin cấp bằng sáng chế, thì các trường đại học ở Nhật Bản chỉ nộp 137 đơn[3].
Nhận biết được sự tụt hậu đó, Nhật Bản, Đức hay Anh Quốc đều đưa ra chính sách khuyến khích các trường đại học đăng ký sáng chế và tổ chức thương mại hóa chúng. Năm 1999, Nhật Bản ban hành đạo luật Phục hồi công nghiệp, trong đó có nhiều nội dung tương tự như Bayh Dole Act của Hoa Kỳ nhằm tuyên bố sở hữu các quyền SHTT thuộc về các trường đại học, kể cả trong trường hợp nhận được tài trợ của Chính phủ, đồng thời, nhà nước khuyến khích các trường đại học chuyển giao công nghệ từ nhà trường cho khu vực doanh nghiêp[4]. Ở Anh, Cơ quan quản lý SHTT đã hướng dẫn các trường đại học xây dựng chính sách SHTT để nâng cao uy tín cho các trường. Trong số 166 trường đại học ở Anh có đăng ký cấp bằng sáng chế, khoảng 16 trường dẫn đầu trong các năm 2006-2010 đã được cấp 335 bằng sáng chế[5].
Theo Cục Sáng chế Hoa Kỳ, trong tổng số khoảng 4.300 trường đại học được công nhận về tín chỉ ở Hoa Kỳ, nếu chỉ tính riêng 250 trường dẫn đầu về nghiên cứu khoa học, trong 20 năm, kể từ 1988-2008 đã được Cục sáng chế Hoa Kỳ cấp 56.138 sáng chế, trong số đó dẫn đầu là năm trường University of California, MIT, California Insitute of Technology, University of Texas và Stanford University[6]. Ngoài việc đăng ký và được cấp một số lượng đáng kể sáng chế nêu trên, nhiều trường đại học ở Hoa Kỳ còn năng động trong việc thương mại hóa các quyền SHTT. Từ khi thực hiện đạo luật Bayh Dole Act (ban hành năm 1980), cho đến năm 2006, chỉ riêng Đại học Stanford đã thu về 597 triệu USD các loại phí chuyển nhượng li-xăng, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp[7].
Ở Trung Quốc, mặc dù lĩnh vực pháp luật về SHTT còn khá mới, song nước này nhanh chóng hối thúc các trường đại học hàng đầu tổ chức quản lý và khai thác SHTT theo mô hình Hoa Kỳ. Năm 2002, Bộ Khoa học và công nghệ và Bộ Tài chính ban hành quy định liên bộ có tên gọi “Các biện pháp quản lý SHTT được thực hiện bởi tài trợ của chính phủ” được giới chuyên môn cho là có những nội dung tương tự như đạo luật Bayh Dole Act của Hoa Kỳ[8]. Trung Quốc tuyên bố các sáng chế được làm ra từ tài trợ của nhà nước thuộc về trường đại học và các trường này có quyền quản lý, khai thác, thương mại hóa các quyền SHTT được xác lập. Cùng với hoạt động lập pháp, trên thực tế số lượng các đơn đăng ký sáng chế của các trường đại học Trung Quốc đã tăng lên nhanh chóng. Tuy nhiên, phần lớn đơn yêu cầu cấp sáng chế tập trung ở một vài trường đại học tinh hoa, dẫn đầu là Đại học Thanh Hoa, Đại học Bắc Kinh và Đại học Công nghệ Trung Hoa. Trong các năm 1985-2000, Đại học Thanh Hoa đã nộp 1.587 đơn yêu cầu cấp sáng chế, từ năm 2001 đến nay, số lượng đơn này tăng 26% hàng năm.
2. Kinh nghiệm xây dựng chính sách sở hữu trí tuệ của một số trường đại học nước ngoài
Từ kinh nghiệm của các trường đại học Hoa Kỳ, Đức, Anh, Nhật và Trung Quốc, có thể nhận thấy, Nhà nước cần hối thúc các trường đại học ban hành Quy chế quản lý SHTT trong nhà trường và tổ chức một đơn vị có chức năng quản lý các quyền SHTT được tạo ra trong khuôn khổ hoạt động giảng dạy, nghiên cứu và cung ứng dịch vụ của một trường đại học[9].
Trong số năm trường hàng đầu Hoa Kỳ về quản lý và khai thác thương mại các quyền SHTT, nhất là khai thác các độc quyền sáng chế, đứng đầu là Đại học Stanford và Massachussetts Institute of Technology (gọi tắt là MIT). Về quy chế quản lý SHTT, phần quản lý SHTT là một chính sách nhất quán, có truyền thống của Đại học Stanford. Nội dung chính tập trung vào xác định sở hữu của nhà trường đối với các sáng chế và bản quyền tác giả. Các cán bộ giảng viên và người học khi được tuyển dụng hoặc nhập học, tất cả giảng viên thỉnh giảng và thực tập sinh khi làm việc tại Stanford phải ký vào một bản tuyên bố chấp nhận các quy định về quản lý SHTT của Stanford[10]. Bộ phận quản lý về SHTT và khai thác quyền có tên gọi là Văn phòng chuyển nhượng công nghệ Stanford. Văn phòng này quản lý SHTT hiệu quả bậc nhất trong các trường đại học ở Hoa Kỳ[11]. Riêng năm 2005, Văn phòng này thu về cho Đại học Stanford doanh thu 384 triệu USD từ phí nhượng quyền SHTT[12]. Văn phòng cũng tư vấn cho Đại học Stanford đầu tư vào các công ty có thể sử dụng SHTT của trường. Vào năm 2007, Đại học Stanford có cổ phần với giá trị khoảng 22 triệu USD đầu tư vào 75 công ty để thúc đẩy thương mại hóa các sản phẩm SHTT của nhà trường[13].
Ngoài Đại học Stanford, MIT cũng là một Viện đại học điển hình công bố rõ ràng các chính sách quản lý SHTT của mình[14]. Phần quy định này nhấn mạnh về sở hữu đối với các quyền SHTT được tạo ra bởi cán bộ, giảng viên và học viên của MIT, các quy định về quyền tác giả của học viên đối với các luận văn, luận án, quyền tác giả đối với các tài liệu giảng dạy, nghĩa vụ công khai hóa thông tin, quyền được ưu tiên sử dụng của nhà trường, quy trình thương mại hóa SHTT và công thức phân bổ lợi nhuận từ hoạt động này.
Sáng chế, thương hiệu, phần mềm tạo ra trong quá trình thực thi nhiệm vụ có sử dụng đáng kể các tài nguyên của MIT đều thuộc sở hữu của MIT. Quyền tác giả đối với giáo trình, nếu được MIT cung cấp chi phí và thuộc chương trình do MIT tài trợ, đều thuộc về MIT. Ngược lại, nếu không có thỏa thuận riêng, tác giả các giáo trình là người có bản quyền đối với các tác phẩm này. Cũng như vậy, nếu được tài trợ toàn phần hoặc phần đáng kể bởi MIT, các luận văn, luận án đều thuộc bản quyền của MIT. Nếu không có tài trợ, bản quyền thuộc về người học, tuy nhiên MIT đương nhiên có quyền sử dụng miễn phí các sản phẩm này, có quyền in ấn các sản phẩm này.
Ngoài kinh nghiệm của hai trường đại học hàng đầu của Hoa Kỳ kể trên, có thể tham khảo thêm kinh nghiệm từ Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc). Từ hơn 10 năm nay, Đại học Thanh Hoa xây dựng một Quy chế quản lý SHTT chung áp dụng cho toàn thể giảng viên, cán bộ công nhân viên, nghiên cứu sinh, sinh viên và thỉnh giảng. Quy chế này bao gồm các quy định quản lý sáng chế, bí mật thương mại, bí quyết, thương hiệu, quyền tác giả và các quyền kề cận. Quy chế này định nghĩa mọi đối tượng SHTT nếu được tạo ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của nhà trường, với sự tài trợ của nhà trường, nếu có dấu hiệu tạo ra một sáng chế thì người nghiên cứu phải báo cáo cho trường thành viên hoặc khoa thuộc Đại học Thanh Hoa. Cơ quan này sẽ xem xét và quyết định, hoặc sẽ tiến hành các biện pháp bảo mật, hoặc tiến hành cấm công bố, hoặc sẽ nộp đơn yêu cầu cấp sáng chế tùy theo từng đối tượng của phát minh. Kể cả khi nhân viên của Thanh Hoa tìm ra sáng chế ở bất kỳ đại học trong và ngoài nước, sáng chế đó vẫn thuộc Thanh Hoa, nếu không có thỏa thuận khác[15].
Nhờ chính sách này, Đại học Thanh Hoa đã gặt hái được nhiều thành công về quản lý SHTT. Trong giai đoạn từ 1985-2010, Đại học Thanh Hoa đã được cấp 11.000 độc quyền sáng chế và giải pháp hữu ích, trong đó có 9.684 sáng chế, đăng ký 828 phần mềm máy tính, trong số đó 400 sáng chế đã được cấp bằng độc quyền ở nước ngoài[16]. Trong các năm 2009-2010, Đại học Thanh Hoa cũng đã ký được 70 hợp đồng chuyển nhượng li-xăng sử dụng các sáng chế của nhà trường.
3. Kết luận
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Hoa Kỳ là một quốc gia có nhiều trường đại học nghiên cứu, những trường đại học đó dẫn đầu thế giới về số lượng các phát minh sáng chế được đăng ký bảo hộ. Để hậu thuẫn cho quá trình đó, Nhà nước thường định hướng cho các trường đại học ở quốc gia này ban hành chính sách quản lý SHTT, tuyên bố sở hữu của nhà trường đối với những đối tượng SHTT được tạo ra trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của nhà trường. Sau khi bảo hộ quyền, nhiều trường đại học đã thương mại hóa thành công các quyền SHTT, đóng góp đáng kể nguồn tài chính cho nhà trường từ hoạt động chuyển giao công nghệ và nhượng quyền. Thậm chí nhà trường còn đầu tư cổ phần vào các công ty, từ đó khuyến khích việc chuyển giao công nghệ từ nhà trường ra khu vực doanh nghiệp. Ngược lại, các trường đại học châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc mới bắt đầu quá trình này. Các quốc gia này đều khuyến khích các trường  đại học học tập theo mô hình các đại học nghiên cứu của Hoa Kỳ, các trường đều được khuyến cáo ban hành chính sách quản lý SHTT, tiến hành xác lập quyền, tổ chức một bộ phận chuyên trách phụ trách về SHTT và bước đầu tiến hành thương mại hóa các đối tượng SHTT mà nhà trường xác lập được

 


[1]http://www.wipo.int/freepublications/en/general/1033/wipo_pub_1033.pdf Đọc thêm: Trần Văn Hải (2011), Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu – Tiếp cận từ quyền sở hữu trí tuệ, Tạp chí Hoạt động khoa học số tháng 4.2011
[2]Becher/Gering/Lang/Schmoch, "Patentwesen an Hochschulen - Eine Studie zum Stellenwert gewerblicher Schutzrechte im Technologietransfer Hochschule-Wirtschaft", Hrsg. Bundesministerium für Bildung, Wissenschaft, Forschung und Technologie, Bonn 1996.
[4]Toshiko Takenaka, Technology Licensing and University Research in Japan, International Journal of Intellectual Property law, Economy and Management 1 (2005) 27-36
[7] Nigel Page, The Making of a Licensing Legend: StanfordUniversity’s Office of Technology Licensing, in trong: Globe White Page Ltd, London, U.K.Sharing the Art of IP Management, 2007
[8]Hua Guo (2009), “IP Management at Chinese Universities”, IPhandbook of best practices, truy cập ngày 21/05/2012 tại http://www.iphandbook.org/handbook/ch17/p09/
[9]Stanley P. Kowalski, (2007) Making the Most of Intellectual Property: Developing an Institutional IP Policy, TheFranklinPierceLawCenter, U.S.A, In Intellectual Property Management in Health and Agricultural Innovation: A Handbook of Best Practices (eds. A Krattiger, RT Mahoney, L Nelsen, et al.). MIHR: Oxford, U.K., and PIPRA: Davis, U.S.A. Available online at www.ipHandbook.org.
[10]Các mẫu thỏa thuận có thể tải về từ Cẩm nang Stanford: http://rph.stanford.edu/Chpt5.html
[12]Page N. 2007. The Making of a Licensing Legend: StanfordUniversity’s Office of Technology Licensing. In Intellectual Property Management in Health and Agricultural Innovation: A Handbook of Best Practices (eds. A Krattiger, RT Mahoney, L Nelsen, et al.). MIHR: Oxford, U.K., and PIPRA: Davis, U.S.A. Available online at www.ipHandbook.org
[13] Page N. 2007, tlđd.
[15]Xem Hua Quo (2009) trích dẫn ở trên
[16]Xem tin từ Đại học Thanh Hoa (TQ): http://www.tsinghua.edu.cn/publish/then/5993/index.html

(Nguồn tin: Bài viết đăng tải trên Ấn phẩm Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 18(250), tháng 9/2013)